Bệnh Viêm Mũi Xuất Tiết
Viêm mũi xuất tiết thường gặp ở trẻ em và những người có hệ miễn dịch suy yếu. Tình trạng này xảy ra khi niêm mạc mũi họng bị viêm và tăng tiết dịch nhầy quá mức. Từ đó gây ra nhiều triệu chứng khó chịu.
Tổng quan
Viêm mũi xuất tiết là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm niêm mạc mũi và tăng tiết dịch nhầy quá mức. Tình trạng này thường là kết quả của một số dạng nhiễm trùng ở mũi và họng, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng, cúm và viêm xoang.
Hầu hết các trường hợp có triệu chứng nhẹ và đáp ứng tốt với thuốc điều trị. Tuy nhiên việc chủ quan và không điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho mắt, tai, mũi và họng. Trong đó, phần lớn bệnh nhân có nhiễm trùng lây lan, bội nhiễm và có vấn đề về thị lực.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm mũi xuất tiết là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp. Bệnh xảy ra do một số nguyên nhân dưới đây:
- Vi khuẩn: Viêm mũi xuất tiết thường liên quan đến vi khuẩn. Sau khi xâm nhập vào hệ hô hấp, chúng gây viêm và kích thích niêm mạc làm tăng tiết dịch nhầy. Việc không được điều trị sớm có thể dẫn đến bội nhiễm.
- Nấm: Mặc dù ít gặp hơn nhưng sự xâm nhập và phát triển của nấm cũng có thể gây viêm.
- Yếu tố môi trường: Thời tiết đột ngột thay đổi hoặc quá lạnh khiến cơ thể không kịp thích nghi, tạo điều kiện cho sự xâm nhập của một số loại vi khuẩn và virus. Từ đó dẫn đến viêm mũi họng xuất tiết. Ngoài ra viêm mũi xuất tiết cũng xảy ra ở những người thường xuyên tiếp xúc với không khí ô nhiễm và bụi bẩn.
- Dị ứng: Nếu có tiền sử dị ứng, viêm mũi xuất tiết có thể xảy ra khi bạn tiếp với những dị nguyên (chất gây dị ứng), bao gồm:
- Phấn hoa
- Lông động vật
- Chất tẩy rửa
- Khói bụi
- Nấm mốc...
Những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Trẻ em
- Hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như phụ nữ mang thai, ghép tạng, người lớn tuổi...
- Chế độ ăn uống chứa quá nhiều dầu mỡ, đường, muối và thức ăn nhanh
- Hút thuốc lá.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh viêm mũi xuất tiết có những triệu chứng tương tự như cúm và viêm mũi họng thông thường. Khi bệnh tiến triển, những triệu chứng nghiêm trọng và rõ ràng hơn.
Dưới đây là những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp:
- Sổ mũi
- Nhức đầu
- Ớn lạnh
- Nhức mỏi cơ thể
- Nghẹt mũi
- Hắt hơi
- Đau rát cổ họng
- Khô họng
- Sung huyết và sưng đỏ niêm mạc vùng mũi họng
- Ho khan
- Khản tiếng
- Nhức đầu
- Cảm thấy đau nhức vùng mặt
- Tăng dịch nhầy mũi dẫn đến tắc nghẹt mũi
- Tụ máu ở phần cuống mũi
- Khó ngửi hoặc giảm khứu giác
- Ù tai
- Mất ngủ
- Khó thở
- Hơi thở có mùi hôi
- Sốt
- Ăn ngủ kém
Chẩn đoán viêm mũi xuất tiết bao gồm việc kiểm tra kỹ lưỡng các triệu chứng và đánh giá mức độ nghiêm trọng. Trong khi thăm khám, bác sĩ có thể nhìn thấy niêm mạc họng và mũi sung huyết và tấy đỏ.
Ngoài ra một số xét nghiệm bổ sung cũng được thực hiện, bao gồm:
- Phết tế bào mũi: Xét nghiệm này được thực hiện nhằm xác định nhiễm trùng hoặc viêm mũi dị ứng (xét nghiệm có Eosinophil trong chất tiết niêm mạc).
- Test kích thích: Nếu có nghi ngờ viêm mũi xuất tiết liên quan đế dị ứng, bác sĩ có thể tiến hành test kích thích, bao gồm test nhỏ mũi, test nóng hoặc test lạnh. Xét nghiệm này cho phép chẩn đoán sinh học các phản ứng dị ứng và phát hiện dị nguyên gây viêm mũi.
- Xét nghiệm lẩy da: Xét nghiệm này bao gồm đưa một loại dị ứng nguyên vào lớp thượng bì. Từ đó xác định tác nhân gây dị ứng.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm mũi xuất tiết thường nhẹ, điều trị bằng thuốc có thể giúp giảm nhanh tình trạng viêm và các triệu chứng. Tuy nhiên khi không được điều trị, các triệu chứng xảy ra kéo dài và tăng mức độ nghiêm trọng. Hơn nữa, người bệnh còn có nguy cơ gặp những biến chứng dưới đây:
- Viêm mũi xuất tiết mãn tính
- Nhiễm trùng lây lan dẫn đến:
- Viêm mũi xoang
- Viêm họng
- Viêm tai giữa
- Viêm phế quản
- Viêm xoang mũi xuất tiết
- Hen suyễn
- Suy giảm thị lực
- Viêm túi lệ
- Áp xe mí mắt
- Áp xe ngoài màng cứng
- Áp xe não
- Viêm màng não.
Điều trị
Điều trị viêm mũi xuất tiết bao gồm những biện pháp chăm sóc tại nhà và thuốc. Cụ thể:
1. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn viêm nhiễm tiến triển.
- Rửa xoang mũi họng bằng nước muối sinh lý
Dùng nước muối sinh lý 0,9% vài lần mỗi ngày để rửa xoang mũi họng. Biện pháp này giúp làm sạch dịch nhầy, chất dị ứng, vi khuẩn và nấm. Từ đó giúp giảm nghẹt mũi, giảm viêm, sưng và sung huyết.
Khi thực hiện, cho nước muối vào bình có vòi xịt. Sau đó ngồi thẳng lưng, nghiêng đầu một góc 45 độ và xịt nước muối sinh lý vào một bên mũi. Thực hiện tương tự với bên còn lại.
- Tránh dị nguyên
Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, phấn hoa, lông thú cưng, khói bụi và những chất có thể khiến bạn bị dị ứng. Bởi điều này sẽ làm nặng hơn những triệu chứng của bệnh.
2. Thuốc
Thông thường viêm mũi xuất tiết sẽ được điều trị bằng những loại thuốc dưới đây:
- Thuốc kháng histamin H1: Thuốc này thường được sử dụng để giảm xuất tiết, nghẹt mũi và sổ mũi. Đồng thời giúp giảm hắt xì và những triệu chứng liên quan đến dị ứng. Thuốc kháng histamin hoạt động bằng cách ức chế sự giải phóng và hoạt động của histamin. Từ đó giảm nhẹ các triệu chứng.
- Thuốc co mạch, chống sung huyết: Ephedrin 1%, Naphazolin, Xylometazolin, Napthasolin 0,5% là những loại thuốc co mạch và chống sung huyết thường được sử dụng. Thuốc có tác dụng làm dịu tình trạng phù nề niêm mạc, giảm sung huyết. Đồng thời giúp giảm bớt những triệu chứng liên quan như nghẹt mũi và chảy nước mũi.
- Thuốc giúp làm se khô bề mặt niêm mạc mũi: Trong một số trường hợp, người bệnh được chỉ định với thuốc làm se khô bề mặt niêm mạc mũi, chẳng hạn như argyrol nhóm muối bạc. Thuốc này có tác dụng làm se khô bề mặt niêm mạc, chống viêm và giảm sưng hiệu quả.
- Corticoid dạng xịt: Viêm mũi xuất tiết thường được điều trị bằng Corticoid dạng xịt. Thuốc này có tác dụng giảm viêm tại chỗ. Đồng thời giúp giảm nhẹ các triệu chứng như sưng, đau và sung huyết ở niêm mạc mũi. Tuy nhiên thuốc xịt Corticoid không được dùng quá 7 ngày để tránh gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
3. Thủ thuật
Nếu điều trị bằng thuốc không đạt hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc một trong những phương pháp dưới đây:
- Điện di dung dịch Novocain 5%
- Xúc xoang
- Chiếu tia sóng ngắn vào vùng mũi
- Dùng khí dung
- Dùng cote điện để đốt cuốn mũi dưới
- Phẫu thuật.
Phòng ngừa
Những bước dưới đây có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị viêm mũi xuất tiết:
- Tăng cường bổ sung vitamin (như vitamin A, B, C, D, E) và các khoáng chất thông qua chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Những thành phần dinh dưỡng này giúp nâng cao hệ miễn dịch và tăng khả năng chống bệnh của cơ thể.
- Hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, những loại thực phẩm chứa quá nhiều dầu mỡ, đường, muối.
- Không hút thuốc lá và tránh hít khói thuốc thụ động.
- Tránh tiếp xúc với các dị nguyên nếu có cơ địa bị dị ứng. Chẳng hạn như phấn hoa và lông chó mèo.
- Sinh sống ở những nơi có không khí trong lành, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, tránh tiếp xúc với khói bụi và nấm móc.
- Không tiếp xúc gần với những người có các bệnh lây nhiễm, chẳng hạn như cúm, viêm mũi họng do vi khuẩn hoặc virus.
- Nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc. Điều này giúp sức khỏe được phục hồi và giảm nguy cơ mắc bệnh. Tránh lao động gắng sức.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì gây ra những triệu chứng của tôi?
2. Phương pháp điều trị nào được đề nghị?
3. Điều trị trong bao lâu thì khỏi?
4. Tác dụng phụ nào có thể gặp khi dùng thuốc?
5. Tôi nên làm gì nếu gặp tác dụng phụ?
6. Những cách chăm sóc nào giúp tôi giảm bớt khó chịu?
7. Tôi cần kiêng những gì khi điều trị?
Viêm mũi xuất tiết thường nhẹ và dễ dàng được chữa khỏi. Tuy nhiên việc không chữa trị sớm có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng, triệu chứng dai dẳng và tăng nguy cơ gặp biến chứng. Vì vậy cần sớm thăm khám, vệ sinh mũi họng và dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!