Bệnh Viêm Xương
Viêm xương thường liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn. Bệnh được phân thành nhiều loại, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi viêm xảy ra, người bệnh có dấu hiệu đau đớn dữ dội và biến dạng xương.
Tổng quan
Viêm xương là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm và nhiễm trùng của xương. Điều này làm cho xương dày lên, sưng và biến dạng rõ rệt. Ngoài ra những người bị viêm xương còn có cảm giác đau đớn dữ dội, ảnh hưởng đến vận động.
Bệnh chủ yếu xảy ra do nhiễm trùng. Vi khuẩn có thể từ môi trường ngoài xâm nhập vào xương thông qua vết cắt sâu hoặc vi khuẩn lây lan từ ổ viêm đến xương.
Viêm xương gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, tăng nguy cơ tàn phế. Chính vì thế mà bệnh lý này cần được điều trị sớm bằng kháng sinh hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Phân loại
Dựa vào mức độ ảnh hưởng và đặc điểm bệnh, viêm xương được phân thành những loại sau:
- Viêm màng xương
Viêm màng xương là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm phần màng của xương. Tình trạng này có nhiễm trùng chưa lan đến tủy xương.
Nhiễm trùng có thể vào xương từ ổ viêm nhiễm lân cận (theo đường máu) hoặc từ môi trường ngoài đến xương thông qua một vết thương sâu, chẳng hạn như gãy xương hở.
- Viêm tủy xương
Viêm tủy xương là một tình trạng viêm và nhiễm trùng trong xương, thưởng ảnh hưởng đến chi dưới. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào xương và gây nhiễm trùng, có thể lân lan từ máu hoặc những mô xung quanh.
Viêm xương tủy tạo máu xảy ra khi nhiễm trùng di chuyển đến xương từ máu. Tình trạng này thường do Staphylococcus aureus vào cơ thể qua quá trình điều trị IV.
Viêm xương tủy không tạo máu thường do chấn thương (như vết thương hở hoặc gãy xương). Những vết cắt sâu khiến vi khuẩn vào xương từ môi trường bên ngoài. Tình trạng này cũng liên quan đến phẫu thuật, nhất là khi sử dụng ốc vít, ghim/ tấm kim loại và đặt vật liệu giả.
Triệu chứng và dấu hiệu:
-
- Đau đớn nghiêm trọng
- Sưng ở vùng ảnh hưởng
- Khó chịu hoặc mệt mỏi
- Sốt và ớn lạnh
- Đổ mồ hôi
- Thay đổi màu da
- Sưng bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân
- Đi khập khiễng.
- Viêm xương khớp
Viêm xương khớp (OA) là một dạng viêm xương phổ biến nhất, còn được gọi là thoái hóa khớp. Bệnh xảy ra khi sụn khớp (lót đệm cho các xương trong khớp) bị mòn. Điều này làm hẹp không gian trong khớp, các đầu xương cọ xát với nhau dẫn đến đau và kêu lạo xạo khi di chuyển.
Tại nơi sụn khớp bị mòn, các xương có xu hướng phát triển để bù đắp phần bị thiếu hụt. Từ đó tạo thành gai xương, các đầu xương xù xì. Khi gai xương lớn hơn có thể làm tăng mức độ đau nhức.
Thoái hóa khớp thường gặp ở những người lớn tuổi. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người lạm dụng khớp.
Dựa vào thời gian phát triển của bệnh, viêm xương có thể được phân thành cấp tính hoặc mãn tính.
- Cấp tính
Viêm lan tỏa trong xương, hình thành ổ mủ ở hành xương, xương quanh ổ mủ bị tiêu, màng xương bị phá hủy và nhiễm trùng lan ra phần mềm dẫn đến áp xe. Khi vỡ ra ngoài da, ổ áp xe thành viêm dò mãn tính.
Thể cấp tính có những triệu chứng xảy ra đột ngột và nghiêm trọng. Điều này là do cơ thể phản ứng mạnh mẽ với nhiễm trùng. Giai đoạn cấp tính kéo dài dưới 3 tháng.
- Mãn tính
Viêm xương mãn tính xảy ra khi giai đoạn cấp không được điều trị tốt, viêm tái phát nhiều lần hoặc kéo dài trên 3 tháng. Giai đoạn này có những triệu chứng âm ỉ, kéo dài và khó chữa khỏi.
Giai đoạn mãn tính có hai quá trình xảy ra đồng thời, bao gồm:
-
- Quá trình hủy hoại: Quá trình này tạo ra những hốc mủ, miếng xương chết cùng với đó là vi khuẩn, những tổ chức hạt và tổ chức xơ.
- Quá trình tái tạo: Màng xương nơi xương tổn thương phản ứng mạnh mẽ sinh ra xương mới.
- Đốt sống
Loại này ảnh hưởng đến cột sống, gây đau lưng mãn tính và nghiêm trọng hơn khi di chuyển. Nhiễm trùng xương cột sống thường gặp ở những người chạy thận nhân tạo, lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch và sống trong viện dưỡng lão.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm xương xảy ra khi vi khuẩn lưu thông trong máu và đến xương từ vết thương hở hoặc mô nhiễm trùng gần đó. Tình trạng này thường liên quan đến vi khuẩn Staphylococcus aureus (nhiễm tụ cầu khuẩn), đôi khi là nấm hoặc một số loại vi trùng khác.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Nhiễm trùng máu
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm
- Thay khớp nhân tạo
- Cấy ghép kim loại vào xương. Chẳng hạn như cấy ghép đinh vít trong điều trị gãy xương
- Chấn thương áp lực (lở loét)
- Hệ thống miễn dịch suy yếu
- Chấn thương nặng hoặc có vết thương hở
- Gãy xương hoặc có phẫu thuật xương gần đây
- Bệnh tiểu đường, đặc biệt là tình trạng loét chân liên quan đến bệnh tiểu đường
- Lớn tuổi
- Một số bệnh lý như:
- Loạn sản sợi đa xương
- Loạn sản sợi đơn xương Jaffe-Lichtenstein
- Bệnh Paget xương
- Hội chứng SAPHO
- Viêm xương xơ nang
- Viêm xương lắng đọng
Triệu chứng và chẩn đoán
Viêm xương có những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:
+ Triệu chứng cấp tính
- Sốt cao đến 40 độ và kéo dài
- Rét run
- Mạch nhanh nhỏ, 120-140 lần/ phút
- Lờ đờ hoặc co giật
- Đau đột ngột ở vùng gần khớp, tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian
- Đau nhức xương dữ dội và xuyên thấu, đau tăng khi ấn vào
- Mất hoặc giảm cơ năng ở chi bị ảnh hưởng
- Sưng chi ảnh hưởng, sưng to và toàn bộ chi
- Da nhợt nhạt hoặc tím đỏ
- Tĩnh mạch dưới da nổi rõ, da căng mềm sau đó lùng nhùng
- Sưng khớp
- Viêm khớp mủ.
+ Triệu chứng mãn tính
- Đau đớn, thường dữ dội và liên tục
- Xương ảnh hưởng phình to
- Da hơi xám
- Xuất hiện một vài lỗ rò hình phễu dính sát xương
- Chụp X-quang thấy xương đặc, xương tù, xương biến dạng và phản ứng màng xương.
+ Triệu chứng viêm tủy xương
- Đau đớn, thường rất nghiêm trọng
- Xuất hiện một vài lỗ rò
- Sưng ở vùng ảnh hưởng
- Ra nhiều mồ hôi
- Mệt mỏi
- Sốt và ớn lạnh
- Da vùng ảnh hưởng thay đổi màu sắc
- Đi khập khiễng
- Buồn nôn và nôn
- Ăn mất ngon
- Đau lưng dưới
- Vận động hạn chế
- Sưng tấy bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân.
+ Triệu chứng của viêm xương khớp
- Đau ở khớp bị ảnh hưởng
- Đau nhiều hơn khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi
- Cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng
- Nghe thấy tiếng kêu lạo xạo khi di chuyển hoặc cử động khớp
- Mất tính linh hoạt
- Đôi khi sờ thấy khối cứng ở bên trong khớp.
Sau khi đánh giá những triệu chứng và kiểm tra thể chất, người bệnh được thực hiện một số xét nghiệm để xác định tình trạng. Bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Người bệnh được xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) để phát hiện dấu hiệu viêm và nhiễm trùng.
- Chụp X-quang: X- quang cung cấp hình ảnh chi tiết về xương, phát hiện nhanh những tình trạng liên quan. Chẳng hạn như gãi xương, viêm xương, gai xương, biến dạng xương, ung thư xương và nhiều bất thường khác.
- Siêu âm: Siêu âm thường được thực hiện để kiểm tra những phần mềm quanh khớp như cơ và dây chằng. Từ đó loại trừ những nguyên nhân có thể gây đau.
- Chụp MRI hoặc CT: Bác sĩ có thể đề nghị chụp MRI hoặc CT để cung cấp hình ảnh chi tiết hơn cho chẩn đoán. Cả hai kỹ thuật này đều giúp bác sĩ quan sát kỹ hơn về xương, cơ, mô và những khối u.
- Quét xương: Trong quá trình này, bệnh nhân được sử dụng một lượng nhỏ chất phóng xạ và tia X để xác định gãy xương và nhiễm trùng.
- Sinh thiết: Nếu có khối u hoặc nhiễm trùng trong xương, bác sĩ tiến hành sinh thiết bằng kim để lấy một lượng nhỏ chất lỏng, xương hoặc mô. Điều này giúp kiểm tra những dấu hiệu nhiễm trùng và sự phát triển bất thường của khối u.
Biến chứng và tiên lượng
Nếu không được điều trị, bệnh viêm xương có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm:
- Áp xe khi nhiễm trùng lan đến cơ và mô mềm, làm tăng nguy cơ ung thư da
- Hoại tử xương (chết xương)
- Làm chậm sự phát triển của xương khiến trẻ còi cọc
- Đau xương mãn tính
- Tàn phế
- Ảnh hưởng đến tim mạch
- Giảm tuổi thọ.
Điều trị
Nếu có nghi ngờ viêm xương, hãy đến bệnh viện và điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Điều trị thường dựa vào phân loại và mức độ nghiêm trọng. Một số biện pháp có thể được áp dụng gồm:
1. Chăm sóc và giảm đau tại nhà
Những cách dưới đây có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu của bạn:
- Chườm lạnh: Dùng khăn bọc một vài viên đá lạnh, sau đó đặt lên vùng bị thương 15 phút, mỗi ngày vài lần. Biện pháp này có thể giúp giảm đau, viêm và sưng hiệu quả.
- Chườm ấm: Chườm ấm nên được thực hiện trong giai đoạn bán cấp. Đặt đệm sưởi hoặc chai nước ấm vào vùng bị đau, giữ trong 20 phút. Điều này giúp thư giãn khớp xương, giảm đau. Đồng thời cải thiện lưu thông máu giúp chữa lành tổn thương. Ngoài ra tắm nước ấm cũng giúp thư giãn và giảm đau hiệu quả.
- Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi hợp lý để giảm áp lực lên xương và giảm đau. Điều này giúp ngăn sự phát triển những tổn thương, tạo điều kiện cho quá trình phục hồi.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất: Bệnh nhân thường được yêu cầu tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất từ các loại rau xanh và trái cây hoặc chất bổ sung. Điều này giúp nâng cao thể trạng, chống lại nhiễm trùng.
2. Bất động
Để tránh nhiễm khuẩn lan rộng và giảm đau, bệnh nhân được hướng dẫn bất động ở chi bị ảnh hưởng. Thông thường bác sĩ sẽ dùng bột để bất động liên tục cho đến khi khỏi.
Khi có áp xe phần mềm hoặc dưới màng xương, bệnh nhân cần phải xẻ dẫn lưu mủ.
3. Thuốc
Điều trị viêm xương thường bao gồm những loại thuốc điều trị nhiễm trùng và thuốc giảm đau giúp làm dịu các triệu chứng.
- Thuốc kháng sinh: Bệnh nhân cần dùng thuốc kháng sinh để loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng. Thuốc này cần được dùng sớm với liều mạnh, dùng liên tục và kéo dài để đạt hiệu quả điều trị. Ở giai đoạn viêm xương cấp, kháng sinh được dùng từ 4 - 8 tuần với liều đầu tiên gồm kháng sinh tiêm tĩnh mạch (IV). Sau đó dùng kháng sinh đường uống trong vài tuần. Đối với nhiễm trùng mãn tính, kháng sinh cần được dùng lâu hơn.
- Thuốc chống nấm: Nếu có nhiễm nấm, bệnh nhân được dùng thuốc chống nấm để tiêu diệt nhiễm trùng. Thuốc này thường được dùng đường uống trong vài tháng.
- Thuốc giảm đau: Bệnh nhân thường được chỉ định thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để điều trị viêm và giảm đau. Chẳng hạn như Naproxen, Ibuprofen và Diclofenac. Đôi khi Acetaminphen cũng được sử dụng để hạ sốt và giảm đau cho những cơn đau nhẹ hơn.
- Tiêm steroid: Nếu viêm và đau nhiều, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm steroid. Đây là nhóm thuốc chống viêm mạnh, khi dùng có thể giúp điều trị viêm và giảm nhanh cơn đau.
4. Dẫn lưu mủ
Trong quá trình dẫn lưu mủ, bác sĩ sử dụng cây kim nhỏ để hút hết mủ và dịch ra khỏi áp xe. Điều này giúp loại bỏ ổ nhiễm trùng và giảm bớt cảm giác đau nhức.
5. Phẫu thuật
Viêm xương có thể được điều trị bằng phẫu thuật. Phương pháp này giúp loại bỏ nhiễm trùng xương, mô và xương chết cho những trường hợp nặng. Sau phẫu thuật, kháng sinh sẽ được sử dụng để ngăn nhiễm trùng tái phát trong tương lai.
Tùy thuộc vào vị trí viêm, phẫu thuật có thể bao gồm:
- Phẫu thuật xương: Phẫu thuật loại bỏ được thực hiện cho những bệnh nhân có hoại tử xương (xương chết). Trong quy trình này, xương chết và các mô nhiễm bệnh sẽ bị loại bỏ. Phẫu thuật xương giúp loại bỏ ổ viêm nhiễm hiệu quả nhưng có thể dẫn đến biến dạng xương.
- Phẫu thuật cột sống: Phương pháp này được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm tủy xương đốt sống. Trong quy trình phẫu thuật cột sống, bác sĩ loại bỏ ổ nhiễm trùng. Đồng thời giữ cho đốt sống không bị xẹp xuống, ngăn tổn thương dây thần kinh, tủy sống cùng những bộ phận khác.
Phòng ngừa
Một số biện pháp giúp giảm nguy cơ viêm xương gồm:
- Làm sạch và điều trị khi có vết thương. Điều này giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng.
- Nếu gần đây bị gãy xương và phẫu thuật (đặc biệt là thay khớp và cấy ghép đinh vít), người bệnh cần theo dõi thể trạng. Đồng thời thông báo ngay với bác sĩ nếu có dấu hiệu của nhiễm trùng.
- Điều trị tốt những ổ viêm nhiễm để tránh vi khuẩn lây lan đến xương.
- Nếu phải dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, dùng đúng liều và đúng thời gian quy định ()ngay cả khi triệu chứng đã giảm hẳn). Điều này giúp ngăn kháng thuốc và nhiễm trùng tái phát.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì khiến tôi có những triệu chứng này?
2. Phác đồ điều trị của tôi như thế nào?
3. Tôi cần dùng kháng sinh trong bao lâu?
4. Tôi có khả năng gặp các biến chứng do viêm xương không?
5. Những cách chăm sóc nào giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn?
6. Tôi nên làm gì để ngăn nhiễm trùng lây lan hoặc tái phát?
7. Khi nào cần phẫu thuật? Chi phí?
Bệnh viêm xương cần được điều trị kháng sinh sớm, liên tục và kéo dài. Những trường hợp không điều trị kịp thời có thể khiến nhiễm trùng lây lan và gây biến chứng. Vì vậy cần đến bệnh viện ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên.