Viêm Nang Lông

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm nang lông xảy ra khi một hoặc nhiều nang lông bị viêm và nhiễm trùng. Bệnh gây phát ban ở dạng mụn nhọt đầu trắng kèm theo ngứa da. Nhiễm trùng có thể lây lan, gây ra nhiều tình trạng da nghiêm trọng khác khi không được điều trị.

Tổng quan

Bệnh viêm nang lông là tình trạng nang lông bị viêm và nhiễm trùng, thường do vi khuẩn. Nhiễm trùng ban đầu gây ra những nốt mụn nhỏ mọc xung quanh nang lông. Sau đó tiến triển thành phát ban dạng mụn nhọt hoặc mụn mủ.

Bệnh viêm nang lông
Bệnh viêm nang lông xảy ra khi viêm và nhiễm trùng ảnh hưởng đến một hoặc nhiều nang lông

Những nốt mụn nhọt đầu trắng xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào có lông (như ngực, lưng, đầu, mông, mặt...). Tình trạng này thường kèm theo cảm giác ngứa ngáy hoặc đau rát, dễ nhầm lẫn với mụn trứng cá.

Kháng sinh được chỉ định trong điều trị viêm nang. Những trường hợp nhẹ thường không gây sẹo. Những trường hợp nhiễm trùng nặng có thể gây rụng tóc vĩnh viễn và để lại sẹo.

Phân loại

Bệnh viêm nang lông được phân loại 2 loại theo mức độ tổn thương, cụ thể:

  • Viêm nông: Loại này làm ảnh hưởng đến một phần của nang.
  • Viêm sâu: Viêm liên quan đến toàn bộ nang, có mức độ nghiêm trọng.

Viêm nang lông cũng được phân thành nhiều loại dựa trên nguyên nhân, bao gồm:

  • Viêm nang lông do tụ cầu khuẩn

Viêm nang lông do tụ cầu khuẩn là loại phổ biến nhất, thường do nhiễm trùng vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn). Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi thông qua trầy xước hoặc vết cắt.

Nang lông bị nhiễm trùng dẫn đến phát ban ngứa, xuất hiện nhiều mụn nhỏ chứa đầy mủ vàng hoặc trắng. Khu vực ảnh hưởng thường tốt hơn khi được chăm sóc và dùng kháng sinh.

  • Viêm nang lông do Pseudomonas aeruginosa (bồn tắm nước nóng)

Pseudomonas aeruginosa là một loại vi khuẩn phát triển mạnh mẽ trong nước nóng. Loại này thường lây nhiễm sau khi tắm trong bồn tắm nước nóng, bể bơi nước nóng hoặc dùng cầu trượt nước công cộng.

Viêm nang lông do Pseudomonas aeruginosa gây phát ban hình tròn, nổi mụn mủ kèm theo cảm giác ngứa ngáy. Những triệu chứng thường xuất hiện ở ngực và lưng, nghiêm trọng hơn khi đổ mồ hôi.

  • Pseudofolliculitis barbae (vết dao cạo)

Loại này gây phát ban ở vùng râu, xảy ra do lông mọc ngược. Bệnh thường ảnh hưởng đến những người có râu hoặc tóc xoăn và cạo quá sát. Phát ban cũng có thể xảy ra ở vùng bikini do sử dụng dao cạo làm sạch lông ở vùng bẹn.

Pseudofolliculitis barbae
Pseudofolliculitis barbae phổ biến ở những người có râu hoặc tóc xoăn, thường xuyên cạo râu quá sát

  • Sycosis vulgaris

Sycosis vulgaris là một loại viêm nang lông nghiêm trọng, đặc trưng bởi tình trạng nhiễm trùng mãn tính ở vùng râu hoặc cằm. Bệnh xảy ra khi nang lông bị nhiễm trùng sâu, thường liên quan đến vi khuẩn Staphylococcus hoặc Propionibacterium.

Trong bệnh Sycosis barbae, toàn bộ nang lông ở râu (sycosis barbae) hoặc sau gáy (sycosis nuchae) bị nhiễm trùng. Điều này tạo nên mụn mủ đỏ có kích thước lớn, kèm theo đau và mềm.

