Viêm Niệu Đạo
Viêm niệu đạo là tình trạng niệu đạo bị viêm hoặc kích ứng, thường liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn. Tình trạng này gây đau buốt khi đi tiểu, tăng cảm giác muốn đi tiểu. Sau chẩn đoán bệnh nhân thường được dùng thuốc để điều trị.
Tổng quan
Viêm niệu đạo là tình trạng viêm (sưng) hoặc kích thích quá mức ở niệu đạo. Đây là một ống dài dẫn nước tiểu từ bàng quang đến lỗ tiểu và ra ngoài cơ thể.
Thông thường, viêm niệu đạo do nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). Tuy nhiên người bệnh cũng có thể bị viêm do một vài nguyên nhân khác.
Bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và giới tính. Trong đó nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ thường thấp hơn so với nam giới. Nguyên nhân là do chiều dài của dương vật và niệu đạo của phái mạnh khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn.
Phân loại
Bệnh viêm niệu đạo được phân loại dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Bao gồm:
- Viêm niệu đạo do lậu cầu: Đây là tình trạng niệu đạo bị viêm hoặc kích ứng quá mức do sự phát triển của lậu cầu.
- Viêm niệu đạo không do lậu (NGU): Bệnh lý này chủ yếu xảy ra do nhiễm vi khuẩn Chlamydia hoặc một nguyên nhân khác không phải bệnh lậu.
- Viêm niệu đạo không đặc hiệu (NSU): Bệnh thể hiện cho tình trạng niệu đạo của nam hoặc nữ bị viêm và kích ứng nhưng không rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nhiễm trùng do vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm niệu đạo. Khoảng 80% trường hợp liên quan đến bệnh lậu hoặc một dạng nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) khác, cụ thể như:
- Vi khuẩn chlamydia
- Trichomonas
- Mụn rộp sinh dục
Đôi khi bệnh cũng có thể xảy ra do sự lây lan của các vi khuẩn gram âm đường ruột. Chẳng hạn như E Coli, Klebsiella, Proteus...
Khoảng 20% trường hợp viêm niệu đạo không do vi khuẩn. Điều này thường bao gồm:
- Các loại virus, gồm: Virus herpes simplex (HSV-1, HSV-2), virus gây u nhú ở người (HPV) và virus cytomegalovirus (CMV)
- Nhiễm trùng nấm men
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Bóp dương vật hoặc quan hệ tình dục một cách thô bạo
- Thường xuyên sử dụng những chất kích thích, chẳng hạn như chất diệt tinh trùng, chất khử mùi vùng kín, xà phòng có mùi thơm hoặc diệt khuẩn mạnh...
- Thụt rửa âm đạo
- Thường xuyên đạp xe đạp, thực hiện những tư thế tình dục và một số hoạt động khác làm tăng áp lực lên niệu đạo
- Đặt ống thông tiểu hoặc một vật dụng nào đó bên trong niệu đạo.
Những yếu tố nguy cơ của bệnh viêm niệu đạo:
- Vấn đề tình dục: Nguy cơ tăng cao ở những người quan hệ tình dục không an toàn và không lành mạnh. Cụ thể:
- Thực hiện các hoạt động tình dục thô bạo
- Không dùng bao cao su
- Quan hệ tình dục với những những người bị nhiễm các bệnh lây qua đường sinh dục (STIs).
- Giới tính: Tỉ lệ bị viêm niệu đạo ở nam giới cao hơn so với phụ nữ.
- Độ tuổi: Bệnh thường gặp ở những người có độ tuổi từ 25 - 30 tuổi. Mặc dù vậy kích ứng niệu đạo có thể làm ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.
- Thực phẩm gây kích ứng: Thức ăn nóng hoặc cay, rượu, thực phẩm / đồ uống chứa caffeine... chứa những chất có khả năng gây kích ứng niệu đạo khi xâm nhập vào nước tiểu. Từ đó làm tăng nguy cơ viêm niệu đạo.
- Dùng sản phẩm gây kích ứng: Một số sản phẩm xà phòng có hương thơm, sản phẩm vệ sinh, những biện pháp tránh thai... có chứa những hóa chất có khả năng kích thích và gây viêm niệu đạo. Chẳng hạn như sữa tắm, thuốc xịt vệ sinh, gel ngừa thai, bao cao su...
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Niệu đạo rất nhạy cảm sau khi nhiễm trùng đường tiết niệu. Điều này làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Triệu chứng và chẩn đoán
Viêm niệu đạo gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Bao gồm:
+ Triệu chứng ở nam
- Có cảm giác nóng rát hoặc đau buốt khi đi tiểu
- Tăng cảm giác muốn đi tiểu
- Thường xuyên bị ngứa hoặc rát gần lỗ dương vật
- Có dịch tiết bất thường chảy ra từ dương vật, chẳng hạn như mủ hoặc/ và máu
- Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch
- Đau khi xuất tinh
- Đau khi quan hệ tình dục
Nếu bị viêm niệu đạo do vi khuẩn chlamydia hoặc trichomonas, những triệu chứng có thể không rõ ràng.
+ Triệu chứng ở nữ
- Đi tiểu thường xuyên hơn
- Đau hoặc khó chịu khi đi tiểu
- Có cảm giác kích thích hoặc nóng rát ở lỗ niệu đạo
- Âm đạo tiết dịch bất thường
- Đau vùng bụng và xương chậu
- Sốt và ớn lạnh
- Đau khi quan hệ tình dục
Đôi khi bệnh viêm niệu đạo ở nữ không gây ra triệu chứng.
Để chẩn đoán bệnh lý, bác sĩ có thể hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh. Ngoài ra người bệnh được kiểm tra vùng sinh dục nhằm tìm kiếm những vết loét, dịch tiết bất thường và những dấu hiệu liên quan.
Bác sĩ có thể yêu cầu một vài xét nghiệm để chẩn đoán xác định và tìm kiếm nguyên nhân. Các xét nghiệm thường bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra mẫu nước tiểu có thể giúp xác định bệnh lậu, chlamydia và một số loại vi khuẩn khác.
- Xét nghiệm máu: Bệnh nhân có thể được xét nghiệm máu để kiểm tra những bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, chẳng hạn như giang mai và HIV.
- Xét nghiệm dịch niệu đạo: Bác sĩ có thể tiến hành soi tươi, PCR dịch niệu đạo hoặc nhuộm gram nhằm tìm kiếm vi khuẩn gây bệnh.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm niệu đạo thường được chữa khỏi bằng thuốc. Đặc biệt điều trị sớm có thể ngăn biến chứng và tránh ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Đối với những trường hợp nặng và không được điều trị, bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng sau:
+ Biến chứng ở nam
- Nhiễm trùng lây lan dẫn đến nhiễm trùng thận, nhiễm trùng bàng quang, nhiễm trùng tuyến tiền liệt gây đau đớn, nhiễm trùng huyết và tử vong
- Viêm mào tinh hoàn
- Sưng hạch bạch huyết ở dương vật
- Viêm khớp phản ứng
- Tổn thương da và tiết dịch
- Viêm kết mạc
- Hẹp niệu đạo do sẹo và viêm bạch huyết dương vật
- Phù nề dương vật
- Mô áp xe quanh niệu đạo
- Tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới
- Áp xe ở niệu đạo
+ Biến chứng ở nữ
- Nhiễm trùng lây lan dẫn đến nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng thận / bàng quang
- Bệnh viêm vùng chậu
- Đau vùng chậu mãn tính
- Viêm âm đạo
- Viêm cổ tử cung có mủ
- Áp xe ở niệu đạo
- Sảy thai
- Viêm niệu đạo do bệnh lây truyền qua đường tình dục làm tổn thương hệ thống sinh sản, viêm vùng chậu, tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung và vô sinh
Điều trị
Bệnh viêm niệu đạo chủ yếu được điều trị bằng thuốc kháng sinh hoăc/ và thuốc kháng virus. Cụ thể:
+ Viêm niệu đạo do lậu cầu
Những trường hợp có niệu đạo viêm sưng do lậu cầu thường được chỉ định những loại thuốc sau:
- Tiêm bắp Ceftriaxone 250mg + Azithromycin 1g liều uống
Ceftriaxone là một loại kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3. Thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn trên những chủng Strep và nhiều vi khuẩn Gram âm. Ceftriaxone dạng tiêm bắp thường mang đến hiệu quả điều trị cao cho những bệnh nhân bị viêm niệu đạo do lậu và giang mai.
Azithromycin là kháng sinh nhóm Macrolid. Thuốc này giúp điều trị những bệnh lý nhiễm khuẩn bằng cách ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Khi dùng kết hợp, Azithromycin có thể làm tăng hiệu quả điều trị của Ceftriaxone.
- Cefixime 400mg
Uống Cefixime 400mg 1 liều duy nhất có thể được chỉ định để thay thế cho Ceftriaxone. Thuốc này có tác dụng điều trị những bệnh lý nhiễm khuẩn ở hệ tiết niệu - sinh dục. Khi dùng có thể giúp tiêu diệt những loại vi khuẩn gây viêm niệu đạo.
+ Viêm niệu đạo không do lậu cầu
Dưới đây là những loại thuốc thường được dùng trong điều trị:
- Azithromycin 1g
Thuốc Azithromycin 1g được uống 1 liều duy nhất để điều trị bệnh và các triệu chứng.
- Doxycycline 100mg
Thuốc Doxycycline 100mg thường được dùng 1 đợt 7 ngày để điều trị viêm niệu đạo không do lậu cầu. Thuốc này có tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng, ức chế sự phát triển hoặc chống viêm nhiễm do virus, nấm.
- Một số lựa chọn thay thế
Tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ có thể kê đơn một trong những loại thuốc sau:
-
- Ofloxacin 300 mg: Uống 2 lần/ ngày, dùng trong 7 ngày.
- Levofloxacin 500 mg: Uống 1 lần/ ngày, dùng trong 7 ngày.
- Erythromycin ethylsuccinate 800 mg: Uống 4 lần/ ngày, dùng trong 7 ngày.
- Erythromycin base 500 mg: Uống 4 lần/ ngày, dùng trong 7 ngày.
+ Viêm niệu đạo không do lậu cầu tái phát hoặc kéo dài
Những thuốc thường được chỉ định:
- Nếu doxycycline được chỉ định điều trị ban đầu
- Trong ngày đầu tiên: Uống 1g hoặc 500mg Azithromycin
- Những ngày tiếp theo: Uống Azithromycin 250 mg 1 lần/ ngày trong 4 ngày + Metronidazole 400 - 500 mg 2 lần/ ngày trong 5 ngày
- Nếu azithromycin được chỉ định điều trị ban đầu
- Uống Doxycycline 100 mg 2 lần/ ngày trong 7 ngày + Metronidazole 400 - 500 mg 2 lần/ ngày trong 5 - 7 ngày.
- Nếu nhiễm trùng M. genitalium kháng macrolide
- Uống Moxifloxacin 400 mg 1 lần/ ngày trong 7 - 14 ngày. Lưu ý sử dụng thận trọng.
+ Viêm niệu dạo do virus hoặc nấm
Thuốc kháng virus/ nấm sẽ được chỉ định cho những bệnh nhân có niệu đạo viêm sưng và kích ứng do virus hoặc nấm. Thuốc có tác dụng tiêu diệt những tác nhân gây bệnh, ngăn bệnh lý tái phát.
Phòng ngừa
Những biện pháp dưới đây có thể phòng ngừa viêm niệu đạo ở nam và nữ giới:
- Quan hệ tình dục an toàn và lành mạnh để phòng ngừa lây nhiễm
- Tuyệt đối không quan hệ tình dục với những người có bệnh lý lây truyền qua đường tình dục
- Luôn sử dụng bao cao su
- Chung thủy 1 vợ 1 chồng
- Tránh quan hệ tình dục với nhiều người
- Không quan hệ tình dục thô bạo
- Thông báo với bạn tình nếu bản thân có bệnh lý lây truyền qua đường tình dục. Tránh tiếp tục quan hệ để giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
- Luôn giữ cho vùng kín khô ráo và sạch sẽ. Vệ sinh vùng kín đúng cách, không thụt rửa bên trong.
- Uống nhiều nước mỗi ngày để làm loãng nước tiểu, tăng đào thải độc tố và giúp tống vi khuẩn dễ dàng.
- Đi tiểu ngay sau khi giao hợp. Ngoài ra cần tránh nhịn tiểu quá lâu để ngăn vi khuẩn tích tụ bên trong.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát và có khả năng thấm hút mồ hôi cao.
- Tránh sử dụng những sản phẩm có thể gây kích ứng niệu đạo, chẳng hạn như chất diệt tinh trùng, xà phòng có mùi thơm...
- Hạn chế ăn những loại thực phẩm có tính axit, thức ăn cay nóng, rượu và caffeine để ngăn kích ứng.
- Thực hiện một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, dồi dào vitamin (chẳng hạn như vitamin A, C, E...). Khi bổ sung có thể giúp cải thiện khả năng kháng viêm, chống nhiễm trùng và sức khỏe tổng thể. Từ đó làm giảm nguy cơ nhiễm trùng niệu đạo.
- Tránh những hoạt động có thể gây kích ứng niệu đạo.
- Thường xuyên kiểm tra STI nếu đang hoạt động tình dục. Quá trình kiểm tra giúp sớm phát hiện vi khuẩn và có những phương pháp điều trị tốt nhất.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh của tôi là gì? Xảy ra do đâu?
2. Những triệu chứng của tôi có phải chỉ từ một bệnh lý?
3. Có cần kiêng quan hệ tình dục khi bị viêm niệu đạo không?
4. Phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh lý của tôi là gì?
5. Điều trị viêm niệu đạo trong bao lâu?
6. Biến chứng nào có thể xảy ra nếu tôi không điều trị hoặc trì hoãn?
7. Cần lưu ý gì khi dùng kháng sinh chữa viêm niệu đạo?
Bệnh viêm niệu đạo thường do nhiễm vi khuẩn (đặc biệt là lậu). Bệnh gây nhiều triệu chứng khó chịu. Đồng thời phát triển các biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị. Do đó người bệnh cần khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ ngay khi có bất thường.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!