Viêm Khớp Nhiễm Khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn là một tình trạng nghiêm trọng và hiếm gặp, có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp. Tình trạng này gây sưng khớp rõ rệt, nóng khớp kèm theo đau và hạn chế chuyển động trong khớp.
Tổng quan
Viêm khớp nhiễm khuẩn (hay viêm khớp nhiễm trùng) là bệnh nhiễm trùng gây viêm và đau khớp, chủ yếu do vi khuẩn. Chúng thường di chuyển theo dòng máu đến khớp từ một bộ phận bị viêm nhiễm của cơ thể.
Ngoài ra vi trùng cũng có thể từ môi trường bên ngoài vào khớp thông qua một vết thương xuyên thấu. Chẳng hạn như gãy xương hở, phẫu thuật khớp hoặc vết cắn từ động vật đưa vi trùng trực tiếp vào khớp.
Những người bị viêm khớp nhiễm khuẩn sẽ có các khớp ảnh hưởng sưng tấy, ấm khi sờ và hạn chế chuyển động trong khớp. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Tuy nhiên người lớn tuổi và trẻ sơ sinh có nguy cơ cao hơn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm khớp nhiễm khuẩn có thể do vi khuẩn, nấm hoặc virus. Trong đó nhiễm vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất, Cụ thể:
- Vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) - nguyên nhân phổ biến nhất
- Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA)
- Vi khuẩn Streptococci nhóm A và B
- Neisseria gonorrhoeae (vi khuẩn gây bệnh lậu)
- Neisseria meningitides (não mô cầu - vi khuẩn gây viêm màng não).
Những loại virus có thể gây nhiễm trùng khớp:
- Viêm gan A, B hoặc C
- Nhiễm virus HIV
- Parvovirus B19
- Quai bị
- Virus Coxsackie
- Adenovirus
- HTLV-1
- Alphavirus
- Flaviviruses
Bệnh cũng có thể xảy ra do những loại nấm sau:
- Histoplasma
- Coccidioides
- Blastomyces.
Viêm khớp nhiễm trùng thường phát triển từ các bệnh nhiễm trùng khác, chẳng hạn như như nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng da. Từ cơ quan viêm nhiễm, vi trùng di chuyển theo dòng máu, đến khớp và gây viêm
Ngoài ra vi khuẩn Staphylococcus aureus có thể sống trên làn da khỏe mạnh. Khi có vết thương hở (do đâm thủng, gãy xương hở, phẫu thuật thay khớp hoặc động vật cắn), vi khuẩn trên da hoặc từ môi trường ngoài sẽ xâm nhập trực tiếp vào khớp và gây viêm. Tuy nhiên trường hợp này thường ít xảy ra hơn.
Lớp niêm mạc khớp ít có khả năng tự bảo vệ khỏi nhiễm trùng. Chính vì thế mà nhiễm trùng có thể xảy ra ngay khi vi khuẩn đến khớp. Thông thường sự giảm lưu lượng máu trong khớp và phản ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng sẽ làm tăng nguy cơ gây tổn thương.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ của bệnh gồm:
- Trẻ em (đặc biệt là trẻ sơ sinh) và người lớn trên 80 tuổi
- Các bệnh và tình trạng mãn tính
- Viêm xương khớp
- Bệnh gout
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh lupus ban đỏ
- Chấn thương khớp hoặc phẫu thuật khớp trước đó
- Các bệnh nhiễm trùng như viêm gan và quai bị
- Thay khớp nhân tạo
- Bị HIV
- Bệnh tiểu đường
- Nhiễm trùng da
- Dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp do các thuốc làm ức chế hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Da mỏng manh và dễ bị tổn thương
- Những người tiêm chích ma túy
- Chấn thương khớp
- Hệ miễn dịch suy yếu
- Hoạt động tình dục không an toàn
- Đang hóa trị
- Trẻ mắc bệnh máu khó đông.
