Đau Lưng Cấp: Dấu Hiệu Chẩn Đoán, Điều Trị và Ngăn Chặn
Đau lưng cấp là những cơn đau đột ngột, chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên cơn đau có thể tái phát nhiều lần, nặng nề hơn theo thời gian.
Đau lưng cấp tính là gì?
Đau lưng cấp là hiện tượng bùng phát cơn đau nhức dữ dội từ vùng cạnh dưới sườn, lan rộng đến mông, chính xác là vùng thắt lưng L1 đến nếp mông, có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên.
Cơn đau đột ngột, chỉ diễn ra khoảng 6 – 12 tuần và biến mất, khác với cơn đau lưng mạn tính kéo dài dai dẳng liên tục trên 3 tháng. Đau lưng cấp là căn bệnh phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể gặp phải ít nhất 1 lần trong đời. Thường không quá nguy hiểm, có xu hướng tự khỏi sau thời gian ngắn mà không cần can thiệp y tế.
Tuy nhiên, với những người có thói quen sống không khoa học, có tổn thương cột sống lưng, đau tái đi tái lại liên tục nhưng không điều trị sẽ chuyển thành đau lưng mãn tính. Ngoài ra, người bệnh bị yếu cơ, hạn chế khả năng vận động, nặng hơn có thể gây liệt chi, bại liệt vĩnh viễn.
Dấu hiệu và biểu hiện ở người bị đau lưng cấp
Nhận biết đau lưng cấp thông qua các dấu hiệu sau:
- Đột ngột xuất hiện cảm giác đau thắt lưng, âm ỉ râm ran dọc theo cột sống;
- Cảm nhận rõ sự lan rộng của cơn đau xuống vùng hạ sườn và lằn mông;
- Cơ lưng, đùi, vai cổ bị căng cứng, tê bì khó chịu;
- Cảm giác châm chích, ngứa râm ran từ thắt lưng xuống cẳng chân;
- Cơn đau lưng bùng phát nặng hơn vào ban đêm, khi thực hiện các hoạt động như leo cầu thang, đứng ngồi quá lâu, lái xe trên đường xấu, cúi ngửa người…;
- Kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt, sụt cân, sưng viêm một vài vùng da lưng, đau tại cơ quan sinh dục, rối loạn chức năng ruột, niệu quản, bàng quang gây khó khăn trong việc tiểu tiện…;
Nguyên nhân gây đau lưng cấp tính
Có rất nhiều nguyên nhân và tác nhân có khả năng kích hoạt cơn đau lưng cấp tính như:
- Do duy trì một tư thế trong thời gian dài: Điều này gây ra những căng thẳng cho cột sống, hệ dây chằng, cơ, gân, khớp vùng lưng. Đồng thời, máu huyết lưu thông kém khiến cột sống không đủ dưỡng chất để duy trì hoạt động. Từ đó khởi phát cơn đau nhức lưng âm ỉ khó chịu hoặc đau khi cử động.
- Thời tiết thay đổi đột ngột: Nhiệt độ quá lạnh khi thời tiết giao mùa, chuyển đột ngột từ nóng sang lạnh khiến hệ thống dây chằng, cơ gân khớp, mạch máu và dây thần kinh bị co giãn quá mức, đột ngột và không kịp thích ứng. Lúc này bạn sẽ cảm nhận được cơn đau lưng khó chịu ở 2 bên cột sống và mệt mỏi khó chịu.
- Do các thói quen xấu: Thường xuyên mang giày cao gót, ngồi làm việc hoặc vận động sai tư thế, ăn uống thiếu chất, lười tập thể dục, thức khuya, nghiện rượu bia… đều là những thói quen xấu gây hại cho hệ xương khớp nói chung. Và cơn đau lưng cấp chắc chắn sẽ tìm đến bạn bất kỳ lúc nào.
- Chấn thương: Tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp hoặc gặp va chạm gây chấn thương khi chơi thể thao quá sức, lao động nặng… cũng sẽ gây bùng phát cơn đau lưng cấp tính.
- Ảnh hưởng từ bệnh lý toàn thân: Đau lưng cấp tính có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh xương khớp mãn tính như viêm đau khớp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, loãng xương, viêm cột sống dính khớp… Hoặc các tổn thương tại cột sống liên quan đến nhiễm khuẩn như (vi khuẩn lao, vi khuẩn sinh mủ), bệnh ung thư, sỏi thận, u xơ tuyến tiền liệt, sa tử cung,… đáng lo ngại.
Biện pháp chẩn đoán bệnh đau lưng cấp
Để chẩn đoán đau lưng chủ yếu thông qua các triệu chứng lâm sàng, kết hợp các chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cần thiết. Cụ thể như sau:
Khai thác tiền sử bệnh lý và test khả năng vận động
Bắt đầu buổi thăm khám, bác sĩ và bệnh nhân sẽ tiến hành các kiểm tra sau:
- Khai thác tiền sử bệnh lý: Hỏi thăm về thời điểm, tần suất và mức độ nghiêm trọng của cơn đau lưng…
- Kiểm tra chức năng vận động: Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện các cử động cơ bản như cúi thấp lưng, khom người, ngửa người ra sau, xoay trái, xoay phải…, ấn mạnh vào các vị trí lưng đau và quan sát chuyển động của người bệnh.
Chẩn đoán hình ảnh
Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được áp dụng với người bị đau lưng cấp như:
- Chụp X – quang
- Chụp MRI cộng hưởng từ
- Chụp cắt lớp vi tính CT scan
- …
Xét nghiệm máu
Các kỹ thuật xét nghiệm máu như đo số lượng hồng cầu, chỉ số bạch cầu, tiểu cầu, tốc độ lắng máu hoặc CRP… nhằm xác định các nguyên nhân và vấn đề bệnh lý gây đau lưng do liên quan đến nhiễm trùng xương, u tủy xương…
Phương pháp điều trị đau lưng cấp hiệu quả chuẩn y tế
Theo các chuyên gia, mục đích của việc điều trị đau lưng cấp chủ yếu là chấm dứt cơn đau và kiểm soát các triệu chứng liên quan. Thông thường, phác đồ điều trị sẽ được chỉ định bởi các chuyên gia, bác sĩ gồm 4 y lệnh sau:
1. Cách xử lý cơn đau lưng tức thì
Giảm đau lưng ngay tại thời điểm bùng phát cơn đau là chìa khóa chủ chốt trong điều trị đau lưng cấp. Để giảm đau lưng có rất nhiều cách gồm:
- Nghỉ ngơi: Ngưng mọi hoạt động thể chất, công việc đang làm và hạn chế tối đa việc thay đổi tư thế liên tục, di chuyển nhanh. Trong vòng 30 phút đầu bạn có thể nằm yên một chỗ để các khối cơ lưng được nghỉ ngơi. Sau đó hãy đi lại nhẹ nhàng hoặc tập nhẹ.
- Chọn tư thế nằm phù hợp: Để nghỉ ngơi hiệu quả giảm đau lưng, các chuyên gia khuyến khích bạn nên nằm theo cách sau: lót một chiếc gối mỏng dưới đốt sống cổ, một gối mỏng kê dưới lưng và một gối kê dưới kheo chân. Khi nằm được 30 phút, thay đổi sang tư thế nằm nghiêng, thực hiện từ từ chậm rãi. Sau 3 ngày thực hiện, cơn đau lưng cấp sẽ thuyên giảm rõ rệt.
- Chườm nóng/ chườm lạnh: Nhiệt nóng giúp làm giãn cơ lưng bị co thắt gây đau, còn nhiệt lạnh giúp ức chế cơn đau lưng có kèm theo dấu hiệu sưng viêm. Bạn có thể thực hiện chườm nhiệt 30 phút/ lần, nhiều lần trong ngày. Để đạt hiệu quả giảm đau tốt nhất, hãy áp dụng cách này trong vòng 24 giờ đầu tiên kể từ thời điểm bùng phát cơn đau.
