Bệnh Viêm Tuyến Mồ Hôi Mủ
Viêm tuyến mồ hôi mủ là một bệnh da liễu lâu dài và nghiêm trọng. Bệnh được đặc trưng bởi những cục u sưng tấy và viêm nhiễm, thường gây đau đớn, tiết dịch hoặc mủ khi vỡ. Tình trang này có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó việc điều trị cần được thực hiện sớm.
Tổng quan
Viêm tuyến mồ hôi mủ (Hidradenitis Suppurativa) là một tình trạng viêm nhiễm của những nang lông, dẫn đến áp xe kèm theo đau đớn ở những vùng đổ nhiều mồ hôi trên cơ thể (thường gặp ở nách).
Bệnh khiến nhiều cục u sưng tấy và viêm nhiễm hình thành (còn được gọi là nhọt), bên trong chứa dịch hoặc mủ. Chúng thường kèm theo cảm giác đau đớn, thay đổi màu sắc và biến dạng ở vùng da ảnh hưởng.
Bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ là một tình trạng lâu dài, không có cách điều trị dứt điểm. Tuy nhiên những phương pháp chữa trị có thể giúp giảm và kiểm soát những triệu chứng. Đồng thời ngăn hình thành nhọt mới và sẹo.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ là bệnh tự viêm của nang lông. Trong đó hệ miễn dịch phản ứng quá mức và cơ thể tấn công vào những nang lông. Điều này dẫn đến viêm mãn tính, áp xe và để lại sẹo.
Chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây viêm tuyến mồ hôi mủ. Tuy nhiên nhiều chuyên gia tin rằng, bệnh lý này có thể liên quan đến những vấn đề sau:
- Di truyền. Bênh viêm tuyến mồ hôi mủ thường liên quan đến gen NCSTN, PSEN1 và PSENEN. Những người có người thân sở hữu những gen này hoặc bị HS sẽ có nguy cơ phát triển bệnh cao hơn.
- Những lỗ chân lông bị tắc nghẽn
- Rối loạn những hormone sinh dục
- Hệ miễn dịch suy yếu. Đôi khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức với những tình trạng nhiễm trùng nhỏ ở lỗ chân lông tắc nghẽn dẫn đến những tổn thương lớn hơn
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Tăng trưởng lông và tóc quá mức (rậm lông)
- Nội tiết tố giới tính dao động sau tuổi dậy thì và trước khi mãn kinh
- Hút thuốc lá
- Thừa cân béo phì
- Phụ nữ có nhiều khả năng phát triển bệnh hơn so với nam giới
- HS thường xảy ra ở những người có độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi
- Thừa cân béo phì. Nhóm đối tượng này có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và những triệu chứng nghiêm trọng hơn.
- Bệnh lý. Bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ thường gặp ở những người có các tình trạng sức khỏe sau:
- Mụn trứng cá nặng
- Viêm khớp
- Tiểu đường
- Bệnh viêm ruột và hội chứng chuyển hóa
- Trầm cảm
- Buồng trứng đa nang
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng của viêm tuyến mồ hôi mủ thường xuất hiện ở những vùng đổ nhiều mồ hôi, đặc biệt là nách. Khi bệnh lý này xảy ra, người bệnh có thể nhận thấy những dấu hiệu và triệu chứng dưới đây:
- Xuất hiện mụn đầu đen ở những vùng da có lỗ rỗ nhỏ, thường theo cặp
- Xuất hiện cục u có kích thước bằng hạt đậu dưới da và đau đớn. Cơn đau có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng
- Nhiều mụn hình thành ở những nơi có nhiều dầu và tuyến mồ hôi hoặc hình thành ở những nếp gấp của da như háng, nách dưới ngực và mông
- Tăng kích thước một số vết sưng hoặc vết loét
- Vết sưng vỡ ra gây chảy mủ có mùi hôi
- Hình thành những đường hầm dưới da và kết nối những khối u
- Những vết thương thường xuyên chảy mủ hoặc máu, lành rất chậm.
Những triệu chứng của bệnh HS dễ bị nhầm lẫn với một số tình trạng da như lông mọc ngược và nhiễm trùng. Do đó, quá trình chẩn đoán thường bao gồm kiểm tra lâm sàng và xét nghiệm.
- Kiểm tra lâm sàng: Người bệnh được kiểm tra vùng da tổn thương. Những triệu chứng của bệnh và tiền sử bản thân có thể gợi ý bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ.
- Xét nghiệm: Không có xét nghiệm đặc hiệu cho HS. Tuy nhiên bệnh nhân có thể được xét nghiệm máu hoặc dịch tiết để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng. Từ đó chẩn đoán phân biệt các bệnh lý.
Bác sĩ có thể dựa vào phân độ Hurley để xác định mức độ nghiêm trọng:
- Độ 1: Một hoặc nhiều sang thương không có đường xoang hoặc đường hầm.
- Độ 2: Bệnh nhân có nhiều hơn 1 sang thương hoặc vùng tổn thương. Ngoài ra người bệnh có triệu chứng đường hầm giới hạn.
- Độ 3: Có nhiều sang thương với sẹo lớn và đường hầm, ảnh hưởng đến một vùng da lớn của cơ thể.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ có tiến triển dai dẳng và nghiêm trọng. Hơn nữa việc không áp dụng những phương pháp điều trị có thể làm khởi phát nhiều biến chứng, bao gồm:
- Nhiễm trùng thứ cấp
- Nhiễm trùng cục bộ và toàn thân
- Da bị rỗ hoặc để lại sẹo
- Gây đau đớn hoặc hạn chế những chuyển động
- Sưng ở tay, chân hoặc bộ phận sinh dục
- Xuất hiện lỗ dò hoặc những đường xoang
- Phù hạch bạch huyết
- Trầm cảm
- Thiếu máu
- Ung thư da hoặc ung thư biểu mô tế bào vảy
- Ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý do vết sưng để lại sẹo hoặc tiết dịch có mùi
- Tăng nguy cơ mắc các rối loạn tự miễn dịch
Điều trị
Điều trị viêm tuyến mồ hôi mủ thường bao gồm thuốc hoặc/ và phẫu thuật. Những phương pháp này có thể kiểm soát các triệu chứng và ngăn biến chứng.
Nguyên tắc điều trị:
- Dập tắc đợt bùng phát
- Làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và giảm tần suất của những đợt cấp
- Xóa sẹo và những lỗ rò.
Những phương pháp điều trị cụ thể:
1. Thuốc
Bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ và các triệu chứng có thể được kiểm soát bằng những loại thuốc dưới đây:
- Thuốc kháng sinh
Những người có triệu chứng nhẹ thường được sử dụng thuốc kháng sinh tại chỗ (dạng kem bôi hoặc gel). Thuốc thường được dùng trong nhiều tháng để chống nhiễm trùng.
Ở những trường hợp nặng và các triệu chứng lan rộng, kháng sinh có thể được dùng ở dạng viên uống. Thuốc này được dùng để tiêu diệt vi khuẩn toàn thân.
Những loại kháng sinh thường được sử dụng:
-
- Doxycycline (Monodox)
- Dlindamycin (Cleocin)
- Rifampin (Rimactane)
- Tiêm corticosteroid
Bệnh nhân có thể được tiêm corticosteroid vào vết loét. Thuốc này có tác dụng giảm sưng và viêm hiệu quả.
- Liệu pháp nội tiết tố
Thuốc tránh thai chứa estrogen, spironolactone hoặc một loại thuốc nội tiết tố khác có thể được dùng để giảm phù do tích nước. Thuốc này thường mang đến hiệu quả cao ở những trường hợp viêm nhẹ.
- Thuốc sinh học
Bệnh nhân bị viêm tuyến mồ hôi mủ ở mức độ trung bình đến nặng có thể được điều trị bằng thuốc sinh học, chẳng hạn như:
-
- Adalimumab (Humira)
- Infliximab (Remiacade)
- Anakinra
- Canakinumab
- Ustekinumab
Nhóm thuốc này có tác dụng làm gián đoạn chu kỳ bệnh, giảm triệu chứng trong vòng vài tuần và thay đổi hệ thống miễn dịch. Trong đó Anakinra, Canakinumab và Ustekinumab thường được dùng cho những trường hợp nặng và khó điều trị.
- Thuốc giảm đau
Một loại thuốc giảm đau không kê đơn như Paracetamol có thể hữu ích cho những bệnh nhân bị HS. Thuốc này có tác dụng làm dịu cơ đau ở những vết sưng. Đồng thời giúp hạ sốt.
- Retinoids đường uống
Trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể đề xuất một loại Retinoids đường uống như Isotretinoin (Accutane) và Acitretin (Soriatane). Thuốc này giúp làm giảm những triệu chứng nghiêm trọng của HS.
- Resorcinol tại chỗ
Bệnh nhân bị viêm tuyến mồ hôi mủ được khuyên sử dụng Resorcinol tại chỗ. Thuốc được dùng bằng cách bôi lên vùng da ảnh hưởng và viêm. Từ đó giúp làm bong tróc da.
- Metformin (Glucophage)
Thuốc Metformin (Glucophage) được dùng để điều trị hội chứng chuyển hóa và bệnh tiểu đường ở người lớn. Thuốc giúp ngăn bệnh tiểu đường làm trầm trọng hơn mức độ nghiêm trọng của bệnh HS.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm tuyến mồ hôi mủ ở mức độ nghiêm trọng. Phương pháp này được thực hiện để loại bỏ áp xe hoặc vết sưng.
Dưới đây là những lựa chọn phẫu thuật:
- Phẫu thuật loại bỏ mô (tháo mái): Các mô được loại bỏ để làm lộ những đường hầm dưới da. Từ đó loại bỏ túi mủ, giúp tổn thương lành mạnh. Phương pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp trung bình đến nặng.
- Punch debridement: Punch debridement được chỉ định để loại bỏ một vết sưng viêm đơn lẻ.
- Liệu pháp laze: Liệu pháp laze thích hợp với những bệnh nhân bị viêm tuyến mồ hôi có mủ ở giai đoạn đầu. Liệu pháp này sử dụng một tia laser carbon dioxide để loại bỏ vết loét mưng mủ. Đồng thời giúp ngăn vết loét quay trở lại.
- Rạch và dẫn lưu: Phương pháp này bao gồm việc rạch vào vết sưng và loại bỏ hết mủ bên trong. Rạch và dẫn lưu giúp giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên vết loét có thể quay trở lại.
- Phẫu thuật cắt bỏ: Phẫu thuật cắt bỏ mang đến nhiều lợi ích cho những bệnh nhân có những triệu chứng nghiêm trọng và dai dẳng. Trong quy trình này, bác sĩ loại bỏ toàn bộ những vùng da ảnh hưởng. Sau đó ghép da để những vết thương được đóng lại và lành nhanh.
Mặc dù mang đến nhiều lợi ích nhưng phẫu thuật viêm tuyến mồ hôi mủ có thể không đạt hiệu quả 100%. Những vết sưng có thể tiếp tục bùng phát hoặc xuất hiện ở những vị trí khác.
3. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Để giảm bớt cảm giác khó chịu, người bệnh nên áp dụng thêm những biện pháp chăm sóc tại nhà, cụ thể:
- Chườm ấm: Nếu bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể thử chườm ấm để giảm bớt đau đớn và sưng. Khi thực hiện, dùng một chiếc khăn sạch hoặc miếng gạc ấm và ẩm đặt lên vết thương 10 phút.
- Vệ sinh vết thương hàng ngày: Dùng dung dịch dịu nhẹ để vệ sinh vết thương hàng ngày, trong khi tắm, chẳng hạn nước sát trùng chlorhexidine 4% hoặc benzoyl peroxide. Sau đó lau khô bằng gạc vô trùng hoặc khăn bông mềm. Tránh sử dụng xơ mướp hoặc những vật dụng có thể làm tổn thương lên vùng ảnh hưởng. Vệ sinh da với dung dịch sát khuẩn mỗi tuần 1 lần, tăng dần số lần sử dụng trong tuần.
- Duy trì vật động: Bệnh nhân được khuyên duy trì vận động để giữ cho cân nặng khỏe mạnh. Điều này giúp ngăn những triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Ăn uống phù hợp: Tránh ăn nhiều thịt đỏ, sữa và những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Bởi các thực phẩm này có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của những triệu chứng. Nên uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin để tăng khả năng chống viêm và kháng khuẩn.
- Ngừng hút thuốc lá: Những triệu chứng của viêm tuyến mồ hôi mủ được kiểm soát nhanh hơn khi ngừng hút thuốc lá.
Phòng ngừa
Một số rủi ro của bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ có thể được ngăn ngừa. Điều này giúp giảm nguy cơ bùng phát và những biến chứng của bệnh.
Những biện pháp phòng ngừa gồm:
- Hạn chế đổ nhiều mồ hôi bằng cách:
- Luôn làm mát phòng ngủ và phòng làm việc
- Tránh hoạt động thể chất trong điều kiện nóng
- Mặc quần áo rộng và thoáng mát. Hạn chế mặc những bộ quần áo ôm sát
- Giảm cân an toàn nếu bạn bị thừa cân béo phì.
- Loại bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Không sử dụng những chất khử mùi có mùi thơm.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Triệu chứng của tôi bắt nguồn từ nguyên nhân nào?
2. Mức độ nghiêm trọng của bệnh?
3. Phương pháp nào được áp dụng phổ biến?
4. Phác đồ điều trị là gì?
5. Quy trình chữa bệnh kéo dài trong bao lâu?
6. Loại thuốc nào được đề nghị? Có tác dụng phụ không?
7. Khi nào cần phẫu thuật? Có bao nhiêu lựa chọn và chi phí?
8. Có những lựa chọn thay thế cho phẫu thuật không?
Bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ là một tình trạng da nghiêm trọng, các triệu chứng kéo dài và khó kiểm soát. Hơn nữa bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Để phòng ngừa, hãy sớm áp dụng những cách chữa bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!