Bệnh Viêm Phổi
Viêm phổi xảy ra khi một hoặc cả hai bên phổi đều bị nhiễm trùng. Tình trạng này có thể do virus, nấm hoặc vi khuẩn. Viêm nhiễm khiến những túi khí nhỏ bên trong phổi chứa đầy mủ hoặc dịch, người bệnh khó thở, ho có đờm...
Tổng quan
Bệnh viêm phổi là thuật ngữ chỉ tình trạng nhiễm trùng khiến túi khí ở một hoặc cả hai bên phổi viêm, chứa đầy dịch hoặc mủ. Bệnh gây ho có đờm hoặc mủ, khó thở, ớn lạnh, sốt kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu khác.
Một người có thể bị viêm phổi do nấm, vi khuẩn hoặc virus. Viêm có thể từ nhẹ đến nặng và đe dọa đến tính mạng. Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm phổi. Tuy nhiên những người có hệ miễn dịch suy yếu, trên 65 tuổi, trẻ em và trẻ sơ sinh có nguy cơ cao hơn và thường bị viêm ở mức độ nghiêm trọng.
Phân loại
Bệnh viêm phổi được phân loại dựa vào nguyên nhân, bao gồm:
- Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng (CAP): Bệnh xảy ra ở những người bị viêm phổi ngoài cơ sở chăm sóc sức khỏe. Trong đó người bệnh có thể bị nhiễm trùng phổi do nấm, vi khuẩn hoặc virus.
- Virus: Dạng này có nhiễm trùng liên quan đến virus hợp bào hô hấp, virus cúm A, virus cúm B và một số loại khác.
- Vi khuẩn: Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào phổi và gây viêm ở các túi khí. Tình trạng này thường liên quan đến vi khuẩn streptococcus pneumoniae, được gọi là viêm phổi do phế cần khuẩn.
- Nấm: Bệnh thường gặp ở những người bị sốt do nấm Coccidioides.
- Viêm phổi mắc phải tại bệnh viện (HAP): Không ít trường hợp bị nhiễm trùng phổi trong thời gian nằm viện. Bệnh xảy ra ở những người bị viêm phổi khi nằm viện và không dùng máy thở. HAP có mức độ nghiêm trọng cao do vi khuẩn gây bệnh có khả năng kháng thuốc kháng sinh, chẳng hạn như tụ cầu vàng kháng methicillin ( MRSA).
- Viêm phổi liên quan đến thở máy (VAP): Bệnh xảy ra ở những người bị nhiễm trùng phổi do sử dụng máy thở.
- Viêm phổi do hít phải: Loại này xảy ra ở những người hít phải chất lỏng, thức ăn, những chất có trong da dày vào phổi. Không giống với những dạng khác, viêm phổi do hít phải không lây nhiễm.
- Viêm phổi liên quan đến chăm sóc sức khỏe (HCAP): Bệnh xảy ra ở những người nằm viện hoặc điều trị ngoại trú dài hạn. Bệnh thường liên quan đến vi khuẩn kháng thuốc nên có mức độ nghiêm trọng cao.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm và virus trong cộng đồng là những nguyên nhân gây viêm phổi phổ biến nhất. Dưới đây là những loại thường gặp:
- Virus cúm A
- Virus cúm B
- Virus gây cảm lạnh thông thường (rhinovirus)
- COVID-19 (SARS-COV-2)
- Virus hợp bào hô hấp (RSV)
- Metapneumovirus ở người (HPPV)
- Vi khuẩn Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn)
- Vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae
- Nấm Coccidioides
Nhiễm trùng thường xảy ra khi hít phải vi khuẩn hoặc virus trong không khí, vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Một số người bị nhiễm trùng do thở máy, xảy ra khi người bệnh bị nhiễm trùng do sử dụng máy thở.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Tuổi tác: Bệnh viêm phổi phổ biến hơn ở những trẻ em từ 2 tuổi trở xuống và những người từ 65 tuổi trở lên.
- Đang nhập viện: Nguy cơ cao hơn ở những người đang sử dụng máy thở hoặc đang nhập viện để điều trị những bệnh lý khác.
- Bệnh mãn tính: Nguy cơ nhiễm trùng phổi tăng lên ở những người đang có bệnh mãn tính. Chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim, hen suyễn...
- Hút thuốc lá: Hút thuốc khiến khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể bị hỏng, giảm khả năng chống lại virus, vi khuẩn và những tác nhân gây bệnh khác.
- Suy giảm hệ thống miễn dịch: Những người có hệ miễn dịch suy yếu dễ bị nhiễm trùng và viêm phổi hơn. Điều này thường xảy ra ở những người được cấy ghép nội tạng, hóa trị trong điều trị ung thư, mắc bệnh HIV, sử dụng steroid dài hạn và những loại thuốc ức chế miễn dịch.
- Vấn đề thần kinh gây khó nuốt: Nguy cơ mắc bệnh viêm phổi hít tăng cao ở những người có vấn đề về thần kinh dẫn đến khó nuốt. Chằng hạn như đột quỵ, bệnh Parkinson và mất trí nhớ.
- Mang thai: Nguy cơ cao hơn ở những người phụ nữ đang mang thai.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của bệnh viêm phổi gồm:
+ Triệu chứng chung
- Đau ngực khi thở hoặc ho
- Ho ra đờm hoặc mủ
- Sốt, ớn lạnh và đổ mồ hôi
- Thay đổi nhận thức về tâm thần hoặc nhầm lẫn. Điều này thường gặp ở những người trên 65 tuổi
- Buồn nôn và nôn
- Tiêu chảy
- Hụt hơi
- Mệt mỏi
- Nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường. Thường gặp ở những người có hệ miễn dịch suy yếu và người trên 65 tuổi.
+ Viêm do vi khuẩn
- Sốt cao
- Ho có đờm vàng, xanh hoặc có máu
- Thở nhanh
- Nhịp tim nhanh
- Mệt mỏi
- Hụt hơi
- Ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi
- Ăn mất ngon
- Đau ngực hoặc/ và đau bụng, thường xảy ra khi ho hoặc thở sâu
- Nhầm lẫn và thay đổi trạng thái tinh thần
+ Viêm do virus
- Đau đầu
- Ho khan
- Đau cơ
- Mệt mỏi
- Suy nhược cực bộ
+ Viêm ở trẻ nhỏ
- Ho
- Buồn nôn
- Ớn lạnh
- Sốt
- Khó chịu
- Da đỏ bừng hoặc đổ mồ hôi
- Khó thở hoặc thở nhanh
- Thiếu năng lượng
- Bồn chồn hoặc quấy khóc
- Thở ồn ào
- Da nhợt nhạt
- Đi khập khiễng
- Chán ăn
- Khó nhiều hơn bình thường
- Lượng nước tiểu giảm
+ Viêm ở người lớn trên 65 tuổi
- Mệt mỏi
- Không có cảm giác thèm ăn
- Đột ngột thay đổi về trạng thái tinh thần
Trong lần đầu thăm khám, người bệnh được hỏi về triệu chứng và tiền sử bệnh. Ngoài ra bệnh nhân được xét nghiệm để tìm kiếm những dấu hiệu của nhiễm trùng, bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này cho phép xác định loại nhiễm trùng gây bệnh viêm phổi.
- Xét nghiệm đờm: Đôi khi bệnh nhân được yêu cầu ho để lấy đờm và phân tích trong phòng thí nghiệm. Điều này giúp phát hiện nguyên nhân gây nhiễm trùng.
- Xét nghiệm hình ảnh: Bệnh nhân thường được chụp CT hoặc X-quang ngực để thu về hình ảnh chi tiết của phổi. Khi quan sát có thể nhìn thấy những dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng.
- Mức oxy trong máu: Đo lượng oxy trong máu để kiểm tra mức độ hoạt động của phổi.
- Nuôi cấy dịch màng phổi: Bác sĩ có thể tiến hành lấy dịch từ bên trong phổi. Trong đó kim mỏng được dùng để lấy dịch và phân tích trong phòng thí nghiệm. Xét nghiệm có thể giúp phát hiện nguyên nhân gây nhiễm trùng.
- Nội soi phế quản: Ống nhỏ có đèn và camera được đưa vào trong để quan sát bên trong phổi. Điều này giúp phát hiện những điểm bất thường. Nếu cần, sinh thiết sẽ được thực hiện trong quá trình nội soi.
- Xét nghiệm khí máu động mạch: Đo nồng độ oxy trong máu từ cánh tay, cổ tay hoặc háng có thể giúp đánh giá hoạt động của thận.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm phổi là bệnh lý nguy hiểm, cần được chăm sóc kịp thời theo chỉ định của bác sĩ. Nếu khỏe mạnh và được điều trị tốt, người bệnh có thể nhanh chóng phục hồi.
Ở những người không điều trị, bệnh có khả năng gây ra nhiều biến chứng, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi, người trên 65 tuổi và nhũng người có bệnh lý nền.
Dưới đây là những biến chứng có thể gặp:
- Nhiễm trùng huyết
- Khó thở
- Tràn dịch màng phổi
- Áp xe phổi.
Trong nhiều trường hợp, người bệnh đối mặt với những tình trạng sức khỏe lâu dài ngay cả khi điều trị thành công và hồi phục hoàn toàn. Cụ thể:
- Suy giảm tinh thần
- Suy giảm khả năng tập thể dục
- Suy giảm chung về chất lượng cuộc sống
- Tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh tim mạch.
Điều trị
Người bệnh có thể được dùng thuốc điều trị tại nhà hoặc được nhập viện. Ngoài ra những biện pháp chăm sóc sẽ được hướng dẫn để tăng hiệu quả phục hồi.
1. Điều trị y tế
Điều trị y tế cho bệnh viêm phổi thường bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: Thuốc này được dùng khi bệnh nhân bị viêm phổi do vi khuẩn. Thuốc kháng sinh giúp điều trị nhiễm trùng phổi bằng cách loại bỏ vi khuẩn.
