Xệ Tinh Hoàn
Xệ tinh hoàn còn được gọi là sa tinh hoàn, thường xảy ra khi bạn già đi. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể liên quan đến một số điều kiện y tế, cần điều trị sớm để tránh gây ra những ảnh hưởng về chức năng tình dục trong tương lai.
Xệ tinh hoàn là gì?
Xệ tinh hoàn (sa tinh hoàn) là thuật ngữ chỉ tình trạng lớp da bìu bao quanh tinh hoàn giãn ra, kéo tinh hoàn xệ xuống, dài hơn so với tinh hoàn còn lại hoặc so với bình thường. Điều này khiến tinh hoàn không có hình dạng cố định và không săn cứng lại.
Tinh hoàn là các tuyến hình bầu dục, có chức năng sản xuất tinh trùng và testosterone. Chúng được bao bọc bởi túi da ngay bên dưới dương vật, được gọi là bìu.
Xệ tinh hoàn là một phần tự nhiên của cơ thể do quá trình lão hóa. Khi bạn già đi, bìu mất tính đàn hồi, sau đó bắt đầu chảy xệ và kéo tinh hoàn sa xuống. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể xảy ra ở nam giới tưởng thành do một số điều kiện y tế.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Những nguyên nhân gây xệ tinh hoàn gồm:
1. Lão hóa
Xệ tinh hoàn thường do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, xảy ra khi nam giới già đi. Tinh hoàn nằm trong bìu, dưới dương vật. Túi da này có chức năng giữ cho tinh hoàn luôn ở nhiệt độ thích hợp, ngăn không cho tinh hoàn trở nên quá nóng hoặc quá lạnh, đảm bảo chức năng sản xuất tinh trùng.
Trong thời tiết lạnh, cơ bìu kéo tinh hoàn về phía cơ thể để thực hiện quá trình giữ ấm. Từ đó khiến da thắt lại. Trong điều kiện nóng, túi da bìu lỏng ra giúp giữ nhiệt độ thích hợp, ngăn tinh hoàn quá nóng.
Lớp da lỏng lẻo giúp túi chứa tinh hoàn treo ra khỏi cơ thể, giữ cho luồng không khí xung quanh và nhiệt độ mát mẻ. Điều này khiến tinh hoàn chùng xuống một chút, có thể nhìn thấy ở những người trẻ tuổi, nam giới dậy thì và mới bắt đầu sản xuất tinh trùng.
Khi già đi, mức độ xệ tinh hoàn tăng lên do da bìu giãn ra và trở nên lỏng lẻo. Tình trạng này thường bắt đầu ở những người đàn ông trên 50 tuổi.
2. Bệnh lý
Xệ tinh hoàn ở người trẻ có thể do một số tình trạng sức khỏe, cụ thể như:
- Viêm tinh hoàn: Bệnh xảy ra khi tinh hoàn bị viêm và sưng, thường do nhiễm trùng vi khuẩn và virus. Tình trạng viêm khiến tinh hoàn sưng tấy, đau, đỏ và to hơn bình thường. Những triệu chứng này có thể khiến da bìu bị giãn dẫn đến chảy xệ.
- Xoắn tinh hoàn: Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn xoay khiến những tĩnh mạch của tinh hoàn xoắn lại. Điều này làm tắc nghẽn lưu thông máu, giãn tĩnh mạch tinh hoàn và làm tăng kích thước tinh hoàn. Sau phẫu thuật điều trị, tinh hoàn có thể bị sa xuống.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Đây là tình trạng căng giãn quá mức của đám rối tĩnh mạch thừng tinh và tĩnh mạch sinh tinh. Điều này có thể khiến tinh hoàn sa xuống và thấp hơn so với bên còn lại.
- Tràn dịch ở tinh mạc (tràn dịch màng tinh hoàn): Bệnh xảy ra khi có sự tích tụ chất lỏng trong bìu, cạnh tinh hoàn. Tình trạng này khiến bìu sưng to và căng tức. Sau thủ thuật hút dịch, da bìu bị giãn và kéo tinh hoàn xệ xuống.
- Ung thư tinh hoàn: Ung thư tinh hoàn xảy ra khi những tế bào bất thường (ung thư) phát triển trong tinh hoàn. Khối u lớn dần làm tăng thể tích và kích thước của tinh hoàn, tăng áp lực lên bìu và khiến lớp da này giãn ra. Cuối cùng dẫn đến xệ tinh hoàn.
- Viêm mào tinh hoàn: Tình trạng viêm khiến mào tinh hoàn (ống ở trên và phía sau tinh hoàn) sưng tấy và làm giãn lớp da bìu. Điều này xảy ra lâu ngày có thể khiến da bìu trở nên lỏng lẻo hơn và chùng xuống.
3. Nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân dưới đây cũng có thể gây xệ tinh hoàn:
- Tổn thương lớp màng tinh hoàn
- Thoát vị bẹn
- Kích thước tinh hoàn quá to
- Nhiệt độ
- Da bìu rộng hơn túi tinh.
Triệu chứng và chẩn đoán
Xệ tinh hoàn dễ dàng được nhận biết thông qua các triệu chứng, bao gồm:
- Bìu lỏng lẻo, giãn ra và xệ xuống
- Nhìn thấy một bên bìu dài ra và thấp hơn so với bên còn lại hoặc thấp hơn so với bình thường
- Tinh hoàn to
- Phần phía trên tinh hoàn bị kéo xuống và dồn xuống dưới bìu
- Kích thước bìu tăng dần theo thời gian và không còn căng ra
- Có cảm giác nặng ở phần dưới
- Khó chịu ở vùng bụng dưới và háng.
Tình trạng xệ tinh hoàn thường được phát hiện trong lần thăm khám đầu tiên. Bác sĩ có thể quan sát, sờ nắn để đánh giá tình trạng chảy xệ và phát hiện những điểm bất thường.
Để tìm ra nguyên nhân gây xệ tinh hoàn, người bệnh được hướng dẫn thực hiện những xét nghiệm gồm:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu: Người bệnh được xét nghiệm máu và nước tiểu nếu tình trạng xệ tinh hoàn kèm theo dấu hiệu sưng và đau ở bìu. Những xét nghiệm này có thể giúp xác định tình trạng nhiễm trùng. Ngoài ra đo một vài chỉ số trong xét nghiệm máu còn giúp phát hiện sự phát triển của ung thư.
- Siêu âm: Siêu âm bìu giúp phát hiện nhanh tình trạng xoắn tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, khối u, tràn dịch màng tinh hoàn... Đây đều là những nguyên nhân gây sa tinh hoàn.
- Sinh thiết: Nếu có khối bất thường trong tinh hoàn, người bệnh sẽ được sinh thiết để kiểm tra khối u có phải ung thư hay không.
Biến chứng & Tiên lượng
Xệ tinh hoàn thường là một hiện tượng bình thường của quá trình lão hóa và phản ứng với nhiệt độ. Tình trạng này không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và sinh sản.
Nếu xệ tinh hoàn do bệnh lý, người bệnh cần được điều trị sớm để tránh phát sinh các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Suy giảm chất lượng và số lượng tinh trùng
- Tăng nguy cơ vô sinh
- Nhiễm trùng lan rộng dẫn đến viêm tuyến tiền liệt và một số tình trạng khác
- Thiếu hụt hormone testosterone. Từ đó làm suy giảm ham muốn và chức năng tình dục của nam giới. Lâu ngày có thể dẫn đến yếu sinh lý.
Sa tinh hoàn cũng làm mất tính thẩm mỹ, khiến nam giới tự ti và e ngại. Tuy nhiên việc điều trị có thể giúp cải thiện tình trạng và ngăn các biến chứng.
Điều trị
Nếu xệ tinh hoàn xảy ra do quá trình lão hóa tự nhiên, người bệnh có thể không cần điều trị trừ khi muốn thu gọn bìu. Ở những trường hợp có tinh trùng sa do bệnh lý, người bệnh cần được điều trị theo chỉ định.
Điều trị xệ tinh hoàn phụ thuộc vào nguyên nhân. Dưới đây là những phương pháp được áp dụng:
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho chứng sa tinh hoàn. Phương pháp này được chỉ định cho những nam giới không thích vẻ ngoài của bìu, tình trạng sa tinh hoàn do một số bệnh lý như xoắn tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, ung thư tinh hoàn.
Những lựa chọn phẫu thuật cho người bị sa tinh hoàn:
- Phẫu thuật tạo hình bìu hoặc thu nhỏ bìu: Phương pháp phẫu thuật tạo hình bìu hoặc thu nhỏ bìu được thực hiện cho những nam giới có tinh hoàn bị sa do lão hóa hoặc muốn cải thiện vẻ ngoài của nó
- Phẫu thuật tháo xoắn tinh hoàn: Phương pháp này được thực hiện cho những nam giới bị sa tinh hoàn do xoắn tinh hoàn. Sau đó tiến hành cố định lại những dây tĩnh mạch thừng tinh.
- Phẫu thuật cố định tĩnh mạch thừng tinh: Phương pháp này được thực hiện cho những người bị giãn tĩnh mạch thừng tinh và xoắn tinh hoàn. Sau khi loại bỏ nguyên nhân, nam giới có thể được tạo hình bìu hoặc thu nhỏ bìu để trở lại hình dạng ban đầu.
- Cắt bỏ khối u: Bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ khối u nếu ung thư là nguyên nhân khiến tinh hoàn bị sa. Trong đó khối u ác tính và những mô khỏe mạnh xung quanh bị cắt bỏ. Cùng với phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được hóa trị hoặc xạ trị để tăng hiệu quả điều trị.
- Phẫu thuật hoặc chọc hút dịch: Nếu tràng dịch màng tinh hoàn là nguyên nhân khiến bìu sưng to và xệ, người bệnh sẽ được chọc hút hết lượng dịch tích tụ bên trong. Sau đó tiến hành thu nhỏ bìu.
2. Thuốc
Nếu tình trạng xệ tinh hoàn liên quan đến viêm nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để điều trị.
- Thuốc kháng sinh: Người bệnh được dùng thuốc kháng sinh để điều trị viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn và chấn thương. Thuốc giúp tiêu diệt loại vi khuẩn gây nhiễm trùng, đảo ngược tình trạng sa tinh hoàn.
- Thuốc giảm đau: Nếu bìu sưng và đau, người bệnh được dùng thuốc Acetaminophen hoặc Ibuprofen để giảm đau. Những loại thuốc này có tác dụng hạ sốt và giảm đau nhanh chóng.
- Thuốc kháng viêm: Người bệnh có thể được dùng một loại thuốc kháng viêm mạnh để điều trị sưng đau và viêm nhiều. Thuốc giúp giảm nhẹ các triệu chứng. Sau điều trị, bất thường của bìu cũng được khắc phục.
3. Biện pháp khắc phục tại nhà
Nhiều biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp hỗ trợ điều trị xệ tinh hoàn. Cụ thể:
- Bài tập hỗ trợ tinh hoàn
Bài tập Kegel thường được áp dụng để tăng cường các cơ vùng chậu và giảm xệ tinh hoàn. Bài tập này có tác dụng làm căng vùng da bìu, tăng cường những cơ thắt vùng chậu.
Ngoài ra bài tập Kegel còn có tác dụng giữ sức khỏe cho tinh hoàn và dương vật. Đồng thời giúp điều trị chứng xuất tinh sớm và rối loạn cương dương, phòng ngừa và điều trị xệ tinh hoàn.
Hướng dẫn thực hiện:
-
- Ngừng tiểu giữa dòng để xác định cơ sàn chậu
- Nằm thẳng trên sàn, co gối và hai bàn chân chạm sàn
- Nhấc hông lên
- Siết chặt cơ sàn chậu, giữ trong 10 giây
- Thả lỏng cơ
- Lặp lại động tác 10 lần/ hiệp, mỗi ngày 3 hiệp.
- Giữ cho da vùng bìu khỏe mạnh
Nếu xệ tinh hoàn do quá trình lão hóa, nam giới nên giữ cho da vùng bìu khỏe mạnh. Điều này giúp làm chậm quá trình lão hóa, ngăn tình trạng chảy xệ thêm nghiêm trọng.
