Hướng Dẫn Cách Chăm Sóc Hội Chứng Thận Hư Ở Trẻ Em
Song song việc tuân thủ phác đồ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, ba mẹ cần có chế độ chăm sóc hội chứng thận hư ở trẻ em. Điều này giúp trẻ sớm cải thiện tình trạng bệnh.
Chi tiết cách chăm sóc hội chứng thận hư ở trẻ em
Hội chứng thận hư ở trẻ em là hiện tượng rò rỉ protein trong nước tiểu (protein niệu) với nồng độ > 3.5g/24 giờ, chỉ số protein và albumin trong máu giảm xuống (protein < 60g/ lít, albumin < 30g/ lít). Đồng thời, chỉ số cholesterol máu tăng lên ≥ 6,5 mmol/lít.
Đây là một trong những bệnh lý về tổn thương cầu thận khá phổ biến, đặc biệt là trẻ em từ 2 – 6 tuổi. Có đến 90% trẻ mắc hội chứng thận hư là vô căn và đáp ứng với phác đồ điều trị đặc hiệu bằng Corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch.
Ngoài điều trị y tế theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, phụ huynh cũng cần nắm rõ cách chăm sóc hội chứng thận hư ở trẻ em để giúp trẻ sớm khắc phục bệnh.
1. Về chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị, chăm sóc phục hồi sức khỏe và phòng ngừa tái phát cho trẻ mắc hội chứng thận hư. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, xây dựng thực đơn ăn uống cho trẻ mắc bệnh này cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Bổ sung đầy đủ và cân bằng các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như bình thường.
- Ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm giàu đạm nhằm bù đắp lượng đạm thiếu hụt do bị mất qua nước tiểu. Lưu ý không bổ sung thừa đạm để giảm nguy cơ gây xơ hóa cầu thận và suy thận ở trẻ em.
- Đảm bảo cung cấp đủ 200mg lượng cholesterol trong ngày thông qua các loại thực phẩm;
- Cho trẻ ăn nhạt, ưu tiên chế biến các món thanh đạm, ít muối. Theo khuyến cáo, lượng muối dùng trong chế biến thức ăn cho trẻ bị hội chứng thận hư là 1 – 2g/ ngày, tương đương với 25-50mg lượng natri/ kg/ cân nặng/ ngày.
- Cho trẻ uống vừa đủ nước hoặc ít hơn thường ngày 1 chút. Giảm các món canh, súp nhiều nước trong giai đoạn trẻ đang bị sưng phù nghiêm trọng. Cách tính thể tích nước như sau: V nước = V nước tiểu + V lượng dịch mất đi (do sốt, tiêu chảy, nôn ói) + 35 – 45ml/ kg cân nặng.
- Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, beta-carotene, selenium, kali… từ rau xanh, củ quả, trái cây có màu vàng, đỏ (như cam, xoài, táo, cà rốt, đu đủ,…). Chúng có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, làm tăng cường miễn dịch, chống lại sự tấn công của các gốc tự do đến cầu thận. Từ đó hỗ trợ phục hồi và phòng ngừa biến chứng suy thận.
2. Về chế độ sinh hoạt, vận động
Trẻ mắc hội chứng thận hư thường xuyên mệt mỏi do sự ảnh hưởng tiêu cực từ các triệu chứng bệnh. Điều này khiến trẻ có xu hướng ít vận động, sinh hoạt kém điều độ và khiến bệnh ngày càng nặng hơn. Do đó, các chuyên gia khuyến khích:
- Cho trẻ đi học bình thường nếu điều kiện sức khỏe cho phép;
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể, tập thể dục, vận động thể chất để nâng cao sức đề kháng;
- Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tắm gội hàng ngày;
- Giữ ấm cơ thể trong suốt quá trình điều trị, phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn;
- Thử nước tiểu vào mỗi buổi sáng hàng ngày và ghi lại số liệu để theo dõi kết quả, thông báo cho bác sĩ trong lần tái khám tiếp theo;
3. Theo dõi và tái khám định kỳ
Đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám định kỳ, theo dõi và đánh giá diển tiến của bệnh. Nếu có bất thường sẽ được điều chỉnh ngay để phù hợp với quá trình điều trị, thể trạng sức khỏe của trẻ.
Một số bước theo dõi và kiểm tra khi tái khám cho trẻ bị hội chứng thận hư như:
- Kiểm tra nồng độ đạm trong nước tiểu bằng thủ thuật thử que nhúng;
- Theo dõi sát sao và phân tích các dấu hiệu tái phát như đau bụng, nôn ói, phù nề, mệt mỏi, sốt, ho, tiểu có bọt, tiểu ra máu…;
- Kiểm tra và tư vấn hướng xử lý các tác dụng phụ của thuốc xảy ra trong quá trình áp dụng phác đồ đặc trị hội chứng thận hư;
- Nhắc nhở phụ huynh bảo vệ trẻ khỏi những người đang mắc bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là sởi và thủy đậu;
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine ngừa bệnh cần thiết theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Lưu ý không được tiêm các loại vaccine sống như quai bị, sởi, rubella… khi đang điều trị bệnh bằng phác đồ thuốc kháng sinh liều cao;
Trên đây là một số nguyên tắc chung về cách chăm sóc hội chứng thận hư ở trẻ em theo hướng dẫn của chuyên gia y tế. Các bậc phụ huynh nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán điều trị và tư vấn cách chăm sóc phù hợp, an toàn nhất.
THAM KHẢO THÊM
- Thực Đơn Cho Trẻ Bị Hội Chứng Thận Hư Các Mẹ Nên Biết
- Hội Chứng Thận Hư Tái Phát Nguy Hiểm Không? Cách Xử Lý Hiệu Quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!