Sycosis vulgaris thường gặp ở những người cạo râu dẫn đến kích ứng hoặc trầy xước, bệnh có thể để lại sẹo.

  • Viêm nang lông do vi khuẩn gram âm

Bệnh chủ yếu gặp ở những người sử dụng kháng sinh kéo dài trong điều trị mụn trứng cá. Bệnh xảy khi vi khuẩn kháng thuốc và nhân lên. Điều này làm tăng mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá và khiến nhiều nang lông bị viêm.

  • Nhọt

Nhọt hình thành ở những nơi có nhiễm trùng sâu. Những nốt mụn nhọt thường đỏ, bên trong có mủ, mềm và đau. Tình trạng này thường để lại sẹo, được điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc thực hiện thủ thuật can thiệp.

  • Carbuncles

Carbuncles là một tình trạng nghiêm trọng hơn của nhọt. Bệnh xảy ra khi một số nhọt xuất hiện tại một điểm, nhọt có kích thước lớn và nhiều nang lông bị nhiễm trùng.

  • Viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan

Dạng này xảy ra ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu. Trong đó trẻ sơ sinh và bệnh nhân bị HIV / AIDS là những đối tượng thường bị ảnh hưởng.

Viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan được biểu hiện bởi những nốt mụn ngứa và những mảng da gà tái phát hình thành gần nang lông. Những triệu chứng thường tự khỏi nhưng dễ tái phát.

  • Pityrosporum (viêm nang lông do nấm men)

Pityrosporum gây phát ban ngứa, xuất hiện nhiều nốt mụn chứa đầy mủ. Bệnh xảy ra khi có sự phát triển quá mức của nấm men dẫn đến nhiễm trùng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm nang lông xảy ra khi nang lông bị nhiễm trùng và viêm. Điều này khiến nang lông dưới da sưng tấy, hình thành những nốt sần, nhọt hoặc mụn mủ gây khó chịu.

Bệnh xảy ra do những nguyên nhân sau:

Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn)
Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn) là nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông thường gặp

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn
    • Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn) - nguyên nhân phổ biến nhất
    • Vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa
    • Vi khuẩn gram âm
  • Virus herpes simplex
  • Nấm men
  • Ký sinh trùng như ve Demodex folliculorum
  • Kích ứng khi cao râu
  • Tổn thương da
  • Suy giảm hệ miễn dịch
  • Đôi khi viêm nang lông xảy ra nhưng không rõ nguyên nhân. Điều này xảy ra ở những người bị viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:

  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Thường xuyên mặc quần áo có vải thô cứng, bó sát hoặc giữ nhiệt (như găng tay cao su, ủng cao)
  • Ngâm mình trong bồn tắm nước nóng, bồn tạo sóng, máng trượt, hồ bơi công cộng không được vệ sinh, có nồng độ clo hoặc/ và nồng độ pH không chính xác
  • Tẩy lông hoặc cạo râu khiến nang lông bị tổn thương
  • Đội tóc giả hoặc kéo tóc để tạo kiểu
  • Dùng liệu pháp kháng sinh dài hạn trong điều trị mụn trứng cá
  • Dùng kem corticosteroid, prednisone
  • Thường xuyên sử dụng những loại thuốc ức chế miễn dịch
  • Một số bệnh lý như HIV / AIDS, ung thư, bệnh tiểu đường hoặc một bệnh lý khác làm giảm khả năng chống nhiễm trùng
  • Bị viêm da
  • Tiền sử viêm nang lông trước đây.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của bệnh viêm nang lông gồm:

  • Nổi mụn đỏ trên da (triệu chứng chính)
    • Mụn đỏ có thể giống như vết sưng viêm hoặc chứa đầy mủ (mụn mủ)
    • Nổi mụn hoặc nổi cụm mụn nhỏ xung quanh nang lông
  • Mụ mủ vỡ ra và đóng vảy
  • Đau rát và mềm
  • Ngứa da

Bệnh viêm nang lông đặc trưng bởi những nốt mụn đỏ sưng viêm hoặc chứa đầy mủ ở nang lông

Trong quá trình chăm khám, bênh nhân được kiểm tra vùng da bị ảnh hưởng. Tình trạng viêm sưng hoặc những nốt mụn mủ ở nang lông có thể giúp phát hiện nhanh bệnh viêm nang lông.

Để chắc chắn hơn về tình trạng, người bệnh được đặt một số câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh hoặc thói quen ngâm bồn nước nóng.

Ngoài ra bệnh nhân được thực hiện một số xét nghiệm giúp tìm kiếm nguyên nhân gây nhiễm trùng và phân loại, cụ thể:

  • Cạo da hoặc lấy dịch mụn mủ, sau đó kiểm tra dưới kính hiển vi. Điều này giúp xác định sự hiện diện của vi khuẩn và nấm men.
  • Nuôi cấy bệnh phẩm xác định nhiễm trùng.
  • Sinh thiết da kiểm tra nhiễm trùng (hiếm khi thực hiện).

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh viêm nang lông không được điều trị sớm có thể khiến nhiễm trùng lan rộng hoặc tái phát. Đồng thời gây ra những tình trạng da nghiêm trọng hơn. Cụ thể như:

  • Viêm mô tế bào
  • Áp xe
  • Sẹo vĩnh viễn
  • Tăng sắc tố (xuất hiện những mảng da sẫm màu hơn) hoặc giảm sắc tố (xuất hiện những mảng da sáng màu hơn). Tình trạng này thường tạm thời
  • Nang tóc bị phá hủy và gây rụng tóc vĩnh viễn.

Khi dùng thuốc điều trị sớm và đúng cách, những triệu chứng của bệnh viêm nang lông được cải thiện và tổn thương lành lại. Điều này giúp những biến chứng được ngăn ngừa.

Điều trị

Điều trị viêm nang lông dựa trên phân loại và mức độ nghiêm trọng. Điều này thường bao gồm thuốc và những biện pháp tự chăm sóc.

1. Điều trị bằng thuốc

Dựa trên nguyên nhân, bệnh viêm nang lông được điều trị bằng những loại thuốc sau:

Dùng thuốc bôi hoặc gel kháng sinh
Dùng thuốc bôi hoặc gel kháng sinh giúp diệt ổ nhiễm trùng và ngăn hình thành mụn mủ

  • Thuốc kháng sinh: Kháng sinh được dùng trong điều trị nhiễm trùng nang lông do vi khuẩn. Những trường hợp nhẹ được dùng thuốc bôi hoặc gel kháng sinh để điều trị tại chỗ. Thuốc giúp tiêu diệt vi khuẩn và giảm hình thành mụn mủ. Những trường hợp nhiễm trùng sâu, có nhọt hoặc nhiễm trùng tái phát được dùng kháng sinh đường uống để chống nhiễm trùng.
  • Thuốc chống nhiễm nấm: Nếu bị nhiễm trùng do nấm men, dầu gội, thuốc bôi hoặc viên uống chống nhiễm nấm sẽ được sử dụng. Thuốc này có tác dụng tiêu diệt loại nấm gây bệnh.
  • Thuốc kháng viêm: Thuốc kháng viêm được chỉ định để làm dịu triệu chứng viêm do viêm nang lông bạch cầu ái toan nhẹ. Trong đó kem steroid có tác dụng điều trị viêm và giảm ngứa hiệu quả. Một số loại viêm nang lông khác cũng có thể được điều trị bằng thuốc này để giảm triệu chứng.
  • Thuốc kháng virus: Ít khi viêm nang lông xảy ra do nhiễm virus. Nếu có, tình trạng này sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus. Virus được tiêu diệt giúp ngăn bệnh tiến triển và tổn thương mau lành.
  • Thuốc kháng histamine: Nhóm thuốc này có thể được dùng để giảm ngứa.

2. Điều trị viêm nang lông bằng laser

Nếu dùng thuốc không giúp cải thiện triệu chứng, bệnh nhân có thể được yêu cầu điều trị viêm nang lông bằng laser. Trong đó tia laser được sử dụng để tác động sâu vào bên trong nang lông. Điều này giúp tiêu diệt những ổ viêm nhiễm, phục hồi và tái tạo vùng da tổn thương.

3. Tiểu phẫu

Nếu có nhọt, người bệnh sẽ được yêu cầu chích rạch dẫn lưu mủ. Trong quy trình, bác sĩ tạo một vết rạch nhỏ trên nhọt và tiến hành dẫn lưu mủ. Cuối cùng sử dụng băng gạc vô trùng để che vết thương và thấm máu / mủ rò rỉ.

Phương pháp này giúp loại bỏ ổ viêm và nhiễm trùng, giảm đau và sưng. Đồng thời giúp tăng tốc độ chữa lành và giảm nguy cơ bị sẹo.

Chích rạch dẫn lưu mủ
Chích rạch dẫn lưu mủ được thực hiện cho những bệnh nhân bị viêm nang lông có nhọt

4. Biện pháp khắc phục tại nhà

Những trường hợp bị viêm nang lông nhẹ có thể áp dụng những biện pháp điều trị tại nhà. Những biện pháp này có thể giúp giảm phát ban, ngứa và cảm giác khó chiu. Đồng thời giúp phòng ngừa nhiễm trùng lây lan.

Dưới đây là những biện pháp hữu hiệu:

  • Đắp khăn ẩm và ấm: Dùng một chiếc khăn sạch ngâm trong nước ấm và vắt bớt nước. Sau đó đắp khăn lên vùng da bị ảnh hưởng. Biện pháp này giúp giảm bớt đau và khó chịu. Có thể ngâm khăn trong dung dịch giấm trắng (1 thìa canh) với 500ml nước ấm. Sau đó đặt khăn lên vùng da bệnh. Điều này giúp tăng hiệu quả kháng viêm và chữa nhiễm trùng.
  • Dùng kem dưỡng da: Bôi lên vùng da bệnh một lớp kem dưỡng da dịu nhẹ. Những hoạt chất trong sản phẩm có thể giúp cấp ẩm, giảm sưng đau và làm dịu da. Ngoài ra bôi kem dưỡng da còn giúp tăng cường sức khỏe cho da, giảm ngứa và thúc đẩy chữa lành. Những trường hợp trung bình - nặng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng kem hydrocortisone không kê đơn.
  • Dùng kháng sinh không kê đơn: Một loại kháng sinh không kê đơn có thể giúp ích cho quá trình điều trị nhiễm trùng ở mức độ nhẹ. Khi dùng cần bôi đều gel / kem kháng sinh lên vùng da bệnh để tiêu diệt ổ viêm.
  • Làm sạch vùng da bị ảnh hưởng: Rửa sạch vùng da bị ảnh hưởng mỗi ngày 2 - 3 lần. Sử dụng xà phòng kháng khuẩn như benzoyl peroxide kết hợp xoa da nhẹ nhàng. Điều này giúp ngăn nhiễm trùng phát triển và lây lan. Sau khi vệ sinh da, dùng khăn bông sạch lau khô da và mặc quần áo thoáng mát.
  • Bảo vệ da: Ngừng cạo râu khi bị viêm nang lông ở cằm hoặc ria mép. Điều này có thể giúp giảm ngứa sau vài tuần.
  • Thận trọng khi cạo râu: Bệnh nhân bị viêm nang lông trên mặt cần lưu ý những điều dưới đây khi cạo râu:
    • Hạn chế cạo râu.
    • Trước khi cạo râu, cần dùng nước ấm và sữa rửa mặt dịu nhẹ để làm sạch da.
    • Dùng miếng rửa mặt hoặc khăn mặt di chuyển nhẹ nhàng theo chuyển động tròn. Điều này giúp nâng những sợi lông trước khi cạo.
    • Thoa kem cạo râu phù hợp và cạo theo chiều lông mọc. Dùng lưỡi dao cạo hoặc dao cạo điện để cạo râu, tránh cạo quá sát, không kéo căng da. Luôn sử dụng lưỡi dao sạch và sắc.
    • Dùng nước ấm rửa sạch dao cạo sau mỗi lần cạo râu. Ngoài ra hạn chế cạo cùng một khu vực nhiều hơn 2 lần.
    • Thoa kem dưỡng ẩm phù hợp sau khi cạo râu.
    • Không dùng chung dao cạo râu và khăn lau mặt với người khác.

Thận trọng khi cạo râu
Thận trọng khi cạo râu, cần thoa kem cạo râu tốt và tiến hành cạo râu theo chiều lông mọc

Phòng ngừa

Bệnh viêm nang lông có thể được ngăn ngừa khi áp dụng những biện pháp sau:

  • Thường xuyên vệ sinh môi trường sống; giặt quần áo, khăn tắm và khăn lau mặt mỗi ngày.
  • Tắm rửa mỗi ngày và vệ sinh da thường xuyên. Sau đó sử dụng khăn tắm / khăn mặt nhẹ nhàng lau khô da.
  • Không sử dụng chung khăn tắm, khăn mặt và dao cạo râu với người khác.
  • Đồ dùng nhiễm khuẩn nên được vệ sinh bằng nước xà phòng ấm.
  • Mặc quần áo rộng rãi, được làm từ chất liệu vải thoáng mát. Tránh mặt quần áo quá chật hoặc được làm từ những chất liệu vải có khả năng gây kích ứng.
  • Hạn chế ngâm mình trong bồn tắm nước nóng, bồn tạo sóng, máng trượt, hồ bơi công cộng. Chỉ sử dụng bồn nước nóng sạch, hồ nước nóng, hồ bơi có độ pH và clo phù hợp.
  • Nếu thường xuyên mang găng tay cao su, cần lộn ngược găng tay rá ngoài và rửa sạch bằng xà phòng. Sau đó phơi khô.
  • Hạn chế cạo râu, đặc biệt là những người có tiền sử viêm nang lông ở mặt. Nếu phải cạo râu, hãy làm sạch da bằng nước ấm và sữa rửa mặt dịu nhẹ, dùng khăn mặt lau khô theo chuyển động tròn nhẹ để nâng những sợ lông. Sau đó thoa kem cạo râu phù hợp và cạo râu theo chiều lông mọc. Sau cạo râu, cần rửa sạch dao cạo, thoa kem dưỡng ẩm lên da.
  • Cân nhắc dùng thuốc làm rụng lông thay vì cạo lông.
  • Điều trị những bệnh lý có thể gây viêm nang lông. Chẳng hạn như những tình trạng làm suy giảm hệ miễn dịch, viêm da, đổ mồ hôi quá nhiều (hyperhidrosis).
  • Khi đổ nhiều mồ hôi sau hoạt động thể chất, cần thay quần áo mới, tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày. Những trường hợp mắc chứng hyperhidrosis có thể sử dụng chất chống mồ hôi.

Tắm rửa mỗi ngày và vệ sinh da thường xuyên
Tắm rửa mỗi ngày và vệ sinh da thường xuyên, đặc biệt là khi đổ nhiều mồ hôi sau hoạt động thể chất

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị viêm nang lông do đâu?

2. Những triệu chứng có phải chỉ do một bệnh?

3. Phác đồ điều trị như thế nào? Điều trị kéo dài bao lâu?

4. Loại thuốc nào được đề nghị? Thuốc có tác dụng phụ không?

5. Cách chăm sóc da tốt nhất khi viêm nang lông là gì?

6. Tôi cần tránh những gì khi bị viêm nang lông?

7. Cách ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng và tái phát là gì?

Bệnh viêm nang lông xảy ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó nhiễm trùng vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất. Bệnh gây phát ban đỏ, nhiều nốt mụn nhỏ mọc xung quanh nang lông kèm theo ngứa ngáy. Bệnh nhân cần điều trị theo phác đồ để khắc phục nhiễm trùng và ngăn biến chứng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *