Hội Chứng Thận Hư Là Bệnh Gì? Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Thận hư Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Hội chứng thận hư là một dạng tổn thương ở thận gây ra những triệu chứng bất thường. Tình trạng này liên quan đến các bệnh lý ở thận, tiểu đường, bệnh lupus ban đỏ hệ thống… Vì có khả năng gây nhiều biến chứng nguy hiểm nên bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Hội chứng thận hư là bệnh gì?

Hội chứng thận hư là thuật ngữ chỉ một nhóm các triệu chứng liên quan đến sự tổn thương hoặc rối loạn của thận gây ra những triệu chứng nghiêm trọng. Điều này xảy ra khi thận hoạt động không bình thường khiến cơ thể đào thải nhiều protein qua nước tiểu, cơ thể sưng tấy, mệt mỏi kèm theo nhiều biểu hiện khác.

Hội chứng thận hư
Hội chứng thận hư là một nhóm các triệu chứng liên quan đến tổn thương và rối loạn của thận

Ngoài ra hội chứng thận hư làm giảm nồng độ albumin và tăng lipid trong máu. Đồng thời làm tăng nguy cơ khởi phát nhiều biến chứng nguy hiểm như: Sự hình thành máu đông, tổn thương thận cấp tính, suy thận mãn tính, nhiễm trùng…

Nguyên nhân gây hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư thường là kết quả của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Điều này có thể bao gồm những bệnh lý ở thận hoặc những tình trạng ảnh hưởng đến thận và cơ thể. 

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:

1. Nguyên nhân nguyên phát

Hội chứng thận hư thường liên quan đến một bệnh cầu thận và được giới hạn ở thận, bao gồm:

  • Bệnh cầu thận thay đổi tối thiểu (MCD): MCD làm ảnh hưởng đến thận và phát triển hội chứng thận hư. Điều này thường phổ biến hơn ở trẻ em.
  • Xơ hóa cầu thận giai đoạn khu trú (FSGS): Xơ hóa cầu thận giai đoạn khu trú thường gây hội chứng thận hư ở người lớn. Bệnh lý này được đặc trưng bởi sự phát triển của mô sẹo trong tiểu cầu thận.
  • Viêm cầu thận màng (MGN): Viêm cầu thận màng là một bệnh thận tiến triển chậm. Bệnh lý này làm tăng mức độ rò rỉ ở thận, ảnh hưởng đến hầu hết những người có độ tuổi từ 30 – 50 tuổi.
  • Viêm cầu thận màng tăng sinh (MPGN): Đây là một loại viêm cầu thận liên quan đến sự lắng động trong màng đáy cầu thận và sự dày lên của màng thận. Điều này làm hỏng cầu thận và phát sinh nhiều vấn đề khác.
  • Viêm cầu thận tiến triển nhanh (RPGN): Bệnh thường được biểu hiện dưới dạng hội chứng thận hư. Trong đó cầu thận có hình trăng lưỡi liềm và mất chứng năng nhanh chóng. Viêm cầu thận tiến triển nhanh không được điều trị kịp thời sẽ phát triển thành suy thận và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.
Viêm cầu thận tiến triển nhanh (RPGN)
Viêm cầu thận tiến triển nhanh (RPGN) là bệnh lý nguy hiểm, được biểu hiện dưới dạng hội chứng thận hư

2. Nguyên nhân thứ phát

Những nguyên nhân dưới đây có thể làm khởi phát hội chứng thận hư, bao gồm:

  • Đái tháo đường: Ở những bệnh nhân bị đái tháo đường, lượng đường dư thừa trong máu tích tụ và gây viêm ở thận. Điều này làm giảm chức năng của thận, rò rỉ protein vào nước tiểu kèm theo những triệu chứng nghiêm trọng.
  • U hạt (Sarcoidosis): Bệnh lý này xảy ra khi có sự tập hợp bất thường của những tế bào viêm khiến một hoặc nhiều khối u hình thành. Theo thời gian sự tích tụ của u hạt viêm trong cầu thận sẽ gây ra những rối loạn và tổn thương ở thận. U hạt viêm bắt đầu ở da, phổi và hạch bạch huyết.
  • Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống: Đây là một bệnh tự miễn dịch làm ảnh hưởng đến da, thận, khớp xương và một số cơ quan khác. Trong đó sự lắng đọng của những phức hợp miễn dịch sẽ gây viêm thận.
  • Rối loạn di truyền: Đôi khi hội chứng thận hư là một rối loạn di truyền hiếm gặp. Trong đó nephrin bị thay đổi, một thành phần của hàng rào lọc cầu thận.
  • Thuốc: Một số loại thuốc như penicillin, captopril, muối vàng, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc chống viêm không steroid (NSAID)… có khả năng gây bệnh. Trong đó muối vàng làm tích tụ kim loại và thúc đẩy quá trình đào thải protein quan trọng trong nước tiểu. Ngoài ra penicillin gây độc cho thận ở những bệnh nhân bị suy thận và captopril làm tăng mức độ nghiêm trọng của chứng protein niệu.
  • Ung thư: Sự xâm lấn và phát triển của những tế bào ung thư vào cầu thận khiến thận bị tổn thương và làm rối loạn hoạt động bình thường.
  • Viêm mạch: Viêm mạch máu ở cầu thận làm cản trở lưu thông máu và khiến thận bị hư hỏng.
  • Amyloidosis: Đây là một nhóm bệnh lý thể hiện cho sự lắng động của những protein có cấu trúc dị thường (còn được gọi là những) trong mô
  • Một số nguyên nhân khác:
    • Đa u tủy
    • Hội chứng Sjögren
    • Bệnh giang mai
    • Những bệnh lý nhiễm trùng như viêm gan B, viêm gan C, sốt rét, HIV

Dấu hiệu nhận biết hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư gây ra những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:

  • Cơ thể mệt mỏi
  • Ăn mất ngon
  • Sưng nặng (phù nề). Triệu chứng này thường rõ rệt nhất ở những vùng quanh mắt, chân, bàn chân và mắt cá chân. Trong nhiều trường hợp, người bệnh còn bị sưng tay và mặt.
  • Nước tiểu có bọt do dư thừa protein trong nước tiểu
  • Nồng độ chất béo và cholesterol cao trong máu (tăng lipid máu)
  • Nồng độ albumin trong máu thấp (hạ albumin máu)
  • Chậm lớn ở trẻ nhỏ
Hội chứng thận hư thường gây phù nề ở chân, bàn chân và mắt cá chân
Hội chứng thận hư thường gây phù nề ở chân, bàn chân và mắt cá chân kèm theo mệt mỏi, chậm lớn

Nếu hội chứng thận hư gây ứ dịch, người bệnh còn gặp một số triệu chứng nghiêm trọng sau:

  • Tràn dịch khớp gây đau khớp
  • Phù thanh quản hoặc tràn dịch màng phổi dẫn đến khó thở
  • Cổ trướng hoặc phù nề mạc treo ở bệnh nhi gây đau bụng.

Các biến chứng của hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư không được kiểm soát sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Hình thành cục máu đông: Quá trình lọc máu ở tiểu cầu thận không được thực hiện đúng cách khiến các protein trong máu (protein ngăn ngừa đông máu) mất đi. Điều này khiến cục máu đông hình thành và phát triển trong tĩnh mạch.
  • Huyết áp cao: Tổn thương cầu thận không được kiểm soát làm tăng sự tích tụ chất lỏng dư thừa trong cơ thể, dẫn đến huyết áp cao.
  • Suy dinh dưỡng protein: Mất quá nhiều protein khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng. Thường gặp ở những bệnh nhân có lượng protein bị mất trong nước tiểu cao hơn lượng ăn vào. Tuy nhiên tình trạng phù nề có thể che lắp vấn đề này.
  • Thiếu máu và thiếu vitamin D: Bệnh có thể làm tăng tình trạng thiếu hụt vitamin D và gây thiếu máu. Bởi protein liên kết với vitamin D bị mất. Điều này cũng làm tăng nguy cơ hạ canxi máu do thiếu vitamin D.
  • Tổn thương thận cấp tính: Hội chứng thận hư làm mất khả năng lọc máu, những chất thải tích tụ gây tổn thương thận cấp tính.
  • Bệnh thận mãn tính: Những rối loạn ở thận khiến cơ quan này mất chức năng theo thời gian. Từ đó gây ra bệnh thận mãn tính, người bệnh cần tiến hành ghép thận hoặc lọc máu để điều trị.
  • Tăng cholesterol và albumin: Khi nồng độ albumin protein trong máu giảm xuống, các albumin sẽ được tạo ra nhiều hơn, cholesterol và chất béo trung tính cũng được giải phóng nhiều hơn.
  • Nhiễm trùng: Hội chứng thận hư làm tăng tính nhạy cảm đối với những tình trạng nhiễm trùng. Nguyên nhân là do rò rỉ globulin miễn dịch từ máu. Một số biến chứng liên quan gồm viêm phúc mạc do vi khuẩn tự phát, nhiễm trùng máu, viêm màng não…
  • Hội chứng Cushing: Bệnh lý này có thể là kết quả của hội chứng thận hư không được điều trị.

