Bệnh Viêm Khớp Cùng Chậu
Viêm khớp cùng chậu (Sacroiliitis) là tình trạng đau và viêm ở một hoặc cả hai khớp cùng chậu. Tình trạng này có thể gây đau dữ dội, cứng ở mông hoặc lưng dưới, đau lan xuống chân làm ảnh hưởng đến vận động.
Tổng quan
Viêm khớp cùng chậu là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm của một hoặc cả hai khớp cùng chậu. Những khớp này nằm ngay tại nơi xương sống (phần hình tam giác cuối cùng của cột sống) và xương chậu dưới gặp nhau.
Khớp cùng chậu bị viêm thường gây đau đớn kèm theo cứng ở mông hoặc lưng dưới. Cơn đau có thể lan xuống đùi, bắp chân, đau nặng hơn khi ngồi lâu hoặc leo cầu thang.
Viêm khớp cùng chậu thường khó được chẩn đoán. Nguyên nhân là do có nhiều tình trạng khác nhau có thể gây đau đớn ở cùng một vị trí.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có nhiều nguyên nhân gây viêm khớp cùng chậu, bao gồm:
- Viêm khớp vảy nến: Bệnh viêm khớp vảy nến thường ảnh hưởng đến khớp cùng chậu. Bệnh lý này gây sưng và đau khớp ở bệnh nhân bị vảy nến.
- Viêm cột sống dính khớp: Viêm khớp cùng chậu thường là dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm cột sống dính khớp. Đây là một bệnh thấp khớp gây cứng khớp và viêm khớp ờ hông và cột sống.
- Viêm xương khớp: Đây là một loại viêm khớp do hao mòn có thể ảnh hưởng đến khớp cùng chậu. Bệnh xảy ra khi mô đệm cho các xương trong khớp bị hao mòn hoặc dây chằng hỗ trợ khớp cùng chậu bị đứt.
- Chấn thương: Chấn thương có thể gây ra những tổn thương cho khớp cùng chậu và dây chằng hỗ trợ khớp. Điều này gây đau và dẫn đến những triệu chứng của viêm.
- Mang thai: Phụ nữ mang thai thường có nguy cơ bị viêm khớp cùng chậu cao hơn. Nguyên nhân là do các hormone được tạo ra trong quá trình mang thai làm giãn các cơ và dây chằng của khung chậu. Điều này khiến khớp cùng chậu xoay, tăng nguy cơ viêm và đau. Ngoài ra trọng lượng của thai nhi tăng dần làm căng thẳng cho khớp cùng chậu. Điều này dẫn đến sự xói mòn của khớp và kích thích phản ứng viêm.
- Nhiễm trùng: Mặc dù hiếm gặp nhưng khớp cùng chậu có thể bị nhiễm trùng dẫn đến viêm khớp cùng chậu sinh mủ. Bệnh lý này thường liên quan đến vi khuẩn Staphylococcus aureus.
Triệu chứng và chẩn đoán
Đau nhức và cứng ở mông hoặc lưng dưới là triệu chứng của viêm khớp cùng chậu. Cơn đau có thể ảnh hưởng đến háng, đùi, lan xuống hai cẳng chân hoặc bàn chân.
Đau thường dữ dội và sắc nét, giảm khi vận động. Đau tăng lên khi thực hiện một số hoạt động dưới đây:
- Ngủ hoặc ngồi lâu
- Leo cầu thang
- Chạy
- Đứng rất lâu
- Đặt trọng lượng lên một chân hoặc thực hiện những bước lớn để di chuyển về phía trước
- Sau khi xoay hông
- Ra khỏi ghế.
Bệnh nhân được kiểm tra vị trí và mức độ đau đớn, tiền sử bệnh (bao gồm cả những rối loạn và viêm nhiễm trước đó). Để xác định chẩn đoán, những xét nghiệm bổ sung sẽ được thực hiện, bao gồm:
- Kiểm tra thể chất: Người bệnh được yêu cầu di chuyển theo những hướng cụ thể, xoay hông hoặc thực hiện một vài động tác khác nhau. Đôi khi bác sĩ ấn nhẹ để tạo áp lực lên cột sống, khớp cùng chậu, hông và chân. Điều này có thể xác định chính xác vị trí đau.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này được thực hiện để tìm dấu hiệu viêm nhiễm.
- Chụp X-quang: Bác sĩ thường yêu cầu chụp X-quang để kiểm tra vấn đề của xương, bao gồm cả những bệnh lý và chấn thương liên quan.
- Chụp MRI hoặc CT: Nếu nghi ngờ chấn thương là nguyên nhân gây đau, bác sĩ có thể đề nghị chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Điều này giúp tìm thấy những thay đổi ở khớp cùng chậu.
- Tiêm steroid: Trong quá trình thăm khám, bệnh nhân có thể được tiêm steroid vào khớp cùng chậu. Phương pháp này vừa là một xét nghiệm chẩn đoán và điều trị nếu nó giảm đau.
Biến chứng và tiên lượng
Dùng thuốc theo chỉ định có thể sớm cắt giảm cơn đau và cải thiện vận động cho người bệnh. Nếu không được điều trị, những biến chứng do viêm và đau khớp có thể xảy ra, bao gồm:
- Mất khả năng vận động
- Viêm cột sống dính khớp tiến triển theo thời gian khiến các xương của cột sống dính vào nhau và cứng lại
- Gián đoạn giấc ngủ dẫn đến mất ngủ
- Trầm cảm.
Điều trị
Điều trị viêm khớp cùng chậu dựa vào nguyên nhân và triệu chứng. Người bệnh thường được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc tại nhà xen kẽ với luyện tập và dùng thuốc. Những trường hợp viêm nặng và đau nhiều có thể cần phải phẫu thuật.
1. Chăm sóc và giảm đau tại nhà
Những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp làm dịu cơn đau do viêm khớp cùng chậu. Bao gồm:
- Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi đầy đủ và thực hiện những tư thế tốt. Tánh lao động gắng sức và không thực hiện những hoạt động có thể làm trầm trọng hơn cơn đau.
- Chườm đá và ấm: Thường xuyên chuyển đổi giữa chườm đá và chườm ấm để giảm đau hiệu quả hơn. Chườm đá có tác dụng giảm sưng, viêm và ngăn đau. Trong khi chườm ấm có tác dụng giảm đau, tăng lưu thông máu và thư giãn.
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Hãy thử sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen và Ibuprofen. Những loại thuốc này có thể giúp giảm cảm giác khó chịu và đau đớn. Nếu đau không giảm sau 1 - 2 ngày dùng thuốc, hãy liên hệ với bác sĩ để được sử dụng một loại thuốc giảm đau mạnh hơn.
2. Thuốc
Những loại thuốc thường được kê đơn để điều trị viêm khớp cùng chậu:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen và Naproxen natri (Aleve) thường được sử dụng để giảm viêm và đau. Nếu đau nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau mạnh hơn.
- Thuốc giãn cơ: Cyclobenzaprine (Amrix) hoặc một loại thuốc giãn cơ khác sẽ được sử dụng trong điều trị viêm khớp cùng chậu. Thuốc này giúp giảm co thắt cơ và giảm đau hiệu quả.
- Tiêm steroid vào khớp: Bệnh nhân được tiêm Corticosteroid vào khớp cùng chậu để làm dịu cơn đau, giảm sưng và viêm. Steroid thường mang đến hiệu quả nhanh và cao. Tuy nhiên thuốc chỉ được tiêm tối đa 4 mũi trong năm để tránh làm suy yếu xương và gân.
- Thuốc sinh học: Thuốc sinh học thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm khớp cùng chậu nghiêm trọng hơn. Trong đó thuốc ức chế interleukin-17 và TNF đều có tác dụng giảm viêm.
- Thuốc ức chế interleukin-17 (IL-17): Thuốc này giúp giảm viêm và đau bằng cách ngăn chặn hoạt động của cytokine IL-17. Trong đó Ixekizumab (Taltz) hoặc Secukinumab (Cosentyx) có thể được sử dụng.
- Các chất ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF): Thuốc này giúp điều chỉnh cách hệ thống miễn dịch làm giảm viêm và những triệu chứng liên quan. Những loại TNF thường được sử dụng gồm Rnfliximab (Remiacade), Golimumab (Simponi), Etanercept (Enbrel) và Adalimumab (Humira).
3. Vật lý trị liệu
Người bệnh được hướng dẫn những bài tập kéo giãn và tăng cường cơ bắp. Những bài tập này có tác dụng thư giãn khớp cùng chậu, cơ và dây chằng quanh khớp. Đồng thời giúp giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động.
Ngoài ra các bài tập vật lý trị liệu còn giúp giữ cho lưng dưới và hông được linh hoạt, cải thiện tư thế và tăng cường sức mạnh giúp bảo vệ khớp.
Chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn những tư thế sinh hoạt và các bài tập tại nhà để giúp bạn cải thiện tình trạng tốt hơn.
4. Can thiệp ngoại khoa
Nếu điều trị bảo tồn không hiệu quả, người bệnh sẽ được phẫu thuật hoặc thực hiện một số thủ tục khác. Dựa vào mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị:
- Kích thích điện: Trong thủ tục, bác sĩ tiến hành cấy vào cột sống một thiết bị kích thích điện. Thiết bị này có thể giúp giảm đau do viêm khớp cùng chậu.
- Khử tín hiệu tần số vô tuyến: Phương pháp này giúp giảm đau bằng cách phá hủy hoặc làm hỏng dây thần kinh gây đau.
- Hợp nhất chung: Hiếm khi bệnh nhân được phẫu thuật hợp nhất để giảm đau do viêm khớp cùng chậu. Trong quy trình này, bác sĩ sử dụng thiết bị cấy ghép kim loại như đinh và vít để nối hai xương lại với nhau.
Phòng ngừa
Không có cách ngăn ngừa viêm khớp cùng chậu. Nếu có dấu hiệu đau và cứng các vùng quanh khớp, người bệnh có thể tránh những hoạt động gây đau để giảm bớt triệu chứng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì có khả năng dẫn đến những triệu chứng của tôi?
2. Tôi được điều trị như thế nào?
3. Điều trị trong bao lâu thì khỏi?
4. Những bài tập nào có thể giúp cải thiện tình trạng của tôi?
5. Tôi cần tránh những gì để ngăn đau thêm nghiêm trọng?
6. Những tác dụng phụ nào có thể gặp khi dùng thuốc?
7. Phương pháp điều trị tốt nhất là gì?
Đau do viêm khớp cùng chậu có thể gây mất ngủ và tăng nguy cơ trầm cảm. Để sớm khắc phục, cần dùng thuốc và luyện tập theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra nên tránh những hoạt động có thể gây đau để không làm nặng hơn triệu chứng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!