Xoắn Tinh Hoàn
Xoắn tinh hoàn là một tình trạng khẩn cấp, xảy ra khi một tinh hoàn xoay làm xoắn thừng tinh, giảm lượng máu đến bìu dẫn đến sưng, đau đột ngột và dữ dội. Tình trạng này thường gặp ở nam giới từ 12 - 18 tuổi.
Tổng quan
Xoắn tinh hoàn là tình trạng một hoặc cả hai tinh hoàn xoay khiến thừng tinh đưa máu đến bìu xoắn lại. Điều này làm giảm lưu lượng máu dẫn đến sưng và đau đột ngột. Những triệu chứng thường dữ dội và cần được phẫu thuật cấp cứu.
Nếu được điều trị nhanh chóng, tinh hoàn bị xoắn có thể được cứu. Nếu cắt giảm lưu thông máu quá lâu (hơn 6 giờ), tinh hoàn có thể bị hoại tử hoặc tổn thương nghiêm trọng, cần phải cắt bỏ.
Tinh hoàn nằm bên dưới dương vật và trong bìu. Đây là một cơ quan sinh sản quan trọng, có chức năng tạo tinh trùng và hormone. Chính vì thế mà bệnh lý này có thể làm giảm khả năng sinh sản của nam giới.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Thừng tinh cung cấp máu đến tinh hoàn từ bụng. Khi tinh hoàn xoay và thừng tinh bị xoắn, tình trạng xoắn tinh hoàn sẽ xảy ra. Tinh hoàn xoay nhiều lần khiến dòng máu bị tắc nghẽn hoàn toàn. Từ đó khiến những tổn thương diễn ra nhanh hơn, tăng nguy cơ cắt bỏ tinh hoàn.
Không rõ nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn. Tuy nhiên bệnh lý này có thể liên quan đến những vấn đề dưới đây:
- Bẩm sinh
Tinh hoàn không thể di chuyển tự do trong bìu, được hỗ trợ bởi những mô mạnh mẽ xung quanh. Tuy nhiên nhiều nam giới có mô liên kết yếu hơn, tinh hoàn di chuyển trong bìu. Điều này khiến tinh hoàn dễ dàng xoay và làm xoắn thừng tinh.
Trong nhiều trường hợp khác, xoắn tinh hoàn liên quan đến một dị tật được gọi là dị tật quả lắc chuông. Dị tật này khiến tinh hoàn di chuyển tự do hơn trong bìu, làm tăng nguy cơ xoắn thừng tinh. Thống kê cho thấy 90% trường hợp xoắn tinh hoàn liên quan đến dị tật quả lắc chuông.
- Di truyền
Một số nghiên cứu cho thấy, khoảng 10% trường hợp xoắn tinh hoàn liên quan đến di truyền. Vì thế mà những nam giới có tiền sử gia đình mắc bệnh sẽ có nguy cơ cao hơn.
- Hoạt động mạnh hoặc chấn thương
Xoắn tinh hoàn ở nam giới có thể xảy ra sau chấn thương nhẹ hoặc sau vài giờ hoạt động mạnh. Tình trạng này thường gặp hơn ở những người có một chấn thương thể thao ở háng.
- Khi đang ngủ
Mặc dù không rõ nguyên nhân nhưng xoắn tinh hoàn có thể xảy ra trong khi ngủ.
Những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Tuổi tác: Xoắn tinh hoàn phổ biến ở nam giới có độ tuổi từ 12 - 18 tuổi. Mặc dù vậy, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
- Tiền sử bản thân: Nếu đau tinh hoàn do xoắn và xoắn không liên tục, tình trạng này có thể xảy ra một lần nữa khi không được điều trị. Đau tinh hoàn do xoắn nhiều lần thường nghiêm trọng hơn, tăng nguy cơ tổn thương tinh hoàn.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng thường gặp của tinh hoàn xoắn:
- Đau đột ngột và dữ dội ở bìu
- Đau bụng dưới hoặc đau ở háng
- Cơn đau thường chỉ liên quan đến một bên
- Sưng bìu
- Buồn nôn và ói mửa
- Xuất hiện một góc bất thường ở tinh hoàn hoặc một tinh hoàn có vị trí cao hơn bình thường. Độ cao của tinh hoàn có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của cơn đau
- Sốt
- Đi tiểu thường xuyên
- Cảm thấy chóng mặt
- Sờ thấy có khối u trong bìu
- Xuất tinh ra máu
Những triệu chứng thường bắt đầu sau một chấn thương tinh hoàn hoặc bìu hoặc sau một hoạt động thể chất. Trẻ em thường có cơn đau bụng hoặc đau tinh hoàn vào lúc nửa đêm hoặc sáng sớm.
Trong nhiều trường hợp, cơn đau xảy ra và tự khỏi do xoắn tinh hoàn thoáng qua. Những trường hợp này có cơn đau lặp lại nhiều lần và tổn thương ngày càng nghiêm trọng.
Để chẩn đoán xoắn tinh hoàn, bác sĩ tiến hành kiểm tra bìu và đặt một số câu hỏi liên quan đến triệu chứng. Trong quá trình khám, bác sĩ có thể nhẹ nhàng chạm vào mặt trong của đùi bên tinh hoàn bị ảnh hưởng. Tinh hoàn bình thường sẽ co lại hoặc nhô lên khi sờ. Những trường hợp xoắn không có biểu hiện này.
Để tăng tính chính xác trong chẩn đoán, một vài xét nghiệm có thể được thực hiện, bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu: Tiến hành phân tích nước tiểu nhằm kiểm tra nhiễm trùng.
- Xét nghiệm hình ảnh: Siêu âm thường được sử dụng để đo lượng máu đến tinh hoàn.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể cần thiết khi xác định tình trạng xoắn.
Biến chứng và tiên lượng
Xoắn tinh hoàn có tiên lượng tốt nếu được phẫu thuật cấp cứu trong vòng 6 giờ từ thời điểm cơn đau bắt đầu. Kịp thời điều trị có thể cứu được tinh hoàn.
Sau 12 giờ không được điều trị, quá trình lưu thông máu bị cắt khiến tinh hoàn bị tổn thương vĩnh viễn (hoặc chết tinh hoàn). Những trường hợp này cần phải cắt bỏ tinh hoàn (ít nhất 75% khả năng phải cắt bỏ).
Những biến chứng thường gặp:
- Vô sinh: Tinh hoàn bị cắt làm giảm khả năng sinh sản, tăng nguy cơ vô sinh - hiếm muộn ở nam giới. Điều này tác động đến tâm lý và gây căng thẳng trong mối quan hệ.
- Hoại thư: Hoại thư xảy ra khi mô tinh hoàn bị tổn thương nghiêm trọng hoặc đã chết nhưng không được loại bỏ. Tình trạng này có thể lây lan khắp cơ thể dẫn đến sốc và đe dọa đến tính mạng.
- Nhiễm trùng huyết: Mặc dù ít gặp nhưng việc không điều trị kịp thời cũng có thể gây nhiễm trùng huyết
- Xoắn tái phát: Xoắn tái phát ngay cả khi được phẫu thuật cố định.
- Biến dạng thẩm mỹ: Mất một bên tinh hoàn làm giảm tính thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tâm lý và cảm xúc của nam giới.
- Teo tinh hoàn: Xoắn tinh hoàn có thể dẫn đến teo tinh hoàn khi không được điều trị. Tinh hoàn giảm kích thước đáng kể có thể không sản xuất được tinh trùng.
- Chết tinh hoàn: Sau 12 giờ không điều trị xoắn tinh hoàn, khả năng cứu được tinh hoàn giảm còn 50%, 0 - 10% sau 24 giờ.
Điều trị
Cấp cứu ngoại khoa (phẫu thuật) là phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn. Phương pháp này thường được thực hiện dưới gây mê toàn thân.
Trong khi phẫu thuật, bác sĩ tạo một vết mổ nhỏ ở bìu, sau đó tiến hành tháo xoắn thừng tinh. Cuối cùng khâu tinh hoàn vào bên trong bìu.
Trong nhiều trường hợp, bênh nhân được tháo xoắn thủ công trước khi thực hiện phẫu thuật. Khi thực hiện, bác sĩ tiến hành ấn vào bìu để tháo xoắn tinh hoàn.
Đối với trẻ sơn sinh và nhũ nhi, phẫu thuật có thể được thực hiện để xác nhận xoắn tinh hoàn và tiến hành tháo xoắn. Những trường hợp này thường không thể phát hiện suy giảm lưu lượng máu khi siêu âm.
Bìu thường sưng lên trong vòng 2 - 4 tuần sau phẫu thuật. Trong thời gian này, những biện pháp chăm sóc sẽ được hướng dẫn, bao gồm:
- Chườm đá: Chườm đá 10 - 20 phút, nhiều lần trong ngày có thể giúp giảm sưng và đau ở bìu.
- Thuốc giảm đau: Một loại thuốc giảm đau sẽ được sử dụng để giảm bớt cơn đau sau phẫu thuật.
- Vệ sinh: Giữ gìn vết mổ sạch sẽ, thường xuyên thay băng và rửa nhẹ nhàng. Trong một đến hai ngày đầu, vết mổ có thể bị rỉ dịch.
- Nghỉ ngơi: Người bệnh được khuyên nghỉ ngơi sau mổ để cơ thể có thời gian phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên không nên nằm lâu. Nên đi lại một chút mỗi ngày để cải thiện lưu lượng máu đến bìu và tăng tốc độ phục hồi. Tránh những hoạt động thể thao, vận động gắng sức, kích thích hoặc hoạt động tình dục (thủ dâm và giao hợp) trong 4 - 6 tuần.
Phòng ngừa
Phẫu thuật gắn cả hai tinh hoàn vào trong bìu là cách duy nhất để phòng ngứa xoắn tinh hoàn. Tuy nhiên phương pháp này được thực hiện cho những người có đặc điểm di truyền, đang bị xoắn hoặc xoắn tinh hoàn trước đó.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Thời điểm phẫu thuật tốt nhất là khi nào?
2. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật?
3. Chi phí phẫu thuật xoắn tinh hoàn bao nhiêu?
4. Có phương pháp điều trị thay thế phẫu thuật không?
5. Rủi ro và lợi ích khi phẫu thuật là gì?
6. Nên làm gì để phục hồi nhanh nhất sau mổ?
7. Cần tránh điều gì để ngăn xoắn tinh hoàn tái phát?
Xoắn tinh hoàn thường gặp ở nam giới từ 12 - 18 tuổi, không rõ nguyên nhân gây xoắn. Tình trạng này cần được phẫu thuật cấp cứu để giảm nguy cơ mất tinh hoàn và vô sinh. Tốt nhất nên liên hệ ngay với bác sĩ khi bị đau và sưng tinh hoàn đột ngột.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!