Trẻ 2 tuổi ngủ không sâu giấc và bí quyết giúp bé ngủ ngon
Trẻ 2 tuổi ngủ không sâu giấc, chập chờn và dễ giật mình có thể khiến con chậm phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ, tinh thần. Tình trạng này kéo dài còn tiềm ẩn nhiều rủi ro mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Nguyên nhân khiến trẻ 2 tuổi ngủ không sâu giấc, chập chờn
Theo các chuyên gia, trẻ 2 tuổi ngủ không sâu giấc là hiện tượng rất phổ biến, hầu như đứa trẻ nào cũng vài lần gặp phải. Phần lớn trường hợp là do gặp phải các nguyên nhân sau:
1. Tâm lý bất ổn
Những kích động tinh thần vào ban ngày khiến cảm xúc và tâm lý của trẻ bị tác động tiêu cực. Chẳng hạn như nhìn thấy những hình ảnh đáng sợ trong đời sống (như đánh nhau, va chạm, phim kinh dị) hoặc bị bố mẹ la mắng…
Sợ hãi và căng thẳng là những cảm xúc mà một đứa trẻ 2 tuổi có thể cảm nhận được, dẫn đến kích thích thần kinh gây khó ngủ vào ban đêm, ngủ không sâu giấc, dễ giật mình hoặc gặp ác mộng.
2. Thiếu hụt canxi
Thiếu hụt canxi là một trong những nguyên nhân khiến trẻ 2 tuổi ngủ không sâu giấc, hay giật mình thức giấc giữa đêm và kích động, quấy khóc. Thiếu canxi khiến hệ xương của con kém phát triển, gây nhức mỏi cơ thường xuyên dù không va chạm hay vận động mạnh.
Không những vậy, thiếu canxi khiến quá trình hoạt động của hệ thần kinh trung ương bị chậm lại, giảm chức năng tạo cảm giác buồn ngủ và ngủ sâu. Hậu quả là trẻ khó ngủ, ngủ không ngon, hay mơ màng, trằn trọc…
3. Trẻ mọc răng hoặc ốm vặt
Mọc răng thường kèm theo các biểu hiện như đau nhức, ốm sốt, mệt mỏi và gây khó ngủ, giấc ngủ chập chờn, không sâu giấc… Đây là hiện tượng khá bình thường.
4. Trẻ tè dầm
Tè dầm vào ban đêm là hiện tượng hoàn toàn bình thường ở trẻ 2 tuổi, vì trẻ vẫn chưa hoàn toàn có thể tự kiểm soát được khả năng tiểu tiện. Khi cảm nhận được cảm giác ẩm ướt khó chịu, một số trẻ nhạy cảm có thể cảm thấy khó chịu và thức giấc.
5. Ăn quá no hoặc để bụng đói đi ngủ
Việc cho trẻ ăn hoặc bú sữa quá no trước giờ đi ngủ vô tình tạo áp lực lên hệ tiêu hóa, gây khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, đau bụng… Hậu quả là gây khó ngủ hoặc giật mình thức giấc khi đang ngủ, ngủ chập chờn, không sâu.
Ngoài ra, trẻ ăn không đủ lượng cần thiết hoặc để bụng đói đi ngủ sẽ khiến trẻ thức ăn giữa đêm, đòi ăn, khó ngủ và ngủ không sâu giấc.
6. Không gian phòng ngủ không phù hợp
Trẻ 2 tuổi cần có một không gian phòng ngủ chất lượng và quen thuộc mới có thể ngủ ngon được. Bất kỳ tác động nào như âm thanh, ánh sáng, tiếng ồn quá mức đều có thể khiến trẻ sợ hãi, bất an, khó ngủ, ngủ không sâu giấc…
Ngoài ra, việc chuyển nhà hoặc chuyển phòng ngủ liên tục cũng là nguyên nhân khiến trẻ khó chìm vào giấc ngủ sâu.
7. Một số nguyên nhân khác
- Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại khiến cơ thể chưa kịp thích nghi;
- Quần áo ngủ có chất liệu không phù hợp, gây ngứa ngáy, khó chịu cho làn da;
- Chăn drap nệm giường không sạch sẽ, có mùi hôi khó chịu, chất liệu thô ráp và gây ngứa ngáy da;
- Tư thế nằm ngủ không phù hợp;
- Trẻ khó ngủ do thiếu vật dụng quen thuộc như gấu bông hoặc chăn mỏng…;
Tác hại khó lường khi trẻ 2 tuổi ngủ không sâu giấc
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ 2 tuổi. Do đó, việc mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến trẻ. Chẳng hạn như:
- Suy giảm sức đề kháng, dễ ốm vặt;
- Thiếu hụt hormone tăng trưởng chiều cao, cân nặng khiến trẻ thấp bé nhẹ cân, còi cọc hơn các bạn cùng trang lứa và cả khi trưởng thành;
- Suy giảm trí nhớ, giảm sự tập trung khiến con khó có thể tiếp thu những kiến thức cơ bản cần có trong độ tuổi này;
- Trẻ luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống, mơ màng, không hoạt bát và kém thông minh.
- Trẻ ngủ không sâu giấc còn gây ảnh hưởng đáng kể đến cảm xúc và cả tâm lý của con. Thay vì ngủ, trẻ sẽ quấy khóc, khó chịu, cáu gắt, hay giận dỗi… Về lâu dài hình thành tính cách tiêu cực nếu bố mẹ không có hướng giáo dục cứng rắn;
Ngoài những ảnh hưởng đến trẻ, chính bản thân bố mẹ là những người trực tiếp chăm sóc con cũng bị ảnh hưởng. Áp lực khi lần đầu làm bố mẹ, lần đầu chăm con khiến họ bối rối, tăng stress và lo lắng.
Bí quyết cải thiện chất lượng giấc ngủ cho trẻ 2 tuổi
Để chấm dứt tình trạng trẻ 2 tuổi ngủ không sâu giấc, giúp trẻ dễ ngủ và ngủ ngon xuyên đêm, bố mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Tạo các thói quen hình thành giấc ngủ
Những thói quen ngủ lành mạnh và tích cực được thực hiện thường xuyên sẽ giúp trẻ có giấc ngủ chất lượng, ngủ sâu và không mộng mị.
- Cho trẻ ngủ và thức dậy vào một khung giờ cố định mỗi ngày để thiết lập đồng hồ sinh học cho trẻ. Điều này giúp trẻ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ khi đến giờ.
- Thực hiện các bước chuẩn bị ngủ như tắm nước ấm – thay đồ – lên giường – kể chuyện – đi ngủ. Quy trình này giúp tạo thói quen ngủ tích cực cho con.
- Tránh cho trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày. Đối với trẻ 2 tuổi, giấc ngủ ngày cũng rất quan trọng đối với sự phát triển, tuy nhiên không nên cho con ngủ quá lâu để tránh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ ban đêm.
- Không nên cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử, vì chúng sẽ khiến trẻ khó ngủ, ngủ không sâu giấc.
2. Giúp trẻ thư giãn tinh thần
Tinh thần thoải mái sẽ giúp trẻ dễ ngủ, ngủ ngon và sâu giấc hơn, kể cả ban ngày lẫn ban đêm. Bố mẹ cần chú ý:
- Trước khi đi ngủ, hãy trò chuyện hoặc kể chuyện cho con nghe để trẻ thư giãn tinh thần, xoa dịu nỗi sợ hãi vào ban ngày;
- Cho trẻ nghe nhạc nhẹ nhàng để xoa dịu tinh thần. Nên nghe nhạc có giai điệu du dương, tránh những bản nhạc tiết tấu nhanh, âm thanh lớn vì càng gây kích thích thần kinh của trẻ gây khó ngủ;
- Không nên thúc ép hay hù dọa con phải đi ngủ, nhất là có những hành vi tiêu cực như đánh mắng. Điều này chỉ càng khiến trẻ thêm sợ và căng thẳng thần kinh, dẫn đến khó ngủ sâu giấc;
- Hạn chế cho trẻ thực hiện những hoạt động vui chơi quá sức hoặc kích động tinh thần quá mức trước giờ đi ngủ;
- Ban đêm nếu trẻ có tè dầm, hãy nhẹ nhàng lau khô, thay bỉm mới và vỗ về trấn an tinh thần để trẻ ngủ lại. Không nên la mắng khiến trẻ khóc vì dù trẻ có ngủ lại cũng không sâu giấc;
3. Đảm bảo không gian phòng ngủ phù hợp
Để trẻ ngủ ngon và sâu giấc, bố mẹ cần chuẩn bị không gian phòng ngủ lý tưởng và quen thuộc với con. Đảm bảo các yếu tố sau:
- Nhiệt độ phòng ngủ mát mẻ, thoáng mát dễ chịu, không quá nóng cũng không quá lạnh;
- Không nên có ánh sáng mạnh, ban ngày có thể kéo rèm cửa, ban đêm nên tắt hết đèn hoặc chỉ để đèn mờ tạo cảm giác an toàn cho trẻ;
- Phòng cách âm tốt, yên tĩnh và không có tiếng ồn. Bố mẹ có thể sử dụng tiếng ồn trắng để giúp con dễ ngủ hơn;
- Chăn, drap, nệm êm ái, chất liệu mềm dễ chịu cũng giúp trẻ ngủ ngon hơn;
- Có thể đặt gấu bông trên giường ngủ để giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn.
4. Dinh dưỡng cho trẻ 2 tuổi tốt cho giấc ngủ
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ của trẻ 2 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ rất năng động và có nhu cầu dinh dưỡng cao để phát triển, hoạt động.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngoài uống sữa, ăn cháo, trẻ 2 tuổi cũng nên được tập dần cho ăn cơm nát khoảng 2 bữa/ ngày. Thực đơn hàng ngày nên đa dạng các loại thực phẩm như tôm, cá, thịt, trứng, đậu, rau xanh, củ quả, trái cây…
Bố mẹ nên cân bằng nguồn dinh dưỡng và bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như đạm, chất béo, tinh bột, vitamin khoáng chất. Hạn chế dùng nhiều gia vị, tránh các chất kích thích hệ thần kinh như caffein.
5. Mẹo giúp trẻ ngủ ngon hơn
Bên cạnh những kỹ thuật trên, bố mẹ cũng có thể áp dụng một số mẹo đơn giản giúp trẻ ngủ ngon như:
- Một số chiêu dỗ ngủ hiệu quả bố mẹ có thể áp dụng như xoa đầu, vỗ lưng, vỗ mông nhẹ nhàng, cho trẻ ngậm ti mẹ hoặc ti giả;
- Cho trẻ uống 1 ly sữa ấm trước khi ngủ. Sữa ấm sẽ giúp kích thích sản sinh hormone gây ngủ, xoa dịu não bộ và giúp trẻ ngủ ngon, bổ sung canxi hỗ trợ phát triển chiều cao;
- Đắp lên người trẻ 1 chiếc chăn có độ dày vừa phải để tạo cảm giác an toàn, giúp trẻ dễ ngủ và ngủ ngon hơn;
- Không nên cho trẻ uống nhiều nước trước khi đi ngủ để hạn chế tè dầm ban đêm;
- Ban ngày nên cho trẻ vận động ngoài trời và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tự nhiên. Bởi ánh sáng sẽ giúp kích thích cơ thể tiết ra hormone melatonin vào buổi tối, giúp trẻ ngủ ngon hơn;
Trẻ 2 tuổi ngủ không sâu giấc là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể trẻ trước những thay đổi từ môi trường xung quanh và tác động từ các rối loạn sức khỏe. Bố mẹ cần chú ý quan sát trẻ kỹ lưỡng để có hướng điều chỉnh và cải thiện chất lượng giấc ngủ phù hợp, phòng ngừa các hệ lụy khó lường.
THAM KHẢO THÊM
- Trẻ 1 Tuổi Ngủ Không Sâu Giấc Và Các Mẹo Hay Nên Biết
- Cách Khắc Phục Trẻ Sơ Sinh Ngủ Không Sâu Giấc, Hay Giật Mình
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!