Bệnh Viêm Khớp Háng
Viêm khớp háng thường gặp ở người lớn tuổi và có chấn thương trong quá khứ. Tình trạng này thường làm cứng hoặc làm giảm phạm vi chuyển động của khớp háng và đau đớn.
Tổng quan
Viêm khớp háng là thuật ngữ đề cập đến tình trạng viêm dẫn đến sưng và đau khớp háng. Tình trạng này thường gặp ở người lớn tuổi do lão hóa và sau chấn thương.
Khi bị viêm, khớp háng mất tính ổn định và giảm khả năng chịu lực. Ngoài ra khớp còn có dấu hiệu sưng nóng và đau đớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động. Nhiều trường hợp bị hỏng khớp và cần phẫu thuật.
Phân loại
Những loại viêm khớp có thể ảnh hưởng đến khớp háng bao gồm:
1. Viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là bệnh viêm khớp xảy ra ở bệnh nhân bị vảy nến. Bệnh thường xảy ra sau vài năm phát triển những tổn thương da, có thể ảnh hưởng đến khớp háng.
2. Viêm xương khớp (OA)
Hầu hết các trường hợp bị đau và viêm khớp háng là do viêm xương khớp (OA), còn được gọi là thoái hóa khớp. Đây là một loại viêm khớp do hao mòn.
Khớp háng là một khớp sâu và là khớp hoạt dịch. Khớp này có cấu tạo gồm chỏm xương đùi (hình cầu) gắn vào ổ chảo của xương chậu. Ngoài ra ổ chảo còn có sụn viền giúp tăng độ vững chắc và làm ổ cắm sâu hơn.
Thoái hóa khớp háng xảy ra khi lớp sụn của khớp bị mài mòn dần theo thời gian, trở nên sần và thô ráp. Điều này khiến xương cọ xát vào xương và gây đau đớn.
Để bù đắp cho phần sụn bị mất, các xương ở khớp ảnh hưởng có xu hướng phát triển ra bên ngoài. Từ đó dẫn đến sự hình thành của gai xương. Thoái hóa khớp có diễn tiến chậm và cơn đau nghiêm trọng hơn theo thời gian.
3. Viêm khớp dạng thấp (RA)
Viêm khớp dạng thấp (RA) có thể ảnh hưởng đến khớp hông. Đây là một bệnh viêm khớp phổ biến và là bệnh tự miễn dịch. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhầm lẫn các mô của khớp là có hại và bắt đầu tấn công.
Tổn thương do viêm khớp dạng thấp thường nghiêm trọng và đối xứng. Điều này có nghĩa cả hai khớp háng đều bị tổn thương đồng thời. Bệnh thường bắt đầu ở những khớp nhỏ trước khi xảy ra ở những khớp lớn hơn như háng.
Ngoài khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp còn gây ra những tổn thương ở các cơ quan khác như mắt, tim, da, phổi và mạch máu.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây viêm khớp háng chưa được biết rõ. Tuy nhiên những yếu tố dưới đây có thể khiến bạn dễ mắc bệnh hơn. Cụ thể:
- Tiền sử gia đình bị thoái hóa khớp
- Di truyền. Những người được sinh ra bởi ba hoặc mẹ bị viêm khớp (chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp) sẽ có nguy cơ cao hơn.
- Trên 50 tuổi
- Tiền sử chấn thương ở hông
- Chứng loạn sản phát triển của hông
- Thừa cân hoặc béo phì
- Tiêu thụ rượu quá mức và hút thuốc lá
- Lạm dụng khớp hoặc có căng thẳng lặp đi lặp lại trên khớp hông. Điều này thường gặp ở những người chơi thể thao
- Sử dụng steroid lâu dài.
Triệu chứng và chẩn đoán
Tùy thuộc vào loại viêm khớp háng, người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau. Dưới đây là những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp nhất:
- Có tiếng kêu lạo xạo khi cử động khớp
- Đau khớp háng hoặc đau bên trong hông, đùi ngoài, đôi khi ở mông
- Đau ở háng thường lan xuống hông hoặc đầu gối
- Đau trở nên tồi tệ hơn khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi
- Dáng đi lắc lư
- Cứng khớp
- Khóa hoặc dính khớp
- Hạn chế phạm vi chuyển động
- Khó đi lại
- Đi khập khiễng
- Chân ảnh hưởng bị rút ngắn do xương bị tổn thương.
Bệnh viêm khớp háng được chẩn đoán bằng cách kiểm tra thể chất và xét nghiệm.
- Kiểm tra thể chất: Bác sĩ hỏi về triệu chứng, yêu cầu đi lại hoặc mở rộng khớp háng để kiểm tra dáng đi và đánh giá phạm vi chuyển động.
- Chụp X-quang: Chụp X-quang có thể phát hiện gai xương và sự hao mòn của sụn. Từ đó phát hiện thoái hóa khớp háng.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT): Hình ảnh MRI hoặc CT cho phép kiểm tra chi tiết những tổn thương của xương, sụn và những phần mềm quanh khớp. Điều này giúp loại bỏ những nguyên nhân gây đau khớp háng khác.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra máu có thể phát hiện viêm khớp dạng thấp.
Biến chứng và tiên lượng
Nhiều biến chứng có thể xảy ra nếu viêm khớp háng không được điều trị tốt, bao gồm:
- Đau khớp háng mãn tính
- Phù nề quanh khớp
- Hỏng khớp
- Dị tật vĩnh viễn. Chẳng hạn như đi khập khiễng dẫn đến tổn thương cột sống và những khớp xương khác
- Giảm phạm vi chuyển động
- Rối loạn giấc ngủ
- Lo âu và trầm cảm
- Teo cơ
- Bại liệt.
Những biến chứng hiếm gặp hơn:
- Gãy xương do áp lực
- Chảy máu hoặc nhiễm trùng trong khớp
- Mất ổn định khớp
- Hoại tử xương
- Tổn thương dây thần kinh và các phần mềm quanh khớp.
Điều trị
Viêm khớp háng thường được kiểm soát tốt bằng những phương pháp điều trị bảo tồn. Những trường hợp nặng do không chữa sớm có thể cần phải phẫu thuật.
1. Điều trị bảo tồn
Điều trị bảo tồn cho viêm khớp háng gồm những biện pháp chăm sóc tại nhà, thuốc và vật lý trị liệu.
- Chăm sóc tại nhà
Chú ý chăm sóc và giảm đau tại nhà có thể làm dịu các triệu chứng và ngăn viêm khớp háng tiến triển. Bao gồm:
-
- Chườm ấm: Chườm ấm giúp giảm đau khớp háng hiệu quả. Ngoài ra biện pháp này cũng giúp thư giãn, tăng lưu thông máu nhằm thúc đẩy chữa lành tổn thương. Chườm ấm mỗi ngày vài lần, mỗi lần 20 phút.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh 10 -15 phút, vài lần mỗi ngày để giảm sưng, viêm và đau khớp. Biện pháp này cũng giúp giảm căng cơ.
- Giảm cân: Nếu thừa cân, hãy giảm cân để giảm áp lực lên khớp háng của bạn.
- Nghỉ ngơi: Tránh những công việc nặng nhọc và những hoạt động làm tăng áp lực cho khớp háng. Giữ cho khớp háng nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng để giảm bớt đau.
- Thiết bị hỗ trợ: Đôi khi nạng hoặc khung tập đi được dùng để cải thiện sự dộc lập cho bạn. Những thiết bị này cũng giúp tránh được những cử động có thể gây đau.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Giữ thói quen vận động và tập thể dục nhẹ nhàng. Điều này giúp làm chậm quá trình lão hóa, giữ cho khớp linh hoạt và chuyển động, giảm đau nhức và cứng khớp.
- Thuốc
Bệnh viêm khớp háng thường được chữa bằng những loại thuốc sau:
-
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): NSAID không kê đơn như Ibuprofen hoặc những loại mạnh hơn như Naproxen và Diclofenac có thể được sử dụng. Nhóm thuốc này làm giảm những cơn đau vừa, giảm viêm và sưng. Thuốc cũng có tác dụng hạ sốt.
- Acetaminophen: Thuốc Acetaminophen có thể được dùng để giảm những cơn đau nhẹ.
- Corticosteroid: Đây là chất chống viêm mạnh, được dùng cho trường hợp nặng và không đáp ứng với NSAID. Thuốc có tác dụng điều trị viêm, giảm sưng tấy và đau nhanh chóng. Corticosteroid thường được tiêm vào khớp háng, tối đa 4 lần/ năm. Corticosteroid cũng có thể được dùng bằng đường uống.
- Vật lý trị liệu
Để tăng phạm vi chuyển động và giảm các triệu chứng, người bệnh được yêu cầu vật lý trị liệu. Trong đó, các bài tập được thực hiện để tăng cường cơ bắp, giảm đau và cứng khớp. Đồng thời cải thiện khả năng vận động và tính linh hoạt.
Vận động trị liệu cũng giúp giảm tổn thương và làm chậm quá trình thoái hóa ở những bệnh nhân bị viêm xương khớp.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu
Nếu bạn bị thoái hóa khớp háng, bác sĩ có thể tư vấn tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP). Phương pháp này gồm việc tiêm vào khớp tiểu cầu được tách từ máu của bạn. Chúng chứa những tế bào tăng trưởng, giúp chữa lành khớp bị thương.
2. Can thiệp phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh nhân bị viêm khớp háng có khớp hư hại nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với điều trị bảo tồn. Dựa vào tình trạng, bác sĩ có thể chỉ định kỹ thuật sau:
- Tái tạo bề mặt hông
Tái tạo bề mặt hông bao gồm việc sử dụng vỏ kim loại để thay thế cho xương và sụn trong hốc hông bị hỏng. Điều này giúp phục hồi khớp nhưng vẫn bảo tồn phần đầu của xương đùi (được phủ một lớp kim loại nhẵn).
- Thay khớp háng toàn phần
Trong thủ thuật này, ổ cối và chỏm xương đùi hư hỏng đều bị loại bỏ. Sau đó đặt những bề mặt khớp được làm bằng kim loại hoặc nhựa (khớp háng nhân tạo) để thay thế. Điều này giúp phục hồi khả năng vận động cho bệnh nhân.
- Cắt xương
Để giảm áp lực lên khớp hông, bác sĩ có thể tiến hành cắt phần đầu của xương đùi hoặc ổ cắm của xương chậu, sau đó sắp xếp lại. So với những phương pháp khác, cắt xương ít khi được chỉ định.
Phòng ngừa
Có nhiều cách giúp giảm nguy cơ viêm khớp háng. Bao gồm:
- Bổ sung thành phần dinh dưỡng tốt cho xương khớp như vitamin D và canxi. Điều này giúp duy trì xương khớp khỏe mạnh, giảm nguy cơ chấn thương và thoái hóa.
- Tránh những hoạt động và bộ môn thể thao có khả năng làm tăng áp lực lên khớp háng. Chẳng hạn như chạy điền kinh, ngồi xổm hoặc ngồi lâu một chỗ.
- Tránh căng thẳng và lo âu, nên nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ. Điều này giúp ngăn căng thẳng thần kinh kích hoạt phản ứng viêm và các triệu chứng.
- Điều trị tốt những chấn thương ở hông.
- Tránh hút thuốc lá và không uống rượu quá mức. Điều này sẽ giúp bạn giảm nguy cơ viêm khớp háng và thoái hóa xương khớp.
- Giữ cân nặng khỏe mạnh. Nên giảm cân nếu bị thừa cân hoặc béo phì. Cân nặng dư thừa làm tăng áp lực lên khớp háng và gây ra những tổn thương.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, nên thực hiện những bài tập có cường độ thích hợp. Điều này giúp giữ cho khớp háng luôn linh hoạt, tăng cường các cơ và dây chằng giữ khớp ổn định. Ngoài ra các bài tập còn giúp làm chậm quá trình lão hóa xương khớp và ngăn viêm khớp háng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì gây ra những triệu chứng của tôi?
2. Điều trị viêm khớp háng như thế nào?
3. Bệnh lý của tôi là một tình trạng ngắn hạn hay dài hạn?
4. Tôi nên làm gì để giảm triệu chứng?
5. Có những gì cần tránh để ngăn tổn thương thêm cho khớp?
6. Thuốc điều trị có tác dụng phụ không?
7. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật? Lựa chọn nào phù hợp nhất?
Viêm khớp háng được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Việc điều trị sớm sẽ ngăn tổn thương tiến triển, giảm triệu chứng và hạn chế biến chứng. Vì vậy nếu có những bất thường ở khớp háng, hãy tiến hành thăm khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.