- Tắm nước ấm: Đây cũng là một cách hay giúp cải thiện cơn đau lưng cấp nhanh chóng. Nhiệt độ ấm nóng của nước giúp xoa dịu áp lực trên cột sống, thư giãn cơ lưng và giảm đau nhanh chóng. Cách này chỉ đem lại hiệu quả tạm thời, bạn có thể thực hiện hàng ngày để đạt kết quả tốt nhất.
- Xoa bóp, massage: Các động tác massage xoa bóp nhẹ nhàng lên vùng lưng, đặc biệt tác động tích cực đến các nhóm huyệt vị làm khai thông kinh mạch, tăng tuần hoàn khí huyết, giải phóng sự chèn ép trên các dây thần kinh, đĩa đệm, cột sống, hệ thống gân, cơ, dây chằng. Từ đó giảm nhanh cơn đau lưng cấp và hỗ trợ tốt quá trình phục hồi tổn thương lưng. Ngoài ra, những người bị đau lưng do ngồi sai tư thế, căng cơ, lao động quá sức… phù hợp thực hiện cách này.
XEM THÊM: 10 Miếng Dán Đau Lưng Tốt Hỗ Trợ Giảm Đau Nhanh
2. Điều trị bằng thuốc Tây
Sau các biện pháp chăm sóc, giảm đau tại nhà nhưng không hiệu quả hoặc muốn đẩy nhanh quá trình dứt điểm cơn đau lưng cấp, bạn có thể sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc trị đau lưng cấp thường dùng như:
- Thuốc giảm đau: Gồm các loại phổ biến như Acetaminophen (Paracetamol, Efferalgan), Tramadol, Efferalgan Codein, Morphin… Tùy từng trường hợp và mức độ đau, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc và liều dùng phù hợp.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Để đối phó với cơn đau lưng cấp nặng hơn, liên quan đến viêm sưng và không đáp ứng với Paracetamol, NSAID như Ibupufen, Diclofenac, Meloxicam… sẽ được sử dụng.
- Thuốc giãn cơ: Thường dùng cho người bị đau lưng cấp do các khối cơ vùng lưng bị co cứng hoặc co thắt. Khi vào trong cơ thể, thuốc làm giãn cơ, xoa dịu sự căng cứng và giúp giảm đau. Có 2 loại thuốc giãn cơ thường dùng là:
- Mydocalm: Liều cơ bản 3 viên/ ngày, mỗi viên 150mg hoặc 4 viên/ ngày nếu dùng viên 50mg.
- Myonal: Dùng 3 viên 50mg/ ngày.
- Thuốc chống trầm cảm: Liều thấp thuốc chống trầm cảm được nghiên cứu và nhận định đem lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát cơn đau lưng cấp nghiêm trọng. Thuốc còn giúp an thần, giảm căng thẳng, xoa dịu thần kinh, ổn định tâm lý và cải thiện chất lượng giấc ngủ, hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị đau lưng cấp.
Thuốc trị đau lưng cần được dùng đúng với chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
3. Điều trị đau lưng cấp theo Đông y
Đau lưng cấp trong Đông y được gọi là chứng Yêu thống và do nhiều nguyên nhân gây ra như hàn thấp (cơ thể nhiễm lạnh gây tắc nghẽn kinh lạc, bế tắc khí huyết), thấp nhiệt (do nhiễm tà khí thấp nhiệt gây ủng trệ kinh lạc), nội thương (làm việc quá độ, sức yếu, thận tinh suy yếu), bất nội ngoại nhân (khí trệ ứ huyết, thay đổi tư thế đột ngột)…
Tùy theo mỗi thể bệnh khác nhau mà thầy thuốc sẽ chỉ định phương thuốc phù hợp với pháp trị hiệu quả. Có thể kể đến như:
Bài thuốc chữa đau lưng cấp do phong hàn thấp
Phép trị: Thông kinh hoạt lạc, khu phong, tán hàn, trừ thấp
Phương thuốc: Can khương thương truật gia giảm. Cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị các vị thuốc gồm khương hoạt, ngưu tất và tang ký sinh mỗi vị 12g, thương truật và quế chi mỗi vị 8g cùng 6g can khương.
- Sắc mỗi ngày 1 thang thuốc, chia làm 2 lần uống.
Điều trị kết hợp
- Thủy châm: Đưa vitamin B12 và B6 vào các huyệt giáp tích L4/5 hoặc đại trường du.
- Châm cứu: Vào các huyệt đại trường du, ủy trung, thận du, hoàn khiêu, dương lăng tuyền, giáp tích 11 – 15, a thị huyệt…
- Xoa bóp: Bằng các thủ thuật day, ấn, lăn, bấm tại các huyệt vị vùng thắt lưng bị co cứng.
Bài thuốc chữa đau lưng cấp do khí trệ huyết ứ
Phép trị: Thư cân hoạt lạc và hoạt huyết hóa ứ
Phương thuốc: Thân thống trục ứ thang. Cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị các các vị thuốc gồm khương hoạt, tần giao và một dược mỗi vị 12g, ngũ đào nhân, ngữ linh chi và địa long mỗi vị 8g, hồng hoa, xuyên khung và ngưu tất mỗi vị 10g, 16g đương quy, 6g hương phụ và 4g cam thảo.
- Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 2 phần uống hết trong ngày.
Điều trị kết hợp: Châm cứu, thủy châm, xoa bóp tương tự như cách thực hiện vừa nêu trên.
Bài thuốc chữa đau lưng cấp ở người già do thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống
Phép trị: Thông kinh hoạt lạc, khu phong tán hàn và bồi dưỡng can thận.
Phương thuốc: Độc hoạt tang ký sinh thang gia giảm hoặc Bổ thận thang gia giảm. Cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị thục địa, đỗ trọng, phòng kỷ, kỷ tử, tục đoạn, độc hoạt và khương hoạt mỗi vị 12g, bổ cốt chỉ, thương truật và thỏ ty tử mỗi vị 8g, 16g cẩu tích.
- Sắc mỗi ngày 1 thang, phần thuốc thu được chia làm 2 phần uống hết trong ngày.
Điều trị kết hợp: Châm cứu, thủy châm và xoa bóp tương tự với các dạng bệnh trên.
4. Vật lý trị liệu
Ngoài dùng thuốc, vật lý trị liệu cũng là một trong những giải pháp hiệu quả giúp đẩy lùi cơn đau lưng cấp và phục hồi chức năng cột sống ổn định bình thường.
Các liệu pháp vật lý trị liệu được khuyến khích gồm: Bài tập kéo giãn cơ, cột sống lưng kết hợp nhiệt trị liệu (chiếu đèn hồng ngoại), điện trị liệu (siêu âm, sóng ngắn, điện phân dẫn thuốc…) và châm cứu bấm huyệt nhằm giải phóng các khối chèn ép. Hầu hết trường hợp giảm hơn 65% mức độ đau, có thể cử động, đi lại thẳng lưng, nhẹ nhàng sau 3 ngày áp dụng.
Khi kết thúc trị liệu, người bệnh sẽ được hướng dẫn thêm một số bài tập trị liệu để tự tập tại nhà. Vừa giúp dứt điểm tận gốc cơn đau vừa phòng ngừa chúng tái phát trở lại. Có thể kể đến một số động tác sau:
- Bài tập 1: Nằm thẳng lưng, thả lỏng trên giường, tay chân duỗi thẳng và hít thở đều. Từ từ kéo đầu gối áp sát về phía bụng và dùng 2 tay ôm lấy đầu gối. Giữ nguyên tư thế này trong vòng 10 giây rồi trở về tư thế ban đầu. Thực hiện liên tục khoảng 10 lần/ bên chân.
- Bài tập 2: Nằm ngửa thả lỏng, co 2 đầu gối về phía ngực, dùng tay ôm chặt 2 đầu gối trong 10 giây. Thả tay ra rồi hạ chân xuống duỗi thẳng. Lặp đi lặp lại động tác này khoảng 15 – 20 lần.
- Bài tập 3: Nằm thẳng, 2 tay duỗi ngang hông. Từ từ co 2 đầu gối lên sao cho 2 bàn chân đứng thẳng lên mặt sàn. Dồn lực xuống chân, tay rồi nâng hông, lưng lên khỏi mặt giường, giữ tư thế này khoảng 5 giây rồi thả lỏng, hạ lưng xuống. Lặp lại động tác này 15 – 20 lần.
5. Can thiệp ngoại khoa (nếu cần thiết)
Phần lớn các trường hợp bị đau lưng cấp tính thường đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị nội khoa, không cần phẫu thuật. Những trường hợp đau nặng và do vấn đề nghiêm trọng có thể cân nhắc thực hiện phẫu thuật. Gồm:
- Bị gãy xương, hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm, bị dị tật cột sống bẩm sinh;
- Dây thần kinh tủy sống nối liền với cột sống bị chèn ép quá mức;
- Đau lưng nghiêm trọng do cấu trúc xương bị tổn thương, yếu cơ hoặc bị bại liệt;
- …
Một số phương pháp phẫu thuật thường dùng như: mổ hở hoặc mổ nội soi loại bỏ nhân thoát vị, giải phóng sự chèn ép dây thần kinh… Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp can thiệp thích hợp nhất.
Hầu hết các trường hợp sau khi can thiệp phẫu thuật đều đem lại kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, cũng cần hết sức thận trọng vì bất kỳ can thiệp ngoại khoa nào cũng tiềm ẩn các rủi ro khó lường.
Cách chăm sóc phòng ngừa đau lưng cấp
Đau lưng cấp rất khó tránh khỏi vì con người chúng ta luôn phải hoạt động, di chuyển để làm việc, học tập và vui chơi giải trí. Do đó, việc phòng ngừa chủ yếu nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ tái phát hoặc khởi phát cơn đau lần đầu, phòng ngừa các biến chứng khó lường về sức khỏe xương khớp nói chung.
Dưới đây là những biện pháp bạn cần thực hiện càng sớm càng tốt, dù là người già hay người trẻ:
- Tạo thói quen tập luyện thể dục thể thao hàng ngày, chọn bộ môn phù hợp và vừa sức với bản thân.
- Trước và sau khi tập luyện bất kỳ bộ môn nào hãy thực hiện kỹ bước khởi động để căng giãn các cơ, phòng ngừa chấn thương.
- Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học để bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho hệ xương khớp khỏe mạnh, phòng ngừa các cơn đau lưng cấp. Ngoài ra, khẩu phần ăn phù hợp với nhu cầu của cơ thể còn giúp duy trì cân nặng chuẩn, loại trừ nguyên nhân hàng đầu gây đau lưng cấp và các bệnh lý xương khớp khác.
- Từ bỏ thuốc lá, cà phê, rượu bia càng sớm càng tốt để bảo vệ sự khỏe mạnh của hệ xương khớp nói chung.
- Duy trì thực hiện tư thế đúng trong mọi hoàn cảnh như ngồi, đứng, đi lại, cúi người khuân vác vật nặng… Tránh dùng sức quá nhiều, tránh các cử động sai tư thế, nhất là với những người đã từng có tiền sử vài lần đau lưng cấp.
- Hạn chế mang giày cao gót trong thời gian dài, thay vào đó là các loại giày bệt, đế phẳng, giày thể thao… để giữ đường cong sinh lý tự nhiên của lưng, hạn chế bị đau lưng cấp.
Đau lưng cấp tuy không kéo dài quá lâu nhưng cũng đủ để bạn “ám ảnh” vì khiến bạn ăn không ngon, ngủ không yên. Dù có thể tự khỏi nhưng người bệnh không nên chủ quan, hãy thăm khám sớm để được chẩn đoán nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Đau Lưng Bên Trái Là Bệnh Gì? Khắc Phục Thế Nào?
- Đau Lưng Bên Phải Là Bị Gì? Hướng Dẫn Điều Trị Và Phòng Ngừa
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!