Xẹp Đốt Sống
Xẹp đốt sống là tình trạng gãy xẹp một hoặc nhiều đốt sống, thường xảy ra ở thắt lưng. Tình trạng này không chỉ khiến cột sống mất vững mà còn gây đau nhức, cử động khó khăn. Những trường hợp nặng hơn có thể bị biến dạng cột sống.
Tổng quan
Xẹp đốt sống là thuật ngữ chỉ tình trạng vỡ/ nứt và gãy xẹp của một hoặc nhiều đốt sống. Tình trạng này khiến cột sống mất vững và giảm chuyển động. Hầu hết các trường hợp gãy xẹp đốt sống là kết quả của bệnh loãng xương, có thể xảy ra ở bất kỳ đốt sống nào trên cột sống.
Cột sống người thường gồm 32 - 34 đốt sống (xương cột sống) xếp chồng lên nhau, được chia thành 5 đoạn gồm: Đoạn cổ (7 đốt sống cổ, kí hiệu C1 - C7), đoạn ngực (12 đốt sống ngực, kí hiệu T1 - T12), đoạn thắt lưng (5 đốt sống thắt lưng, kí hiệu L1 - L5), đoạn cùng (5 đốt sống cùng, kí hiệu S1 - S5), đoạn cụt (3 - 5 đốt sống hợp nhất thành hình tam giác).
Xẹp đốt sống thường xảy ra nhất ở các đốt thắt lưng do đây là vùng linh hoạt và chịu nhiều áp lực từ trọng lượng. Khi bị nén hoặc bị chèn ép quá mức, đốt sống bắt đầu nứt, vỡ và xẹp xuống ít nhất 15% tổng chiều cao. Điều này dẫn đến sự suy giảm về khả năng chịu tải, tính ổn định và những chuyển động của cột sống.
Phân loại
Xẹp đốt sống được phân loại dựa trên mức độ nghiêm trọng. Bao gồm:
- Độ 1: Đây loại gãy vững, đốt sống có dấu hiệu lún xẹp nhưng ở mức độ nhẹ, thường không có triệu chứng.
- Độ 2: Đốt sống gãy lún nhiều hơn nhưng gãy vững.
- Độ 3: Trong giai đoạn 3, cột sống mất vững, đốt sống vỡ không hoàn toàn, bệnh nhân không thể hoặc có thể di chuyển được.
- Độ 4: Đốt sống gãy vỡ mất vững, bệnh nhân đau nhức nhiều và không đi lại được. Những trường hợp này được cố định bằng dụng cụ thay vì bơm xi măng đơn thuần.
- Độ 5: Đây là mức độ nặng nhất của xẹp đốt sống. Trong giai đoạn này, đốt sống xẹp lún nghiêm trọng, cột sống mất vững và biến dạng nhiều.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Xẹp đốt sống xảy ra khi đốt sống bị nén hoặc có sự chèn ép quá mức. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, bao gồm:
- Loãng xương: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh. Khi chất lượng xương (khối lượng xương) suy giảm, các đốt sống dễ bị gãy và lún xẹp hơn, giảm khả năng chịu tải. Ở bệnh nhân loãng xương, các đốt sống có xu hướng lún xẹp theo thời gian hoặc ngay khi có va chạm nhẹ. Điều này khiến cột sống bị cong hoặc biến dạng, giảm tính linh hoạt và vận động của người bệnh.
- Chấn thương: Mặc dù ít gặp nhưng chấn thương mạnh có thể khiến một số xương cột sống bị gãy hoặc xẹp ngay lập tức. Điều này thường dẫn đến những cơn đau đớn nghiêm trọng và đột ngột.
- Ung thư xương: Ung thư xương nguyên phát và thứ phát đều có khả năng khiến xương cột sống suy yếu và gãy xẹp.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Phụ nữ có nhiều nguy cơ hơn so với nam giới
- Mãn kinh sớm
- Trên 50 tuổi
- Chế độ ăn uống thiếu canxi và vitamin D
- Có bệnh xương khớp mãn tính
- Viêm khớp dang thấp
- Thoái hóa cột sống
- Suy buồng trứng sớm ở nữ
- Suy thận mạn
- Bệnh cường tuyến cận giáp
- Hút thuốc lá
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng của xẹp đốt sống thường tiến triển từ từ, mức độ tăng dần theo thời gian:
- Đau lưng, đau có thể đột ngột và tồi tệ hơn theo thời gian
- Đau nhiều hơn khi cử động, nâng vật, đứng lên từ tư thế ngồi và đi lại; đau giảm khi nằm nghỉ ngơi
- Cứng khớp, cử động cột sống khó khăn
- Khó cúi người hoặc vặn người
- Hạn chế khả năng và phạm vi vận động
- Cột sống cong/ gù hoặc biến dạng
- Giảm chiều cao
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ đặt một số câu hỏi về tiền sử bệnh, chấn thương trước đó và những triệu chứng. Bác sĩ có thể sờ nắn nhẹ nhàng, yêu cầu người bệnh thực hiện một số chuyển động giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng, phạm vi và tính linh hoạt.
Sau kiểm tra kỹ lưỡng, các xét nghiệm bổ sung sẽ được thực hiện, bao gồm:
- Chụp X-quang: Chụp X-quang cột sống có thể giúp phát hiện tình trạng gãy xẹp các đốt sống. Kỹ thuật này cũng giúp kiểm tra những tổn thương khác của xương, gai xương, giảm không gian bảo vệ đốt sống trong bệnh thoái hóa cột sống. Từ đó giúp xác định nguyên nhân gây đau.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT tạo ra hình ảnh chi tiết của xương và mô mềm, phát hiện những bất thường nhỏ nhất.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI được dùng để kiểm tra cấu trúc của các mô mềm quanh cột sống, tủy sống, các dây thần kinh, đia đệm... Kỹ thuật này có thể giúp phát hiện khối u, đánh giá khả năng chèn ép dây thần kinh và nhiều tình trạng khác.
- Đo mật độ xương: Nếu có nghi ngờ xẹp đốt sống do loãng xương, người bệnh sẽ được đo mật độ xương để xác định chẩn đoán.
Biến chứng và tiên lượng
Xẹp đốt sống thường nghiêm trọng hơn theo thời gian, gây ra những triệu chứng khó chịu làm ảnh hưởng đến khả năng vận động. Khi không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến những vấn đề sau:
- Tăng số lượng đốt sống gãy xẹp
- Đau lưng mãn tính
- Biến dạng cột sống (chẳng hạn cong vẹo hoặc gù lưng)
- Mất hoặc giảm khả năng vận động
- Mất chiều cao
- Hẹp ống sống
- Chèn ép các cơ quan nội tạng
- Tăng nguy cơ thoái hóa cột sống
- Bệnh lý tủy thần kinh do chèn ép dây thần kinh và tủy sống, gây ra:
- Rối loạn chức năng kiểm soát ruột và bàng quang
- Teo cơ và yếu các chi
Điều trị
Hầu hết các trường hợp cần bơm xi măng sinh học và dùng thuốc giảm đau. Những trường hợp rất nặng có thể cần phải phẫu thuật hợp nhất đốt sống.
1. Thuốc
Các thuốc chủ yếu được dùng để giảm bớt các triệu chứng của xẹp đốt sống, bao gồm:
- Acetaminophen: Acetaminophen có tác dụng điều trị đau đối với những cơn đau nhẹ.
- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID): NSAID được dùng cho những cơn đau có mức độ vừa. Thuốc có tác dụng giảm đau và chống viêm.
- Thuốc giảm đau nhóm opioid: Opioid được dùng cho những cơn đau nặng, đau không giảm khi điều trị bằng những loại thuốc khác. Thuốc này giúp kiểm soát cơn đau, mang đến hiệu quả điều trị nhanh chóng. Tuy nhiên opioid chỉ được dùng ngắn hạn và liều thấp để hạn chế tình trạng lệ thuộc thuốc.
- Calcitonin: Nếu bị xẹp đốt sống do loãng xương, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc Calcitonin. Đây là một loại thuốc chống loãng xương và ức chế tiêu xương. Thuốc này có tác dụng ngăn ngừa quá trình tiêu xương và tiêu calci ở xương. Từ đó kiểm soát bệnh loãng xương và ngăn gãy xẹp đốt sống thêm nghiêm trọng.
2. Nẹp lưng
Nẹp lưng được sử dụng để hỗ trợ cột sống, giữ cho cột sống ở vị trí đúng khi di chuyển và ngăn tổn thương thêm. Dựa vào tình trạng, người bệnh sẽ được hướng dẫn sử dụng loại nẹp phù hợp.
3. Chăm sóc, giảm đau tại nhà
Trong thời gian điều trị xẹp đốt sống, người bệnh sẽ được hướng dẫn những biện pháp chăm sóc tại nhà để hỗ trợ điều trị, giảm nhẹ triệu chứng.
- Nghỉ ngơi: Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh những hoạt động hoặc công việc quá sức. Điều này giúp ngăn tổn thương phát triển, đốt sống có thời gian chữa lành và hồi phục. Ngoài ra việc nghỉ ngơi đầy đủ cũng giúp xoa dịu cơn đau.
