Bệnh Viêm Niệu Đạo Ở Nữ Giới
Viêm niệu đạo ở nữ thường do vi khuẩn hoặc virus. Niệu đạo bị viêm dẫn đến sưng đỏ, tiểu buốt, tiểu rắt, tiết dịch bất thường kèm theo nhiều biểu hiện khó chịu khác. Thông thường bệnh nhân được kiểm tra nguyên nhân và dùng một loại thuốc thích hợp để điều trị.
Tổng quan
Viêm niệu đạo ở nữ là tình trạng viêm (sưng và đỏ) của niệu đạo. Đây là một ống dẫn nước tiểu, đưa nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể.
Khi bị viêm, niệu đạo có thể sưng, đỏ tạo cảm giác khó chịu và đau rát khi đi tiểu. Đôi khi viêm niệu đạo khiến nữ giới bị đau khi quan hệ tình dục, đau âm ỉ ở bụng hoặc xương chậu, niệu đạo hoặc âm đạo tiết dịch bất thường.
Hầu hết viêm niệu đạo ở nữ liên quan đến nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Tình trạng này thường gặp ở những người có bệnh lý lây truyền qua đường tình dục (STD) hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân khác.
Phân loại
Bệnh viêm niệu đạo ở nữ được phân thành 3 loại, bao gồm:
- Viêm niệu đạo do lậu: Niệu đạo bị viêm do sự phát triển của lậu cầu ở bộ phận sinh dục.
- Viêm niệu đạo không do lậu: Bệnh xảy ra do một loại vi khuẩn khác không phải lậu. Phần lớn các trường hợp liên quan đến vi khuẩn Chlamydia. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra do một nguyên nhân khác.
- Viêm niệu đạo không đặc hiệu: Niệu đạo bị viêm nhưng không rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Những nguyên nhân gây viêm niệu đạo ở nữ gồm:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn
Hầu hết nữ giới bị viêm niệu đạo do nhiễm trùng vi khuẩn. Từ vung da quanh lỗ niệu đạo, vi khuẩn xâm nhập vào lỗ niệu đạo gây ra tình trạng viêm, sưng.
Một số vi khuẩn gây viêm niệu đạo ở nữ gồm:
-
- Neisseria Gonorrhoeae: Vi khuẩn gây bệnh lậu, có khả năng lây truyền qua đường tình dục.
- Chlamydia trachomatis: Đây là vi khuẩn gây chlamydia, lây truyền qua đường tình dục.
- Vi khuẩn thường thấy trong và xung quanh phân
Bệnh lậu và chlamydia ở nữ thường giới hạn ở niệu đạo. Tuy nhiên chúng cũng có thể xâm nhập vào cơ quan sinh sản và gây viêm vùng chậu (PID).
- Virus
Mặc dù ít gặp hơn nhưng một số loại virus cũng có thể gây viêm niệu đạo ở nữ. Bao gồm:
-
- Virus herpes simplex (HSV-1, HSV-2)
- Virus gây u nhú ở người (HPV)
- Virus cytomegalovirus (CMV)
- Trichomonas
Ngoài vi khuẩn và virus, Trichomonas là một nguyên nhân khác gây viêm niệu đạo ở nữ. Đây là một loại ký sinh trùng đơn bào, lây truyền qua đường tình dục.
Hâu hết những người bị nhiễm Trichomonas không có triệu chứng. Tuy nhiên một vài trường hợp (đặc biệt là nữ) có thể gặp nhiều triệu chứng khi bệnh tiến triển.
- Chấn thương niệu đạo
Một số thủ thuật như đưa ống thông tiểu vào niệu đạo, soi bàng quang, tán sỏi... hoặc bị thương có thể gây biến chứng viêm niệu đạo. Điều này thường gặp ở những người bị viêm niệu đạo không đặt hiệu.
Những yếu tố nguy cơ của bệnh gồm:
- Quan hệ tình dục không an toàn: Quan hệ với người bị nhiễm STD, nhiều bạn tình, không dùng bao cao su đều làm tăng nguy cơ viêm niệu đạo. Ngoài ra thủ dâm nhiều có thể gây viêm niệu đạo không đặc hiệu.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu có thể lây lan, làm tăng mức độ nhạy cảm và gây viêm niệu đạo.
- Độ tuổi: Bênh thường gặp ở người trẻ, có độ tuổi từ 25 - 30 tuổi.
- Sử dụng sản phẩm gây kích ứng: Niệu đạo có thể bị kích ứng và viêm khi dùng những sản phẩm không phù hợp. Bao gồm:
- Xà phòng diệt khuẩn hoặc có hương thơm
- Chất khử mùi vùng kín
- Thuốc xịt vệ sinh
- Chất diệt tinh trùng
- Gel ngừa thao
- Dung dịch vệ sinh hoặc bao cao su có chữa những thành phần gây kích ứng...
- Thực phẩm kích ứng: Rượu, thực phẩm cay nóng, thức uống chứa caffein có thể làm tăng nguy cơ viêm niệu đạo ở nữ nếu sử dụng nhiều.
Triệu chứng và chẩn đoán
Viêm niệu đạo ở nữ gây ra những triệu chứng sau:
- Sưng đỏ lỗ niệu đạo
- Ngứa ngáy và đau rát. Đau tăng khi ma sát với quần lót
- Tiểu đau
- Tiểu buốt, tiểu khó
- Tăng cảm giác và tiểu nhiều lần trong ngày
- Nước tiểu đục hoặc có máu
- Đau khi quan hệ tình dục
- Âm đạo chảy nhiều dịch mủ
- Khí hư bất thường, có mùi hôi
- Đau vùng bụng dưới
- Mệt mỏi
- Sốt
- Ớn lạnh
- Chán ăn và buồn nôn
Bệnh viêm niệu đạo ở nữ dễ dàng được phát hiện khi kiểm tra các triệu chứng. Để tìm kiếm nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định một vài xét nghiệm, bao gồm:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu: Kiểm tra và xác định sự có mặt của một chủng vi khuẩn cụ thể.
- Xét nghiệm dịch niệu đạo: Dịch niệu đạo được soi tươi hoặc nhuộm gram để xác định lậu cầu hoặc một loại vi khuẩn thường gặp khác.
Biến chứng và tiên lượng
Có thể dễ dàng điều trị viêm niệu đạo ở nữ bằng thuốc. Do đó, bệnh có tiên lượng tốt và thường không gây biến chứng. Tuy nhiên nếu không được điều trị đúng cách, viêm niệu đạo có thể tiến triển và gây ra nhiều biến chứng, bao gồm:
- Nhiễm trùng lan rộng
- Nhiễm trùng bàng quang
- Nhiễm trùng thận
- Nhiễm trùng huyết
- Viêm âm đạo
- Bệnh viêm vùng chậu
- Áp xe ở niệu đạo
- Đau vùng chậu mãn tính
- Sảy thai
- Tổn thương hệ thống sinh sản, tăng nguy cơ vô sinh và mang thai ngoài tử cung
Để ngăn ngừa biến chứng, viêm niệu đạo cần được phát hiện và điều trị sớm. Tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc điều trị.
Điều trị
Dùng thuốc là phương pháp điều trị cho bệnh viêm niệu đạo. Hiếm khi bệnh nhân được can thiệp ngoại khoa.
Dựa vào nguyên nhân, viêm niệu đạo ở nữ được điều trị bằng những loại thuốc sau:
- Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh được chỉ định cho bệnh nhân bị viêm niệu đạo do lậu, chlamydia trachomatis hoặc một loại vi khuẩn khác. Khi sử dụng, kháng sinh nhanh chóng ức chế hoạt động và diệt khuẩn. Từ đó cải thiện tình trạng bệnh.
Những loại kháng sinh thường được sử dụng gồm:
-
- Ceftriaxone 250mg: Thuốc này thường được dùng ở dạng tiêm bắp kết hợp với Azithromycin 1g liều uống. Thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn Gram âm và những chủng Strep.
- Cefixime 400mg: Thuốc được dùng ở dạng viên uống, có thể thay thế cho Ceftriaxone trong điều trị viêm niệu đạo do lậu.
- Azithromycin 1g: Thuốc Azithromycin 1g thường được dùng 1 liều duy nhất. Thuốc mang đến hiệu quả cao cho bệnh nhân bị viêm niệu đạo không do lậu.
- Doxycycline 100mg: Chủ yếu được dùng trong điều trị viêm niệu đạo không do lậu, dùng kéo dài 7 ngày.
- Thuốc kháng virus
Thuốc kháng virus được dùng trong điều trị viêm niệu đạo ở nữ do virus. Nhóm thuốc này có cơ chế hoạt động như kháng sinh. Khi dùng có thể giúp tiêu diệt nhanh loại virus gây bệnh.
- Điều trị trichomonas
Tinidazole (Tindamax) hoặc Metronidazole (Flagyl) được dùng phổ biến trong điều trị viêm niệu đạo do trichomonas. Đây đều là những loại thuốc có tác dụng kháng khuẩn và chống ký sinh trùng. Tinidazole hoặc Metronidazole có thể được dùng từ 1 - 2 lần/ ngày, trong 7 ngày.
Lưu ý:
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Không quan hệ tình dục cho đến khi khỏi hẳn.
- Điều trị đồng thời cho người bệnh và bạn tình nếu có bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
- Tránh thực phẩm có tính axit, thực phẩm cay nóng, rượu và caffein trong quá trình điều trị.
Phòng ngừa
Những biện pháp giúp phòng ngừa viêm niệu đạo ở nữ gồm:
- Duy trì đời sống tình dục lành mạnh, 1 vợ 1 chồng. Không quan hệ tình dục với nhiều người.
- Không quan hệ với người có bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
- Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ.
- Không lạm dụng thủ dâm và quan hệ tình dục thô bạo.
- Không đưa dị vật vào âm đạo.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ và giữ gìn bộ phận sinh dục khô ráo.
- Dùng dung dịch vệ sinh có độ pH phù hợp, không chứa chất gây kích ứng. Chỉ dùng vùng ngoài, không thụt rửa âm đạo.
- Tránh những sản phẩm có thể gây kích ứng và viêm niệu nạo. Chẳng hạn như các sản phẩm khử mùi, chất diệt tinh trùng...
- Đi tiểu ngay sau khi giao hợp. Ngoài ra không nên nhịn tiểu.
- Uống nhiều nước lọc để làm loãng nước tiểu, tăng thải độc và tống vi khuẩn ra ngoài.
- Mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát. Sử dụng quần lót được làm từ chất liệu cotton hoặc vải thấm hút.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Đặc biệt nên ăn nhiều rau xanh và trái cây, tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất và axit béo omage-3. Những thành phần dinh dưỡng có thể nâng cao sức đề kháng, sức khỏe tổng thể và khả năng kháng bệnh.
- Hạn chế những loại thực phẩm cay nóng, không lạm dụng rượu bia và caffein.
- Tập thể dục thường xuyên nhằm nâng cao khả năng chống bệnh.
- Thường xuyên kiểm tra STI nhằm sớm phát hiện bất thường và điều trị hiệu quả.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh viêm niệu đạo của tôi do đâu? Có nguy hiểm không?
2. Phác đồ điều trị của tôi như thế nào?
3. Tôi cần điều trị trong bao lâu?
4. Thuốc nào tốt nhất cho tình trạng hiện tại của tôi?
5. Những rủi ro nào có thể xảy ra nếu tôi không điều trị?
6. Tôi cần kiêng quan hệ tình dục trong bao lâu?
7. Cần tránh những gì trong quá trình điều trị?
Bệnh viêm niệu đạo ở nữ thường do vi khuẩn. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra do một vài nguyên nhân khác. Thông thường bệnh nhân được yêu cầu dùng thuốc để điều trị và ngăn những biến chứng nghiêm trọng của bệnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!