Viêm Khớp Gối
Viêm khớp gối xảy ra khi sụn khớp bị hao mòn, các xương cọ xát vào nhau khi di chuyển. Bệnh gây đau, cứng khớp, giảm phạm vi chuyển động khiến người bệnh đi lại khó khăn.
Tổng quan
Viêm khớp gối là tình trạng viêm dẫn đến sưng, cứng và đau ở khớp gối. Tình trạng này xảy ra khi sụn bảo vệ đầu gối (sụn chêm) và xương dưới sụn bị hao mòn.
Khớp gối là một khớp lớn, cấu trúc gồm 3 xương (xương bánh chè, mâm chày, xương lồi cầu đùi), lớp sụn bao bọc xương và cấu trúc phần mềm (các dây chằng, gân, cơ). Trong đó những mảnh sụn khớp giữ cho các đầu xương không cọ xát với nhau, cấu trúc phần mềm giữ cho khớp ổn định và thực hiện trơn tru các hoạt động.
Tuy nhiên áp lực từ trọng lượng và nhu cầu di chuyển hàng ngày làm tăng nguy cơ chấn thương. Điều này gây ra tổn thương ở dạng viêm khớp. Tùy thuộc vào loại viêm khớp khác nhau, người bệnh sẽ có những triệu chứng và phương pháp điều trị thích hợp.
Phân loại
Dưới đây là phân loại và những giai đoạn của viêm khớp gối:
Phân loại
Có hơn 100 loại viêm khớp. Dưới đây là những loại viêm khớp phổ biến nhất ở đầu gối:
- Viêm khớp sau chấn thương
Viêm khớp gối sau chấn thương là tình trạng viêm khớp phát triển sau một chấn thương nghiêm trọng. Bệnh liên quan đến những vết thương cũ ở đầu gối hoặc khớp xung quanh, chẳng hạn như giãn dây chằng, trật khớp gối...
Chấn thương làm tăng tốc độ lão hóa hoặc gây ra sự mài mòn cho khớp gối. Từ đó dẫn đến viêm xương khớp kèm theo sưng và đau ở khớp gối.
- Thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp còn được gọi là viêm xương khớp (OA) - viêm khớp do thoái hóa. Đây là một loại viêm khớp phổ biến nhất ở đầu gối. Bệnh xảy ra khi lớp sụn bảo vệ và bao bọc xương ở đầu gối (sụn chêm) bị xói mòn. Điều này khiến các xương cọ xát với nhau và gây đau khi di chuyển.
Theo thời gian, các gai xương phát triển ở đầu xương như một phần nỗ lực để chữa lành tổn thương của cơ thể. Tuy nhiên gai xương lớn có thể chèn ép vào mô mềm dẫn đến đau và hạn chế khả năng vận động.
Một số triệu chứng của thoái hóa khớp gối:
-
- Đau đầu gối. Đau tăng khi vận động và đỡ hơn khi nghỉ ngơi
- Sưng tấy
- Cứng đầu hối, đặc biệt là sau khi ngồi một lúc hoặc vào buổi sáng
- Cảm thấy ấm trong khớp
- Khó khăn khi đi lại, giảm khả năng vận động
- Có tiếng kêu cót két, lục cục hoặc lạo xạo khi cử động đầu gối.
- Viêm khớp gút
Bệnh gút là một dạng viêm khớp xảy ra do sự tích tụ của những tinh thể axit uric trong các khớp. Bệnh lý này chủ yếu ảnh hưởng đến khớp ngón chân cái. Tuy nhiên theo thời gian, viêm khớp gút có thể ảnh hưởng đến đầu gối hoặc bất kỳ khớp nào khác trên cơ thể.
Khi cơ thể phá vỡ những hợp chất có nhân purin, axit uric sẽ hình thành. Thông thường, axit uric không gây hại và được đưa ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên một số yếu tố khiến lượng axit uric tăng cao và hình thành những tinh thể urat. Chúng tập hợp ở khớp gối dẫn đến đau, viêm và sưng tấy.
- Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh rối loạn tự miễn dịch. Trong đó hệ miễn dịch nhầm lẫn sụn bảo vệ là chất có hại và tấn công. Cuối cùng làm phá hủy các mô của khớp.
RA thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ trước tiên, như khớp bàn tay, ngón tay, bàn chân và ngón chân. Khi tiến triển, bệnh có thể xảy ra ở đầu gối và những khớp khác.
Một số dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp dạng thấp gồm:
-
- Đau, sưng và ấm khớp
- Cứng khớp, thường nghiêm trọng hơn vào buổi sáng
- Mệt mỏi
- Sốt
- Chán ăn.
Ngoài ra viêm khớp dạng thấp cũng gây ra những triệu chứng không liên quan đến khớp. Chẳng hạn như những tổn thương ở thận, tim, phổi, da, mắt và nhiều cơ quan khác.
+ Giai đoạn tiến triển
Những giai đoạn của viêm khớp gối gồm:
- Giai đoạn 0: Đầu gối khỏe mạnh và không bị viêm khớp gối.
- Giai đoạn 1: Khớp gối bắt đầu hao mòn, chưa nhận thấy đau.
- Giai đoạn 2: Đây là giai đoạn nhẹ của viêm khớp. Trong đó đầu gối có những tổn thương nhẹ dẫn đến đau và cứng khớp. Tuy nhiên sụn khớp vẫn còn và giữ cho các xương không chạm vào nhau.
- Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn trung bình của viêm khớp. Ở giai đoạn này, sụn đã bị thu hẹp và xuất hiện nhiều gai xương. Bệnh nhân bị đau khớp gối nhiều hơn, đặc biệt là khi thực hiện những cử động ở khớp như ngồi xổm, đi, chạy và quỳ gối. Đau và cứng khớp nghiêm trọng hơn vào buổi sáng.
- Giai đoạn 4: Giai đoạn 4 là giai đoạn nặng của viêm khớp gối. Trong giai đoạn này, sụn gần như biến mất, đầu gối cứng, đau đớn dữ đội và bất động. Hầu hết những trường hợp này đều được yêu cầu phẫu thuật để thay khớp gối.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nhiều loại viêm khớp gối có nguyên nhân không được biết rõ. Tuy nhiên một số vấn đề dưới đây có thể liên quan:
- Lão hóa: Thoái hóa khớp gối xảy ra do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Theo thời gian, sụn khớp mất nước và giảm tính đàn hồi. Cùng với những chuyển động quá mức, lớp đệm bảo vệ khớp hao mòn khiến những đầu xương cọ xát vào nhau. Viêm xương khớp thường gặp ở những người trên 50 tuổi.
- Béo phì: Cân nặng dư thừa làm tăng áp lực cho đầu gối, sụn khớp hao mòn dẫn đến viêm xương khớp. Ngoài ra những người thừa cân béo phì có nhiều mô hơn. Những mô này sẽ phân hủy thành axit uric và gây viêm khớp gút.
- Chấn thương trong quá khứ: Viêm khớp gối xảy ra ở những người có chấn thương không được điều trị tốt trong quá khứ.
- Dị tật xương: Dị tật xương khiến bạn bị vẹo một cách tự nhiên và tăng nguy cơ viêm khớp. Nguyên nhân là do tư thế sai lệch làm tăng áp lực lên các khớp, đặc biệt là đầu gối.
- Lạm dụng khớp: Thoái hóa khớp gối xảy ra khi đầu gối chịu nhiều áp lực do chạy bộ, làm những công việc năng động hoặc chơi thể thao quá mức.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp gối gồm:
- Đau đầu gối
- Đau đột ngột hoặc tiến triển từ từ
- Đau nặng hơn khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi
- Đau tăng theo thời gian và mức độ viêm khớp
- Đau tăng khi thời tiết lạnh, căng thẳng hoặc hoạt động quá mức
- Cứng khớp, thường gặp vào buổi sáng hoặc sau một khoảng thời gian nghỉ ngơi
- Sưng khớp. Sưng cứng do gai xương hoặc sưng mềm do chất lỏng tích tụ quanh khớp viêm
- Sờ thấy ấm và đỏ khớp
- Mất tính ổn định khớp và khóa khớp khi gai xương hình thành do sụn bị xói mòn và các xương cọ xát với nhau
- Khuỵu gối
- Nghe thấy tiếng kêu lạo xạo, lục cục hoặc răng rắc khi uốn cong hoặc duỗi thẳng đầu gối
- Giảm phạm vi chuyển động, khó cử động trơn tru
- Mất không gian chung (nhìn thấy qua hình ảnh X-quang)
- Biến dạng đầu gối.
Trong lần hẹn đầu tiên, người bệnh được hỏi về những triệu chứng, tiền sử bệnh và chấn thương. Bác sĩ có thể xem khớp gối của bạn, yêu cầu co duỗi hoặc đi lại để xem mức độ tổn thương.
Ngoài ra người bệnh sẽ được yêu cầu một số xét nghiệm chẩn đoán để rõ hơn về tình trạng. Bao gồm:
- Chụp X-quang: X-quang cung cấp hình ảnh chi tiết về xương và những cấu trúc dày đặc khác. Điều này có thể cho thấy không gian khớp bị thu hẹp, hình ảnh gai xương và những thay đổi trong xương. Từ đó phân biệt các loại viêm khớp khác nhau.
- Chụp MRI hoặc CT: Bác sĩ có thể chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT). Những xét nghiệm này cung cấp hình ảnh chi tiết giúp đánh giá chuẩn xác tình trạng của mô mềm và xương ở đầu gối. Từ đó xác định tổn thương.
- Xét nghiệm máu: Đôi khi xét nghiệm máu được đề nghị để kiểm tra nhiễm trùng và xác định loại viêm khớp mà bạn mắc phải. Trong đó xét nghiệm máu có thể giúp chẩn đoán chính xác viêm khớp dạng thấp.
Biến chứng và tiên lượng
Hầu hết các loại viêm khớp gối là một tình trạng suốt đời, không có cách chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên những phương pháp điều trị có thể làm chậm hoặc ngăn viêm tiến triển, giảm nhẹ các triệu chứng và cải thiện khả năng vận động cho bệnh nhân.
Khi không được điều trị, người bệnh có thể gặp những biến chứng dưới đây:
- Giảm hoặc mất chức năng vận động
- Đau đầu gối mãn tính
- Cứng khớp gối
- Biến dạng khớp gối
- Teo cơ
- Yếu chi
- Hỏng khớp hoàn toàn
- Tăng nguy cơ tàn phế và bại liệt.
Điều trị
Điều trị ban đầu cho viêm khớp gối là những phương pháp bảo tồn. Khi không đáp ứng tốt hoặc khớp có dấu hiệu hỏng nặng, phẫu thuật có thể được đề nghị.
1. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Thay đổi những thói quen trong sinh hoạt để tránh làm tăng áp lực lên đầu gối và ngăn tổn thương thêm. Ngoài ra nên áp dụng thêm những biện pháp chăm sóc để làm dịu triệu chứng.
- Chườm ấm
Chườm ấm đầu gối vài lần mỗi ngày có thể giúp giảm đau và cứng khớp. Nhiệt độ cao giúp thư giãn các cơ và dây chẳng giữ khớp ổn định, tăng lưu thông máu và làm dịu cơn đau.
Ngoài ra biện pháp chườm ấm còn có tác dụng giảm cứng khớp và cải thiện phạm vi chuyển động. Khi thực hiện, đặt chai nước ấm hoặc túi chườm ấm lên đầu gối 20 phút mỗi lần.
- Chườm lạnh
Nếu đầu gối sưng nóng hoặc chấn thương, hãy thử chườm lạnh vài lần mỗi ngày, mỗi lần từ 10 - 15 phút. Biện pháp này có tác dụng giảm viêm, giảm sưng nóng và làm dịu cơn đau hiệu quả.
- Nghỉ ngơi
Nếu đau nhiều, hãy giữ cho khớp ở nghỉ ngơi. Điều này giúp làm dịu cơn đau.
- Đeo băng đàn hồi
Bệnh nhân có thể được hướng dẫn đeo băng đàn hồi để hỗ trợ đầu gối khi di chuyển. Từ đó giảm đau hiệu quả.
- Duy trì vận động
Tránh giữ khớp bất động trong thời gian dài. Hãy đi lại hoặc thực hiện những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với mức độ tổn thương. Điều này giúp ngăn viêm xương khớp tiến triển, giảm cứng khớp và duy trì chức năng vận động.
Chuyển từ những hoạt động có tác động mạnh (như đánh cầu lông, chạy bộ) sang hoạt động có tác đông thấp hơn (như đi bộ, đạp xe và bơi lội) sẽ giúp duy trì những hoạt động tích cực. Đồng thời giảm căng thẳng cho đầu gối.
Ngoài ra có thể thử những bài tập thăng bằng, tăng cường sức cơ, các bài tập phối hợp và nhanh nhẹn. Những bài tập này sẽ giúp tăng tính ổn định cho đầu gối, cải thiện chức năng và tốc độ vận động.
- Giảm cân
Giảm cân ở những người thừa cân béo phì để giảm căng thẳng cho đầu gối. Điều này giúp làm chậm hoặc ngăn tổn thương tiến triển. Đồng thời tăng cường chức năng, giảm đau và những triệu chứng khác của viêm khớp gối.
- Giảm thiểu những hoạt động làm trầm trọng thêm bệnh
Tránh những hoạt động có khả năng làm trầm trọng hơn mức độ viêm khớp gối. Chẳng hạn như chạy bộ, leo cầu thang có thể làm tăng áp lực và tổn thương cho khớp.
2. Thuốc
Các thuốc giảm đau và kháng viêm sẽ được sử dụng để giảm bớt những triệu chứng của viêm khớp gối. Dưới đây là những loại thường được kê đơn:
- Thuốc giảm đau thông thường: Acetaminophen có thể được lựa chọn để giảm những cơn đau từ nhẹ đến vừa. Thuốc này có tác dụng giảm đau nhanh và hiệu quả.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID gồm Ibuprofen và Naproxen là những loại thường được sử dụng trong điều trị viêm khớp. Thuốc này có thể được dùng ở dạng uống hoặc bôi (gel), kê đơn hoặc không kê đơn. Thuốc chống viêm không steroid có tác dụng trị viêm, giảm đau và cải thiện chức năng vận động cho đầu gối bị thoái hóa. Tuy nhiên NSAID cần được sử dụng thận trọng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Chất ức chế COX-2: Đây là một NSAID đặc biệt, ít gây tác dụng phụ hơn NSAID thông thường. Thuốc này giúp giảm đau, viêm và sưng khớp hiệu quả.
- Corticosteroid (cortisone): Đây là một chất chống viêm mạnh, được dùng bằng cách tiêm vào khớp. Corticosteroid có tác dụng giảm viêm và đau, hiệu quả thường nhanh và kéo dài vài tháng. Những mũi tiêm chỉ nên được sử dụng từ 3 - 4 lần/ năm để tránh phát triển những tác dụng phụ.
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs): Nhóm thuốc này được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Thuốc có tác dụng làm giảm phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể, làm dịu sưng viêm và ngăn tổn thương khớp tiến triển. Hydroxychloroquine, Methotrexate, Sulfasalazine là những loại thường được kê đơn. Ngoài ra một số loại DMARD sinh học như Adalimumab (Humira) cũng được sử dụng.
- Glucosamine và chondroitin sulfat: Những chất này được dùng dưới dạng thực phẩm bổ sung. Chúng có tác dụng giảm đau và làm chậm sự tiến triển của viêm khớp gối.
3. Vật lý trị liệu
Bệnh nhân bị viêm khớp gối cần vật lý trị liệu. Phương pháp gồm những bài tập có tác dụng tăng cường cơ bắp ở chân, lấy lại sức mạnh cho đầu gối. Đồng thời giảm đau và tăng phạm vi chuyển động.
Ngoài ra vận động trị liệu còn giúp làm chậm quá trình thoái hóa khớp, ngăn hỏng khớp và giảm bớt việc sử dụng thuốc giảm đau.
4. Thiết bị hỗ trợ
Bệnh nhân có thể được hướng dẫn đeo nẹp, sử dụng gậy hoặc một số thiết bị hỗ trợ khác trong một thời gian. Những thiết bị này giúp giảm bớt áp lực lên đầu gối. Đồng thời duy trì sự ổn định và chức năng.
5. Phương pháp điều trị sinh học
Bệnh nhân có thể được tiêm tế bào gốc hoặc huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) để trị đau và viêm khớp gối.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): PRP sử dụng tiểu cầu đã được tách khỏi máu và cô đặc để tiêm vào đầu gối. Những tiểu cầu chứa yếu tố tăng trưởng có thể giúp ngăn thoái hóa tiến triển và giảm những triệu chứng của viêm nhiễm (chẳng hạn như đau).
- Tiêm tế bào gốc: Tế bào gốc được lấy từ chính cơ thể của bạn và tiêm vào đầu gối. Những tế bào này có khả năng phát triển thành mô mới, giúp chữa lành các khớp có bề mặt tổn thương.
6. Phẫu thuật
Nếu bị viêm khớp gối nặng, khớp hỏng hoặc điều trị bảo tồn không hiệu quả, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật. Dựa vào tình trạng, một trong những kỹ thuật sau sẽ được thực hiện:
- Nội soi khớp: Phẫu thuật nội soi được chỉ định cho bệnh nhân bị viêm xương khớp có sụn chêm thoái hóa bị rách. Phương pháp này sử dụng dụng cụ mỏng đưa vào khớp qua vết rạch nhỏ, sau đó điều trị rách sụn chêm.
- Ghép sụn: Đây là phương pháp phục hồi sụn, được chỉ định cho người trẻ và có tổn thương sụn nhỏ. Khi thực hiện mô sụn khỏe mạnh được lấy từ phần khác để lấp đầy lỗ hỏng trên sụn khớp.
- Phẫu thuật cắt bao hoạt dịch: Những người bị viêm khớp dạng thấp sẽ được phẫu thuật cắt lớp lót khớp bị tổn thương. Từ đó giúp giảm đau và sưng.
- Cắt xương đầu gối: Trong phẫu thuật này, bác sĩ có thể cắt xương đùi hoặc xương chày và định hình lại. Điều này giúp giảm áp lực lên đầu gối, giảm đau và cải thiện chức năng cho đầu gối. Phẫu thuật cắt xương đầu gối thường được thực hiện cho những người bị viêm xương khớp giai đoạn đầu và chỉ có một bên đầu gối bị tổn thương.
- Thay khớp gối: Nếu viêm khớp gối khiến khớp hỏng nặng, người bệnh sẽ được thay khớp gối một phần hoặc toàn phần. Trong đó sụn và xương hỏng được thay thế bằng những bề mặt khớp được làm bằng nhựa hoặc kim loại. Điều này giúp cắt giảm cơn đau và phục hồi chức năng của đầu gối.
Phòng ngừa
Những biện pháp giảm nguy cơ viêm đầu gối gồm:
- Tập thể dục đều đặn với những bộ môn và bài tập có tác động tích cực cho đầu gối, chẳng hạn như đi bộ, đạp xe và bơi lội. Điều này giúp làm chậm quá trình lão hóa xương khớp, duy trì chức năng vận động, làm mạnh gân cơ và giảm khả năng chấn thương.
- Tránh chấn thương. Nên mặc đồ bảo hộ hoặc đeo băng hỗ trợ đầu gối khi chơi những môn thể thao tiếp xúc.
- Tránh lạm dụng khớp. Không chơi những bộ môn môn có tác động tiêu cực hoặc tăng nhiều áp lực cho khớp gối, chẳng hạn như chạy bộ đường dài.
- Tránh lao động gắng sức và mang vác vật nặng.
- Điều trị tốt và phục hồi chức năng nếu có chấn thương liên quan đến đầu gối.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Tránh cân nặng dư thừa làm tăng áp lực cho khớp gối của bạn.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì làm phát triển các triệu chứng của tôi?
2. Tôi bị viêm đầu gối loại nào? Có nghiêm trọng không?
3. Điều trị bằng phương pháp nào phù hợp và hiệu quả?
4. Tôi cần điều trị trong bao lâu để phục hồi?
5. Khớp gối của tôi có khả năng phục hồi hoàn toàn hay không?
6. Những biện pháp nào giúp tôi giảm bớt cơn đau tại nhà?
7. Có những bài tập nào được đề nghị?
Bệnh viêm đầu gối gây đau nhức, sưng và cứng khớp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Những trường hợp nặng có thể bị biến dạng hoặc hỏng khớp. Để ngăn ngừa. hãy điều trị tích cực ngay khi có các triệu chứng đầu tiên. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn kỹ lưỡng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!