Bệnh Viêm Loét Đại Trực Tràng Chảy Máu
Viêm loét đại trực tràng chảy máu được đặc trưng bởi tình trạng viêm loét, chảy máu ở lớp niêm mạc của đại tràng và trực tràng. Bệnh có những tổn thương lan tỏa, kéo dài, gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh.
Tổng quan
Viêm loét đại trực tràng chảy máu là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm loét với những tổn thương lan tỏa kèm theo xuất huyết ở trực tràng và đại tràng. Đây là một bệnh viêm ruột mãn tính, có tính tự miễn, thường ảnh hướng đến nam nữ có độ tuổi từ 15 - 40 tuổi.
Bệnh có những tổn thương liên tục. Trong đó trực tràng và đại tràng sigma là những vị trí bị ảnh hưởng nhiều nhất. Không chỉ gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng, viêm loét đại trực tràng chảy máu còn làm phát triển nhiều biến chứng nguy hiểm.
Phân loại
Phân loại giai đoạn dựa trên hình ảnh nội soi (theo Baron)
- Giai đoạn 0: Vùng ảnh hưởng có niêm mạc nhạt màu, những mạch máu thưa thớt và mỏng manh. Nhiều trường hợp có hình ảnh nội soi bình thường trong giai đoạn 0.
- Giai đoạn 1: Vùng ảnh hưởng ở trực tràng và trực tràng có niêm mạc lần sần, chỉ nhìn thấy một phần của mạch máu và sung huyết đò.
- Giai đoạn 2: Xuất hiện những ổ viêm loét đặc trưng, mất nếp ngang ở niêm mạc và không nhìn thấy mạch máu dưới niêm mạc. Ngoài ra niêm mạc có độ nhạy cảm cao, dễ chảy máu khi đèn chạm phải.
- Giai đoạn 3: Niêm mạc ở những vùng ảnh hưởng có dấu hiệu sung huyết, phù nề, những ổ loét lớn hơn và chảy máu tự phát.
Phân loại bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu dựa vào phạm vi tổn thương:
- Viêm loét trực tràng: Ổ viêm loét giới hạn ở trực tràng.
- Viêm loét trực tràng và đại tràng sigma: Bệnh nhân có những tổn thương bắt đầu từ trực tràng, lan lên đến giữa đại tràng sigma.
- Viêm loét đại tràng phải: Từ trực tràng, những tổn thương lan đến đại tràng góc gan.
- Viêm loét đại tràng trái: Từ trực tràng, những tổn thương lan rộng đến đại tràng góc lách.
- Viêm loét đại tràng toàn bộ: Toàn bộ đại tràng đều có lớp niêm mạc bị tổn thương.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hiện nay nguyên nhân gây viêm loét đại trực tràng chảy máu vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy nhiều yếu tố có khả năng góp phần gây ra bệnh. Cụ thể:
- Yếu tố miễn dịch: Có đến 80% bệnh nhân viêm loét đại trực tràng có tự kháng thể pANCA (perinuclear antineutrophil cytoplasmic antibodies). Ngoài ra ASCA (anti – Sacharomyces cerevisiae antibodies) cũng là một trong những tự kháng thể liên quan thường gặp.
- Di truyền: Những người được sinh ra trong gia đình có tiền sử viêm loét đại tràng sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Một số nguyên cứu đã được thực hiện ở Nhật, kết quả cho thấy gen HLA-DRB1*1502 (DR2) có khả năng làm tăng nguy cơ viêm loét đại trực tràng chảy máu.
- Nhiễm trùng: Một số tình trạng nhiễm trùng có thể gây viêm loét đại trực tràng.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu gồm:
- Đau bụng
- Đau quặn bụng
- Đau hố chậu trái
- Đại tiện có chảy máu nhiều lần trong ngày, phân có máu đỏ
- Đại tiện phân lỏng
- Thường xuyên muốn đi đại tiện
Triệu chứng trong giai đoạn nặng:
- Sốt
- Sút cân
- Xanh xao
Triệu chứng ngoài tiêu hóa:
- Đau khớp
- Viêm xơ hóa đường mật
- Viêm màng bồ đào
- Gầy sút cân
- Thiếu máu
- Phù do suy dinh dưỡng
- Ban đỏ nút
- Loét miệng
- Viêm mủ da
- Viêm khớp
- Loãng xương
- Amylose thứ phát
- Chậm phát triển ở trẻ em
Người bệnh được kiểm tra các triệu chứng và biểu hiện lâm sàng, tiền sử bệnh và những yếu tố liên quan (chẳng hạn như di truyền). Ngoài ra các xét nghiệm sẽ được thực hiện gồm:
- Nội soi trực tràng và đại tràng toàn bộ: Đây là một kỹ thuật cần thiết để kiểm và đánh giá những tổn thương trong đại tràng và trực tràng. Ống nội soi giúp bác sĩ quan sát môi trường bên trong. Từ đó chẩn đoán phân biệt viêm loét đại trực tràng chảy máu, xác định những đoạn ruột bị ảnh hưởng và đánh giá mức độ nghiêm trọng.
- Xét nghiệm mô bệnh học: Sau khi sinh thiết nội soi, mẫu mô lấy từ vùng ảnh hưởng sẽ được phân tích trong phòng thí nghiệm. Nếu bị viêm loét đại trực tràng xuất huyết, xét nghiệm mô bệnh học có thể cho thấy:
- Biểu mô phủ bong tróc và không bằng phẳng.
- Tổn thương chỉ xuất hiện ở lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, hoàn toàn không ảnh hưởng đến lớp cơ.
- Cấu trúc khe tuyến bất thường, có thể bao gồm: Mất song song, ngắn lại, chia nhánh, tế bào hình đài cạn kiệt chất nhầy hoặc lượng tế bào hình đài suy giảm.
- Áp xe khe hốc.
- Tương bào thâm nhập xuống lớp mô đệm.
- Không phát hiện những dấu hiệu liên quan đến một số bệnh lý khác, chẳng hạn như nhiễm trùng, ung thư, bệnh Crohn, lao, amip và viêm đại tràng do vi khuẩn.
- Chụp khung đại tràng: Ở giai đoạn nặng, hình ảnh thu được giúp phát hiện những bất thường về cấu trúc của đại tràng, chẳng hạn như hẹp, phình giãn, đại tràng dạng ống chì.
- Chụp bụng không chuẩn bị: Hình ảnh sau khi chụp được có thể cho thấy những quai ruột bị giãn.
- Xét nghiệm máu: Phân tích mẫu máu giúp phát hiện những dấu hiệu của thiếu máu, viêm (tăng protein phản ứng C và số lượng máu lắng), giảm Hematocrit.
- CT scan ổ bụng: Hình ảnh CT giúp quan sát các cơ quan trong ổ bụng và kiểm tra bất thường. Ở những người bị viêm loét đại tràng, kết quả có thể cho thấy thành đại tràng dày lên nhưng không quá 1,5cm.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu có những triệu chứng dai dẳng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người bệnh. Hơn nữa các biến chứng dưới đây có thể xảy ra nếu quá trình điều trị không được thực hiện. Cụ thể:
- Phình giãn đại tràng
- Thủng đại tràng
- Xuất huyết tiên hóa
- Ung thư
- Hẹp hoặc tắc đại tràng
- Nhiễm trùng huyết
- Hấp thụ dinh dưỡng kém dẫn đến sút cân, loãng xương, thiếu máu, trẻ em châm tăng trưởng và dậy thì.
Điều trị
Người bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu chủ yếu được dùng thuốc và thay đổi lối sống để điều trị. Đôi khi phẫu thuật được cân nhắc cho những trường hợp nặng và có biến chứng.
1. Thuốc
Nguyên tắc điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu bằng thuốc:
- Điều trị khởi đầu với 1 loại thuốc, kéo dài từ 10 - 15 ngày sau đó đánh giá triệu chứng.
- Những trường hợp có đợt tiến triển nặng, đã hoặc đang điều trị, dùng 2 loại thuốc đang sử dụng kết hợp với một số loại thuốc khác.
- Nếu đã điều trị và ngừng điều trị lâu ngày, bệnh nhân được dùng 1 loại thuốc như điều trị khởi dầu nhưng với một loại thuốc khác.
- Nếu tổn thương tối thiểu ở đại tràng sigma và trực tràng, thuốc đặt hậu môn và thuốc thụt sẽ được sử dụng.
Có 2 giai đoạn điều trị, bao gồm:
+ Điều trị tấn công
Điều trị mức độ nhẹ (trực tràng tổn thương)
- Thuốc 5 - ASA: Đây là một loại aminosalicylates, có thể được dùng tại chỗ hoặc đường uống. Thuốc này có tác dụng điều trị viêm và làm dịu nhanh các triệu chứng. Liều khuyến cáo:
- 5 - ASA tại chỗ: Dùng nang đặt hậu môn 1g/ lần vào buổi tối trước khi đi ngủ, sử dụng 3 tuần.
- 5 - ASA đường uống: Uống 2 viên 500mg Pentase/ lần x 4 lần/ ngày.
- Steroid tại chỗ: Thuốc giúp điều trị viêm tại chỗ và giảm nhanh các triệu chứng liên quan. Dùng nang đạn đặt hoặc dung dịch thụt với liều 100mg/ lần x 1 - 2 lần/ ngày.
- Kháng sinh uống: Kháng sinh đường uống được dùng để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng. Trong đó bệnh nhân được dùng Ciprotloxacin hoặc Metronidazol với liều 1g/ ngày x 7 lần/ ngày.
Điều trị mức độ trung bình (đại tràng trái tổn thương)
- Thuốc 5 - ASA: Dùng thuốc 5 - ASA với liều như sau:
- 5 - ASA tại chỗ: Dùng bột hoặc dung dịch thụt (như dung dịch hydrocortison) với liều 100mg/ lần/ ngày vào buổi sáng.
- 5 - ASA đường uống: Uống 2 viên 500mg Pentase / lần x 4 lần/ ngày.
- Thuốc kháng sinh: Dùng kháng sinh để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng. Dùng một trong hai loại gồm 1g Metronidazol/ ngày x 7 ngày hoặc 1g Ciprotloxacin/ ngày x 7 ngày.
Trong trường hợp không đáp ứng, người bệnh được chỉ định thêm Corticoid đường uống hoặc/ và Methylprednisolon.
- Corticoid: Uống 40 - 60mg Corticoid/ ngày, dùng từ 10 - 14 ngày.
- Methylprednisolon: Uống 40 - 80mg Methylprednisolon/ ngày, dùng từ 7 - 10 ngày.
Điều trị mức độ vừa hoặc nặng với tổn thương xảy ra ở toàn bộ đại tràng hoặc đại tràng phải
- 5 - ASA đường uống: Uống 2 viên 500mg Pentase/ lần x 4 lần/ ngày.
- Prednisolon: Đây là một loại Corticosteroid, được dùng để điều trị viêm và các triệu chứng liên quan. Prednisolon được dùng ở liều như sau:
- Uống 40 - 60mg/ ngày, dùng từ 7 - 10 ngày.
- Giảm liều dần 5mg/ tuần khi những triệu chứng đã cải thiện, sau đó cắt hẳn.
Nếu không đáp ứng:
- Corticoid: Dùng Corticoid liều cao tiêm tĩnh mạch từ 7 đến 10 ngày.
- Methylprednisolon: Uống 16 - 20mg / 8 giờ.
- Hydrocortison: Dùng Hydrocortison tiêm tĩnh mạch 100mg/ 8 giờ. Dùng 7 - 10 ngày. Nếu lâm sàng cải thiện, giảm liều dần 5mg mỗi tuần, sau đó cắt hẳn.
Nếu không đáp ứng, cần dùng kết hợp thêm thuốc ức chế miễn dịch. Cụ thể:
- Azathioprin (Imuren): Dùng Azathioprin liều 2 - 2,5mg/ trọng lượng/ ngày.
- Kháng thể đơn dòng iníliximab (Remicade): Đây là một loại kháng thể kháng TNF, được dùng ở dạng tiêm tĩnh mạch với liều 5 - 10mg/ kg trọng lượng/ tuần.
- Kháng sinh: Uống hoặc truyền tĩnh mạch 1g Metronidazol/ ngày x 7 ngày hoặc 1g Ciprotloxacin/ ngày x 7 ngày.
+ Điều trị duy trì
Quá trình điều trị duy trì thường bắt đầu sau điều trị tấn công từ 3 - 4 tuần, khi những triệu chứng lâm sàng đã cải thiện.
- 5 - ASA đường uống: Dùng 1g/ ngày, chia thành 2 lần uống
Dùng ít nhất 2 năm đối với viêm loét trực tràng, điều trị duy trì càng lâu càng tốt đối với viêm loét trực tràng và đại tràng sigma, duy trì suốt đời đối với viêm loét toàn bộ đại tràng hoặc viêm loét đại tràng phải.
Đối với thể tối cấp hoặc phình giãn đại tràng nhiễm độc:
- Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch
- Tiêm tĩnh mạch Corticoid:
- Prednisolon: Dùng 30mg/12 giờ
- Methylprednison: 16 - 20mg/ 8 giờ
- Hydrocortisone: 100mg/ 8 giờ
- 5 - ASA đường uống: Uống Pentasa 0,5g x 2 viên/ lần, 4 lần/ ngày.
- Kháng sinh đường tĩnh mạch: Tiêm tĩnh mạch 1g Ciproíloxacin/ ngày hoặc 1 - 1.5g Metronidazol/ ngày.
Trong quá trình điều trị, cần theo dõi sát những dấu hiệu lâm sàng, thường xuyên X-quang bụng không chuẩn bị. Cần dùng thuốc ức chế miễn dịch nếu không đáp ứng sau điều trị từ 7 - 10 ngày.
2. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân cần thay đổi lối sống và ăn uống phù hợp. Điều này giúp tăng hiệu quả điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu.
- Căng thẳng có thể làm nặng hơn các triệu chứng của viêm loét đại trực tràng chảy máu. Vì vậy cần kiểm soát căng thẳng, tránh buồn rầu và lo lắng quá mức. Để cải thiện tình trạng, hãy áp dụng các kỹ thuật thư giãn, bao gồm: Ngồi thiền, hít sâu, tập yoga, nghỉ ngơi, thực hiện những hoạt động ưa thích...
- Tránh tiêu thụ những loại thực phẩm cay nóng, thức ăn chiên nhiều dầu mỡ, rượu bia và caffein. Những loại thực phẩm này có thể kích thích phản ứng viêm, tăng mức độ loét và các triệu chứng.
- Nên giảm bớt lượng chất béo tiêu thụ mỗi ngày. Tốt nhất nên lựa chọn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, thức ăn được hấp hoặc luộc.
- Tránh tiêu thụ sữa nếu không dung nạp sữa.
- Uống nhiều nước mỗi ngày, đảm bảo bổ sung đủ lượng muối khoáng cần thiết.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ chế độ ăn uống mỗi ngày. Ngoài ra nên tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất, ăn nhiều trái cây, rau củ, trứng, cá, thịt...
- Chia 3 bữa ăn chính thành 5 - 6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày, ăn thường xuyên, không nên ăn quá no trong một lần.
3. Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa cho những trường hợp sau:
- Điều trị nội khoa thất bại
- Chảy máu ồ ạt
- Phình giãn đại tràng nhiễm độc
- Thủng đại tràng
- Dị sản mức độ nặng hoặc ung thư hóa.
Phòng ngừa
Nguyên nhân gây viêm loét đại trực tràng chảy máu chưa được xác định. Vì vậy không có biện pháp nào giúp ngăn ngừa hoàn toàn cho bệnh lý này. Tuy nhiên việc giữ gìn sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch có thể giúp giảm nguy cơ. Cụ thể:
- Hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết. Tốt nhất nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, trái cây, rau củ, thịt, cá, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt; tăng cường bổ sung vitamin A và C để nâng cao sức đề kháng và duy trì sức khỏe tổng thể.
- Uống nhiều nước lọc mỗi ngày.
- Giữ cân nặng ở mức an toàn.
- Tránh căng thẳng và lo âu quá mức. Nên thực hiện những kỹ thuật thư giãn để cải thiện tâm trạng và kiểm soát căng thẳng.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe và đề kháng. Đồng thời giảm nguy cơ mắc nguy cơ mắc các bệnh ở đường tiêu hóa, bao gồm cả viêm loét đại trực tràng chảy máu.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Phác đồ chữa bệnh của tôi như thế nào?
2. Quá trình điều trị kéo dài bao lâu?
3. Loại thuốc nào được dùng để điều trị?
4. Tôi nên chăm sóc sức khỏe như thế nào?
5. Tôi có cần thực hiện một chế độ ăn uống phù hợp hơn không?
6. Dùng thuốc kéo dài có gây tác dụng phụ không?
7. Điều trị bao lâu thì các triệu chứng thuyên giảm?
Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, triệu chứng nghiêm trọng và khó điều trị. Ngay khi có các triệu chứng, người bệnh cần thăm khám và điều trị ngay lập tức để đảm bảo đạt hiệu quả tối đa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!