Viêm Tủy Xương
Viêm tủy xương là tình trạng nhiễm trùng trong xương. Tình trạng này bắt đầu khi vi trùng xâm nhập trực tiếp vào xương hoặc theo dòng máu từ cơ quan khác đến xương. Thông thường người bệnh sẽ được dùng thuốc và loại bỏ ổ nhiễm trùng để điều trị.
Tổng quan
Viêm tủy xương là bệnh nhiễm trùng trong xương - nơi chứa mô mềm, xốp, được gọi là tủy xương. Bệnh liên quan đến sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc nấm.
Bệnh viêm tủy xương xảy ra nhiễm trùng bắt đầu trong xương, sau khi có vết thương do côn trùng cắn hoặc gãy xương hở. Thông qua vết thương, vi trùng từ môi trường ngoài xâm nhập trực tiếp vào xương và gây nhiễm trùng.
Vi trùng cũng có thể di chuyển đến xương từ các mô lân cận hoặc thông qua dòng máu bị nhiễm trùng. Thông thường những người hút thuốc lá và có bệnh mãn tính sẽ có nguy cơ cao hơn.
Tình trạng viêm nhiễm gây sưng đau mô mềm bên trong xương. Ở những trường hợp nặng và không được điều trị, nguồn cung cấp máu cho xương có thể bị cắt dứt và khiến xương chết đi.
Phân loại
Bệnh viêm tủy xương được phân thành những loại sau:
- Nhiễm trùng cấp tính
Ở thể cấp tính, nhiễm trùng xảy ra đột ngột. Triệu chứng ban đầu gồm sốt. Vài ngày sau có dấu hiệu đau ở vùng có xương bị ảnh hưởng. Nhiễm trùng cấp tính thường phát triển trong vòng 2 tuần. Nếu không được điều trị sớm, nhiễm trùng có thể dẫn đến rối loạn tăng trưởng, dị tật xương, nhiễm trùng máu hoặc gây ra những biến chứng khác có thể đe dọa đến tính mạng.
- Nhiễm trùng mãn tính
Tình trạng viêm nhiễm mãn tính xảy ra khi viêm tủy xương cấp tái phát nhiều lần hoặc không biến mất khi được điều trị. Tình trạng này gây ra những tổn thương nghiêm trọng trong xương, bệnh nhân đau nhức và thoát dịch (mủ) thường xuyên. Trong một số trường hợp, viêm tủy xương không có triệu chứng và không được phát hiện trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
- Nhiễm trùng đốt sống
Đây là tình trạng viêm tủy xương xảy ra ở cột sống. Bệnh thường gây đau lưng mãn tính, cơn đau có xu hướng nghiêm trọng hơn khi di chuyển, không giảm khi nghỉ ngơi và áp dụng những biện pháp chăm sóc.
Nhiễm trùng đốt sống thường gặp ở những người chạy thận nhân tạo, dùng thuốc tiêm tĩnh mạch, sinh sống trong môi trường dễ bị nhiễm trùng, chẳng hạn như viện dưỡng lão.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm tủy xương xảy ra khi vi khuẩn hoặc nấm lây lan đến xương từ mô lân cận hoặc xâm nhập trực tiếp thông qua vết thương hở. Sau đó, chúng sinh sôi trong xương và gây viêm nhiễm. Hầu hết các trường hợp liên quan đến vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn).
Các con đường xâm nhập:
- Dòng máu: Thông qua dòng máu, vi khuẩn từ các cơ quan hoặc mô lân cận (như bàng quang và phổi) lây lan đến một điểm yếu trong xương.
- Chấn thương: Gãy xương hở (một phần xương lồi ra ngoài da), côn trùng cắn, vết dao đâm... có thể gây ra những vết thương thủng nghiêm trọng. Điều này tạo con đường cho vi trùng từ môi trường ngoài xâm nhập vào sâu trong cơ thể hoặc xương.
- Phẫu thuật: Trong quá trình phẫu thuật, vi trùng có thể xâm nhập vào xương. Tình trang này thường gặp ở những người phẫu thuật sửa chữa xương hoặc thay thế khớp.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Tuổi tác: Nguy cơ nhiễm trùng tăng lên ở những người lớn tuổi. Khi bạn già đi, xương sẽ giảm khả năng chống nhiễm trùng.
- Có chấn thương hoặc phẫu thuật gần đây: Vết thương đâm sâu, phẫu thuật hoặc gãy xương nghiêm trọng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Ở trường hợp phẫu thuật thay khớp, các bề mặt nhân tạo có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Rối loạn tuần hoàn: Những người bị rối loạn tuần hoàn hoặc suy giảm lưu thông máu sẽ có nguy cơ cao. Chẳng hạn như bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt, bệnh động mạch ngoại vi và bệnh hồng cầu hình liềm. Khi những mạch máu bị tắc nghẽn hoặc tổn thương, khả năng phân phối những tế bào chống nhiễm trùng bị suy giảm, không thể ngăn vết loét nhiễm trùng nhỏ phát triển lớn hơn. Điều này tạo ra một vết loét nhiễm trùng lớn, sâu, làm ảnh hưởng đến xương và mô mềm trong xương.