Triệu chứng và chẩn đoán
Tất cả các khớp xương trên cơ thể đều có nguy cơ bị nhiễm trùng. Tuy nhiên một vài khớp sẽ có nhiều khả năng hơn, cụ thể:
- Trẻ có nhiều khả năng bị viêm khớp nhiễm trùng ở hông
- Người lớn có nhiều nguy cơ viêm khớp nhiễm trùng ở đầu gối
- Những người tiêm chính ma túy thường bị viêm ở khớp cùng chậu, các khớp nối xương đòn với xương ức.
Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn có những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:
- Đau nhức các khớp bị ảnh hưởng
- Sưng và nóng khớp
- Đỏ khớp
- Phạm vi chuyển động bị hạn chế
- Cảm thấy cứng trong khớp
- Không muốn di chuyển hoặc sử dụng khớp
- Sốt.
Nếu bị nhiễm trùng khớp giả (nhiễm trùng xảy ra ở khớp nhân tạo), người bệnh sẽ có những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:
- Đau hoặc sưng nhẹ sau vài tháng hoặc vài năm phẫu thuật thay khớp
- Đau khi cử động khớp hoặc đặt trọng lượng lên khớp
- Đau thường biến mất khi nghỉ ngơi
- Lỏng khớp
- Trật khớp.
So với viêm khớp do vi khuẩn, viêm khớp do nấm và virus thường ít gặp và phát triển chậm hơn.
Sau khi kiểm tra các triệu chứng bên ngoài của khớp, bệnh nhân sẽ được chỉ định các xét nghiệm để xác định viêm khớp nhiễm khuẩn. Những xét nghiệm thường được thực hiện gồm:
- Phân tích dịch khớp: Bác sĩ rút ra một mẫu chất lỏng từ khớp. Sau đó kiểm tra chất lỏng trong phòng thí nghiệm để xác định tác nhân gây nhiễm trùng.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này giúp tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng trong máu.
- Xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang, siêu âm, MRI hoặc một xét nghiệm hình ảnh khác sẽ được sử dụng để đánh giá mức độ tổn thương khớp. Đồng thời kiểm tra sự lỏng lẻo của khớp nhân tạo (nếu có).
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn cần được điều trị ngay lập tức để ngăn nhiễm trùng lây lan và chữa lành tổn thương. Nếu quá trình điều trị bị trì hoãn,người bệnh sẽ có nguy cơ gặp những biến chứng sau:
- Thoái hóa khớp
- Tổn thương khớp vĩnh viễn
- Trật khớp hoặc lỏng khớp nếu nhiễm trùng ảnh hưởng đến khớp nhân tạo
- Đau mãn tính
- Viêm xương tủy
- Hoại tử xương
- Có khác biệt về chiều dài chân
- Nhiễm trùng huyết
- Tử vong.
Điều trị
Điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thông thường người bệnh sẽ được dẫn lưu khớp và dùng kháng sinh. Những trường hợp nặng cần phẫu thật hoặc tháo khớp nhân tạo.
1. Dẫn lưu khớp
Bệnh nhân bị viêm khớp nhiễm khuẩn cần tiến hành dẫn lưu khớp. Đây là bước đầu tiên giúp loại bỏ dịch khớp nhiễm trùng, cho phép các mô bị viêm lành lại.
Một số phương pháp dẫn lưu:
- Dẫn lưu bằng kim: Dùng kim đâm vào không gian khớp. Sau đó rút hết chất lỏng bị nhiễm trùng.
- Nôi soi khớp: Trong quy trình này, ống nội soi (có đèn và máy quay) được đưa vào trong khớp thông qua một vết rạch nhỏ. Sau đó lần lượt đưa những ống hút vào trong và dẫn lưu dịch nhiễm trùng ra ngoài.
- Mổ mở: Một số khớp khó dẫn lưu bằng nội soi khớp và kim, chẳng hạn như khớp háng. Những trường hợp này sẽ được yêu cầu mổ mở để dẫn lưu.
2. Thuốc
Viêm khớp nhiễm khuẩn do vi khuẩn thường được điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng sinh. Thuốc này có khả năng loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng và ngăn tái phát. Từ đó giúp các mô bị viêm lành lại nhanh chóng.
Trong lần đầu tiên, kháng sinh được dùng bằng cách truyền qua tĩnh mạch trên cánh tay. Sau đó bệnh nhân sẽ được sử dụng kháng sinh đường uống để tiếp tục điều trị.
Kháng sinh được chỉ định dựa trên loại vi khuẩn gây bệnh, thường sử dụng kéo dài từ 2 - 6 tuần.
Đối với nhiễm trùng do nấm hoặc virus, bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc kháng nấm hoặc kháng virus.
3. Phẫu thuật
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ những mô bị viêm kết hợp dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch để điều trị. Điều này thường mang đến hiệu quả điều trị cao cho những trường hợp nặng.
4. Vật lý trị liệu
Người bệnh thường được hướng dẫn vận động trị liệu với những bài tập thích hợp. Điều này giúp giảm đau, phục hồi chức năng vận động. Ngoài ra các bài tập còn giúp cải thiện tính linh hoạt, tăng cường sức cơ và ngăn không cho những cơ xung quanh khớp bị suy yếu.
5. Tháo khớp nhân tạo
Nếu bị nhiễm trùng ở khớp nhân tạo, bác sĩ có thể tiến hành tháo khớp tạm thời. Sau đó sử dụng miếng đệm khớp làm bằng xi măng kháng sinh để thay thế. Điều này giúp điều trị nhiễm trùng và giữ cho các mô lành lại.
Sau vài tháng, người bệnh sẽ được phẫu thuật đặt khớp nhân tạo mới và tập phục hồi chức năng.
Đối với những trường hợp không thể tháo khớp nhân tạo, bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch khớp, loại bỏ mô bị hỏng nhưng không loại bỏ khớp giả. Sau đó dùng phác đồ kháng sinh để ngăn nhiễm trùng tái phát.
Phòng ngừa
Nguy cơ viêm khớp nhiễm khuẩn có thể giảm khi áp dụng những biện pháp sau:
- Nếu có vết cắt hoặc vết thương trên da, đảm bảo chúng không bị nhiễm trùng. Tốt nhất nên giữ cho vết thương sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh và thay băng.
- Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng như nóng, đỏ, đau và tụ mủ quanh vết thương, hãy tiến hành thăm khám và chăm sóc vết thương theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Thực hiện vô trùng tuyệt đối khi phẫu thuật khớp hoặc thực hiện những thủ thuật khác.
- Điều trị sớm và tích cực các tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể. Điều này giúp ngăn nhiễm trùng lây lan đến khớp.
- Nếu có tình trạng sức khỏe mãn tính như AIDS hoặc tiểu đường, hãy cố gắng kiểm soát tốt nhất để ngăn nhiễm trùng.
- Thực hành tình dục an toàn. Luôn dùng bao cao su và quan hệ với bạn tình không bị nhiễm bệnh. Từ đó ngăn ngừa nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
- Không tiêm chích ma túy để tránh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ nhiễm trùng bằng cách ăn uống đủ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung sung vitamin và tập thể dục đều đặn mỗi ngày.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?
2. Điều gì gây ra tình trạng của tôi?
3. Phác đồ điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn như thế nào?
4. Điều trị trong bao lâu thì khỏi?
5. Có những lựa chọn nào thay thế cho phương pháp chữa bệnh hiện tại?
6. Tôi nên làm gì để giảm nhẹ các triệu chứng?
7. Có những cách nào giúp ngăn nhiễm trùng tái phát?
Viêm khớp nhiễm khuẩn là một tình trạng nghiêm trọng, có thể gây ra nhiều biến chứng nếu trì hoãn điều trị. Hầu hết bệnh nhân có đáp ứng tốt với kháng sinh kết hợp chọc hút dịch. Tuy nhiên những trường hợp nặng hơn cần phẫu thuật hoặc áp dụng phương pháp điều trị khác theo chỉ định của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!