Viêm Thanh Quản
Bệnh viêm thanh quản là tình trạng viêm và tổn thương xảy ra tại thanh quản. Điều này thường kèm theo một số cơn ho khó chịu, giọng khàn, yếu và khó nuốt. Bệnh chủ yếu xảy ra do lạm dụng thanh quản quá mức, nhiễm trùng hoặc một số yếu tố gây kích ứng.
Tổng quan
Bệnh viêm thanh quản là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm sưng hoặc kích thích xảy ra ở thanh quản hoặc dây âm thanh (hai nếp gấp của màng nhầy bao phủ cơ và sụn) trong cổ họng.
Khi khỏe mạnh, dây âm thanh mở và đóng lại trơn tru. Từ đó tạo ra âm thanh thông qua những chuyển động. Khi bị viêm hoặc kích ứng, dây âm thanh sưng lên, không thể mở và đóng như bình thường. Điều này làm biến dạng âm thanh. Những trường hợp nặng có thể bị tắt tiếng.
Bệnh viêm thanh quản được phân thành cấp tính và mãn tính. Trong đó viêm thanh quản cấp tính thường phổ biến hơn do nhiễm virus tạm thời.
Phân loại
Bệnh viêm thanh quản được phân thành những thể dưới đây:
1. Bệnh viêm thanh quản cấp ở trẻ em
Viêm thanh quản cấp ở trẻ em thường gặp ở những trẻ có độ tuổi từ 1 đến 6 tuổi. Bệnh xảy ra khi thanh quản cùng những tổ chức dưới niêm mạc bị kích thích hoặc viêm dẫn đến phù nề và khó thở.
Ở trẻ nhỏ, bệnh viêm thanh quản chủ yếu xảy ra do trẻ nói nhiều hoặc thường xuyên la hét, khóc nhiều, không được giữ ấm, nhiễm virus hoặc vi khuẩn gây bệnh.
Viêm thanh quản cấp ở trẻ kèm theo biểu hiện sốt, ho, khàn tiếng, khóc khàn, thở rít. Những triệu chứng này thường nghiêm trọng hơn vào ban đêm.
Viêm thanh quả trẻ em cấp tính được chia thành những thể sau:
- Thể cấp tính ngạt thở: Thường gặp ở trẻ từ 1 - 3 tuổi, xảy ra do nhiễm vi khuẩn liên cầu, phế cầu, virus cúm, moxyvirut... Bệnh viêm thanh quản thể cấp tính ngạt thở ở trẻ em có thể gây sốt nhẹ, ngạt thở, khó thở ở thanh quản.
- Viêm thanh quản co thắt: Bệnh xảy ra khi vùng hạ họng thanh quản bị viêm co thắt. Viêm thanh quản co thắt ở trẻ em thường gây ra những cơn khó thở, ngạt thở, co thắt cơ liên sườn, hõm ức và những cơ vùng cổ.
- Viêm thanh nhiệt: Bệnh thể hiện cho tình trạng viêm cấp tính xảy ra ở thanh nhiệt (thanh môn) hoặc/ và thượng thanh môn. Viêm thanh nhiệt gây tắc nghẽn khí quản, ngạt thở, nuốt đau, nuốt vướng, tiết nhiều nước bọt. Đây là một thể bệnh nghiêm trọng, việc không cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Viêm thanh quản bạch cầu: Bệnh xảy ra khi thanh quản bị viêm do nhiễm vi khuẩn bạch cầu. Đây là một thể bệnh nghiêm trọng, thường gây biến chứng ở tim, thận và thần kinh. Những trẻ bị viêm thanh quản bạch cầu sẽ có biểu hiện sốt, đau họng, khó nuốt, cổ họng có ít giả mạc dai khó gỡ. Bệnh có diễn tiến nhanh nên cần được phát hiện và điều trị sớm.
2. Bệnh viêm thanh quản ở người lớn
Ở người lớn, bệnh viêm thanh quản được chia thành thể cấp tính và mạn tính.
- Viêm thanh quản cấp
Bệnh viêm thanh quản cấp ở người lớn xảy ra khi viêm thanh quản là một tình trạng tạm thời, xảy ra dưới 3 tuần, cải thiện nhanh sau khi nguyên nhân cơ bản được khắc phục.
Bệnh chủ yếu do nhiễm virus, thường gặp ở những người làm việc / sinh sống trong môi trường lạnh, ô nhiễm, thường xuyên uống rượu bia và hút thuốc lá.
