Xoắn Buồng Trứng
Xoắn buồng trứng xảy ra khi buồng trứng hoặc ống dẫn trứng bị xoắn lại và cắt đứt nguồn cung cấp máu. Điều này có thể dẫn đến hoại tử và mất buồng trứng. Vì vậy việc điều trị khẩn cấp là điều cần thiết.
Tổng quan
Xoắn buồng trứng còn được gọi xoắn phần phụ. Bệnh thể hiện cho tình trạng buồng trứng xoắn quanh những dây chằng giữ cho nó cố định. Điều này làm cắt đứt nguồn cung cấp máu đến buồng trứng và ống dẫn trứng khiến cho buồng trứng bị hoại tử (chết mô).
Buồng trứng của nữ giới là hai cơ quan sinh sản nhỏ, có hình dạng như quả hạch và nằm ở hai bên xương chậu. Cơ quan này chứa trứng được giải phóng sau khi trưởng thành (rụng trứng). Nó cũng sản xuất các hormone giúp một loạt các quá trình trong cơ thể diễn ra suôn sẻ.
Thường chỉ có một buồng trứng bị xoắn. Tình trạng này chủ yếu do sự tăng trưởng của u nang buồng trứng và dây chằng buồng trứng dài hơn bình thường.
Xoắn buồng trứng gây ra những cơn đau dữ dội, buồn nôn và nôn do buồng trứng không nhận đủ máu. Những trường hợp này cần được chăm sóc y tế ngay lập tức và nhiều khả năng phải phẫu thuật khẩn cấp.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Xoắn buồng trứng xảy ra khi buồng trứng không ổn định và bắt đầu xoay quanh những dây chằng giữ nó. Điều này thường do một số vấn đề dưới dây:
- Sự tăng trưởng bất thường: Xoắn buồng trứng thường liên quan đến u nang hoặc một khối mô khác ở buồng trứng. U nang phát triển theo thời gian, chiếm chỗ và làm tăng trọng lượng thêm cho buồng trứng. Điều này khiến buồng trứng xoắn và xoay quanh những dây chẳng giữ nó cố định.
- Dây chằng buồng trứng dài hơn bình thường: Ở một số người, dây chẳng nối buồng trứng với tử cung dài hơn bình thường. Điều này khiến cho buồng trứng không ổn định và tăng khả năng xoắn lại.
- Mang thai: Khi mang thai, bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị xoắn hơn. Nguyên nhân là do u nang hoàn thể thường hình thành trong tam cá nguyệt đầu tiên và làm cho buồng trứng bị xoắn. Ngoài ra nồng độ hormone tăng cao trong thai kỳ làm giãn dây chẳng giữ buồng trứng cũng như những mô khác trong cơ thể. Điều này khiến nhiều thai phụ bị xoắn buồng trứng.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART), điển hình như công nghệ gây rụng trứng.
- Phụ nữ có độ tuổi từ 20 - 40 tuổi (độ tuổi sinh sản). Tuy nhiên bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
- Đang điều trị nội tiết tố.
- Đã thắt ống dẫn trứng.
Triệu chứng và chẩn đoán
Xoắn buồng trứng có những triệu chứng nghiêm trọng và đột ngột do cắt nguồn cung cấp máu. Cụ thể:
- Đau vùng chậu dữ dội
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Sốt
- Chảy máu bất thường
- Chuột rút và nhạy cảm hơn ở vùng bụng dưới.
Trong một số trường hợp, việc buồng trứng đang cố xoay trở lại đúng vị trí khiến những cơn đau và chuột rút ở bụng biến mất trong vài tuần.
Những triệu chứng có thể giúp bác sĩ phát hiện nhanh tình trạng xoắn buồng trứng. Tuy nhiên người bệnh cần phải thực hiện thêm những xét nghiệm bổ sung để xác định tình trạng và định hướng điều trị.
- Khám vùng chậu: Quá trình kiểm tra vùng chậu có thể giúp phát hiện những khối u có khả năng gây ra những triệu chứng cho bạn.
- Siêu âm: Hình ảnh siêu âm giúp quan sát cơ quan vùng chậu, phát hiện xoắn phần phụ hoặc bất kỳ vấn đề nào ở buồng trứng, chẳng hạn như u nang buồng trứng.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để kiểm tra việc mang thai, thiếu máu và một số tình trạng khác có liên quan đến xoắn phần phụ. Xét nghiệm này cũng giúp loại trừ nhiễm trùng và những chẩn đoán tiềm ẩn khác.
- Xét nghiệm nước tiểu: Đôi khi xét nghiệm nước tiểu được thực hiện để loại bỏ khả năng viêm nhiễm gây ra các triệu chứng, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Phẫn thuật: Đôi khi phẫu thuật được thực hiện để kiểm tra tình trạng xoắn.
Biến chứng và tiên lượng
Xoắn buồng trứng là một tình trạng khẩn cấp, cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Tình trạng này làm giảm lưu lượng máu đến buồng trứng. Khi không được điều trị kịp thời, việc giảm nguồn cung cấp máu kéo dài sẽ dẫn đến hoại tử buồng trứng (chết mô).
Buồng trứng bị hoại tử cần được phẫu thuật cắt bỏ. Điều này làm giảm khả năng sinh sản. Tuy nhiên việc thụ thai và mang thai vẫn có thể xảy ra nếu chỉ có một bên buồng trứng bị hoại tử.
Ở những trường hợp không kịp thời xử lý buồng trứng hoại tử có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng. Đồng thời hình thành ổ áp xe và gây viêm phúc mạc.
Xoắn buồng trứng không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và mang thai đủ tháng. Khi buồng trứng được tháo xoắn hoặc cắt bỏ, bác sĩ có thể hướng dẫn sử dụng thuốc tránh thai nội tiết tố để giảm nguy cơ tái phát.
Điều trị
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân bị xoắn buồng trứng. Ngoài ra một số loại thuốc cũng được sử dụng để giảm bớt cơn đau và ngăn tái phát.
1. Phẫu thuật
Bệnh nhân cần được phẫu thuật khẩn cấp để tháo xoắn cho buồng trứng và ống dẫn trứng. Khi buồng trứng đã bị hoại tử (chết mô), phẫu thuật sẽ bao gồm việc cắt bỏ buồng trứng và những mô liên quan.
- Phẫu thuật tháo xoắn
Phẫu thuật tháo xoắn được thực hiện cho những trường hợp chưa bị chết mô do giảm cung cấp máu. Với quá trình này, bác sĩ tiếp cận buồng trứng và nhẹ nhàng xoay trở để buồng trứng trở lại vị trí đúng và phục hồi nguồn cung cấp máu.
Sau khi thực hiện, cần đảm bảo rằng buồng trứng nhận đủ lượng máu để sống. Nếu buồng trứng chuyển sang màu tím hoặc đen sau tháo xoắn (dấu hiệu chết mô), bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ buồng trứng.
Phẫu thuật tháo xoắn có thể được thực hiện thông qua nội soi ổ bụng hoặc phẫu thuật nội soi với đường rạch lớn hơn ở bụng dưới.
- Cắt bỏ buồng trứng
Nếu mất lưu lượng máu kéo dài và khiến các mô xung quanh chết đi, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ buồng trứng hoại tử. Thông thường cắt bỏ buồng trứng sẽ được thực hiện thông qua phẫu thuật nội soi.
- Cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng
Nếu có nhiều mô xung quanh chết đi, cả buồng trứng và ống dẫn trứng đều bị hoại tử, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ cả hai cơ quan này. Ở phụ nữ sau mãn kinh, phương pháp cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng có thể được cân nhắc để ngăn tái phát.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chăm sóc theo dõi, dùng thuốc và tránh những hoạt động có cường độ cao trong vài tuần. Người bệnh cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu có dấu hiệu nhiễm trùng. Chẳng hạn như:
- Sốt
- Tăng đau bùng chậu
- Đỏ và viêm tại vết mổ
- Khí hư có mùi hôi
- Vết thương không lành
- Chảy máu.
2. Thuốc
Trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật, người bệnh được hướng dẫn sử dụng một số thuốc để giảm đau và ngăn tái phát.
- Thuốc giảm đau: Bệnh nhân thường được kê đơn thuốc giảm đau chứa Acetamiophen, Ibuprofen hoặc Naproxen để giảm đau. Ở những người có cơn đau nặng hơn, một loại thuốc giảm đau nhóm opioid như Oxycodon hoặc Oxycodone + Acetaminophen được dùng để làm dịu nhanh cơn đau.
- Thuốc tránh thai nội tiết tố: Bác sĩ thường kê đơn thuốc tránh thai liều cao để giảm nguy cơ tái phát xoắn buồng trứng sau điều trị.
Phòng ngừa
Những biện pháp giúp giảm nguy cơ xoắn buồng trứng:
- Khám và điều trị ngay khi có u nang buồng trứng. Điều này giúp ngăn u nang phát triển lớn hơn và khiến buồng trứng bị xoắn.
- Cân nhắc sử dụng thuốc tránh thai để giảm nguy cơ hình thành u nang dẫn đến xoắn phần phụ.
- Khám phụ khoa định kỳ nhằm sớm phát hiện bất kỳ tình trạng nào có thể ảnh hưởng đến buồng trứng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?
2. Triệu chứng của tôi bắt đầu do đâu?
3. Phương pháp điều trị nào được đề xuất?
4. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật?
5. Khả năng thụ thai và mang thai đủ tháng của tôi có bị ảnh hưởng không?
6. Những rủi ro nào có thể xảy ra khi phẫu thuật?
7. Tôi nên làm gì để ngăn xoắn buồng trứng tái phát?
Xoắn buồng trứng thường xảy ra trong độ tuổi sinh đẻ, chủ yếu liên quan đến u nang và dây chằng buồng trứng. Bệnh lý này cần được điều trị khẩn cấp để kịp thời tháo xoắn, ngăn hoại tử và cắt bỏ buồng trứng. Vì vậy người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu có những cơn đau bất ngờ và dữ dội.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!