- Nhiễm trùng máu: Nhiễm trùng máu cũng khiến người bệnh có nguy cơ cao do vi khuẩn trong máu di chuyển đến xương.
- Sử dụng ống y tế: Ống thông tiểu, ống lọc máu, ống truyền tĩnh mạch dài hạn... đều có khả năng làm tăng nguy cơ viêm tủy xương. Khi kết nối với những cơ quan nội tạng trong cơ thể, những ống này có thể trở thành con đường xâm nhập của vi khuẩn.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Nguy cơ bị viêm tủy xương cao hơn ở những người có hệ miễn dịch suy yếu do ảnh hưởng từ thuốc hoặc bệnh lý. Chẳng hạn như thuốc ức chế miễn dịch, Corticosteroid, chất ức chế yếu tố hoại tử khối u, điều trị ung thư, nhiễm HIV/AIDS, bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt.
- Bệnh tiểu đường: Không chỉ làm suy yếu hệ miễn dịch, bệnh tiểu đường nặng còn gây loét chân. Tình trạng này tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập dễ dàng hơn.
- Chấn thương áp lực (lở loét): Những người nằm lâu một chỗ có thể có các vết loét hình thành ở lưng, mông... Thông qua vết loét, nấm hoặc vi khuẩn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng.
Triệu chứng và chẩn đoán
Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng, đặc biệt là trong giai đoạn cấp tính. Một số trường hợp bị viêm tủy xương mãn tính nhưng không có triệu chứng và không được phát.
Những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp:
- Đau nhức ở vùng có xương bị nhiễm trùng
- Sưng, nóng và đỏ ở vùng bị ảnh hưởng
- Đột ngột sốt cao
- Tiết dịch mủ vàng
- Khó chịu hoặc thờ ơ
- Ăn mất ngon
- Đau lưng dưới
- Buồn nôn và nôn
- Hạn chế vận động do đau đớn
- Ớn lạnh
- Đổ mồi hôi
- Mệt mỏi thường xuyên
- Thay đổi màu da
- Thay đổi dáng đi, chẳng hạn như đi khập khiễng ở trẻ em.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ tìm kiếm những dấu hiệu và vị trí ở vùng bị tổn thương. Bệnh nhân có thể được hỏi về tần suất và thời điểm bắt đầu đau, tiền sử bệnh và chấn thương.
Sau khi kiểm tra lâm sàng kỹ lưỡng, một hoặc nhiều xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện:
- Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được xét nghiệm đánh giá công thức máu toàn bộ (CBC). Xét nghiệm này có thể giúp tìm kiếm vi khuẩn, kiểm tra những dấu hiệu viêm và nhiễm trùng. Nếu bị viêm tủy xương, kết quả xét nghiệm máu có thể bao gồm:
- Tăng protein phản ứng C
- Tăng số lượng bạch cầu
- Tăng tốc độ lắng của hồng cầu.
- Chụp X-quang: X-quang được thực hiện để cung cấp hình ảnh về xương và những tổn thương liên quan.
- Chụp CT hoặc MRI: Khi chụp CT hoặc MRI, hình ảnh thu được có thể đánh giá chi tiết hơn về những tổn thương của mô mềm và xương. Đồng thời phát hiện nhanh bất kỳ tổn thương nào, bao gồm cả tổn thương nhỏ nhất.
- Siêu âm: Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được siêu âm để kiểm tra xương, cơ và mô xung quanh.
- Quét xương: Trước khi chụp ảnh bằng tia X, bệnh nhân được tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ. Chất này giúp làm nổi bật những vùng có nhiễm trùng, khối u hoặc gãy xương trên hình ảnh.
- Sinh thiết: Bệnh nhân thường được sinh thiết bằng kim để lấy mẫu chất lỏng, xương hoặc tủy. Bệnh phẩm sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện những dấu hiệu nhiễm trùng.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm tủy xương là một tình trạng y tế nghiêm trọng. Khi không được điều trị sớm, nhiễm trùng có thể lây lan và gây ra những biến chứng sau:
- Áp xe
- Hoại tử xương (chết xương)
- Tăng trưởng còi cọc do viêm tủy xương làm chậm sự phát triển của xương
- Viêm khớp nhiễm khuẩn
- Ung thư da (chẳng hạn như ung thư tế bào vảy) nếu viêm nhiễm dẫn đến loét hở chảy mủ
- Khả năng vận động bị hạn chế.
Điều trị
Để điều trị viêm tủy xương, người bệnh được phẫu thuật loại bỏ ổ nhiễm trùng và xương hoại tử. Sau đó sử dụng thuốc để tiêu diệt vi trùng, đảm bảo đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
1. Phẫu thuật
Các kỹ thuật được dùng sẽ dựa vào mức độ nghiêm trọng của viêm tủy xương. Bao gồm:
- Dẫn lưu dịch nhiễm trùng
Người bệnh sẽ được phẫu thuật mở khu vực xung quanh xương bị nhiễm trùng. Sau đó dẫn lưu chất lỏng và mủ ra ngoài. Đôi khi bệnh nhân được chọc hút bằng kim. Trong đó, cây kim nhỏ được đưa vào ổ áp xe, hút hết dịch và mủ ứ đọng bên trong để đối phó với nhiễm trùng.
- Cắt lọc
Cắt lọc là phương pháp loại bỏ mô và xương bị bệnh. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ toàn bộ mô và xương bị bệnh (chết và bị nhiễm trùng), loại bỏ một phần nhỏ xương khỏe mạnh xung quanh. Điều này giúp đảm bảo toàn bộ ổ áp xe và khu vực bị nhiễm bệnh đều được loại bỏ. Cắt lọc ở những trường hợp nặng có thể dẫn đến biến dạng xương.
- Ghép xương hoặc ghép mô
Sau khi cắt lọc, người bệnh được ghép xương và mô để khôi phục lưu lượng máu đến xương. Khi thực hiện, xương hoặc mô (chẳng hạn như da hoặc cơ) được sử dụng để lắp đầy bất kỳ lổ hổng nào sau quá trình cắt lọc. Mô ghép sẽ được lấy từ một phận khác trên cơ thể.
Sau khi ghép xương và mô, các mạch máu hư hỏng được sử chữa, quá trình lưu thông máu phục hồi, xương mới hình thành và ổn định. Trong một số trường hợp, chất làm đầy được sử dụng cho đến khi người bệnh có đủ điều kiện để ghép xương và mô.
- Loại bỏ vật lạ
Bác sĩ tiến hành loại bỏ vật lạ nếu nhiễm trùng xương liên quan đến khớp nhân tạo, đĩa phẫu thuật, ốc vít hoặc bất kỳ dị vật nào. Điều này giúp kiểm soát nhiễm trùng tốt hơn.
- Cắt cụt chi
Cắt cụt chi là phương pháp cuối cùng được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm tủy xương nặng, ổ áp xe lớn phá hỏng xương và mô ở chi. Phương pháp này bao gồm việc cắt bỏ chi bị ảnh hưởng để loại bỏ ổ nhiễm trùng, ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng hơn.
- Phẫu thuật cột sống
Phẫu thuật cột sống được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm tủy xương đốt sống. Trong khi phẫu thuật, bác sĩ loại bỏ ổ nhiễm trùng, bảo vệ tủy sống và các bộ phận khác trong hệ thần kinh. Đồng thời giữ cho các đốt sống không bị xẹp.
2. Thuốc
Thuốc được dùng để điều trị nguyên nhân gây viêm tủy xương và các triệu chứng. Sau khi sinh thiết xương xác định loại nhiễm trùng, người bệnh sẽ được chỉ định một trong những loại thuốc sau:
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được dùng để điều trị viêm tủy xương do tụ cầu khuẩn và các loại vi khuẩn khác. Thông thường thuốc này sẽ được tiêm tĩnh mạch qua cánh tay trong 6 tuần. Đối với những trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, thuốc kháng sinh đường uống có thể được dùng để bổ sung.
- Thuốc chống nấm: Nếu nhiễm trùng do nấm, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc chống nấm để điều trị. Thuốc này thường được dùng bằng đường uống trong nhiều tháng.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Bác sĩ thường yêu cầu sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau và viêm.
Phòng ngừa
Những biện pháp giúp giảm nguy cơ viêm tủy xương:
- Thận trọng trong sinh hoạt, ngăn ngừa chấn thương, vết cắt, vết cắn động vật hoặc trầy xước... để ngăn ngừa nhiễm trùng trong xương.
- Làm sạch vết thương và dùng băng gạc băng lại ngay lặp tức. Nếu có vết thương nghiêm trọng hơn, hãy làm sạch, băng bó và đến bệnh viện để được điều trị vết thương. Điều này giúp ngăn vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Thông báo ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi phẫu thuật, thay khớp nhân tạo hoặc điều chỉnh gãy xương. Chẳng hạn như sốt, chảy dịch mủ vàng, đau nhức, nóng đỏ quanh vết thương...
- Giảm nguy cơ bằng cách kiểm soát tốt các tình trạng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng xương (chẳng hạn như bệnh tiểu đường), tránh dùng kéo dài các thuốc gây suy giảm hệ miễn dịch.
- Nên tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, chọn thực phẩm giàu vitamin C, omega-3 và các khoáng chất. Điều này giúp tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch, nâng cao sức đề kháng và khả năng chống nhiễm trùng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tình trạng nào gây ra những triệu chứng của tôi?
2. Phương pháp điều trị nào phù hợp và được chỉ định?
3. Điều trị có thể giúp khắc phục hoàn toàn hay không?
4. Quá trình điều trị kéo dài bao lâu?
5. Tôi có nguy cơ gặp những biến chứng nào?
6. Tôi có thể trở lại vận động và sinh hoạt bình thường sau điều trị hay không?
7. Nhiễm trùng trong xương có lây lan không? Cách ngăn ngừa?
Viêm tủy xương là một tình trạng nhiễm trùng mô mềm trong xương, có mức độ nghiêm trọng cao, thường liên quan đến tụ cầu khuẩn. Khi không được điều trị, tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và đe dọa tính. Điều quan trọng là phát hiện và điều trị sớm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!