Phân loại hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư được phân thành 2 loại dựa trên nguyên nhân cơ bản, bao gồm:

  • Nguyên phát
  • Thứ phát

Hội chứng thận hư được phân loại dựa trên mô học, gồm:

  • Bệnh cầu thận thay đổi tối thiểu (MCD)
  • Xơ hóa cầu thận giai đoạn khu trú (FSGS)
  • Viêm cầu thận màng (MGN)
  • Viêm cầu thận màng tăng sinh (MPGN)

Chẩn đoán hội chứng thận hư như thế nào?

Có nhiều kỹ thuật giúp phát hiện hội chứng thận hư. Trong lần thăm khám đầu tiên, người bệnh được khám lâm sàng (gồm đánh giá triệu chứng, kiểm tra tiền sử bệnh…) để chẩn đoán sơ bộ và chỉ định những thủ tục thích hợp.

Sau kiểm tra lâm sàng, những thủ tục và xét nghiệm dưới đây có thể được thực hiện để xác định chẩn đoán:

Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu thường được chỉ định để kiểm tra nồng độ protein trong nước tiểu
  • Xét nghiệm nước tiểu: Cho phép kiểm tra nồng độ protein trong nước tiểu. Trong đó nồng độ protein tăng cao có thể biểu hiện cho rối loạn.
  • Xét nghiệm máu: Được chỉ định để kiểm tra nồng độ protein albumin, cholesterol, triglycerid, creatinine và nitơ urê trong máu. Những chỉ số này giúp phát hiện vấn đề và đánh giá chức năng của thận. Ngoài ra xét nghiệm máu cũng giúp xác định một số nguyên nhân gây hội chứng thận hư, chẳng hạn như tiểu đường và các bệnh tự miễn. Kết quả xét nghiệm cho thấy một người bị rối loạn chức năng thận:
    • Nồng độ Albumin huyết thanh thường < 2,5 g/dL (25 g/L)
    • Tăng nồng độ Cholesterol và triglyceride toàn phần
    • Sự thay đổi nồng độ urê máu và creatinine theo mức độ suy thận
  • Sinh thiết thận: Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được yêu cầu sinh thiết thận. Trong đó một mẫu mô thận nhỏ được lấy ra và kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Hội chứng thận hư thường được chẩn đoán phân biệt với những tình trạng y tế sau:

  • Suy tim và suy gan (cả hai rối loạn này đều có biểu hiện phù nề)
  • Protein niệu

Sau quá trình kiểm tra, người bệnh được chỉ định điều trị dựa trên tình trạng cụ thể.

Phương pháp điều trị hội chứng thận hư

Điều trị hội chứng thận hư phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Hầu hết bệnh nhân được yêu cầu sử dụng thuốc điều trị nguyên nhân và kiểm soát rối loạn. Từ đó giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh và ngăn tổn thương tiến triển.

Ngoài ra người bệnh còn được yêu cầu áp dụng những biện pháp chăm sóc, thay đổi lối sống… để tăng hiệu quả điều trị, ngăn rối loạn tái phát.

Nguyên tắc điều trị:

  • Kiểm soát rối loạn, điều trị nguyên nhân
  • Cắt giảm triệu chứng
  • Ngăn các rối loạn tái phát
  • Ngăn ngừa biến chứng.

Phương pháp điều trị cụ thể:

1. Dùng thuốc

Thuốc điều trị hội chứng thận hư gồm:

  • Thuốc huyết áp

Thuốc huyết áp (chất ức chế men chuyển angiotensin – ACE) được sử dụng để làm giảm huyết áp và giảm nồng độ protein thải ra trong nước tiểu. Trong đó lisinopril, benazepril, captopril và enalapril là những loại thuốc thường được sử dụng.

  • Thuốc lợi tiểu

Nhóm thuốc này thường được sử dụng trong điều trị hội chứng thận hư. Thuốc có tác dụng giảm nhanh tình trạng phù nề. Đối với những trường hợp bị phù nề nặng hoặc có tình trạng nhiễm trùng nặng, thuốc lợi tiểu có thể được sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch.

Những loại thuốc lợi tiểu thường được sử dụng gồm furosemide (Lasix), thiazide, spironolactone (Aldactone, Carospir).

Thuốc lợi tiểu được sử dụng để điều trị phù nề do những rối loạn của thận
Thuốc lợi tiểu được sử dụng để điều trị phù nề các chi và mặt do những rối loạn của thận
  • Thuốc giảm cholesterol

Bệnh nhân thường được yêu cầu sử dụng Statin hoặc một loại thuốc giảm cholesterol khác. Thuốc có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol trong máu. Từ đó làm giảm mức độ nghiêm trong của hội chứng thận hư và các triệu chứng liên quan.

  • Thuốc chống đông máu

Thuốc chống đông máu hay còn gọi là thuốc làm loãng máu. Nhóm thuốc này được sử dụng để làm giảm khả năng đông máu của bạn. Từ đó phòng ngừa hình thành cục máu đông do rối loạn ở thận.

Warfarin (Coumadin, Jantoven), apixaban (Eliquis) và rivaroxaban (Xarelto), heparin, dabigatran (Pradaxa)… là những loại thuốc đông máu thường được sử dụng.

  • Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch

Thuốc ức chế miễn dịch (chẳng hạn như Corticosteroid) được sử dụng cho những trường hợp mắc hội chứng thận hư do các bệnh lý tự miễn, như lupus ban đỏ. Thuốc có tác dụng ức chế phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch, giảm viêm và đau.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Corticosteroid (như Prednisone) có khả năng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, giảm protein niệu và giải quyết tình trạng phù nề.

Liều lượng:

    • Trong lần điều trị đầu tiên, dùng Prednisone với liều 60 mg/m2 diện tích cơ thể, sử dụng trong 4 – 8 tuần. Giảm liều còn 40 mg/m2 trong 4 tuần tiếp theo.
    • Đối với trẻ em hoặc những người bị tái phát, Prednisolone được dùng ở liều 2 mg/ kg trọng lượng /ngày, sử dụng liên tục đến khi nước tiểu âm tính vối protein. Sau đó giảm liều còn 1,5 mg/ kg trọng lượng/ngày trong 4 tuần.
  • Thuốc điều trị tiểu đường

Nếu những rối loạn ở thận xảy ra do bệnh tiểu đường, người bệnh sẽ được sử dụng các thuốc điều trị tiểu đường. Nhóm thuốc này có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu.

  • Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh được chỉ định cho những bệnh nhân bị hội chứng thận hư do những tình trạng nhiễm trùng hoặc có biến chứng nhiễm trùng. Nhóm thuốc này có tác dụng điều trị tác nhân gây nhiễm trùng và giảm những triệu chứng liên quan.

XEM THÊM: Hội Chứng Thận Hư Kháng Thuốc Và Cách Điều Trị Tốt Nhất

2. Lối sống và biện pháp chăm sóc tại nhà

Thay đổi lối sống và chăm sóc tại nhà được thêm vào phác đồ điều trị hội chứng thận hư của Bộ Y tế để hỗ trợ điều trị và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.

  • Nghỉ ngơi

Những người bị hội chứng thân hư được khuyên nghỉ ngơi hợp lý. Điều này giúp giảm bớt tình trạng phù nề và phục hồi cơ thể. Tuy nhiên không nên nằm lâu trên giường để tránh nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch.

  • Thay đổi chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp hỗ trợ kiểm soát những rối loạn ở thận và ngăn ngừa biến chứng. Cụ thể:

Bổ sung protein nạc
Bổ sung protein nạc để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt protein do thận tổn thương và đài thải quá mức
    • Bổ sung protein nạc: Giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, ngăn ngừa suy dinh dưỡng và thiếu hụt protein do quá trình đào thải diễn ra quá mức.
    • Giảm lượng chất béo và cholesterol: Hạn chế ăn mỡ, nội tạng động vật… để giảm lượng chất béo và cholesterol trong chế độ ăn uống hàng ngày. Điều này giúp kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu và ngăn rối loạn ở thận thêm nghiêm trọng.
    • Giảm chất lỏng: Người bệnh cần giảm lượng chất lỏng trong chế độ ăn uống hàng ngày để giảm bớt triệu chứng phù nề và đào thải protein trong nước tiểu.
    • Giảm muối: Thực hiện một chế độ ăn ít muối để kiểm soát tình trạng sưng tấy, ngăn kích thích phản ứng viêm trong cơ thể.

ĐỌC NGAY: Người Bị Hội Chứng Thận Hư Nên Ăn Gì, Kiêng Gì Là Tốt Nhất?

3. Can thiệp ngoại khoa

Nếu giảm albumin máu dai dẳng và suy thận, bác sĩ có thể xem xét một trong những phương pháp sau:

  • Lọc máu: Lọc máu thường được chỉ định cho những bệnh nhân có rối loạn ở thận kéo dài dẫn đến hỏng hoặc suy thận.
  • Phẫu thuật cắt thận: Hiếm khi hội chứng thận hư được yêu cầu phẫu thuật. Thông thường người bệnh chỉ được yêu cầu phẫu thuật cắt thận khi điều trị bảo tồn thất bại.

Tiên lượng

Tiên lượng của hội chứng thận hư phụ thuộc vào khả năng đáp ứng với điều trị và nguyên nhân gây bệnh. Mặc dù vậy bệnh lý này có tiên lượng tương đối tốt (đặc biệt là trẻ em). So với trẻ em dậy thì, trẻ em dưới 5 tuổi thường có tiên lượng xấu hơn vì có nguy cơ suy thận cao hơn.

Nếu rối loạn xảy ra do viêm cầu thận màng tăng sinh, thận có thể bị hỏng trong vòng 3 năm kể từ khi khởi phát. Để điều trị, bệnh nhân cần lọc máu sau đó là ghép thận.

Xơ hóa cầu thận giai đoạn khu trú có thể gây bệnh thận mãn tính. Điều này thường phổ biến hơn ở những người không sớm kiểm soát những rối loạn ở thận.

Để cải thiện tiên lượng, người bệnh cần sớm thăm khám, xác định tình trạng và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt là những bệnh nhân bị viêm cầu thận tiến triển nhanh có thể gây suy thận cấp chỉ sau vài tháng.

Biện pháp phòng ngừa hội chứng thận hư

Một số nguyên nhân gây hội chứng thận hư không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên những biện pháp dưới đây có thể giúp bạn hạn chế nguy cơ. Cụ thể:

Tiêm vắc xin phòng ngừa một số bệnh nhiễm trùng
Tiêm vắc xin phòng ngừa một số bệnh nhiễm trùng để giảm nguy cơ mắc hội chứng thận hư
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, protein nạc… Hạn chế ăn chất béo, muối và cholesterol.
  • Kiểm soát tốt những bệnh lý có khả năng gây rối loạn ở thận.
  • Tiêm vắc xin phòng ngừa một số bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm gan siêu vi B, C… Ngoài ra nên quan hệ tình dục an toàn để ngăn ngừa những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Người bệnh cần uống hết đơn thuốc ngay cả khi cảm thấy khỏe hơn.
  • Một số loại thuốc có thể gây hội chứng thận hư. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về cách ngăn ngừa và sử dụng thuốc như chỉ định.

Hội chứng thận hư thường khởi phát do bệnh lý và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên bệnh lý này có tiên lượng tốt nếu được điều trị sớm và đúng cách. Do đó người bệnh cần thăm khám và điều trị ngay khi có biểu hiện bất thường (dựa trên chỉ định của bác sĩ).

THÔNG TIN HỮU ÍCH

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger