Viêm Tuyến Tiền Liệt Mãn Tính

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Thận Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Viêm tuyến tiền liệt mãn tính xảy ra khi tuyến tiền liệt bị nhiễm trùng kéo dài ít nhất 3 tháng. So với giai đoạn cấp tính, giai đoạn mãn tính có những triệu chứng ít nghiêm trọng nhưng khó chữa hơn. Các triệu chứng có thể lặp đi lặp lại nhiều lần khiến người bệnh mệt mỏi và khó chịu.

Tổng quan

Viêm tuyến tiền liệt mãn tính là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm (sưng đỏ) tuyến tiền liệt kéo dài ít nhất 3 tháng. Đây là một tuyến nhỏ, bao quanh niệu đạo và nằm bên dưới bàng quang. Tuyến này tạo ra tinh dịch và cung cấp chất dinh dưỡng cho tinh trùng.

Viêm tuyến tiền liệt mãn tính
Viêm tuyến tiền liệt mãn tính là tình trạng viêm sưng kéo dài của tuyến tiền liệt

Phần lớn bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn gây nhiễm trùng. Tuy nhiên người bệnh cũng có thể bị viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn mãn tính, còn được gọi là viêm tuyến tiền liệt mãn tính/ hội chứng đau vùng chậu mãn tính (CP/ CPPS). Tình trạng này không được xác định rõ nguyên nhân.

Tuyến tiền liệt bị viêm gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên nhiễm trùng do vi khuẩn có thể được điều trị bằng kháng sinh. Những trường hợp không rõ nguyên nhân chủ yếu được điều trị triệu chứng.

Phân loại

Bệnh viêm tuyến tiền liệt mãn tính được phân thành 2 loại, bao gồm:

1. Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn mãn tính

Bệnh thể hiện cho tình trạng viêm tuyến tiền liệt do nhiễm trùng vi khuẩn kéo dài. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn còn sót lại, thường do bệnh nhân không được điều trị đầy đủ hoặc vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Bệnh viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn phổ biến ở nam hơn so với phụ nữ. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên nam giới trẻ và trung niên là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.

2. Viêm tuyến tiền liệt mãn tính/ hội chứng đau vùng chậu mãn tính (CP/ CPPS)

CP/ CPPS là tình trạng đau vùng chậu kéo dài với những triệu chứng ở đường tiết niệu dưới mà không do vi khuẩn. Bệnh thường xuất hiện đồng thời với viêm bàng quang kẽ, tạo thành hội chứng đau vùng chậu mãn tính tiết niệu (UCPPS).

Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên những triệu chứng của bệnh tương tự như viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn. CP/ CPPS rất phổ biến, chiếm 90% bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt mãn tính.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có nhiều nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt mãn tính, bao gồm:

+ Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn mãn tính

Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và lây lan đến tuyến tiền liệt. Tuy nhiên nhiễm trùng tuyến tiền liệt cũng có thể do vi khuẩn lây lan từ những vị trí khác, bao gồm:

  • Bàng quang
  • Ống thông tiểu bị nhiễm bẩn
  • Sỏi tuyến tiền liệt bị nhiễm trùng. Những sỏi này có thể hình thành do một số bệnh nhiễm trùng vi khuẩn, có kích thước lớn nhỏ khác nhau và không bị tống ra ngoài khi đi tiểu. Sỏi tuyến tiền liệt bị nhiễm trùng gây viêm đường tiết niệu (UTI) tái phát và viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn mãn tính. So với những nguyên nhân khác, viêm tuyến tiền liệt do sỏi tuyến tiền liệt nhiễm trùng thường khó điều trị hơn.

Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn mãn tính
Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn mãn tính xảy ra khi vi khuẩn lây lan từ bộ phận khác đến tuyến tiền liệt

Những loại vi khuẩn có thể gặp gồm:

  • Chlamydia trachomatis
  • Lậu
  • Những chủng vi khuẩn thông thường như phẩy khuẩn tả proteus, E.coli...

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Đời sống tình dục không lành mạnh, hoạt động tình dục không an toàn. Chẳng hạn như không có biện pháp bảo vệ, nhiều bạn tình...
  • Quan hệ tình dục với đối tượng có bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như lậu và chlamydia
  • Suy giảm hệ thống miễn dịch
  • Vệ sinh vùng kín không sạch
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu, bàng quang, niệu đạo... nhưng không được điều trị.

+ CP/ CPPS

Không rõ nguyên nhân gây CP/ CPPS. Tuy nhiên một số chuyên gia tin rằng, bệnh lý này liên quan đến những vấn đề sau:

  • Nhiễm vi khuẩn từ những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) như lậu và chlamydia
  • Tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu
  • Rối loạn hệ thống miễn dịch, trong đó hệ miễn dịch tấn công vào tuyến tiền liệt
  • Axit uric trong nước tiểu kích thích tuyến tiền liệt
  • Rối loạn chức năng thần kinh hoặc cơ bắp

Triệu chứng và chẩn đoán

Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn mãn tính và CP/ CPPS có những triệu chứng rất giống nhau. Những triệu chứng thường nhẹ và tăng dần mức độ theo thời gian.

Những triệu chứng thường gặp gồm:

  • Sốt và ớn lạnh (do nhiễm vi khuẩn)
  • Đau khi xuất tinh
  • Khó xuất tinh
  • Đau rát khi đi tiểu
  • Cảm giác muốn đi tiểu và đi tiểu thường xuyên
  • Khó tiểu và dòng chảy không đều
  • Không thể làm trống bàng quang
  • Có máu trong nước tiểu
  • Đau bụng dưới, trực tràng, lưng dưới, dương vật hoặc tinh hoàn
  • Đau ở đáy chậu (vùng giữa bìu và trực tràng)

Đau rát khi đi tiểu
Đau rát khi đi tiểu, không thể làm trống bàng quang, đau đáy chậu là những triệu chứng thường gặp

Để chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt mãn tính, người bệnh được kiểm tra các triệu chứng. Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm nhằm chẩn đoán cận lâm sàng:

  • Khám trực tràng kỹ thuật số (DRE): Ngón tay đeo gân và bôi trơn được đưa vào trực tràng. Khi kiểm tra, bác sĩ có thể cảm nhận được những bất thường của tuyến tiền liệt, chẳng hạn như mềm và to hơn.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI vùng chậu tạo ra hình ảnh giải phẫu của vùng chậu. Điều này giúp xác định triệu chứng viêm của tuyến tiền liệt. Đồng thời loại trừ ung thư tuyến tiền liệt và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra mẫu nước tiểu có thể tìm thấy sự hiện diện của vi khuẩn, máu hoặc mủ.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra phát hiện vi khuẩn.
  • Kiểm tra dịch tiết tuyến tiền liệt: Những tế bào mủ có thể được tìm thấy trong dịch tuyến tiền liệt ở những trường hợp bị viêm.
  • Soi bàng quang: Soi bàng quang có thể được thực hiện nhằm kiểm tra bàng quang, niệu đạo và tuyến triền liệt.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết bệnh nhân có tiên lượng tốt khi được điều trị tích cực. Ngay cả khi viêm tuyến tiền liệt mãn tính mãn tính chưa được chữa khỏi nhưng những triệu chứng có thể giảm nhanh khi điều trị đúng cách. Điều này cũng giúp ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng của bệnh.

Những trường hợp điều trị không tốt có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm sau:

  • Nhiễm khuẩn huyết
  • Nhiễm trùng thận, niệu đạo và bàng quang
  • Áp xe tuyến tiền liệt
  • Vô sinh

Điều trị

Bệnh viêm tuyến tiền liệt mãn tính thường được điều trị bằng thuốc. Trong đó kháng sinh được dùng cho bệnh nhân bị viêm do vi khuẩn. Những loại thuốc khác có thể được sử đụng dể điều trị triệu chứng. Ngoài ra một số phương pháp hỗ trợ cũng được áp dụng.

1. Điều trị bằng thuốc

Thuốc được chỉ định dựa trên tình trạng, bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh

Bệnh viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn được điều trị bằng kháng sinh. Một đợt dài hạn bằng kháng sinh Fluoroquinolon thường là phương pháp điều trị đầu tiên.

Một số loại thường dùng gồm:

    • Ciprofloxacin (Cipro)
    • Levofloxacin (Levaquin)
    • Delafloxacin (Baxdela)
    • Moxifloxacin (Avelox)
    • Ofloxacin

Kháng sinh Fluoroquinolon mang đến hiệu quả cao khi điều trị viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn. Thuốc có thể được sử dụng trong vòng 4 - 12 tuần.

Kháng sinh Fluoroquinolon
Kháng sinh Fluoroquinolon nhưCiprofloxacin thường được ưu tiên trong điều trị viêm do vi khuẩn

Thuốc kháng sinh cần được sử dụng đều đặn, liều lượng dựa trên chỉ định của bác sĩ nhằm ngăn nhiễm trùng tái phát. Thông thường bênh nhân được dùng kháng sinh đường uống. Những trường hợp nặng có thể được dùng kháng sinh đường tiêm.

Hầu hết các trường hợp viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn có đáp ứng tốt và được điều trị khỏi khi dùng kháng sinh.

  • Thuốc chẹn alpha

Thuốc chẹn alpha được dùng để điều trị các triệu chứng. Thuốc có tác dụng thư giãn cổ bàng quang và các cơ trong tuyến tiền liệt. Từ đó giảm nhanh triệu chứng tiểu đau, tiểu khó, tiểu nhiều lần bằng cách tăng cường dẫn lưu nước tiểu.

Các loại thuốc chẹn alpha không được chỉ định cho những trường hợp có huyết áp thấp hoặc dùng thuốc hạ áp. Bởi nhóm thuốc này có thể gây hạ huyết áp.

  • Thuốc giảm đau chống viêm

Thuốc giảm đau chống viêm cần thiết cho những bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt mãn tính. Thông thường Paracetamol hoặc một loại NSAID (như Ibuprofen) sẽ được sử dụng để hạ sốt và giảm các cơ đau. Ngoài ra NSAID còn có tác dụng ngăn ngừa và điều trị viêm hiệu quả.

  • Chất ức chế tái hấp thu estrogen

Chất ức chế tái hấp thu estrogen như Mepartricin có thể được dùng cho những bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn. Thuốc này có tác dụng giảm đau tiết niệu, cải thiện hoạt động đi tiểu và tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

  • Thuốc giãn cơ

Nhóm thuốc này được dùng để giảm co thắt cơ vùng chậu. Từ đó giảm bớt các triệu chứng khó chịu của bệnh.

  • Thuốc giãn cơ hoặc thuốc chống lo âu

Đôi khi viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn được điều trị bằng thuốc giãn cơ hoặc/ và thuốc chống lo âu. Những loại thuốc này chủ yếu được dùng để loại bỏ hoặc làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh.

Lưu ý khi dùng thuốc:

  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
  • Không tự ý thay đổi liều hoặc ngừng sử dụng thuốc kháng sinh. Bởi điều này có thể khiến vi khuẩn kháng lại hầu hết thuốc kháng sinh.

2. Điều trị hỗ trợ

Trong điều trị viêm tuyến tiền liệt, những phương pháp dưới đây thường được sử dụng để hỗ trợ, bao gồm:

  • Bài tập Kegel

Bài tập Kegel (bài tập cơ sàn chậu) thường được hướng dẫn cho bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt. Bài tập này có tác dụng tăng cường các cơ quanh dương vật và bàng quang. Đồng thời giúp cải thiện tình trạng tiểu khó.

Bài tập Kegel
Bài tập Kegel giúp cải thiện tình trạng tiểu khó và tăng cường sức mạnh cho các cơ

Khi thực hiện, người bệnh ngồi ở tư thế thoải mái, lần lượt siết chặt và thư giãn các cơ vùng chậu từ 10 - 15 lần. Cơ sàn chậu được xác định bằng cách ngừng đi tiểu giữa chừng.

  • Xoa bóp tuyến tiền liệt

Bệnh nhân được hướng dẫn xoa bóp tuyến tiền liệt nhằm tăng quá trình thoát ra của những chất lỏng gây viêm. Từ đó giảm bớt tình trạng nhiễm trùng và các triệu chứng.

  • Liệu pháp nhiệt

Áp dụng liệu pháp nhiệt (như dùng đệm sưởi ấm) hoặc tắm nước ấm có thể giảm bớt đau và cảm giác khó chịu. Biện pháp này còn giúp thư giãn tuyến tiền liệt.

  • Ăn uống lành mạnh

Nên bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất từ chế độ ăn uống lành mạnh. Một vài nghiên cứu cho thấy omega-3, vitamin A, C... có thể giúp ít cho quá trình trị viêm, giảm đau và tăng khả năng chống bệnh.

Cắt giảm rượu, caffein, thực phẩm có tính axit hoặc cay nóng. Bởi những thực phẩm này có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của những triệu chứng.

Phòng ngừa

Bệnh viêm tuyến tiền liệt mãn tính được ngăn ngừa bằng loại bỏ nguyên nhân gây nhiễm trùng, duy trì lối sống và ăn uống lành mạnh. Cụ thể:

Giữ cho dương vật luôn sạch sẽ và khô ráo
Giữ thân thể và dương vật luôn sạch sẽ, khô ráo để ngăn vi khuẩn xâm nhập và lây lan

  • Giữ cho dương vật luôn sạch sẽ và khô ráo. Điều này giúp ngăn vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và lây lan đến tuyến tiền liệt.
  • Uống nhiều nước để đi tiểu thường xuyên, tăng khả năng loại bỏ vi khuẩn và thải độc.
  • Không nhịn tiểu.
  • Tích cực điều trị nhiễm trùng bàng quang, viêm tuyến tiền liệt cấp tính hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu ngay trong giai đoạn khởi phát.
  • Tập thể dục và ăn uống đủ chất để tăng khả năng chống khuẩn và bảo vệ sức khỏe tổng thể.
  • Không quan hệ tình dục bừa bãi. Không quan hệ tình dục với nhiều người hoặc những người đang nhiễm bệnh.
  • Dùng bao cao su để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, ngăn ngừa viêm tuyến tiền liệt.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Bệnh viêm tuyến tiền liệt của tôi có phải do nhiễm trùng?

2. Loại thuốc nào tốt nhất cho tình trạng của tôi?

3. Tôi nên làm gì để điều trị và ngăn bệnh tái phát?

4. Dùng thuốc trị viêm tuyến tiền liệt mãn tính có tác dụng phụ không?

5. Quá trình chữa bệnh sẽ kéo dài trong bao lâu?

6. Điều gì xảy ra nếu không chữa trị?

7. Tôi cần tránh điều gì trong quá trình chữa bệnh?

Bệnh viêm tuyến tiền liệt mãn tính có thể xảy ra do vi khuẩn hoặc vô căn. Dựa vào tình trạng, thuốc sẽ được sử dụng kết hợp với những biện pháp hỗ trợ. Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để sớm khắc phục bệnh và ngăn biến chứng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *