Viêm Xương Mu
Viêm xương mu là một dạng rối loạn chức năng khớp xương mu. Tình trạng này thường gây sưng ở háng hoặc bụng dưới, đau đớn nhiều, khiến người bệnh khó hoặc không thể thực hiện hoạt động thể chất.
Tổng quan
Viêm xương mu (viêm khớp mu) là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm ở khớp mu, giữa xương mu bên trái và phải. Đây là một dạng rối loạn chức năng khớp xương mu, thường gặp ở vận động viên và những người đã trải qua thủ thuật xâm lấn vùng chậu.
Viêm khớp mu xảy ra do chấn thương nặng hoặc sử dụng xương chậu, háng và hông lặp đi lặp lại. Tình trạng này gây ra các mức độ đau bụng dưới và vùng chậu khác nhau, sưng tấy vùng ảnh hưởng, khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động.
Hầu hết các trường hợp có thể tập thể dục hoặc trở lại các môn thể thao sau vài tháng nghỉ ngơi. Đôi khi khớp mu viêm cần được phẫu thuật sửa chữa khi các triệu chứng không cải thiện sau vài tháng, có tổn thương nghiêm trọng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm xương mu xảy ra do nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân phổ biến nhất gồm:
- Chấn thương thể thao: Viêm khớp mu thường do chấn thương thể thao. Những hoạt động lặp đi lặp lại gây căng thẳng liên tục cho khớp mu, cơ, mô và những cấu trúc xung quanh khớp. Điều này gây chấn thương mô mềm và kích ứng khớp. Viêm khớp mu cũng xảy ra ở những người bị chấn thương nặng
- Mang thai: Viêm xương mu có thể do mang thai hoặc chuyển dạ kéo dài. Bởi kích thước thai nhi có thể gây căng thẳng cho các cơ, dây chằng và những cấu trúc xung quanh khớp mu.
- Phẫu thuật: Một số loại phẫu thuật vùng chậu như phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt sau xương mu, phẫu thuật tiết niệu hoặc phụ khoa có thể gây viêm và đau xương mu. Tình trạng này thường bị nhầm lẫn với nhiễm trùng xương hoặc viêm xương tủy, cần xét nghiệm bổ sung để xác định tình trạng.
- Nguyên nhân khác: Mặc dù ít gặp hơn nhưng viêm xương mu cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:
- Các tình trạng sức khỏe hoặc chấn thương làm ảnh hưởng đến dáng đi hoặc cách xương chậu và khớp hông hoạt động.
- Va chạm hông hay va chạm xương ổ cối (FAI). Tình trạng này làm thay đổi cách di chuyển hông và gây viêm khớp mu.
- Rối loạn thấp khớp.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Vận động viên chơi các môn thể thao cần thường xuyên thay đổi hướng đột ngột, sử dụng lõi và hông để vặn. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở những người chạy đường dài, chơi bóng đá, khúc côn cầu, quần vợt và võ thuật
- Luyện tập hoặc chơi thể thao quá sức, tăng cường độ hoặc thời gian tập luyện quá nhanh
- Tập thể dục trên bề mặt cứng hoặc trên mặt đất không bằng phẳng
- Bắt đầu tập thể dục sau một thời gian dài nghỉ ngơi
- Tập thể dục với đôi giày không vừa vặn hoặc cũ mòn
- Có bất thường về dáng đi
- Căng, cứng cơ bắp ở hông, háng và mông
- Chênh lệch chiều dài chân
- Mất cân bằng ở cơ bắp
- Mới phẫu thuật gần vùng bụng
- Đang mang thai hoặc mới sinh con.
Triệu chứng và chẩn đoán
Khớp mu nằm ở vị trí mà hai xương mu gặp nhau. Thông thường khớp này sẽ uốn cong với xương chậu khi di chuyển, vặn người hoặc uốn cong. Dây chằng quanh khớp mu có chức năng ổn định và giữ khớp tại chỗ để xương chậu không thể di chuyển hoặc không di chuyển quá nhiều.
Khi bị viêm xương mu, sụn khớp bắt đầu kích ứng và viêm. Điều này khiến người bệnh khó khăn hoặc đau đớn khi di chuyển và thực hiện những hoạt động khác.
Những triệu chứng rõ ràng nhất của viêm xương mu gồm:
- Đau ở háng và bụng dưới, đau nhói khi di chuyển hoặc đau âm ỉ liên tục
- Cơn đau thường bắt đầu dần dần, có thể đạt đến mức nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến khả năng đi lại và đứng thẳng
- Nhạy cảm hoặc đau khi đặt áp lực lên khu vực phía trước xương mu
- Đau ở cơ khép đùi (ảnh hưởng đến cơ đùi trong)
- Khó khăn hoặc không thể đi bộ bình thường (đi khập khiễng)
- Sưng tấy
- Đau gần hoặc ở phía trong bộ phận sinh dục
Triệu chứng khác:
- Yếu hông hoặc chân
- Khó leo cầu thang
- Nhấp hoặc bật âm thanh khi chuyển hướng
- Đau khi hắt hơi hoặc ho
- Đau khi nằm nghiêng
Viêm xương mu được chẩn đoán dựa trên kết quả kiểm tra thể chất và hình ảnh. Trong lần kiểm tra đầu tiên, người bệnh được yêu cầu mô tả triệu chứng, vị trí và mức độ đau.
Ngoài ra bác sĩ có thể hướng dẫn một số thao tác của hông để làm căng các nhóm cơ khớp đùi, cơ thân và cơ thẳng bụng. Nếu bị viêm xương mu, việc thực hiện những thao tác này sẽ gây đau nhức.
Bệnh nhân cũng được yêu cầu đi bộ để kiểm tra dáng đi, xác định cơn đau xảy ra với một số hoạt động nhất định.
Sau khi kiểm tra thể chất, một trong những xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện:
- Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang có thể tiết lộ những bất thường của khớp, chẳng hạn như tình trạng xơ cứng (dày lên) của khớp mu. Xét nghiệm này cũng giúp kiểm tra những vấn đề khác của xương, xác định nguyên nhân gây đau.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ tạo ra hình ảnh chi tiết về các mô mềm và xương. Điều này có thể cho thấy tình trạng viêm của khớp mu và xương xung quanh, sự tổn thương của các mô mềm.
- Xét nghiệm máu và nước tiểu: Để phân biệt viêm khớp mu với các tình trạng nhiễm trùng (như viêm tủy xương), bệnh nhân được yêu cầu xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để kiểm tra nhiễm trùng.
Viêm xương mu thường được chẩn đoán phân biệt với những tình trạng sau:
- Thoát vị bẹn
- Căng cơ háng
- Gãy xương do căng thẳng vùng chậu
- Đau dây thần kinh bẹn
Biến chứng và tiên lượng
Viêm xương mu không quá nghiêm trọng, người bệnh sẽ phục hồi hoàn toàn sau vài tháng nghỉ ngơi và chữa lành khớp mu. Không cần nghỉ học hoặc nghỉ làm nếu có công việc hoặc học tập không làm thêm sự căng thẳng cho khớp mu.
Ngay cả khi cần phẫu thuật, viêm khớp mu không ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, đi lại hoặc những hoạt động ưa thích. Hầu hết người bệnh có thể trở lại những bộ môn thể thao và hoạt động thông thường.
Trong thời gian viêm khớp, việc tiếp tục thực hiện những chuyển động lặp đi lặp lại có thể dẫn đến tổn thương nhiều hơn, đau nhức nặng nề làm ảnh hưởng đến các hoạt động. Những trường hợp này cần phải phẫu thuật để ngăn ngừa chứng liệt mu.
Điều trị
Viêm xương mu được điều trị bằng những phương pháp sau:
1. Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi và dần trở lại các hoạt động là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị viêm xương mu. Thông thường người bệnh được khuyên nghỉ ngơi đây đủ, tránh những hoạt động làm tăng thêm áp lực hoặc gây kích ứng khớp xương mu. Điều này giúp khớp có thời gian tự sửa chữa và phục hồi.
Ngoài ra sự trở lại các hoạt động dần dần sẽ giúp người bệnh luôn khỏe mạnh, phục hồi đúng cách, tăng cường các hoạt động một cách thích hợp, không đau đớn và đảm bảo an toàn.
Nếu bị viêm xương mu do chơi thể thao hoặc có những hoạt động thể chất làm tăng áp lực, hầu hết người bệnh sẽ được yêu cầu nghỉ ngơi hoàn toàn trong tối đa 6 tháng.
2. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu gồm những bài tập giúp tăng cường các cơ xung quanh xương mu. Điều này giúp các cơ phục hồi sức mạnh, tăng khả năng hỗ trợ và hoạt động tốt hơn. Ngoài ra chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn cách thực hiện các hoạt động tốt hơn, hạn chế bất kỳ chuyển động nào có thể gây căng thẳng cho khớp theo thời gian.
3. Thuốc
Một số loại thuốc có thể được dùng để giảm đau do viêm khớp mu. Bao gồm:
- NSAID không kê đơn (OTC)
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như Naproxen, Ibuprofen... được chỉ định để giảm đau và viêm do viêm xương mu.
- Tiêm corticosteroid
Nếu viêm khớp nặng và đau không giảm khi dùng thuốc NSAID, người bệnh có thể được tiêm corticosteroid quanh khớp xương mu. Thuốc này giúp điều trị đau và viêm ở mức độ nặng hơn. Tuy nhiên cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiêm corticosteroid để tránh phát triển những vấn đề không mong muốn.
4. Phẫu thuật
Rất hiếm khi bệnh nhân bị viêm xương mu cầu phẫu thuật. Phương pháp này sẽ được chỉ định nếu triệu chứng vẫn tiếp diễn sau ít nhất 6 tháng nghỉ ngơi và điều trị bảo tồn.
Dựa vào tình trạng, người bệnh thường được thực hiện một trong hai kỹ thuật dưới đây:
- Phẫu thuật sửa chữa sụn trong khớp
- Phẫu thuật tăng cường các cơ trên sàn bụng
Sau khi phẫu thuật, người bệnh mất từ 4 đến 6 tháng để phục hồi hoàn toàn.
Phòng ngừa
Tránh lạm dụng khớp xương mu là cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm xương mu. Nếu thường xuyên chơi thể thao hoặc có những hoạt động thể chất khác, bạn cần lưu ý những điều dưới đây:
- Mang thiết bị bảo hộ phù hợp.
- Không chơi những bộ môn thể thao khiến bạn cảm thấy đau bụng dưới hoặc háng trong hoặc sau khi hoạt động thể chất.
- Nếu cần hoạt động cường độ cao, hãy để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi. Tốt nhất nên nghỉ giải lao giữa những buổi tập.
- Khởi động kỹ lưỡng và giãn cơ trước khi chơi thể thao và tập thể dục.
- Lên kế hoạch cho những buổi luyện tập và chơi thể thao, nên củng cố và nhất quán với một chương trình rèn luyện thích hợp.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì khiến tôi bị đau và khó di chuyển?
2. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?
3. Phương pháp nào được dùng phổ biến và phù hợp với tình trạng của tôi?
4. Mất bao lâu để tôi phục hồi hoàn toàn?
5. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật? Rủi ro và lợi ích đạt được là gì?
6. Chi phí phẫu thuật là bao nhiêu?
7. Tôi nên làm gì để ngăn viêm xương mu tái phát?
Viêm xương mu không quá nghiêm trọng. Tình trạng này gây đau đớn nhiều nhưng có thể phục hồi sau vài tháng nghỉ ngơi hoặc phẫu thuật. Cách tốt nhất là tuân thủ chỉ định của bác sĩ, nghỉ ngơi đúng cách trước khi trở lại các hoạt động bình thường và chơi thể thao.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!