Bệnh Viêm Tai Xương Chũm
Viêm tai xương chũm là tình trạng nhiễm trùng xương chũm - xương lớn ở phía sau tai. Tình trạng này thường là biến chứng của nhiễm trùng tai giữa nhưng cũng có thể xảy ra do một tình trạng khác.
Tổng quan
Viêm tai xương chũm là một tình trạng nhiễm khuẩn nghiêm trọng ở xương chũm. Đây là một phần xương lớn và cứng ở phía sau tai. Bệnh thường bắt đầu sau nhiễm trùng tai giữa kháng thuốc kháng sinh hoặc không được điều trị.
Vi khuẩn có thể phát triển, lan sang những cấu trúc xung quanh (bao gồm xương chũm) và dẫn đến viêm. Khi không điều trị hiệu quả, vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể tiếp tục lan rộng khắp xương sọ, vào máu và di chuyển đến các cơ quan.
Viêm tai xương chũm gây sưng, mủ chảy từ tai, giảm thính lực và đau nhói. Những trường hợp nhẹ đến vừa có thể được dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Những trường hợp nặng có thể cần phải phẫu thuật.
Phân loại
Viêm tai xương chũm được phân thành hai loại bao gồm cấp tính và mãn tính.
- Cấp tính: Nhiễm trùng khiến những triệu chứng xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng. Tuy nhiên các phương pháp điều trị có thể giúp triệu chứng biến mất trong vòng 1 tháng và không tái phát.
- Mãn tính: Những triệu chứng của bệnh kéo dài trên 1 tháng hoặc những tái phát nhiều lần sau khi điều trị bằng kháng sinh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm tai (đặc biệt là viêm tai giữa) là nguyên nhân gây viêm tai xương chũm. Khi không điều trị tích cực hoặc kháng thuốc kháng sinh, vi khuẩn lây lan đến xương chũm và nhiều bộ phận khác, sau đó gây nhiễm trùng và viêm.
Mặc dù ít gặp hơn nhưng Cholesteatoma cũng có thể gây viêm tai xương chũm. Đây là sự phát triển bất thường của những tế bào da ở xương thái dương phía sau màng nhĩ và tai giữa.
Cholesteatoma làm tắc nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi dẫn đến nhiễm trùng xương chũm. Trong nhiều trường hợp, sự phát triển của những tế bào da làm hình thành polyp tai. Điều này làm tăng mức độ tắc nghẽn.
Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Tuy nhiên nhiễm trùng xương chũm phổ biến hơn ở những nhóm đối tượng sau:
- Trẻ em dưới 2 tuổi.
- Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở người bị suy giảm hệ miễn dịch do HIV, dùng một phương pháp điều trị cụ thể hoặc bị tiểu đường.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của viêm tai xương chũm thường xảy ra trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi bị viêm tai giữa. Dưới đây là những triệu chứng thường gặp:
- Đau nhói sau tai không biến mất
- Đau nhiều hơn khi sờ vào vùng sau tai
- Vùng da bao phủ xương chũm bị đỏ và sưng lên
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Có chất lỏng đặc hoặc mủ chảy ra từ tai
- Mùi hôi phát ra từ tai
- Ù tai
- Suy giảm hoặc mất thính lực
- Đau đầu
- Tai bị đẩy về phía trước hoặc nhô ra nhiều hơn
Trẻ dưới 2 tuổi bị nhiễm trùng xương chũm thường có thêm những triệu chứng dưới đây:
- Thường xuyên kéo tai hoặc đập một bên đầu
- Khó chịu và cáu gắt
- Quấy khóc.
Khi có những triệu chứng của nhiễm trùng, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tai và đầu. Điều này giúp xác định xem tình trạng viêm có lan sang xương chũm hay không.
Để chắc chắn hơn về tình trạng, bác sĩ có thể chỉ định những xét nghiệm dưới đây:
- Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng của bạch cầu. Điều này giúp xác đinh tình trạng nhiễm trùng.
- Xét nghiệm hình ảnh: Bệnh nhân có thể được chụp X-quang hộp sọ, chụp MRI hoặc CT tai và đầu. Những xét nghiệm này giúp xác định các vấn đề xảy ra ở xương chũm.
- Chọc dò tủy sống: Nếu các xét nghiệm cho thấy viêm xương chũm, người bệnh sẽ được chọc dò tủy sống. Điều này giúp xác định nhiễm trùng có lây lan đến cột sống không.
Biến chứng và tiên lượng
Do xương chũm nằm sâu bên trong tai nên quá trình điều trị thường gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên nếu điều trị tích cực, những triệu chứng có thể được khắc phục trong vòng 1 tháng và không quay trở lại.
Khi nhiễm trùng không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, xương chũm có thể bị hỏng, nhiễm trùng lan rộng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm dưới đây:
- Chóng mặt
- Mất thính lực
- Liệt mặt
- Viêm màng não
- Áp xe não
- Thay đổi thị lực hoặc đau đầu
- Áp xe ngoài màng cứng
- Nhiễm trùng huyết gây tử vong.
Điều trị
Bệnh viêm tai xương chũm là một tình trạng đe dọa đến tính mạng. Vì vậy bệnh lý này cần được điều trị sớm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Dựa trên mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được dùng kháng sinh hoặc phẫu thuật.
1. Thuốc
Kháng sinh và steroid được dùng trong điều trị nhiễm trùng xương chũm.
- Thuốc kháng sinh
Dùng thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị chính cho bênh nhân bị viêm tai xương chũm (bao gồm cả cấp tính và mãn tính). Trong đó kháng sinh được sử dụng bằng cách tiêm truyền qua tĩnh mạch để điều trị nhiễm trùng.
Thông thường người bệnh được dùng kháng sinh phổ rộng. Thuốc này có thể ức chế và tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây nhiễm trùng xương chũm.
Nếu đợt kháng sinh đầu tiên không hiệu quả, người bệnh được nuôi cấy nhiễm trùng xác định loại vi khuẩn cụ thể. Khi có kết quả, một đợt kháng sinh phù hợp sẽ được chỉ định.
- Steroid
Trong nhiều trường hợp bệnh nhân được dùng kháng sinh kết hợp với steroid. Thuốc này có tác dụng điều trị viêm và giảm những triệu chứng liên quan, chẳng hạn như sưng đỏ và viêm.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định cho trường hợp sau:
- Điều trị bằng kháng sinh và steroid không hiệu quả
- Có áp xe ở xương chũm
- Viêm tai xương chũm tái phát nhiều lần.
Những lựa chọn phẫu thuật:
- Phẫu thuật mở ống thông tai
Phẫu thuật mở ống thông tai được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm tai giữa mãn tính và nhiễm trùng xương chũm cấp tính. Phương pháp này giúp điều trị tràn dịch (sự tích tụ chất lỏng) ở tai giữa bằng cách dẫn lưu chất lỏng ra khỏi tai. Từ đó ngăn ngừa mất thính lực vĩnh viễn.
Khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trong màng nhĩ, dẫn lưu hoặc hút chất lỏng bị mắc kẹt trong tai giữa. Sau đó đặt ống tai (các ống hình trụ rỗng) vào vết rạch trong màng nhĩ. Điều này giúp chất lỏng thoát ra khỏi tai.
- Phẫu thuật cắt xương chũm
Phẫu thuật cắt xương chũm được chỉ định cho những bệnh nhân có biến chứng áp xe hoặc cục máu đông, bên trong có khối sưng tấy chứa dịch nhiễm trùng.
Trong khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ phần nhiễm bệnh của xương chũm. Sau đó dẫn lưu dịch nhiễm trùng nếu có áp xe.
Phòng ngừa
Phát hiện và điều trị sớm nhiễm trùng tai là cách tốt nhất đề phòng ngừa viêm tai xương chũm. Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ được dùng thuốc kháng sinh theo hướng dẫn.
Lưu ý dùng hết đợt kháng sinh ngay cả khi những triệu chứng đã biến mất. Tránh tự ý ngừng dùng thuốc để ngăn ngừa kháng thuốc kháng sinh và nhiễm trùng quay trở lại.
Một số lưu ý khác để phòng ngừa viêm tai xương chũm:
- Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng, không dùng thuốc kháng sinh còn sót lại từ đợt điều trị trước. Kháng sinh cần được dùng đúng với từng loại nhiễm trùng.
- Thường xuyên rửa tay và tránh tiếp xúc gần với những người đang bị nhiễm trùng.
- Những người có nguy cơ cao cần thường xuyên theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng. Thông báo với bác sĩ và điều trị ngay lập tức khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
- Thực hiện những bước phòng ngừa nhiễm trùng tai giữa. Cụ thể:
- Cho trẻ bú mẹ đến khi 2 tuổi để cải thiện sức đề kháng của trẻ.
- Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ.
- Cần điều trị sớm những bệnh lý nhiễm trùng. Đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm và nhiều khói thuốc lá.
- Vi khuẩn phế cầu thường gây viêm tai giữa dẫn đến nhiễm trùng xương chũm. Do đó trẻ em dưới 2 tuổi được khuyên tiêm phòng phế cầu khuẩn để phòng ngừa.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào gây ra những triệu chứng của tôi / con tôi?
2. Tôi cần dùng loại kháng sinh nào?
3. Thuốc kháng sinh có an toàn khi dùng cho trẻ nhỏ không?
4. Có lựa chọn điều trị thay thế cho phương pháp được đề nghị không?
5. Quy trình điều trị trong bao lâu?
6. Khi nào cần phẫu thuật?
7. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật, lợi ích và rủi ro là gì?
8. Những cách chăm sóc tại nhà được đề nghị là gì?
Viêm tai xương chũm là một tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa đến tính mạng. Vì vậy quá trình điều trị cần diễn ra sớm và tích cực. Bệnh nhân nên khám kỹ lưỡng và dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!