Ở người lớn, viêm thanh quản cấp thường gây mệt mỏi, ớn lạnh, sốt nhẹ, giọng khàn hoặc mất tiếng hoàn toàn, thanh quản sung huyết thanh nhiệt, dây thanh quản hai bên phù nề và thấy dịch ứ đọng khi khám nội soi.
- Viêm thanh quản mạn tính
Bệnh viêm thanh quản mạn tính xảy ra khi viêm niêm mạc thanh quản kéo dài hơn 3 tuần hoặc tái diễn nhiều lần. Tình trạng này thường do nói nhiều và liên tục, sử dụng giọng không hợp lý, trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm vi khuẩn và virus.
Viêm thanh quản mạn tính ở người lớn thường kèm theo những triệu chứng sau:
-
- Khó nói
- Nuốt vướng nhẹ
- Khó hát hoặc khó cất giọng cao
- Ho ít đờm vào buổi sáng
- Ngứa hoặc rát nhẹ vùng quanh quản
Tình trạng viêm kéo dài thường gây teo niêm mạc thanh quản, loạn sản hoặc quá sản.
- Viêm thanh quản do cúm
Bệnh viêm thanh quản do cúm có thể do cúm đơn thuần hoặc có những loại vi khuẩn khác. Bệnh được phân thành nhiều thể nhỏ, bao gồm:
-
- Thể xuất tiết: Có điểm xuất huyết dưới niêm mạc, bệnh nhân sốt và mệt mỏi kéo dài.
- Thể phù nề: Phù nề ở thanh nhiệt và mặt sau của sụn phễu, thường có biểu hiện nuốt đau, đôi khi khó thở.
- Thể loét: Sụn thanh nhiệt và sụn phễu phù nề, có vết loét nông, bờ đỏ.
- Thể viêm tấy: Xuất hiện những triệu chứng toàn thân nghiêm trọng, mặt hốc hác, mạch nhanh, sốt cao, vùng trước thanh quản viêm, sưng, ấn đau; bệnh nhân đau họng, khó nuốt, giọng khàn hoặc mất giọng, khó thở thanh quản, nhói bên tai.
- Thể hoại tử: Viêm và hoại tử màng sụn, thanh quản sưng to và hình thành những màng giả che phủ, nuốt đau, khó thở, khó nói.
- Triệu chứng toàn thân nghiêm trọng, tiên lượng xấu, phế quản viêm trụy tim mạch có thể gây tử vong.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Dưới đây là những nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp tính và mạn tính thường gặp:
Bệnh viêm thanh quản cấp tính
Bệnh chủ yếu xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Nhiễm virus. Thường gặp ở những người mắc bệnh cúm, cảm lạnh và viêm phế quản
- Lạm dụng giọng nói hoặc căng giọng do la hét
- Nhiễm nấm
- Chấn thương
- Nhiễm trùng do vi khuẩn (ít gặp)
Bệnh viêm thanh quản mạn tính
Viêm thanh quản mãn tính chủ yếu do người bệnh tiếp xúc với những chất kích thích và gây viêm trong thời gian dài, khối u, chấn thương, căng dây âm thanh và nhiều nguyên nhân khác.
Những nguyên nhân thường gặp:
- Viêm xoang mạn tính
- Sử dụng rượu quá mức
- Hút thuốc lá
- Hít phải những chất kích thích (chất gây dị ứng, khói hoặc hóa chất)
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Lạm dụng giọng nói
- Rối loạn tự miễn dịch
Một số nguyên nhân khác và ít phổ biến hơn:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm hoặc một số loại ký sinh trùng
- Bệnh ung thư
- Chấn thương hoặc/ và căng dây âm thanh
- Liệt dây thanh quản do phẫu thuật, chấn thương, rối loạn thần kinh, ung thư hoặc một số tình trạng sức khỏe khác
- Kích ứng cổ họng do sử dụng thuốc hít, chẳng hạn như thuốc hít hen suyễn.