- Thuốc kháng virus: Những bệnh nhân bị viêm phổi do virus được dùng thuốc kháng virus để điều trị. Thuốc giúp tiêu diệt tác nhân, giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh do virus và rút ngắn thời gian phục hồi. Những loại thuốc kháng virus thường được sử dụng gồm oseltamivir (Tamiflu), peramivir (Rapivab)...
- Thuốc chống nấm: Nếu viêm phổi do nấm, thuốc kháng nấm sẽ được dùng để điều trị.
- Chất lỏng IV: Để điều trị và ngăn ngừa mất nước, chất lỏng được truyền trực tiếp vào tĩnh mạch (IV).
- Thuốc giảm đau và hạ sốt: Để kiểm soát những triệu chứng khó chịu của bệnh viêm phổi, bệnh nhân có thể được dùng thuốc Acetaminophen hoặc Ibuprofen. Những loại thuốc này có tác dụng hạ sốt và giảm đau nhức cơ thể.
- Liệu pháp oxy: Người bệnh được dùng máy thở oxy nếu không nhận đủ oxy thông qua hít thở bình thường.
- Dẫn lưu dịch: Dẫn lưu dịch sẽ được thực hiện cho những bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi (có nhiều dịch ở giữa phổi và thành ngực). Trong đó ống thông sẽ được sử dụng để dẫn lưu dịch ra ngoài. Một số trường hợp được phẫu thuật để điều trị.
2. Điều trị tại nhà
Bệnh nhân bị viêm phổi cần dùng thuốc đúng liệu trình và theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý ngừng dùng thuốc quá sớm.
Ngoài ra người bệnh nên áp dụng những biện pháp chăm sóc tại nhà. Điều này có thể thúc đẩy quá trình phục hồi trong thời gian điều trị viêm phổi.
- Uống nhiều nước: Uống nhiều chất lỏng mỗi ngày, đặc biệt là nước lọc. Điều này giúp ngăn tình trạng mất nước, làm lỏng chất nhầy trong phổi và giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Ngoài ra uống nhiều nước còn giúp giữ ẩm và giảm kích thích cổ họng, giảm ho hiệu quả.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Hãy đặt một chiếc máy tạo độ ẩm nhỏ trong phòng làm việc hoặc cạnh giường. Thiết bị này có tác dụng cung cấp độ ẩm cho không khí, giúp người bệnh dễ thở hơn.
- Hít hơi nước: Hít hơi nước trong khi tắm nước ấm có thể giúp bạn thư giãn và dễ thở hơn.
- Nghỉ ngơi nhiều: Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi cho đến khi hoàn toàn bình phục, ngừng ho và nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường. Nghỉ ngơi đầy đủ giúp cơ thể được phục hồi, ổn định hoạt động của phổi và hệ hô hấp. Tuyệt đối không lao động tay chân hoặc làm việc gắng sức. Bởi điều này có thể khiến bệnh viêm phổi tái phát và khiến những triệu chứng trở nên nghiêm trong hơn.
Phòng ngừa
Những biện pháp giúp phòng ngừa bệnh viêm phổi:
- Tiêm các loại vắc xin có khả năng phòng ngừa bệnh viêm phổi. Bao gồm: Vắc xin cúm, vắc xin phế cầu khuẩn và vắc xin chống virus. Những loại vắc xin này có thể giúp làm giảm nguy cơ viêm phổi và giảm mức độ nghiêm trọng của viêm phổi nếu bị bệnh.
- Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ em.
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ hoặc dùng chất khử trùng có ít nhất 60% cồn. Điều này giúp giữ cho tay sạch sẽ, giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường hô hấp dẫn đến viêm phổi.
- Không hút thuốc lá. Bởi thuốc lá và khói thuốc có thể làm tổn thương phổi và tăng nguy cơ viêm phổi.
- Điều trị bất kỳ tình trạng sức khỏe nào có thể gây ra bệnh viêm phổi hoặc làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như cúm, COVID-19 và cảm lạnh.
- Không uống nhiều rượu.
- Thực hiện những hoạt động giúp nâng cao đề kháng và hệ thống miễn dịch. Bao gồm: Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đầy đủ, thường xuyên tập thể dục thể thao, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tăng cường bổ sung vitamin C.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì có khả năng gây ra các triệu chứng?
2. Phương pháp nào được đề nghị?
3. Tôi có cần nhập viện không?
4. Bệnh viêm phổi có ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của tôi không?
5. Tôi cần hạn chế những gì khi bị viêm phổi?
6. Điều trị trong bao lâu thì khỏi?
7. Tôi có khả năng phục hồi hoàn toàn không?
Bệnh viêm phổi là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, có thể gây ra những tình trạng sức khỏe lâu dài ngay cả khi điều trị thành công. Nhiều trường hợp khác có thể gặp biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên việc chăm sóc y tế kịp thời và đúng cách có thể giảm nguy cơ, người bệnh hoàn toàn hồi phục. Do đó cần sớm khám và nghe theo chỉ định của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!