Viêm Mào Tinh Hoàn
Viêm mào tinh hoàn là tình trạng sưng viêm của mào tinh hoàn nằm ở phía trên tinh hoàn. Bệnh thường do nhiễm trùng vi khuẩn, xảy ra đồng thời với viêm tinh hoàn. Mào tinh hoàn sưng đỏ dẫn đến đau nhức, sưng bìu và nhiều biểu hiện khác.
Tổng quan
Viêm mào tinh hoàn là tình trạng mào tinh hoàn bị viêm dẫn đến sưng và đau. Đây là một ống ở phía trên tinh hoàn, có chức năng lưu trữ và vận chuyển tinh trùng.
Bệnh thường do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục hoặc những chủng vi khuẩn thông thường. Vi khuẩn có thể lây lan từ một bộ phận lân cận (như tinh hoàn, niệu đạo, bàng quang...) đến mào tinh hoàn. Khi ống này bị viêm và sưng lên, tinh hoàn có thể bị ảnh hưởng.
Viêm mào tinh hoàn ở nam giới xảy ra ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên bệnh phổ biến hơn ở những người có tuổi từ 20 - 40. Trong hầu hết trường hợp viêm mào tình hoàn kèm theo viêm tinh hoàn.
Phân loại
Dựa vào thời gian của các triệu chứng, viêm mào tinh hoàn được phân thành cấp tính và mãn tính.
- Viêm mào tinh hoàn cấp tính
Viêm mào tinh hoàn cấp tính thường khỏi nhanh khi dùng thuốc kháng sinh và không có biến chứng. Những triệu chứng của bệnh kéo dài dưới 3 tháng.
- Viêm mào tinh hoàn mãn tính
Viêm mào tinh hoàn mãn tính xảy ra khi mào tinh hoàn bị viêm kéo dài hơn 3 tháng. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng viêm kéo dài ngay cả khi không có nhiễm trùng.
So với giai đoạn cấp tính, giai đoạn mãn tính có những triệu chứng không quá nghiêm trọng và phát triển từ từ. Bệnh liên quan đến những cơn đau lưng dưới, thường xảy ra khi có những hoạt động gây căng thẳng cho thắt lưng. Chẳng hạn như ngồi sai tư thế, nâng vật nặng, lái xe ô tô đường dài...
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm mào tinh hoàn xảy ra do những nguyên nhân sau:
+ Viêm ở người lớn
Nhiễm trùng do vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến gây viêm mào tinh hoàn. Trong đó bao gồm STI và nhiễm trùng không lây truyền qua đường tình dục.
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI)
Hầu hết trường hợp viêm mào tinh hoàn liên quan đến nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). Trong đó chlamydia và bệnh lậu là những tình trạng phổ biến nhất.
Viêm mào tinh hoàn do STI thường gặp ở nam giới từ 20 - 35 tuổi. Sau khi xâm nhập, vi khuẩn gây nhiễm trùng ở niệu đạo, di chuyển đến ống dẫn tinh, tinh hoàn và mào tinh hoàn.
- Nhiễm trùng không lây truyền qua đường tinh dục
Trong nhiều trường hợp, viêm màu tinh hoàn xảy ra do những tình trạng không lây truyền qua đường tinh dục, bao gồm:
-
- Bệnh lao
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Nhiễm trùng niệu đạo
- Viêm tuyến tiền liệt
Đối với trường hợp này, vi khuẩn phát triển trong những bộ phận lân cận và lây lan đến mào tinh hoàn.
+ Viêm ở trẻ nhỏ
Hiếm khi viêm mào tinh hoàn xảy ra ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên bệnh có thể khởi phát do những nguyên nhân dưới đây:
- Chấn thương trực tiếp
- Trào ngược nước tiểu vào mào tinh hoàn
- Xoắn mào tinh hoàn
- Nhiễm trùng đường tiểu lây lan đến niệu đạo và mào tinh hoàn
Những yếu tố nguy cơ của bệnh:
- Không dùng bao cao su khi hoạt động tình dục
- Quan hệ tình dục bừa bãi hoặc với người bị nhiễm trùng qua đường tình dục
- Quan hệ qua đường hậu môn
- Có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Không cắt bao quy đầu
- Có những bất thường về cấu trúc trong đường tiết niệu
- Tắc nghẽn trong bàng quang do phì đại tuyến tiền liệt. Từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng lây lan đến bàng quang và mào tinh hoàn
- Mới phẫu thuật đường tiết niệu hoặc bộ phận sinh dục
- Chấn thương ở háng hoặc bộ phận sinh dục
- Dùng ống thông tiểu hoặc ống soi vào dương vật làm ảnh hưởng đến đường tiết niệu
- Dùng thuốc điều trị bệnh tim như amiodarone
- Một số tình trạng sức khỏe khiến hệ thống miễn dịch suy yếu như HIV
Triệu chứng và chẩn đoán
Viêm mào tinh hoàn gây ra những triệu chứng sau:
+ Viêm ở người trưởng thành
- Sốt nhẹ và ớn lạnh
- Đau hoặc khó chịu ở vùng xương chậu và bụng dưới
- Có áp lực trong tinh hoàn
- Sờ thấy đỏ và ấm ở bìu
- Xuất hiện những hạch bạch huyết ở háng
- Đau nhức ở tinh hoàn, thường ở một bên và diễn ra từ từ
- Đau khi quan hệ tình dục và xuất tinh
- Đau khi đi tiểu hoặc đi tiêu
- Đi tiểu thường xuyên
- Tiểu gấp
- Tiết dịch dương vật bất thường
- Có máu trong tinh dịch
+ Viêm ở trẻ em
- Khó chịu ở bụng dưới hoặc xương chậu
- Có dịch bất thường chảy ra từ niệu đạo
- Sốt
- Đỏ và đau ở bìu
- Đau rát khi đi tiểu
Những triệu chứng thường nhẹ trong giai đoạn đầu và tăng dần mức độ theo thời gian. Viêm mào tinh hoàn lặp đi lặp lại hoặc kéo dài hơn 3 tháng sẽ trở thành mạn tính. Những trường hợp này có triệu chứng xuất hiện từ từ, có thể không tìm ra nguyên nhân.
Bác sĩ chẩn đoán viêm mào tinh hoàn bằng những biện pháp sau:
- Khám thực thể: Kiểm tra hạch bạch huyết ở háng, dịch tiết bất thường và tình trạng sưng tinh hoàn. Đồng thời trao đổi với bệnh nhân về những triệu chứng thường gặp.
- Khám trực tràng: Đưa ngón tay được bôi trơn và đeo gân vào trực tràng giúp kiểm tra sự phình to của tuyến tiền liệt.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra công thức máu toàn bộ (CBC) giúp xác định bệnh truyền nhiễm.
- Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra mẫu nước tiểu giúp xác định sự có mặt của vi khuẩn. Bao gồm những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm mào tinh hoàn được điều trị bằng thuốc và nhiều biện pháp khác. Hầu hết nam giới có đáp ứng tốt khi dùng kháng sinh, ít khi phát triển thành mãn tính.
Tuy nhiên nhiễm trùng có thể tái diễn hoặc xảy ra dai dẳng. Điều này làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng, bao gồm:
- Viêm tinh hoàn
- Áp xe tinh hoàn
- Viêm mào tinh hoàn mãn tính
- Áp xe mào tinh hoàn
- Nhiễm trùng huyết
- Teo tinh hoàn và chết mô
- Xuất hiện lỗ rò trong bìu
- Vô sinh
Điều trị
Dùng thuốc kết hợp biện pháp giảm nhẹ tại nhà là phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm tinh hoàn. Nếu sưng viêm kèm theo áp xe, bệnh nhân có thể cần phải cân nhắc phẫu thuật.
1. Điều trị bằng thuốc
Kháng sinh được chỉ định cho mọi trường hợp. Ngoài ra thuốc giảm đau cũng được sử dụng để giảm nhẹ triệu chứng.
- Thuốc kháng sinh
Viêm mào tinh hoàn do vi khuẩn được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Thuốc được chỉ định với loại và liều lượng thích hợp nhằm tiêu diệt nhanh vi khuẩn gây bệnh.
Đối với nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI), nam giới và bạn tình cần được điều trị đồng thời.
- Thuốc giảm đau
Dựa vào mức độ đau do viêm mào tinh hoàn, thuốc giảm đau có hoạt chất nhẹ (như Ibuprofen hoặc Paracetamol) hoặc mạnh (thuốc giảm đau nhóm opioid) sẽ được sử dụng. Thuốc có tác dụng cắt giảm cơn đau hiệu quả.
2. Biện pháp giảm nhẹ tại nhà
Trong khi dùng thuốc, một số biện pháp giảm nhẹ cũng được áp dụng để cắt giảm triệu chứng. Bao gồm:
- Nghỉ ngơi tại giường và nâng cao bìu
Bệnh nhân được khuyên dành thời gian nghỉ ngơi tại giường kết hợp nâng cao bìu ít nhất 2 ngày để giảm triệu chứng. Biện pháp này có tác dụng giảm sưng và đau hiệu quả.
- Mặc đồ lót hỗ trợ bìu
Lựa chọn những chiếc quần lót có khả năng hỗ trợ bìu để giảm sưng và đau.
- Chườm lạnh
Chườm túi lạnh vào bìu. Đây là biện pháp giúp giảm sưng, viêm và đau nhanh chóng. Chườm lạnh có thể được áp dụng 3 - 4 lần/ ngày, 15 phút/ lần.
- Thay đổi lối sống
Tránh nâng vật nặng và không quan hệ tình dục cho đến khi hết nhiễm trùng. Ngoài ra cần tránh thuốc lá, rượu bia, thức ăn cay nóng để không kích thích viêm và làm nặng hơn các triệu chứng.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật được xem xét cho những bệnh nhân bị viêm mào tinh hoàn gây biến chứng áp xe. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, một trong những lựa chọn dưới đây có thể được áp dụng:
- Dẫn lưu áp xe
- Phẫu thuật cắt mào tinh hoàn (một phần hoặc toàn bộ mào tinh hoàn)
- Phẫu thuật sửa chữa nếu viêm mào tinh hoàn liên quan đến bất thường về giải phẫu đường tiết niệu.
Phương pháp này sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được dùng thuốc và được hướng dẫn chăm sóc vết thương.
Phòng ngừa
Nhiều biện pháp có thể giúp ít trong việc giảm nguy cơ viêm mào tinh hoàn. Bao gồm:
- Tránh hoạt động thể chất quá sức hoặc nâng vật nặng.
- Hạn chế ngồi lâu một chỗ.
- Điều trị tích cực những tình trạng có thể gây viêm mào tinh hoàn, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Cắt bao quy đầu nếu nam giới trưởng thành có bao quy đầu bị hẹp hoặc dài.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, giữ vùng kín khô ráo và mặc quần lót thoáng mát.
- Tiêm phòng lao.
- Uống nhiều nước giúp tăng đào thải độc tố và vi khuẩn thông qua nước tiểu. Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Tiêm vắc xin phòng tránh những tình trạng nhiễm trùng có thể gây viêm mào tinh hoàn và viêm tinh hoàn. Chẳng hạn như lao và quai bị.
- Không quan hệ với nhiều người.
- Không quan hệ với đối tác có bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
- Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Loại thuốc nào tốt nhất cho tình trạng của tôi?
2. Quá trình điều trị kéo dài trong bao lâu?
3. Có điều gì cần tránh khi điều trị không?
4. Tình trạng của tôi có gây vô sinh không?
5. Thuốc điều trị có thể gây ra những tác dụng phụ nào?
6. Tôi nên làm gì nếu có tác dụng phụ?
7. Tôi có cần phải đề phòng lây nhiễm cho người khác không?
Bệnh viêm mào tinh hoàn có thể ảnh hưởng đến nam giới ở mọi độ tuổi. Bệnh chủ yếu xảy ra do vi khuẩn gây nhiễm trùng mào tinh hoàn. Việc điều trị sớm và dùng kháng sinh đúng cách có thể giúp khắc phục nhanh tình trạng, cắt giảm triệu chứng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!