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm thanh quản gồm:
- Nói quá to, quá nhiều, hát hoặc la hét
- Cảm lạnh
- Sống và làm việc trong môi trường lạnh, ô nhiễm
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh viêm thanh quản được nhận biết thông qua những triệu chứng sau:
- Khàn tiếng
- Có cảm giác khô ráp hoặc ngứa trong cổ họng
- Giọng yếu hoặc mất giọng
- Viêm họng
- Khô họng
- Ho khan
- Khó nói
- Sốt nhẹ
- Tăng sản xuất nước bọt
- Thường xuyên hắng giọng
- Khó nuốt
- Khó chịu ở phía trước cổ, có cảm giác sưng ở vùng thanh quản
- Cảm giác như có khối u trong cổ họng
- Khó thở (chủ yếu ở trẻ em)
Những triệu chứng ít gặp:
- Đau cơ
- Xuất hiện những triệu chứng giống như cúm hoặc cảm lạnh
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ họng, mặt và ngực
Hầu hết trường hợp có triệu chứng kéo dài dưới 2 tuần. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân có các triệu chứng viêm thanh quản kéo dài trên 3 tuần và thường xuyên tái phát.
Bệnh viêm thanh quản thường được chẩn đoán bằng cách kiểm tra triệu chứng kết hợp soi thanh quản hoặc/ và sinh thiết.
- Soi thanh quản: Kỹ thuật này giúp kiểm tra trực quan dây âm thanh, phát hiện tình trạng sưng, sung huyết và các giả mạc.
- Sinh thiết: Nếu có khối u hoặc một nốt bất thường trong cổ họng, một mẫu mô sẽ được lấy từ vùng ảnh hưởng và kiểm tra dưới kính hiển vi.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm thanh quản và các triệu chứng thường kéo dài trong vòng 2 tuần, khỏi nhanh khi nguyên nhân được khắc phục. Ở người lớn, bệnh ít gây nguy hiểm, được kiểm soát nhanh, khả năng hồi phục tốt.
Ở trẻ em, viêm thanh quản cấp có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ do tình trạng khó thở, tắc nghẽn khí quản, ngạt thở. Đặc biệt viêm thanh quản bạch cầu có thể gây biến chứng ở tim, thận và thần kinh do nhiễm trùng lan rộng. Điều này có thể đe dọa đến tính mạn của trẻ.
Một số biến chứng khác ở trẻ:
- Bệnh sùi mào gà
- Viêm nắp thanh quản
- Hẹp đường thở
Điều trị
Nguyên tắc điều trị bệnh viêm thanh quản:
- Điều trị nguyên nhân
- Kiêng nói, tránh lạnh, bổ sung dinh dưỡng và nâng cao sức đề kháng
- Điều trị nội khoa bằng thuốc
- Đối với viêm thanh quản có khó thở, điều trị nội khoa ở trường hợp nhẹ, mở khí quản cấp cứu hoặc/ và hồi sức tích cực ở những trường hợp nghiêm trọng hơn.
Phương pháp điều trị cụ thể:
1. Dùng thuốc
Dùng thuốc là phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm thanh quản. Những loại thuốc thường được chỉ định dựa trên nguyên nhân gây viêm và mức độ nghiêm trọng. Cụ thể:
- Thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc này được dùng để điều trị viêm thanh quản do vi khuẩn. Thuốc có tác dụng ức chế hoạt động của vi khuẩn cụ thể và tiêu diệt chúng. Những loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng gồm kháng sinh nhóm macrolide (Clarythromycin, Azithromycin...) và kháng sinh nhóm Beta lactam (Cephalexin, Amoxicilin, các cephalosporin thế hệ 1,2...)
- Thuốc kháng nấm: Nếu viêm thanh quản do nhiễm nấm, bệnh nhân được dùng dung dịch hoặc thuốc uống kháng nấm. Thuốc thường được dùng trong 3 tuần để điều trị nguyên nhân gây bệnh.
- Thuốc kháng viêm: Viêm thanh quản liên quan đến bệnh thanh khí phế quản có thể được dùng corticosteroid để điều trị. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được sử dụng thuốc chống viêm dạng men (chẳng hạn như Lysozym, Alpha chymotrypsin) hoặc thuốc chống viêm steroid như Methylprednisolon, Prednisolon. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm sưng, viêm và đau hiệu quả.
- Paracetamol: Paracetamol dạng viên uống hoặc truyền dịch thường được dùng trong điều trị viêm thanh quản. Thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau.
- Điều trị tại chỗ: Một số loại thuốc thường được dùng trong điều trị tại chỗ gồm:
- Dung dịch súc họng chứa hoạt chất sát khuẩn và giảm viêm
- Khí dung, bơm thuốc thanh quản chứa kháng sinh, thuốc kháng viêm dạng men hoặc corticoid.
2. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Bên cạnh thuốc, lối sống và biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp thúc đẩy phục hồi, giảm nhanh các triệu chứng của bệnh viêm thanh quản.
- Nghỉ ngơi: Hạn chế nói chuyện, không nói nhiều, không hát hoặc nói quá to. Tốt nhất nên nghỉ ngơi trong vài ngày để thanh quản có thời gian phục hồi.
- Giữ ấm: Giữ ấm cổ họng và cơ thể khi thời tiết lạnh.
- Hít thở không khí ẩm: Bệnh nhân bị viêm thanh quản cần hít thở không khí ẩm bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ hoặc nơi làm việc để giữ ẩm không khí. Ngoài ra tắm nước ấm hoặc hít hơi nước nóng từ trà/ nước nóng có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
- Làm ẩm cổ họng: Thường xuyên làm ẩm cổ họng bằng cách uống nhiều nước, dùng nước súc miệng hoặc viêm ngậm sẽ giảm bớt các triệu chứng. Tuy nhiên cần tránh uống rượu bia và cà phê.
- Tránh thì thầm và dùng thuốc thông mũi: Không nên thì thầm bởi điều này sẽ gây căng thẳng cho giọng nói. Ngoài ra cần hạn chế sử dụng thuốc thông mũi để tránh cổ họng khô ráp hơn.
- Ngừng hút thuốc lá: Loại bỏ thói quen hút thuốc và tránh hít khói thuốc thụ động.
- Dùng viêm ngậm thảo mộc: Một số loại viên ngậm chứa bạc hà, khuynh diệp và một số loại thảo mộc khác có thể làm dịu cơn đau họng và hỗ trợ giảm viêm.
- Bổ sung dinh dưỡng: Tăng cường bổ sung vi chất dinh dưỡng (đặc biệt là vitamin A và vitamin C), bổ sung axit béo omega-3 từ chế độ ăn uống lành mạnh. Các thành phần dinh dưỡng giúp nâng cao sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Đồng thời tăng khả năng kháng viêm và hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng.
- Súc miệng bằng nước muối ấm: Nước muối ấm có thể kháng khuẩn, giảm viêm, đau và sưng tấy ở thanh quản. Từ đó làm dịu nhanh các triệu chứng.
Phòng ngừa
Những biện pháp hữu hiệu trong phòng ngừa bệnh viêm thanh quản:
- Không hút thuốc lá và không hít khói thuốc thụ động.
- Không lạm dụng rượu bia và caffein.
- Điều trị tích cực những bệnh lý có thể gây viêm thanh quản.
- Tránh hít khói hóa chất, sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm.
- Uống nhiều nước để giữ ẩm cổ họng, giữ cho chất nhầy loãng và được tống ra một cách dễ dàng hơn.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng. Nên tăng cường bổ sung các vitamin (chẳng hạn như vitamin A, E và C) từ trái cây, rau xanh và ngũ cốc. Điều này giúp nâng cao sức đề kháng và sức khỏe, phòng ngừa nhiễm trùng và viêm thanh quản.
- Hạn chế ăn những loại thực phẩm cay nóng, chứa nhiều chất béo và dầu mỡ. Bởi nhóm thực phẩm này có thể gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Axit dạ dày trào ngược, đi vào cổ họng hoặc thực quản sẽ dẫn đến viêm.
- Giữ gìn vệ sinh, thường xuyên rửa tay sạch sẽ, tránh tiếp xúc với những bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp trên để ngăn lây nhiễm.
- Tránh hắng giọng, nói to, nói nhiều, hát hoặc thực hiện những hoạt động khác gây căng thẳng cho giọng nói.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Làm thế nào để tự điều trị viêm thanh quản?
2. Bệnh viêm thanh quản dùng thuốc gì nhanh khỏi?
3. Nên làm gì để phòng ngừa biến chứng do viêm thanh quản ở trẻ em?
4. Bệnh viêm thanh quản nên ăn gì và kiêng gì?
5. Nên làm gì để phòng ngừa và chăm sóc người viêm thanh quản?
6. Viêm thanh quản mạn tính có chữa khỏi được không?
7. Khi nào viêm thanh quản cần gặp bác sĩ?
Bệnh viêm thanh quản thường nhanh khỏi nếu nguyên nhân được kiểm soát sớm và điều trị tích cực. Những trường hợp nặng và viêm thanh quan ở trẻ em có thể gặp biến chứng nguy hiểm. Vì vậy cần liên hệ bác sĩ và thăm khám khi các triệu chứng bắt đầu.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!