Bệnh Viêm Mũi Vận Mạch
Viêm mũi vận mạch là tình trạng viêm mô mũi không do dị ứng hoặc vô căn. Bệnh dẫn đến nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi và chảy nước mũi sau. Các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nặng nhưng hầu hết các trường hợp đều được chữa khỏi.
Viêm mũi vận mạch là gì?
Viêm mũi vận mạch còn được gọi là viêm mũi vô căn - một loại viêm mũi không dị ứng. Bệnh thể hiện cho tình trạng viêm và sưng lên ở các mô bên trong mũi. Tình trạng này gây ra những triệu chứng tương tự như viêm mũi dị ứng. Chẳng hạn như nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi sau và sổ mũi.
Bệnh viêm mũi vận mạch thường không có nguyên nhân cụ thể. Tình trạng viêm không phải do tiếp xúc với những chất gây dị ứng (như nấm móc, phấn hoa, lông thú cưng...), không phải do virus hoặc vi khuẩn.
Những triệu chứng của bệnh thường xuất hiện do thời tiết thay đổi, ăn uống, tập thể dục, một số mùi nhất định, thuốc và những tác nhân gây kích ứng mũi. Viêm mũi vận mạch không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên những triệu chứng có thể nghiêm trọng, xảy ra quanh năng dẫn đến khó chịu.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh viêm mũi vận mạch xảy ra khi bên trong mũi có những mạch máu giãn ra. Điều này tạo ra tình trạng sưng tấy (viêm) ở các mô bên trong mũi, có thể dẫn đến tắc nghẽn.
Nguyên nhân khiến những mạch máu giãn ra không được biết rõ. Tuy nhiên phản ứng có thể xảy ra khi có những tác nhân dưới đây:
- Thay đổi thời tiết, đặc biệt là trong thời tiết lạnh và khô.
- Tiếp xúc với những chất kích thích trong môi trường. Chẳng hạn như: Khói bụi, khói thuốc lá, nước hoa, mùi lạ...
- Thức ăn hoặc đồ uống nóng hoặc cay
- Nhiễm virus, chẳng hạn như cúm, cảm lạnh và một số dạng nhiễm trùng khác
- Một số loại thuốc gồm:
- Thuốc an thần
- Thuốc tránh thai và một số loại thuốc nội tiết tố khác
- Thuốc dùng trong điều trị rối loạn cương dương
- Thuốc chẹn beta và thuốc chẹn alpha dùng trong điều trị huyết áp cao
- Thuốc ức chế men chuyển
- Thuốc chống trầm cảm
- Aspirin
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen
- Lạm dụng thuốc xịt thông mũi
- Căng thẳng
- Thay đổi nội tiết tố gây phản ứng. Những triệu chứng thường xảy ra trong giai đoạn mãn kinh, có kinh, thai kỳ và tuổi dậy thì
- Một số tình trạng có thể gây ra các triệu chứng hoặc làm nặng hơn.Chẳng hạn như bệnh tiểu đường và suy giáp (tuyến giáp không sản xuất đủ hormone).
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của bệnh viêm mũi vận mạch thường xuất hiện quanh năm, có thể kéo vài tuần hoặc không đổi. Hầu hết trường hợp đều có những triệu chứng dưới đây:
- Sổ mũi
- Nghẹt mũi
- Hắt xì
- Giảm khứu giác
- Chảy dịch mũi sau, có chất nhầy trong cổ họng
- Hình thành lớp vỏ có mùi hôi bên trong mũi (hiếm gặp). Việc có gắng loại bỏ lớp vảy có thể gây chảy máu.
Khám mũi và họng kết hợp kiểm tra những triệu chứng lâm sàng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán viêm mũi vận mạch. Nhiều trường hợp được thực hiện xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán. Những xét nghiệm thường dùng:
- Nội soi mũi: Bác sĩ đưa một ống dài vào bên trong mũi để kiểm tra đường mũi và xoang. Điều này có thể giúp phân biệt viêm mũi vận mạch với một số vấn đề khác, chẳng hạn như polyp mũi.
- Xét nghiệm dị ứng: Bệnh nhân được xét nghiệm dị ứng để loại trừ viêm mũi do dị ứng. Khi thực hiện cơ thể được tiếp xúc với lượng nhỏ chất gây dị ứng bằng vết chích trên da. Sau đó kiểm tra phản ứng. Ngoài ra xét nghiệm máu có thể được thực hiện để kiểm tra các kháng thể khi tiếp xúc với những chất gây dị ứng.
- Chụp CT: Bệnh nhân được chụp CT để tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong đường mũi. Điều này giúp phát hiện những bất thường về cấu trúc như lệch vách ngăn mũi và polyp.
- Kiểm tra lưu lượng hít vào mũi: Bác sĩ đo lượng thông khí vào phổi bằng cách hít vào và kiểm tra lưu lượng hít vào qua mũi. Xét nghiệm này cho phép xác định tình trạng tắc nghẽn trong đường mũi.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm mũi vận mạch có thể là một tình trạng mãn tính, các triệu chứng bắt đầu và kết thúc liên tục trong năm. Điều này khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Ngoài ra bệnh có thể gây ra một số vấn đề dưới đây:
- Viêm xoang
- Polyp mũi
- Rối loạn chức năng ống Eustachian
- Mất mùi
- Khó thở khi ngủ
- Hen suyễn
- Khô mũi, chảy máu cam và buồn ngủ (tác dụng phụ của điều trị)
Nếu được điều trị sớm và đúng cách, viêm mũi vận mạch và các triệu chứng được kiểm soát tốt, giảm nguy cơ phát triển polyp và những biến chứng khác.
Điều trị
Nếu bị viêm mũi vận mạch, người bệnh sẽ được chỉ định những phương pháp điều trị dưới đây:
1. Thuốc
Bệnh viêm mũi vận mạch được điều trị bằng những loại thuốc sau:
- Thuốc thông mũi: Người bệnh được dùng thuốc thông mũi như Phenylephrine hoặc Pseudoephedrine để giảm nghẹt mũi. Thuốc có tác dụng làm loãng dịch nhầy, phòng ngừa và chữa nghẹt mũi. Thuốc thông mũi thường chỉ được dùng trong vài ngày.
- Thuốc xịt mũi nước muối không kê đơn (OTC): Người bệnh được yêu cầu xịt mũi bằng nước muối vài lần mỗi ngày. Thuốc này giúp giảm viêm sưng và kích ứng, làm dịu niêm mạc mũi và giảm đau. Ngoài ra xịt mũi nước muối còn giúp chống nhiễm trùng, làm loãng và loại bỏ dịch nhầy ứ đọng trong đường mũi.
- Thuốc xịt mũi corticosteroid: Một loại thuốc xịt mũi corticosteroid như Fluticasone sẽ được sử dụng. Thuốc có tác dụng điều trị viêm mũi, làm dịu các mô trong mũi, giảm sưng và đau hiệu quả. Nếu những triệu chứng không giảm hoặc nặng nề, bệnh nhân có thể được dùng Mometasone thay vì Fluticasone (thuốc xịt không kê đơn).
- Thuốc kháng cholinergic: Một loại thuốc kháng cholinergic như ipratropium bromide được chỉ định cho những bệnh nhân bị chảy nước mũi dữ dội. Thuốc có tác dụng điều trị sổ mũi.
- Thuốc xịt mũi kháng histamine: Thuốc này có tác dụng làm giảm viêm mũi và các triệu chứng bao gồm nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi...
2. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Trong quá trình dùng thuốc, hãy áp dụng thêm những biện pháp chăm sóc dưới đây để tăng hiệu quả điều trị:
- Tưới mũi: Rửa mũi bằng dung dịch nước muối 2 - 3 lần mỗi ngày. Điều này giúp làm sạch mũi và những hốc mũi, giảm viêm sưng và chống nhiễm trùng.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Hãy sử dụng máy tạo độ ẩm ở nơi làm việc hoặc/ và ở nhà. Điều này có thể giúp giữ ẩm cho đường mũi và làm dịu các triệu chứng của bệnh viêm mũi vận mạch.
- Xì mũi nhẹ nhàng: Nếu có nhiều chất nhầy, hãy thường xuyên xì mũi nhẹ nhàng để làm sạch đường mũi.
- Uống nhiều chất lỏng: Hãy uống nhiều nước và nước ép trái cây, có thể uống thêm trà không chứa caffein. Điều này giúp giữ nước, duy trì sức khỏe. Đồng thời giúp bổ sung vitamin, tăng sức đề kháng và làm giảm các triệu chứng của viêm mũi.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật được lựa chọn khi dùng thuốc không hiệu quả hoặc có vấn đề làm trầm trọng hơn các triệu chứng, chẳng hạn như polyp mũi và lệch vách ngăn mũi. Trong khi thực hiện bác sĩ tiến hành loại bỏ polyp nếu có hoặc điều chỉnh vách ngăn mũi để phục hồi cấu trúc bình thường.
Phòng ngừa
Không có cách để ngăn ngừa hoàn toàn cho bệnh viêm mũi vận mạch. Tuy nhiên tránh những tác nhân gây viêm mũi và thực hiện các biện pháp chăm sóc có thể giúp bạn giảm nguy cơ. Cụ thể:
- Thường xuyên rửa mũi bằng nước muối. Biện pháp này giúp làm sạch đường mũi, loại bỏ vi khuẩn và những tác nhân gây kích ứng ở mũi. Ngoài ra rửa mũi bằng nước muối còn giúp kháng viêm và chống nhiễm trùng hiệu quả.
- Tránh xa những yếu tố có khả năng kích thích đường mũi. Bao gồm khói bụi, khói thuốc lá, nấm móc, nước hoa, mùi lạ...
- Không lạm dụng hoặc dùng kéo dài thuốc thông mũi (thuốc xịt hoặc nhỏ mũi).
- Sống và làm việc trong môi trường sạch sẽ và trong lành.
- Tránh căng thẳng. Áp dụng những kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, ngồi thiện, yoga... khi bị căng thẳng. Nên suy nghĩ tích cực và giảm lo âu.
- Hạn chế những loại thực phẩm nóng hoặc cay.
- Tìm hướng xử lý nếu phải dùng kéo dài những loại thuốc có thể làm giãn mạch máu trong mũi và gây viêm mũi. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn dùng thuốc đúng cách.
- Luôn giữ ấm có thể khi thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp.
- Nếu thời tiết khô, hãy sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ và nơi làm việc. Thiết bị này giúp bổ sung độ ẩm cho không khí, làm ẩm niêm mạc mũi và xoang, giảm kích ứng và viêm mũi xoang.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì gây ra những triệu chứng của tôi?
2. Những triệu chứng của tôi kéo dài trong bao lâu?
3. Có những phương pháp điều trị nào? Phương pháp nào tốt nhất?
4. Làm thế nào để quản lý tốt các triệu chứng và ngăn tái phát?
5. Lợi ích và rủi ro có thể gặp khi dùng thuốc là gí?
6. Biện pháp chăm sóc nào giúp dễ chịu hơn ở mũi?
7. Tôi cần tránh những gì để ngăn tái phát?
Bệnh viêm mũi vận mạch không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên những triệu chứng thường kéo dài và tái phát, làm ảnh hưởng đến đời sống và gây căng thẳng. Để kiểm soát tốt, hãy điều trị sớm và đúng cách theo chỉ định của chuyên gia.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!