Dưới đây là những bước giúp giữ cho da vùng bìu khỏe mạnh:
-
- Tránh tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời
- Hạn chế hút thuốc lá
- Hạn chế rượu bia
- Duy trì cân nặng phù hợp
- Ngủ đủ giấc
- Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý. Tăng cường bổ sung các chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất để giúp làm chậm lão hóa.
- Bảo vệ bìu và dương vật
Duy trì thói quen hoạt động tình dục đều đặn và giữ gìn vệ sinh có thể giúp bảo vệ bìu và dương vật, giảm xệ tinh hoàn. Cụ thể:
-
- Quan hệ tình dục đều độ với tần suất thích hợp.
- Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy với một bạn tình và dùng bao cao su để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Hạn chế thủ dâm và quan hệ tình dục thô bạo.
- Giữ gìn vệ sinh cho thân thể và bộ phận sinh dục. Nên tắm rửa mỗi ngày, thường xuyên thay đồ lót, giữ cho bộ phận sinh dục luôn khô thoáng và sạch sẽ.
- Mặc đồ lót khi đi lại và vận động.
Phòng ngừa
Những biện pháp giúp giảm nguy cơ xệ tinh hoàn gồm:
- Tránh rượu bia, thuốc lá.
- Nên duy trì cân nặng phù hợp, luyện tập đều đặn và ăn uống lành mạnh để giảm nguy cơ béo phì.
- Tránh tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời để giữ cho da vùng bìu luôn khỏe mạnh và không bị lão hóa sớm.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh, tăng cường bổ sung vitamin (vitamin A, C, B, E), khoáng chất, các chất chống oxy hóa, các axit béo sorbitol và omega 3. Những thành phần dinh dưỡng này có thể giúp ngăn ngừa lão hóa sớm cho nam giới.
- Uống đủ nước mỗi ngày, khoảng 2 - 2,5 lít nước.
- Quan hệ tình dục đều độ với tần suất thích hợp. Không nên thực hiện những tư thế khó hoặc quan hệ tình dục thô bạo. Điều này có thể gây ra những tổn thương và tăng nguy cơ xệ tinh hoàn.
- Quan hệ tình dục an toàn bằng cách chung thủy với một bạn tình, không quan hệ tình dục với người đang có dấu hiệu nhiễm trùng, dùng bao cao su mỗi khi quan hệ. Điều này giúp ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Thủ dâm với tần suất thích hợp, không quá 2 lần/ tuần. Lạm dụng thủ dâm có thể tăng nguy cơ tử vong, ảnh hưởng đến tình dục và chức năng sinh sản.
- Giữ cho thân thể và bộ phận sinh dục luôn sạch sẽ. Nên tắm rửa mỗi ngày, thường xuyên vệ sinh vùng kín và thay đồ lót. Ngoài ra nên giữ cho bộ phận sinh dục luôn khô thoáng và sạch để tránh nhiễm trùng.
- Mặc đồ lót khi đi lại và vận động. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ bị xệ tinh hoàn.
- Tập thể dục đều đặn, khoảng 30 phút mỗi ngày. Điều này giúp giảm chảy xệ vùng da bìu, chống lão hóa, duy trì sức khỏe tổng thể và chức năng sinh sản.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân khiến tôi bị xệ tinh hoàn là gì?
2. Tình trạng của tôi có ảnh hưởng đến sinh sản hay không?
3. Phương pháp điều trị nào được bác sĩ đề nghị?
4. Tôi nên chăm sóc bìu như thế nào và làm gì để giảm xệ tinh hoàn?
5. Tình trạng sa tinh hoàn có được khắc phục hoàn toàn hay không?
6. Tôi có thể không điều trị hay không?
7. Tôi cần tránh những gì khi chữa trị?
Xệ tinh hoàn thường do nhiệt độ và lão hóa, không cần phải điều trị. Những trường hợp có viêm nhiễm hoặc những bệnh lý khác cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp ngăn phát triển các biến chứng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!