Viêm Khớp Ngón Chân
Viêm khớp ngón chân thường liên quan đến bệnh gout, viêm khớp dạng thấp và tình trạng hao mòn sụn đệm xương. Viêm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ngón chân nào nhưng phổ biến hơn ở ngón chân cái.
Tổng quan
Viêm khớp ngón chân là tình trạng viêm mãn tính xảy ra ở những khớp ngón chân. Tình trạng này gây sưng và đau đớn dữ dội, ảnh hưởng đến những chuyển động bình thường của bệnh nhân.
Viêm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp ngón chân nào. Trong đó khớp nối ngón chân cái và phần còn lại của bàn chân thường bị ảnh hưởng nhất.
Viêm khớp ngón chân thường liên quan đến sự hao mòn (thoái hóa) của sụn khớp, sự tích tụ của các tinh thể urat trong bệnh gout và bệnh viêm khớp dạng thấp. Thông thường phương pháp điều trị sẽ dựa vào mức độ ảnh hưởng của viêm khớp và nguyên nhân gây bệnh.
Phân loại
Có nhiều loại viêm khớp ảnh hưởng đến ngón chân, bao gồm:
1. Viêm xương khớp (OA)
Viêm xương khớp là tình trạng viêm khớp do thoái hóa, còn được gọi là thoái hóa khớp. Bệnh xảy ra khi có sự hao mòn (thoái hóa) của sụn đệm giữa các xương trong khớp. Điều này khiến sụn khớp xù xì, giảm không gian bảo vệ khiến các đầu xương va vào nhau khi di chuyển.
Viêm xương khớp có thể là kết quả của chấn thương hoặc sự hao mòn theo thời gian. Bệnh thường ảnh hưởng đến xương khớp ngón chân cái, dẫn đến hội chứng cứng nhắc.
Những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp:
- Đau khớp
- Đau khớp nhiều hơn khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi
- Đau thường nặng hơn vào ban đêm
- Cứng khớp
- Sưng khớp
- Giảm chuyển động ở khớp ảnh hưởng
- Khớp không ổn định
- Nghe thấy tiếng kêu lạo xạo khi chuyển động khớp.
2. Bệnh gout (gút)
Bệnh gout (gút) còn được gọi là viêm khớp do gút. Bệnh xảy ra khi axit uric trong máu tăng cao làm hình thành và tích tụ những tinh thể urat trong khớp. Điều này thường liên quan đến di truyền và rối loạn thận. Tuy nhiên chế độ ăn uống, rượu và béo phì cũng có thể làm tăng nguy mắc bệnh.
Bệnh gút thường ảnh hưởng đến khớp ngón chân cái nhưng cũng có thể xảy ra ở những khớp khác. Một số triệu chứng thường gặp gồm:
- Đau khớp dữ dội hoặc đau âm ỉ và kéo dài
- Sưng khớp
- Khớp mềm, nóng và đỏ
- Giảm phạm vi chuyển động.
3. Viêm khớp dạng thấp (RA)
RA là một bệnh viêm khớp mãn tính và bệnh tự miễn dịch. Trong bệnh lý này, hệ thống miễn dịch (hệ thống chống nhiễm trùng của cơ thể) tấn công các khớp. Từ đó dẫn đến viêm, sưng, cứng và đau đớn ở những khớp ảnh hưởng.
Không rõ nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên nhiễm trùng, thuốc lá và căng thẳng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch của bạn. Không giống như những bệnh viêm khớp khác, RA gây viêm đối xứng 2 bên.
Các triệu chứng gồm:
- Đau, sưng, cứng và đỏ ở nhiều khớp
- Đau và cứng ở những khớp giống nhau của hai bên cơ thể
- Cứng khớp thường vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu
- Mệt mỏi
- Yếu đuối
- Sốt.
4. Viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là bệnh tự miễn. Trong bệnh lý này, viêm khớp xảy ra ở những người được chẩn đoán mắc bệnh vảy nến trước đó. Viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp trên cơ thể. Trong đó có các khớp ngón chân.
Những triệu chứng và dấu hiệu đầu tiên của bệnh:
- Xuất hiện những tổn thương da màu trắng bạc. Thường ảnh hưởng đến da đầu, lưng dưới, khuỷu tay và đầu gối
- Đau và cứng khớp. Triệu chứng này xảy ra khi viêm nhiễm lan rộng từ da đến khớp hoặc/ và các mô.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây viêm khớp ngón chân tùy thuộc vào loại viêm khớp ảnh hưởng. Những nguyên nhân phổ biến gồm:
- Lão hóa: Quá trình lão hóa tự nhiên có thể giảm tính đàn hồi, mất nước và hao mòn sụn khớp theo thời gian. Điều này làm giảm không gian trong khớp, các xương cọ xát với nhau khi di chuyển. Từ đó dẫn đến viêm xương khớp, đau và cứng khớp.
- Chấn thương: Viêm xương khớp có thể xảy ra do chấn thương trong quá khứ, chẳng hạn như giãn/ đứt dây chằng, gãy xương. Viêm khớp phổ biến hơn ở những người có bề mặt khớp bị tổn thương.
- Di truyền: Viêm khớp ngón chân thường liên quan đến di truyền. Trong đó một số gen có thể làm thay đổi hoạt động của hệ thống miễn dịch và gây viêm.
- Rối loạn thận: Tổn thương thận khiến axit uric không được lọc đúng cách và tăng nồng độ trong máu. Điều này khiến các tinh thể urat hình thành và tích tụ trong khớp, gây ra bệnh gout.
Những yếu tố nguy cơ của viêm khớp ngón chân gồm:
- Trên 50 tuổi
- Hút thuốc lá hoặc nghiện rượu
- Căng thẳng
- Thừa cân béo phì
- Tiếp xúc với hóa chất
- Ăn nhiều thực phẩm giàu purin
- Tiền sử gia đình mắc bệnh. Những người có ba mẹ hoặc anh chị em ruột bị viêm khớp sẽ có nguy cơ cao hơn.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của bệnh viêm khớp ngón chân có thể đến và đi thường xuyên hoặc kéo dài dẫn đến suy nhược. Ngoài ra những triệu chứng có thể bùng phát đột ngột hoặc tiến triển từ từ. Tuy nhiên sưng, đau và cứng khớp thường tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian.
Phụ vào vào nguyên nhân, những triệu chứng và dấu hiệu của viêm khớp ngón chân có thể bao gồm:
- Đau và nhức ở gốc ngón chân cái hoặc bất kỳ khớp nào bị ảnh hưởng
- Đau thường bùng phát khi đứng hoặc đi bộ
- Đau giảm dần khi đứng dậy
- Mất vài giờ hoặc vài ngày để giảm đau sau hoạt động mạnh.
- Sưng khớp
- Có cảm giác đầy hoặc khó uốn cong các khớp ngón chân
- Phạm vi chuyển động bị hạn chế
- Cứng khớp
- Đau và cứng khớp thường nghiêm trọng hơn khi thời tiết lạnh, vào buổi sáng hoặc sau một thời gian nghỉ ngơi
- Đỏ và nóng khớp
- Dị tật. Chẳng hạn như gai xương,ngón chân hình búa, ngón chân vồ...
- Cảm thấy tê hoặc nóng rát khi có chèn ép dây thần kinh
- Những khớp ngón chân phát ra âm thanh, chẳng hạn như tiếng lách cách, lục cục hoặc lộp bộp.
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các khớp ngón chân bị ảnh hưởng. Trong quá trình này, bác sĩ kiểm tra thể chất của bàn chân; mức độ sưng, cứng và đau khớp; bao nhiêu khớp bị ảnh hưởng và những hoạt động có thể gây đau.
Ngoài ra người bệnh sẽ được kiểm tra tiền sử y tế và thực hiện những xét nghiệm sau:
- Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang giúp quan sát cấu trúc xương của ngón chân. Điều này giúp đánh giá những tổn thương, biến dạng xương và tình trạng mất sụn.
- Xét nghiệm máu: Tiến hành xét nghiệm máu giúp phát hiện các yếu tố dạng thấp, kháng thể, một số protein và axit uric. Điều này giúp chẩn đoán xác định bệnh gout và viêm khớp dạng thấp.
- Chụp MRI hoặc CT: Mặc dù hiếm khi cần thiết nhưng chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) cũng có thể được sử dụng. Những kỹ thuật này giúp đánh giá chi tiết về cấu trúc của khớp và những bất thường.
Biến chứng và tiên lượng
Nếu không được điều trị tốt, viêm khớp ngón chân có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm:
- Dị tật
- Đi khập khiễng
- Đau khớp mãn tính
- Hỏng khớp ngón chân
- Giảm hoặc mất chức năng của khớp
- Biến chứng ở tim, mắt, phổi, miệng và da do viêm khớp dạng thấp
- Teo cơ
- Gãy xương do căng thẳng
- Hoại tử xương
- Chảy máu hoặc nhiễm trùng ở khớp
- Chèn ép dây thần kinh xung quanh
- Suy thoái gân và dây chằng.
Không có cách chữa khỏi viêm khớp ngón chân. Tuy nhiện bệnh lý này và các triêu chứng có thể được kiểm soát tốt bằng thuốc, vật lý trị liệu và nhiều phương pháp khác.
Điều trị
Những phương pháp dưới đây có thể giúp kiểm soát viêm khớp ngón chân và ngăn phát triển các biến chứng. Bao gồm:
1. Chăm sóc và giảm đau tại nhà
Một số biện pháp chăm sóc có thể giúp giản đau tạm thời và hỗ trợ điều trị viêm khớp. Cụ thể:
- Chườm lạnh
Chườm lạnh nếu bị viêm nghiêm trọng, đặc biệt là sau chấn thương, sau khi hoạt động hoặc đứng trong thời gian dài. Biện pháp này giúp co mạch, ngăn máu lưu thông, giảm đỏ và sưng tấy.
Ngoài ra chườm lạnh cũng giúp giảm đau hiệu quả. Khi thực hiện, cho một vài viên đá lạnh vào túi vải và đặt lên bàn chân trong 15 phút. Lặp lại vài lần mỗi ngày.
- Chườm ấm
Chườm ấm giúp làm ấm, thư giãn và nới lỏng các cơ ở bàn chân. Điều này giúp những ngón chân cử động dễ dàng hơn. Ngoài ra biện pháp chườm ấm còn có tác dụng giảm nhanh cơn đau.
Khi thực hiện, hãy đặt một túi đệm sưởi hoặc chai nước ấm lên các ngón chân, thư giãn trong 20 phút, mỗi ngày vài lần.
- Nghỉ ngơi
Viêm làm tăng độ nhạy cảm và nguy cơ chấn thương. Vì vậy khi các khớp ngón chân bị viêm, hãy dành thời gian nghỉ ngơi, tránh những hoạt động có thể gây đau, chấn thương khớp và mô mềm gần đó.
Tuy nhiên không nên bất động quá lâu. Hãy lựa chọn những bài tập phù hợp với tình trạng hiện tại, duy trì phạm vi chuyển động khớp. Điều này giúp hạn chế cứng khớp và đau tiến triển, đặc biệt là những người bị viêm khớp dạng thấp.
- Dụng cụ chỉnh hình và miếng lót
Dụng cụ chỉnh hình và miếng lót có khả năng định vị lại bàn chân trong giày. Điều này giúp giảm đau và giảm áp lực lên những ngón chân. Từ đó khiến những hoạt động bình thường (như đi lại) trở nên dễ chịu hơn.
- Nẹp chỉnh hình
Đôi khi nẹp chỉnh hình được sử dụng để điều chỉnh biến dạng ở ngón chân và giữ khớp ở đúng vị trí. Ngoài ra thiết bị này còn giúp hỗ trợ khớp, giảm áp lực và bảo vệ các khớp ngón chân.
- Bài tập
Viêm khớp ngón chân gây đau và cứng khớp, khiến bạn gặp khó khăn khi di chuyển. Không vận động làm tăng nguy cơ mất sức mạnh cơ bắp và chuyển động của khớp, tăng đau và mệt mỏi.
Để ngăn ngừa và đảo ngược tình trạng, hãy thường xuyên tập thể dục có thể. Cụ thể những bài tập phù hợp có thể giúp duy trì và cải thiện chuyển động cho khớp, tăng cường cơ bắp. Từ đó tăng sự ổn định cho khớp và giảm đau.
Người bệnh có thể đi bộ, bơi lội và đạp xe để tăng sức bền. Ngoài ra nên thực hiện những bài tập tăng sức mạnh và phạm vi chuyển động theo hướng dẫn của chuyên gia.
- Giảm cân
Cần đạt được và duy trì cân nặng an toàn. Điều này giúp giảm áp lực lên bàn chân và các ngón chân. Từ đó giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.
2. Thuốc
Bệnh nhân bị viêm khớp ngón chân cần được dùng thuốc giảm đau và chống viêm để điều trị. Các loại thường dùng:
- Thuốc uống chống viêm không steroid (NSAID): Thuốc chống viêm không steroid chỉ được dùng khi viêm khớp bùng phát hoặc dùng thường xuyên để ngăn ngừa và kiểm soát đau. Thuốc này có tác dụng giảm sưng, đau và khó chịu liên quan đến viêm khớp ngón chân. NSAID thường được dùng ở dạng không kê đơn như Naproxen và Ibuprofen. Nếu đau nặng hơn, Diclofenac hoặc Celecoxib có thể được chỉ định.
- Tiêm Cortisone: Tiêm Cortisone bao gồm việc đưa một loại thuốc chống viêm mạnh quanh ngón chân (vị trí viêm). Thuốc này mang đến hiệu quả giảm viêm và đau rất nhanh. Tuy nhiên hiệu quả thường chỉ kéo dài trong vài tháng. Khi đau tái phát, bệnh nhân có thể được tiêm một liều nhắc lại.
- Thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh (DMARDs): DMARDs được sử dụng để làm chậm quá trình phát triển của bệnh viêm khớp dạng thấp. Thuốc có tác dụng điều chỉnh hệ thống miễn dịch, ngăn những phản ứng khiến các mô bị tổn thương thêm. Methotrexate, Hydroxychloroquine... là những loại thường được sử dụng. Nếu không đáp ứng tốt với Methotrexate, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc ức chế Janus kinase (JAK).
- Thuốc sinh học: Nếu không đáp ứng tốt với thuốc nhóm DMARDs, người bệnh có thể được kê toa thuốc sinh học (các tác nhân phản ứng sinh học), chẳng hạn như Infliximab, Etanercept. Thuốc nhắm vào những phân tử gây viêm khớp giúp mang lại hiệu quả nhanh chóng và cao hơn bình thường.
3. Vật lý trị liệu
Trong điều trị viêm khớp ngón chân, vật lý trị liệu thường bao gồm những bài tập giúp tăng cường sức cơ và độ bền. Những bài tập này giúp tăng phạm vi chuyển động, cải thiện tính linh hoạt và sức mạnh cho bàn chân bị ảnh hưởng.
Chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn thêm cách duy trì tư thế tốt để giảm áp lực lên các khớp ngón chân và giảm đau.
4. Phẫu thuật
Bệnh nhân bị viêm khớp ngón chân hiếm khi cần phẫu thuật. Phương pháp này sẽ được thực hiện nếu khớp bị hỏng hoặc viêm nặng, điều trị bảo tồn không hiệu quả.
Một số quy trình phẫu thuật có thể được áp dụng:
- Cheilectomy: Nếu gai xương hình thành xung quanh khớp bị viêm, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ gai xương để giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động. Cheilectomy thường được thực hiện ở khớp ngón chân cái.
- Hợp nhất: Phẫu thuật hợp nhất là phương pháp cố định và kích thích sự phát triển của các xương trên khớp. Điều này khiến khớp cứng vĩnh viễn và không gây đau. Phẫu thuật hợp nhất thường được thực hiện ở những ngón chân nhỏ hơn.
- Cắt bỏ: Nếu khớp hỏng nặng, bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ toàn bộ khớp.
- Arthroplasty: Đây là phương pháp phẫu thuật thay khớp. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ sử dụng khớp nhân tạo (bằng nhựa hoặc kim loại) để thay thế cho xương và sụn hỏng đã bị loại bỏ.
Phòng ngừa
Không có cách để ngăn ngừa hoàn toàn đối với viêm khớp ngón chân. Tuy nhiên những lưu ý dưới đây có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Loại bỏ thói quen hút thuốc lá và không uống nhiều rượu.
- Tránh căng thẳng. Bởi điều này có thể kích hoạt hệ miễn dịch, gây viêm khớp dạng thấp nếu bạn có nguy cơ cao.
- Tránh thừa cân béo phì. Cần đạt được và duy trì cân nặng hợp lý để không gây áp lực cho bàn chân và các ngón chân.
- Điều trị những bệnh lý có thể tăng nguy cơ viêm khớp, chẳng hạn như nhiễm trùng và rối loạn thận.
- Phòng ngừa chấn thương. Không đột ngột thay đổi hướng đi hoặc thực hiện những động tác có thể gây chấn thương cho các khớp.
- Không lạm dụng khớp hoặc thực hiện những hoạt động làm tăng áp lực lên các khớp ngón chân. Chẳng hạn như chạy bằng chân trần.
- Tránh làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi và không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.
- Tránh ăn nhiều thực phẩm giàu purin. Chẳng hạn như các loại thịt đỏ, xúc xích, thịt xông khói, một số loại đậu (đậu xanh, đậu phộng...), măng tây...
- Thường xuyên tập thể dục để tăng cường các cơ hỗ trợ, cải thiện tính linh hoạt và làm chậm quá trình lão hóa cho các khớp, bao gồm cả khớp ngón chân.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì gây ra tình trạng của tôi?
2. Tôi được điều trị bằng phương pháp nào?
3. Có những lựa chọn khác cho phương pháp hiện tại hay không?
4. Tôi nên luyện tập như thế nào để giảm đau và viêm khớp?
5. Có những biện pháp chăm sóc nào giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn?
6. Tôi cần tránh những gì khi bị viêm khớp ngón chân?
7. Tôi nên làm gì để ngăn ngừa các đợt viêm khớp?
Bệnh viêm khớp ngón chân gây đau và cứng khớp nghiêm trọng, tăng nguy cơ dị tật và nhiều biến chứng khác nếu không được điều trị. Tốt nhất nên điều trị khi có những dấu hiệu đầu tiên. Khám và tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!