- Vận động nhẹ nhàng: Thực hiện những bài tập và động tác kéo giãn nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ. Biện pháp này giúp duy trì sự linh hoạt và phạm vi chuyển động cho cột sống, tăng cường sức khỏe xương và hạn chế đau nhức.
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp có đốt sống gãy xẹp nghiêm trọng, thất bại khi điều trị bảo tồn. Dựa vào mức độ tổn thường, những kỹ thuật dưới đây có thể được thực hiện:
- Kỹ thuật bơm xi măng vào đốt sống
Kỹ thuật bơm xi măng điều trị xẹp cột sống được chỉ định cho những trường hợp sau:
-
- Gãy xẹp độ 1 hoặc 2 (gãy vững) được bơm xi măng đơn thuần
- Gãy xẹp do loãng xương, chấn thương hoặc có khối u ác tính
- Dùng thuốc, nẹp lưng và nghỉ ngơi không giúp cải thiện tình trạng, đau cấp tính
Bơm xi măng vào cột sống là phương pháp sử dụng xi măng sinh học để phục hình đốt sống gãy xẹp. Phương pháp này giúp đốt sống gãy trở lại hình dáng ban đầu, giảm đau ngay lập tức. Sau điều trị, người bệnh có thể đi lại và vận động bình thường.
Trong quá trình thực hiện, một ống thông nhỏ được chèn vào đốt sống thông qua vết cắt nhỏ, sau đó bơm phồng tạo khoang trống. Khi quả bóng được làm xẹp và lấy ra ngoài, xi măng sinh học (dạng lỏng) được bơm đầy vào trong khoang trống. Sau 10 phút vật liệu sẽ nhanh chóng đông cứng, giúp định hình lại cột sống.
Nếu gãy xẹp nhẹ, bác sĩ tiến hành chèn kim dài vào đốt sống ảnh hưởng dưới hướng dẫn của tia X. Sau đó bơm xi măng vào trong với lượng cần thiết.
- Hợp nhất cột sống
Nếu bị xẹp đốt sống nặng và bệnh nhân không di chuyển được, phẫu thuật hợp nhất cột sống sẽ được chỉ định. Phương pháp này được thực hiện để cố định hai đốt sống liền kề, giảm chuyển động ở vùng ảnh hưởng. Từ đó hạn chế những chuyển động bất lợi và giảm đau nhức.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ tạo vết rạch lớn và tiếp cận đốt sống bị ảnh hưởng. Sử dụng thanh hoặc tấm kim loại và đinh vít cố định hai đốt sống liền kề. Sau khi cố định, những đốt sống này phát triển cùng nhau, hợp nhất và loại bỏ những chuyển động không cần thiết.
Thường mất từ 1 - 2 tháng để lành lại và 6 - 12 tháng để phục hồi hoàn toàn. Người bệnh được yêu cầu vật lý trị liệu sau phẫu thuật để tăng tốc độ phục hồi.
Phòng ngừa
Để giảm nguy cơ xẹp đốt sống, các bước dưới đây nên được thực hiện.
- Thực hiện chế độ ăn uống giàu canxi và vitamin D, đặc biệt là những người lớn tuổi, có nguy cơ loãng xương.
- Tránh gắng sức trong các hoạt động, hạn chế mang vác vật nặng (chẳng hạn như nâng tạ).
- Thực hành tư thế đúng.
- Không uốn cong cột sống quá mức và không đột ngột vặn người.
- Tránh các hoạt động có thẻ gây té ngã hoặc chấn thương.
- Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao.
- Thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe xương khớp, tăng cường sự dẻo dai.
- Loại bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Đạt được và giữ cân nặng an toàn.
- Điều trị loãng xương theo chỉ định của bác sĩ để tránh gây biến chứng xẹp đốt sống.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Có bao nhiêu đốt sống bị ảnh hưởng, mức độ gãy xẹp?
2. Phương pháp điều trị nào thích hợp với tình trạng hiện tại?
3. Cần làm gì để giảm nguy cơ tái phát?
4. Có những hoạt động nào cần hạn chế khi điều trị?
5. Những bài tập và bộ môn thể thao nào phù hợp với tình trạng hiện tại?
6. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật?
7. Tôi có thể có những rủi ro và lợi ích gì khi phẫu thuật?
Xẹp đốt sống khiến cột sống mất vững, đau nhức dai dẳng và gây ra nhiều biến chứng khác. Để cải thiện, người bệnh cần được khám và chữa trị theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra cần chú ý đến chế độ sinh hoạt ngày càng để tránh tổn thương thêm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!