Bệnh Viêm Sụn Vành Tai
Viêm sụn vành tai xảy ra khi mô lót sụn tai bị viêm và nhiễm trùng. Bệnh thường do nhiễm trùng lây lan từ tai giữa hoặc ống tai ngoài hoặc do nhiễm trùng từ lỗ xỏ tai xuyên sụn và phẫu thuật. Những triệu chứng của bệnh thường nặng nề và gây khó chịu, cần được điều trị sớm.
Tổng quan
Viêm sụn vành tai là một bệnh nhiễm trùng sụn tai ngoài và mô bao phủ nó (được gọi là loa tai hoặc vành tai). Bệnh gây đau, sưng và đỏ, đôi khi hình thành áp xe (túi mủ) ở giữa mô tai và sụn.
Hầu hết trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn, thường gặp ở những người có chấn thương tai, bỏng và xỏ lỗ sụn tai cao. Ngoài ra viêm sụn vành tai cũng có thể là kết quả của viêm tai giữa và viêm ống tai ngoài lây lan.
Thông thường viêm sụn vành tai sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Việc không điều trị có thể dẫn đến áp xe, cắt nguồn cung cấp máu cho sụn. Từ đó làm hỏng sụn, hoại tử (chết mô) và những biến chứng nghiêm trọng khác.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Vành tai gồm có sụn, da, tổ chức dưới da, dây chẳng và phần mô cơ. Trong đó sụn vành tai gồm phần lồi lõm giúp định hướng và thu nhận âm thanh.
Viêm sụn vành tai là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, thường liên quan đến những loại vi khuẩn dưới đây:
- Pseudomonas aeruginosa (vi khuẩn gây nhiễm trùng thường gặp nhất)
- Staphylococcus aureus
- Escherichia coli
Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào sụn tai ngoài và gây nhiễm trùng. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:
- Xỏ khuyên tai cao qua sụn. Kiểu xỏ này có khả năng làm hỏng sụn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng và viêm.
- Chấn thương tai hoặc một bên đầu. Vi khuẩn xâm nhập vào điểm bị thương, thường là xung quanh sụn của tai ngoài. Sau đó tăng tiết độc tố và gây viêm.
- Bỏng
- Vết cắn côn trùng
- Châm cứu
Những nguyên nhân ít gặp hơn:
- Phẫu thuật
- Trầy xước do gãi hoặc chà xát mạnh
- Nhiễm trùng tai không được điều trị khiến vi khuẩn gây nhiễm trùng lây lan đến sụn. Chẳng hạn như viêm tai giữa và viêm ống tai ngoài
- Nhiễm herpes zoster (bệnh zona)
- Tụ máu hoặc dịch vành tai
Bệnh viêm sụn vành tai thường gặp hơn khi có những yếu tố dưới đây:
- Suy giảm hệ miễn dịch
- Bệnh tiểu đường
- Bị rối loạn viêm, chẳng hạn như viêm đa mạch và u hạt
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh viêm sụn vành tai có những triệu chứng dưới đây:
- Ngứa rát và hơi đau
- Tai ngoài sưng tấy và đỏ. Sưng tăng dần theo thời gian dẫn đến căng mọng vành tai và làm mất các nếp bình thường
- Đau nhức. Đau nhức nhiều hơn khi có áp xe
- Có túi mủ (áp xe) ở vị trí viêm
- Chảy dịch
- Sốt
- Sờ thấy ấm
- Mệt mỏi
Nếu không điều trị tốt, viêm sụn vành tai có thể gây hoại tử sụn vành tai. Những trường hợp này có những triệu chứng sau:
- Sưng tấy hóa mủ và vỡ mủ
- Vành tai bị co rúm
- Đổi màu da
- Sốt và mệt mỏi
Để chẩn đoán, bác sĩ tiến hành quan sát, đánh giá những tổn thương thực thể. Đồng thời đặt một số câu hỏi liên quan đến thời điểm nhiễm trùng, tiền sử bệnh và mức độ đau đớn.
Ở những trường hợp có dịch hoặc mủ, người bệnh sẽ được nuôi cấy vi khuẩn. Xét nghiệm này cho phép xác định loại vi khuẩn cụ thể, giúp chỉ định loại kháng sinh phù hợp.
Biến chứng và tiên lượng
Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh, những triệu chứng của bệnh có thể nhanh chóng khỏi (khoảng 1 - 3 ngày). Ở những trường hợp nặng, một vài triệu chứng có thể kéo dài đến 1 tháng nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe, người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn.
Khi không được điều trị sớm, nhiễm trùng có thể gây ra một số biến chứng dưới đây:
- Áp xe và hoại tử sụn. Áp xe do nhiễm trùng nặng làm cắt nguồn cung cấp máu cho sụn, làm hỏng sụn và gây chết mô (hoại tử)
- Tai súp lơ. Đây là một dạng biến dạng tai do hoại tử.
Điều trị
Điều trị viêm sụn vành tai thường bao gồm dùng thuốc và chườm ấm. Nếu có áp xe hoặc hoại tử, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật.
1. Chườm ấm
Chườm ấm lên vùng ảnh hưởng có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng của viêm sụn vành tai. Nhiệt độ cao giúp tăng tuần hoàn máu, làm dịu cơn đau và giảm viêm.
2. Thuốc
Thuốc là phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân bị viêm sụn vành tai. Trước khi điều trị, bệnh nhân được lấy tất cả dị vật khỏi tai. Bao gồm cả khuyên tai và mảnh vụn. Sau đó được chỉ định một trong những loại thuốc điều trị dưới đây:
- Thuốc kháng sinh: Bệnh viêm sụn vành tai được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Thuốc này được chỉ định dựa trên loại vi khuẩn gây nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trong đó Fluoroquinolone (dạng uống hoặc bôi) là loại kháng sinh thường được sử dụng. Thuốc này có tác dụng ức chế và tiêu diệt loại vi khuẩn đang gây nhiễm trùng. Tuy nhiên Fluoroquinolone thường không được chỉ định cho trẻ em do tác dụng phụ làm rách gân và cứng khớp.
- Corticosteroid: Bên cạnh đơn thuốc kháng sinh, Corticosteroid dạng kem bôi hoặc viên uống cũng có thể được sử dụng. Thuốc này có tác dụng điều trị viêm, giảm đau nhức và sưng đỏ ở vùng ảnh hưởng.
- Thuốc giảm đau: Nếu đau nhức khó chịu, người bệnh có thể được kê đơn thuốc giảm đau thông thường, chẳng hạn như Acetaminophen hoặc NSAID (như Ibuprofen). Những loại thuốc này có tác dụng giảm những cơn đau từ nhẹ đến trung bình và hạ sốt. Ngoài ra NSAID còn có tác dụng giảm viêm sưng và tấy đỏ.
3. Phẫu thuật
Người bệnh được phẫu thuật nếu viêm sụn vành tai gây áp xe và cắt nguồn cung cấp máu cho sụn. Trong thủ thuật, bác sĩ rạch một vết rạch trong áp xe, sau đó dẫn lưu mủ, loại bỏ sụn và da chết nếu có hoại tử. Phương pháp này cho phép máu lưu thông qua sụn một lần nữa.
Nếu có tổn thương nặng do hoại tử, người bệnh được phẫu thuật tạo hình lại tai sau khi loại bỏ sụn và da chết. Phương pháp này giúp tai được khôi phục về hình dạng bình thường.
Phòng ngừa
Có nhiều cách giúp phòng ngừa viêm sụn vành tai. Bao gồm:
- Tránh xỏ khuyên tai xuyên qua sụn.
- Không châm cứu vào tai.
- Kịp thời điều trị các bệnh nhiễm trùng tai. Điều này giúp ngăn nhiễm trùng từ vị trí ảnh hưởng lây lan đến sụn vành tai.
- Thận trọng khi chơi những môn thể thao tiếp xúc. Cố gắng không để chấn thương ở vùng đầu và tai.
- Không ngoáy tai quá nhiều để tránh tổn thương và nhiễm trùng.
- Tránh gãi và chà sát mạnh để giảm nguy cơ nhiễm trùng và viêm.
- Chăm sóc da và điều trị tốt khi có vết bỏng, vết cắn côn trùng hoặc sau phẫu thuật.
- Tăng cường sức đề kháng và nâng cao khả năng chống nhiễm trùng bằng cách luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tăng cường bổ sung vitamin.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Phương pháp điều trị nào an toàn và hiệu quả?
2. Điều trị viêm sụn vành tai trong bao lâu thì khỏi?
3. Tác dụng phụ nào có thể gặp khi dùng thuốc?
4. Cách chăm sóc và điều trị tại nhà khi bị viêm sụn vành tai?
5. Lợi ích và rủi ro khi phẫu thuật là gì?
6. Khi nào cần phẫu thuật và các lựa chọn?
7. Biện pháp giúp ngăn ngừa viêm tái phát?
Bệnh viêm sụn vành tai thường gặp ở những người xỏ khuyên lỗ tai xuyên qua sụn, có chấn thương và nhiễm trùng không được điều trị. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, có thể dẫn đến áp xe, hoại tử và biến dạng vành tai. Vì vậy cần điều trị sớm và đúng cách để tránh phát triển biến chứng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!