Bệnh Viêm Tai Ngoài
Viêm tai ngoài là một tình trạng sưng viêm của ống tai ngoài. Bệnh thường có biểu hiện sưng ống tai, đau tai và giảm thính lực. Viêm có thể ở dạng cấp tính với những triệu chứng ngắn hạn hoặc mãn tính với những triệu chứng kéo dài.
Tổng quan
Viêm tai ngoài còn được gọi là tai của vận động viêm bơi lội (swimmer's ear). Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng sưng viêm và nhiễm trùng của ống tai ngoài, ảnh hưởng đến lớp biểu bì và lớp dưới da. Đôi khi nhiễm trùng liên quan đến màng nhĩ và loa tai.
So với trẻ em, bệnh viêm tai ngoài phổ biến hơn ở người lớn, đặc biệt là những vận động viên và người thường xuyên bơi lội. Viêm xảy ra khiến người bệnh có cảm giác đau khi cử động ống tai ngoài, đau tai, giảm thính lực và sưng ống tai.
Những triệu chứng có thể nhẹ hoặc nặng, ngắn hạn (cấp tính) hoặc kéo dài (mãn tính). Khi được điều trị, các triệu chứng có thể nhanh chóng thuyên giảm.
Phân loại
Dựa vào thời gian mắc bệnh, bệnh viêm tai ngoài được phân thành 2 loại sau:
- Cấp tính: Thể cấp tính có những triệu chứng kéo dài dưới 6 tuần, thường do nhiễm vi khuẩn.
- Mãn tính: Thể mãn tính xảy ra khi những triệu chứng kéo dài hơn 3 tháng. Những trường hợp này thường do rối loạn tự miễn dịch và dị ứng.
Dựa vào vị trí viêm, bệnh viêm tai ngoài có những loại sau:
- Viêm ống tai ngoài
Bệnh lý này là tình trạng viêm ở lớp da bao phủ ống tai ngoài. Bệnh lý này có thể ở dạng cấp tính hoặc mãn tính.
Viêm ống tai ngoài thường xảy ra ở những người lau tai nhiều lần dẫn đến trầy xước, ngoáy tai bằng dụng cụ không đảm bảo vệ sinh. Từ đó tạo điều kiện cho vi trùng và những loại ký sinh trùng xâm nhập và gây bệnh.
- Viêm tai ngoài khu trú (nhọt ống tai)
Đây là tình trạng nhiễm trùng làm ảnh hưởng đến nang lông trong ống tai. Bệnh thường liên quan đến vi trùng Staphylococcus. Khi có nhọt ống tai, người bệnh sẽ thường xuyên có cảm giác đau đớn dữ dội ở vị trí ảnh hưởng, ấn hoặc kéo vành tai làm tăng mức độ đau.
- Viêm tai ngoài ác tính
Đây là một tình trạng nghiêm trọng có thể gây tử vong. Bệnh thể hiện cho tình trạng viêm hoại tử lan rộng ở ống tai.
Viêm tai ngoài ác tính xảy ra khi vi trùng Pseudomonas aeruginosa phát triển nhanh, gây viêm và phá hủy những cấu trúc mô mềm xung quanh. Cuối cùng lan đến nền sọ dẫn đến viêm màng não, áp xe não và liệt dây thần kinh. Bệnh thường gặp ở những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc bị tiểu đường.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh viêm tai ngoài xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng. Mặc dù ít gặp nhưng bệnh cũng có thể liên quan đến virus và nấm. Ở dạng mãn tính, viêm tai ngoài có thể do rối loạn tự miễn dịch và dị ứng.
Những điều kiện gây nhiễm trùng:
- Tổn thương lớp da mỏng lót ống tai: Bệnh viêm tai ngoài xảy ra khi lớp da mỏng lót ống tai bị thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm. Tổn thương thường xảy ra trong khi làm sạch, gãi mạnh, sử dụng tăm bông hoặc máy trợ thính.
- Làm sạch ráy tai: Ráy tai là lớp bảo vệ tự nhiên của tai đối với nhiễm trùng. Gãi, thường xuyên tiếp xúc với độ ẩm, làm sạch ống tai quá mức có thể khiến ráy tai cạn kiệt. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm: Thường xuyên bơi lội ở sống suối, hồ bơi có nguồn nước bẩn sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm ở ống tai.
- Độ ẩm trong ống tai: Độ ẩm trong ống tai tăng cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Nguy cơ mắc bệnh tăng cao khi có những yếu tố dưới đây:
- Đổ nhiều mồ hôi, nước đọng lại sau khi bơi, thời tiết ẩm ướt kéo dài làm tăng độ ẩm dư thừa trong ống tai.
- Có những vấn đề về da như viêm da và bệnh vảy nến.
- Người có hệ miễn dịch suy giảm.
- Mắc bệnh tiểu đường (có nguy cơ bị viêm tai ngoài ác tính nghiêm trọng).
- Người lớn thường có nguy cơ cao hơn so với trẻ nhỏ.
- Sử dụng những thiết bị hỗ trợ cho tai như máy trợ thính hoặc nút tai có thể gây ra những vết nứt nhỏ trên da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của bệnh viêm tai ngoài gồm:
- Sưng tấy ống tai
- Đỏ
- Sờ thấy ấm
- Đau hoặc có cảm giác khó chịu trong tai
- Đau do viêm tai ngoài cấp tính thường nghiêm trọng hơn khi kéo nhẹ hoặc chạm vào tai ngoài, đẩy vành tai
- Chảy mủ hoặc tiết dịch trong suốt và không mùi
- Ngứa
- Suy giảm thính lực do sưng và tiết dịch trong ống tai làm chặn lỗ mở.
Những triệu chứng nghiêm trọng hơn ở những người cố gắng gãi hoặc làm sạch ống tai bằng dụng cụ. Bởi điều này có thể dẫn đến chấn thương thêm cho vùng da tổn thương.
Khi bệnh tiến triển nặng, những triệu chứng dưới đây sẽ xuất hiện:
- Đau ngày càng tăng và ngứa dữ dội hơn
- Cơn đau dữ dội có thể lan ra mặt, một bên đầu và cổ
- Đỏ lan rộng hơn trong tai
- Thoát nước (tiết dịch) quá mức
- Có cảm giác đầy trong tai hoặc cảm thấy tắc nghẽn một phần ống tai do chất lỏng, sưng và mảnh vụn. Những trường hợp rất nặng có thể hoàn toàn tắc nghẽn ống tai
- Giảm thính giác nghiêm trong hơn
- Sốt.
Khi kiểm tra, bác sĩ sẽ tiến hành soi và quan sát bên trong ống tai. Đồng thời hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh và những triệu chứng đang xảy ra (như đau, ù tai, ngứa và giảm thính lực). Kiểm tra ống tai có thể cho thấy những vết sưng đỏ, dịch ứ đọng, vảy da và những mảnh vụng khác.
Ngoài ra bác sĩ nhìn vào màng nhỉ để chắc chắn rằng màng nhỉ không bị hư hỏng và rách. Nếu tầm nhìn bị che khuất, bác sĩ có thể làm sạch ống tai trước khi kiểm tra.
Ở những người có nhiễm trùng không đáp ứng với điều trị, bác sĩ có thể lấy mảnh vụn hoặc mẫu dịch tiết để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Điều này giúp xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng.
Biến chứng và tiên lượng
Nếu như được điều trị kịp thời, bệnh viêm tai ngoài thường không nghiêm trọng, những triệu chứng có thể nhanh chóng thuyên giảm và không để lại biến chứng.
Ở những trường hợp điều trị không tốt và bị viêm nặng, những triệu chứng dưới đây có thể xảy ra:
- Mất thính lực tạm thời
- Viêm tai ngoài mãn tính
- Viêm tai ngoài hoại tử hoặc xuất huyết
- Viêm mô tế bào (nhiễm trùng mô sâu)
- Viêm xương tủy xương sọ (tổn thương xương ở phần dưới của hộp sọ và sụn của tai ngoài) dẫn đến đau đớn dữ dội
- Nhiễm trùng lan rộng
- Viêm tủy xương nền sọ tiến triển
- Viêm dây thần kinh
Điều trị
Điều trị viêm tai ngoài thường bao gồm biện pháp làm sạch và thuốc. Những phương pháp này giúp ngăn nhiễm trùng lan rộng, giảm triệu chứng và tạo điều kiện cho ống tai lành lại.
1. Làm sạch
Trong quá trình làm sạch, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ hút và nạo tai để làm sạch ráy tai, những vảy da bong tróc, dịch tiết và các mảng vụn khác có trong ống tai. Điều này giúp ống tai khô thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho những vùng da tổn thương lành lại.
2. Thuốc
Những loại thuốc thường được dùng để điều trị bệnh viêm tai giữa:
- Dung dịch có tính axit: Dung dịch nhỏ tai có tính axit thường được sử dụng để khôi phục môi trường kháng khuẩn bình thường của tai. Từ đó giảm mức độ nhiễm trùng và cho phép tổn thương ở tai lành lại.
- Thuốc kháng sinh: Bệnh nhân được dùng thuốc kháng sinh để chống lại vi khuẩn gây viêm tai ngoài. Thuốc có tác dụng ức chế hoạt động và làm sạch loại vi khuẩn gây bệnh.
- Thuốc kháng nấm: Bệnh nhân được dùng thuốc kháng nấm khi nhiễm trùng xảy ra do một loại nấm. Tương tự như kháng sinh, thuốc kháng nấm giảm nhiễm trùng bằng cách loại bỏ tác nhân.
- Steroid: Steroid được sử dụng để giảm viêm và đau. Thuốc thường mang đến hiệu quả nhanh.
- Thuốc giảm đau: Để giảm bớt cảm giác khó chịu, thuốc giảm đau sẽ được chỉ định. Khi đau từ nhẹ đến vừa, acetaminophen hoặc ibuprofen sẽ được kê đơn. Nếu có những cơn đau nghiêm trọng hơn, một loại thuốc giảm đau mạnh hơn sẽ được sử dụng.
3. Chăm sóc tại nhà
Trong quá trình điều trị viêm tai ngoài, người bệnh cần chăm sóc vùng tổn thương đúng cách và giữ cho tai khô ráo. Điều này giúp tránh kích ứng và thúc đẩy quá trình chữa lành.
Một số lưu ý khi chăm sóc tai bệnh:
- Không bơi và không đi lặn biển cho đến khi viêm tai ngoài lành lại hoàn toàn.
- Không đeo máy trợ thính, tai nghe nhét tai hoặc nút tai cho đến khi không còn đau và chảy dịch.
- Tránh để nước vào ống tai khi tắm.
- Nên dùng bông gòn thấm dầu khoáng khi tắm bồn tắm hoặc vòi hoa sen. Điều này giúp bảo vệ tai hiệu quả.
- Nhẹ nhàng làm sạch và lau khô tai sau khi tắm xong. Nên dùng bông gòn hoặc khăn bông mềm để tránh gây trầy xước.
- Không cố gắng gãi ngứa, dùng dụng cụ đưa sâu vào bên trong khi đang điều trị. Tham kháo ý kiến bác sĩ về cách vệ sinh tai phù hợp.
Phòng ngừa
Thực hiện những biện pháp dưới đây có thể giúp tránh viêm tai ngoài:
- Giữ cho tai luôn khô ráo. Nên nghiêng đầu sang một bên để nước thoát ra ngoài, sau đó lau khô tai khi vừa bơi lội hoặc tắm xong.
- Nhẹ nhàng lau khô tai bằng khăn mềm để tránh gây tổn thương da. Có thể dùng máy sấy ở mức độ thấp nhất, để cách xa tai 0,3 mét để làm khô tai.
- Điều trị dự phòng tại nhà bằng cách dùng thuốc nhỏ tai trước và sau khi bơi xong.
- Tránh bơi lội ở những nơi có nguồn nước bẩn hoặc có số lượng vi khuẩn tăng cao.
- Bảo vệ đôi tai bằng cách sử dụng nút bịt tai, giúp giữ cho tai luôn khô ráo khi bơi.
- Khi thoa thuốc nhuộm tóc, dùng keo xịt tóc hoặc những sản phẩm khác, cần dùng bông gòn nhét vào tai. Điều này giúp bảo vệ tai khỏi những chất kích thích.
- Hỏi ý kiến bác sĩ về việc bơi lội nếu gần đây có phẫu thuật tai hoặc bị nhiễm trùng tai.
- Tuyệt đối không đưa vật lạ vào ống tai. Hạn chế sử dụng tăm bông để giảm nguy cơ viêm tai ngoài cấp tính.
- Không cố gắng gãi ngứa trong ống tai hoặc lấy ráy tai bằng tăm bông, kẹp tóc hoặc những vật dụng khác. Những vật dụng này có thể làm rách da hoặc gây kích ứng lớp da mỏng bên trong.
- Lưu ý làm sạch máy trợ thính hoặc tai nghe trước khi sử dụng.
- Cần tránh bơi lội và gội đầu nếu có những triệu chứng nhẹ của bệnh viêm tai ngoài cấp tính. Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều trị sớm, ngăn bệnh tiến triển nặng hơn.
- Khi dùng nút tai bảo vệ tai khi bơi, cần lưu ý sử dụng nút tai mềm và vừa vặn. Không nên dùng nút tai không vừa và cứng vì có thể dẫn đến tình trạng trầy xước và viêm nhiễm.
- Khi được dùng trong giai đoạn cấp tính, nút tai cần được làm sạch và sấy khô trước khi tiếp tục sử dụng hoặc chỉ sử dụng một lần. Điều này giúp ngăn nhiễm trùng lây lan từ dịch tiết bị nhiễm trùng đến ống tai lành.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh viêm tai ngoài của tôi thuộc loại nào? Có nghiêm trọng không?
2. Phác đồ điều trị của tôi như thế nào?
3. Thuốc nào hiệu quả nhất và được chỉ định?
4. Có tác dụng phụ từ thuốc điều trị hay không?
5. Những điều gì cần tránh trong quá trình điểu trị?
6. Khi nào tôi có thể bơi lội trở lại?
7. Tôi có cần sử dụng tai nghe hoặc máy trợ thính khác không?
8. Cách ngăn ngừa viêm tai ngoài quay trở lại?
Viêm tai ngoài chủ yếu xảy ra do sự phát triển của vi khuẩn trong ống tai dẫn đến nhiễm trùng và viêm. Bệnh gây đau nhiều, tiết dịch, suy giảm thính lực và nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được chữa trị. Do đó người bệnh cần sớm dùng điều trị để giúp tai bệnh lành lại nhanh chóng.