Mách bạn 6 cách massage cho trẻ sơ sinh dễ ngủ, ngủ sâu giấc
Massage đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Đây cũng là “bí kíp” dành cho các bậc phụ huynh muốn chăm con ăn ngon ngủ khỏe. Những động tác massage tuy đơn giản nhưng nếu thực hiện sai cách cũng dễ gây ảnh hưởng khó lường cho sức khỏe của trẻ.
Massage cho trẻ sơ sinh đem lại những lợi ích gì?
Trẻ sơ sinh vừa chào đời thường có chu kỳ giấc ngủ chưa ổn định, thường xuyên quấy khóc, gián đoạn giấc ngủ do nhiều lý do. Chẳng hạn như tư thế ngủ không đúng, nhạy cảm với các yếu tố từ môi trường, có cảm giác không an toàn do không có bố mẹ ở bên hoặc bệnh lý.
Những rối loạn như trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc, chập chờn, dễ tỉnh giấc, quấy khóc, mất ngủ và khó ngủ lại… ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cả về thể chất lẫn trí tuệ. Do đó, bố mẹ cần quan tâm và chú ý đến giấc ngủ của con, tìm những cách phù hợp để cải thiện tình trạng.
Trong rất nhiều cách cải thiện giấc ngủ cho trẻ sơ sinh, massage là một trong những cách đem lại kết quả tuyệt vời, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hiệu quả lẫn tính an toàn, cách thực hiện lại đơn giản.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, massage đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và giấc ngủ của trẻ sơ sinh như:
- Thư giãn thần kinh và giảm căng thẳng: Nhờ tác động tích cực đến não bộ của trẻ sơ sinh, kích hoạt cơ chế giải phóng oxytocin ức chế hormone cortisol căng thẳng, xoa dịu thần kinh của con, giúp con thư giãn, thoải mái.
- Phát triển cơ bắp: Massage kích thích sự phát triển cơ bắp của trẻ, hỗ trợ cải thiện chứng đau bụng.
- Giúp trẻ ngủ ngon, sâu giấc hơn: Nhờ khả năng kích thích sản sinh hormone melatonin khi thực hiện massage. Đây là hormone có nhiệm vụ tạo ra cảm giác buồn ngủ và điều hòa giấc ngủ.
- Điều hòa nhịp thở cho trẻ sơ sinh: Đây cũng là cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon hơn.
- Tác động tích cực đến hệ thần kinh: Cải thiện đáng kể sự phát triển trí não, trí tuệ, khả năng tư duy cũng như kỹ năng vận động của trẻ về sau này.
- Tăng cường sức đề kháng: Theo thống kê, những trẻ được massage ở vùng bụng, lưng thường ít gặp các rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy. Và đặc biệt là tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ bị cảm lạnh hoặc các bệnh vặt khác.
- Giảm đau nhức: Trong quá trình massage, hormone endorphins được sản sinh nhiều hơn. Chất này có khả năng hỗ trợ thúc đẩy tăng cường tuần hoàn máu lên não và được xem như một loại thuốc giảm đau tự nhiên
- Tăng sự kết nối giữa trẻ và bố mẹ: Sự tiếp xúc da thịt khi massage là một trong những cách tuyệt vời giúp sợi dây gắn kết giữa bố mẹ và trẻ được khắng khít hơn. Điều này tác động rất lớn đến sự phát triển cảm xúc cũng như hình thành tính cách, tâm lý của trẻ trong tương lai.
- Lợi ích cho làn da: Hỗ trợ cải thiện sức khỏe làn da, giúp da săn chắc, tăng cường hàng rào bảo vệ nhờ thúc đẩy sự hình thành của lớp màn bảo vệ. Ngoài ra còn kích thích làm rụng cuống rốn một cách tự nhiên.
Đây là những lợi ích của kỹ thuật massage cho trẻ sơ sinh. Chỉ cần bố mẹ thực hiện đúng cách và kiên trì thực hiện thường xuyên, chắc chắn trẻ sẽ ngủ ngon hơn mỗi đêm, ít quấy khóc và phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần.
XEM THÊM: 6 Mẹo Giúp Trẻ Sơ Sinh Ngủ Ngon Vào Ban Đêm Từ Dân Gian
Hướng dẫn 6 cách massage giúp trẻ sơ sinh dễ ngủ hơn
Hệ thống các dây thần kinh ở trẻ sơ sinh nằm trên khắp cơ thể. Dưới đây là 6 vị trí quan trọng khi được massage giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ, ngủ sâu và ngủ ngon hơn.
1. Massage tay
Bàn tay là vị trí không thể bỏ qua khi massage cho trẻ. Cách massage cho trẻ sơ sinh dễ ngủ tại bàn tay được thực hiện như sau:
- Bước 1: Nắm tay con, mở lòng bàn tay và vuốt ve theo hình tròn, động tác nhẹ nhàng cũng là một cách tạo sự thích thú cho trẻ;
- Bước 2: Tiến hành xoa bóp mu bàn tay bằng động tác vuốt thẳng từ tay về hướng cổ tay. Khi dừng ở cổ tay, hãy xoa theo chuyển động tròn xung quanh;
- Bước 3: Vừa xoa bóp vừa di chuyển dần về hướng cẳng tay, thực hiện massage theo chuyển động tròn nhẹ nhàng như vậy cho đến khi kết thúc;
2. Massage chân
Tương tự như người lớn, chân của trẻ sơ sinh là nơi tập trung rất nhiều dây thần kinh cảm giác. Massage vị trí này chỉ cần xoa bóp và nắn nhẹ nhàng sẽ giúp kích thích quá trình tuần hoàn máu từ các đầu ngón chân lên não.
Kết hợp vuốt nhẹ dọc từ đấu ngón chân đến ngón chân để tạo cho trẻ cảm giác thư giãn, dễ chịu, giúp con chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.
Cách thực hiện
- Bước 1: Lấy một ít dầu massage cho vào lòng bàn tay, xoa đều và tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng lên bàn chân của con, đặc biệt tập trung vào lòng bàn chân;
- Bước 2: Dùng ngón tay cái tạo xoay vòng tròn ở phần dưới của lòng bàn chân, di chuyển dần lên trên;
- Bước 3: Vừa xoa vừa vuốt nhẹ từng ngón chân để tăng hiệu quả kích thích các đầu dây thần kinh. Tuyệt đối không kéo mạnh ngón chân của trẻ giống như cách massage của người lớn;
- Bước 4: Nâng 1 chân lên, 1 tay cầm, tay còn lại vuốt nhẹ từ mắt cá đến đùi và vuốt ngược về. Thực hiện tương tự cho bên chân còn lại.
3. Massage ngực & vai
Massage vùng ngực và vai cũng là cách giúp trẻ sơ sinh dễ ngủ hơn, nhất là vào ban đêm. Cách này giúp trẻ thư giãn vùng vai, ngực, tác động tích cực đến trái tim, tăng tuần hoàn máu và cải thiện chất lượng giấc ngủ rõ rệt.
Cách thực hiện
- Bước 1: Đặt tay lên vai trái, vuốt nhẹ nhàng từ điểm này về phía ngực;
- Bước 2: Rút tay lên và tiếp tục đặt lên vai để vuốt xuống một cách nhẹ nhàng;
- Bước 3: Đặt cả 2 lòng bàn tay lên giữa ngực con, xoa từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, vuốt cả vùng dưới xương ức, ngang ngực;
4. Massage bụng
Bụng là một trong những vị trí nhạy cảm trên cơ thể của trẻ sơ sinh. Vì đây là nơi dạ dày “trú ngụ” và hoạt động, tuyệt đối phải tránh mọi sự tác động ảnh hưởng, dù là nhỏ nhất. Do đó, khi thực hiện massage cần phải thật nhẹ nhàng và từ tốn.
Cách thực hiện
- Bước 1: Để trẻ nằm ngửa và hở vùng bụng, dùng lòng bàn tay vuốt từ trên đỉnh bụng xuống dưới xương ngực;
- Bước 2: Chụm các ngón tay lại với nhau và tiến hành xoay tròn theo chiều kim đồng hồ, xoay xung quanh rốn thật nhẹ nhàng;
- Bước 3: Lưu ý không xoa trúng vào rốn, nhất là khi cuống rốn của trẻ chưa rụng hoàn toàn;
5. Massage đầu & mặt
So với các vị trí khác, cách massage cho trẻ sơ sinh dễ ngủ tại vị trí đầu và vai thường phức tạo hơn, nhất là ở những trẻ hiếu động, thường xuyên cử động nhiều và liên tục.
Cách thực hiện
- Bước 1: Đặt ngón tay trỏ ở bên tay thuận của bạn lên vị trí chính giữa trán trẻ;
- Bước 2: Sau đó, vuốt dọc từ điểm này theo toàn bộ đường viền trên khuôn mặt, qua mắt, mũi, miệng và xuống cằm;
- Bước 3: Từ cằm di chuyển lên trên má và massage theo chuyển động tròn thật nhẹ nhàng;
- Bước 4: Tiếp theo là massage lên đến vùng da đầu của trẻ. Cách thực hiện tương tự như khi gội đầu. Ngón cái có thể đưa ra trán để massage vùng này. Lưu ý chỉ dùng lòng bàn tay và dùng lực thật nhẹ nhàng để không gây ra bất cứ tổn hại đến hộp sọ của con;
6. Massage lưng
Massage lưng là vị trí cuối cùng trong chu trình massage giúp trẻ sơ sinh dễ ngủ. Nhiều trẻ thường có biểu hiện buồn ngủ hoặc ngủ ngay trong lúc thực hiện.
Cách thực hiện
- Bước 1: Đặt bé nằm xoay người lại, đưa 2 tay hướng lên phía trước;
- Bước 2: Dùng phần đầu các ngón tay đặt nhẹ nhàng trên lưng trẻ, di chuyển từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên và xoay theo hình vòng tròn dần xuống phía mông;
- Bước 3: Dùng ngón trỏ và ngón giữa đặt ở 2 bên cột sống, vuốt nhẹ dần về phía mông, rồi lại từ mông di chuyển ngược lên trên cột sống. Lưu ý không đặt tay lên toàn bộ cột sống, mà chỉ dùng 2 ngón tay đặt ở phần rãnh giữa của cột sống;
Những lưu ý cần biết về kỹ thuật massage cho trẻ sơ sinh
Không thể phủ nhận những lợi ích từ việc massage đem lại đối với sức khỏe nói chung và giấc ngủ của trẻ nói riêng. Tuy nhiên, những kỹ thuật massage nhìn thì khá đơn giản nhưng nếu thực hiện sai cách sẽ gây ra hệ lụy khôn lường cho con. Do đó, bố mẹ nên trang bị cho mình những kiến thức chuyên sâu về phương pháp này nếu muốn tự mình massage cho con tại nhà.
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng về massage cho trẻ sơ sinh:
1. Công tác chuẩn bị trước khi massage
Để đạt hiệu quả cao từ việc massage, bố mẹ cần không được bỏ qua bước chuẩn bị, bao gồm các yếu ngoại sinh và đồ dùng, thiết bị. Đây là bước quan trọng tạo tiền đề cho các kỹ thuật massage sau đó đạt hiệu quả tốt nhất:
- Trẻ đã được tắm gội sạch sẽ, lau khô người và nằm trên giường. Nên đặt trẻ lên nệm hoặc một mặt phẳng êm ái để trẻ không bị khó chịu, hoàn toàn thoải mái trong suốt quá trình massage.
- Ưu tiên massage ở những nơi có nhiệt độ phù hợp, thoáng mát, yên tĩnh, tốt nhất là nơi trẻ sẽ ngủ ngay sau khi massage xong.
- Trước khi massage, bố hoặc mẹ phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn, cắt móng tay và tháo hết các trang sức đep trên tay để tránh gây ảnh hưởng xấu đến trẻ. Chỉ massage bằng phần thịt mềm trong lòng bàn tay.
- Chuẩn bị một số loại dầu massage cho phù hợp cho trẻ sơ sinh, ưu tiên những loại chiết xuất thiên nhiên lành tính như dầu oliu, dầu mè, dầu dừa, dầu hoa oải hương…
- Kết hợp bật một bài nhạc nhẹ, du dương để tăng cảm giác thư giãn, giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn.
2. Trẻ sơ sinh bao nhiêu tuổi có thể massage?
Massage đem lại nhiều giá trị lợi ích cho sức khỏe của trẻ sơ sinh. Theo các chuyên gia, thời gian lý tưởng để có thể thực hiện massage cho trẻ sơ sinh là sau sinh 1 tháng. Đây là thời điểm làn da của trẻ dần quen với môi trường bên ngoài, săn chắc và có khả năng kháng nước.
3. Thời điểm massage thích hợp trong ngày?
Có 2 thời điểm massage cho trẻ sơ sinh tốt nhất đó là:
- Buổi sáng sớm khi trẻ còn đang tỉnh táo. Lúc này trẻ vừa ngủ dậy và có tinh thần thoải mái, thích thú với nhiệt độ buổi sáng;
- Buổi chiều tối trước khi đi ngủ, sau khi tắm xong và trước khi cho bú 15 phút để giúp con có giấc ngủ ngon, sâu giấc vào ban đêm;
4. Massage cho trẻ sơ sinh bao nhiêu phút là phù hợp?
Đối với trẻ sơ sinh, tùy theo từng độ tuổi mà bố mẹ điều chỉnh thời gian thực hiện massage cho trẻ phù hợp.
- Massage 5 phút/ lần đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi;
- Massge 10 phút/ lần đối với trẻ từ 2 – 9 tháng tuổi;
- Massage 10 – 15 phút đối với trẻ trên 10 tháng tuổi;
5. Lưu ý về thao tác massage
Để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh những rủi ro trong quá trình massage cho trẻ sơ sinh, phụ huynh cần lưu ý các vấn đề sau:
- Những động tác massage cho trẻ phải thật nhẹ nhàng, chậm rãi;
- Vừa massage bạn vừa quan sát phản ứng của trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện nhăn nhó, ưỡn người như né tránh, tiểu tiện đột ngột hoặc giật mình… hãy ngưng massage ngay lập tức và kiểm tra trẻ xem có vấn đề gì bất ổn hay không;
- Tuyệt đối không massage và bôi dầu lên vùng da có vết thương hở, chảy máu chưa lành hoặc đang còn viêm nhiễm;
- Sau khi hoàn tất các bước massage, hãy mặc tã vào và quần áo giữ ấm cơ thể. Ôm trẻ một lúc và ru ngủ (nếu cần thiết) rồi đặt trẻ vào nôi.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về lợi ích của massage giúp trẻ sơ sinh dễ ngủ. Massage đúng cách và thường xuyên thực sự đem lại rất nhiều giá trị về sức khỏe. Vì vậy, đừng bỏ qua phương pháp đơn giản này, hãy tìm đến những chuyên gia có kinh nghiệm để được hướng dẫn cách thực hiện chuẩn nhất.
THÔNG TIN HỮU ÍCH
- Trẻ 2 Tuổi Ngủ Không Sâu Giấc Và Bí Quyết Giúp Bé Ngủ Ngon
- Mất Ngủ Sụt Cân Là Bệnh Gì? Nguy Hiểm Không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!