Phì Đại Tuyến Tiền Liệt
Phì đại tuyến tiền liệt xảy ra khi tuyến tiền liệt bắt đầu lão hóa, gia tăng kích thước chèn ép vào niệu đạo và bàng quang. Từ đó gây ra những rối loạn tiểu tiện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Tổng quan
Tuyến tiền liệt là tuyến cơ nhỏ bao quanh niệu đạo và thuộc hệ thống sinh sản của nam giới. Tuyến này tạo ra chất lỏng trong tinh dịch, đẩy tinh dịch và chất lỏng qua dương vật.
Phì đại tuyến tiền liệt còn được gọi là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH), u xơ tiền liệt tuyến. Bệnh thể hiện cho sự nhân lên của những tế bào tuyến tiền liệt ở một vài nam giới.
Những tế bào phát triển làm cho tuyến tiền liệt sưng to, chèn ép niệu đạo và bàng quang. Từ đó làm hạn chế dòng chảy của nước tiểu và gây ra những rối loạn tiểu tiện khác.
Phì đại tuyến tiền liệt chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới trong độ tuổi trung niên và người cao tuổi. Bệnh được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Các biến chứng có thể xảy ra nếu quá trình điều trị không diễn ra thuận lợi.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Phì đại tuyến tiền liệt là một tình trạng lão hóa bình thường. Nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ. Tuy nhiên các chuyên gia tin rằng bệnh liên quan đến những thay đổi hoặc sự mất cân bằng hormone giới tính do lão hóa.
Những yếu tố nguy cơ của phì đại tuyến tiền liệt:
- Lão hóa: Bệnh phì đại tuyến tiền liệt thường xảy ra ở những nam giới trên 40 tuổi có dấu hiệu lão hóa. Kết quả thống kê cho thấy, tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới ở độ tuổi 40 là 18%, 63% ở độ tuổi 50 và > 90% ở những người từ 80 tuổi.
- Tiền sử gia đình: Những người có ba hoặc anh tra bị phì đại tuyến tiền liệt sẽ có nguy cơ mắc bênh cao hơn.
- Thừa cân béo phì: Thừa cân làm tăng nguy cơ tăng sản tuyến tiền liệt lành tính.
- Bệnh lý: Nguy cơ mắc bệnh tăng cao ở những người có một số bệnh lý như tiểu đường và bệnh tim. Ngoài ra những người có vấn đề về tinh hoàn hoặc đang sử dụng thuốc chẹn beta cũng có khả năng mắc bệnh.
Triệu chứng và chẩn đoán
Tuyến tiền liệt tăng kích thước chèn ép vào bàng quang và niệu đạo. Từ đó gây ra những rối loạn tiểu tiện, cụ thể:
- Hạn chế dòng chảy của nước tiểu, dòng nước tiểu yếu, chậm lại hoặc trì hoãn
- Không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn
- Tiểu đêm (> 2 lần mỗi đêm)
- Cần đi tiểu thường xuyên hoặc khẩn cấp
- Tiểu không tự chủ hoặc rò rỉ nước tiểu
- Nhỏ giọt ở cuối dòng nước tiểu
- Đột ngột muốn đi tiểu
- Căng thẳng khi đi tiểu
- Tiểu đau
- Có máu trong nước tiểu
Triệu chứng ít gặp hơn:
- Không có khả năng đi tiểu
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
Những triệu chứng của bệnh phì đại tuyến tiền liệt thường nhẹ trong thời gian đầu và tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian.
Để chẩn đoán phì đại tuyến tiền liệt, bệnh nhân được khám sức khỏe tổng thể và kiểm tra triệu chứng. Ngoài ra người bệnh được khám trực tràng nhằm kiểm tra kích thước và hình dạng của tuyến tiền liệt.
Một số xét nghiệm cũng được thực hiện nhằm chẩn đoán phân biệt và đánh giá mức độ phì đại tuyến tiền liệt, bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra tế vào máu và vi khuẩn trong nước tiểu.
- Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) nhằm kiểm tra ung thư tuyến tiền liệt và chẩn đoán phân biệt.
- Xét nghiệm niệu động học: Trong xét nghiệm, ống thông được sử dụng để đo áp suất của bàng quang khi đi tiểu.
- Post-void: Kiểm tra lượng nước tiểu còn lại của bàng quang sau khi tiểu xong.
- Soi bàng quang: Đôi khi bệnh nhân được soi bàng quang để kiểm tra niệu đạo và bàng quang. Khi thực hiện một ống soi nhỏ sẽ được đưa vào niệu đạo.
Biến chứng & Tiên lượng
Phì đại tuyến tiền liệt được điều trị bằng nhiều phương pháp và có tiên lượng tốt. Những trường hợp không được điều trị sớm và tích cực có thể khiến các rối loạn tiểu tiện thêm nghiêm trọng. Đồng thời khởi phát những biến chứng dưới đây:
- Bí tiểu. Bệnh nhân đột ngột không thể đi tiểu, cần đặt ống dẫn nước tiểu
- Sỏi bàng quang
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
- Tổn thương bang quang
- Tổn thương thận do nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên thận
Điều trị
Dùng thuốc là phương pháp điều trị ưu tiên cho hầu hết trường hợp. Ở những trường hợp nặng và có biến chứng, xâm lấn tối thiểu hoặc phẫu thuật có thể được áp dụng.
Nguyên tắc điều trị:
- Lựa chọn phương pháp điều trị dựa trên các yếu tố gồm: Kích thước tuyến tiền liệt, tuổi tác, sức khỏe tổng thể và mức độ khó chịu của các triệu chứng.
- Cắt giảm triệu chứng
- Ngăn biến chứng do những rối loạn tiểu tiện
- Ức chế sự phát triển của tuyến tiền liệt.
Phương pháp điều trị cụ thể:
1. Thuốc
Trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt, những loại thuốc dưới đây có thể được sử dụng:
- Thuốc chẹn alpha
Thuốc này được dùng để làm giãn những sợi cơ ở tuyến tiền liệt và cơ cổ bàng quang. Từ đó khắc phục các rối loạn tiểu tiện, người bệnh đi tiểu dễ dàng hơn.
Doxazosin (Cardura), Alfuzosin (Uroxatral), Tamsulosin (Flomax) và Silodosin (Rapaflo) là những loại thuốc chẹn alpha thường được sử dụng và mang đến tác dụng nhanh.
- Thuốc ức chế 5-alpha reductase
Thuốc ức chế 5-alpha reductase được dùng để thu nhỏ kích thước của tuyến tiền liệt. Khi sử dụng, thuốc ngăn chặn sự phát triển của tuyến tiền liệt bằng cách ngăn những thay đổi nội tiết tố.
Trong nhiều trường hợp, thuốc ức chế 5-alpha reductase được sử dụng đồng thời với thuốc chẹn alpha để tăng hiệu quả.
- Tadalafil (Cialis)
Đây là một loại thuốc điều trị rối loạn cương dương. Tuy nhiên Tadalafil (Cialis) cũng có tác dụng điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH).
- Thuốc kháng Muscarinic
Oxybutynin ER, Solifenacin hoặc một loại thuốc kháng Muscarinic khác có thể được sử dụng để làm giãn cơ trơn, ngăn bàng quang tăng hoạt dẫn đến tiểu gấp và rò rỉ nước tiểu.
- Thuốc giảm nội tiết tố
Một loại thuốc giảm nội tiết tố như Dutasteride và Finasteride được sử dụng để giảm quá trình sản sinh hormone của tuyến tiền liệt, giảm nồng độ dihydrotestosterone (DHT). Từ đó giúp ngăn sự phát triển bất thường của tuyến tiền liệt.
- Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm mãn tính do phì đại tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn. Thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và giảm viêm. Từ đó giảm các triệu chứng của bệnh.
2. Biện pháp điều trị tại nhà
Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần thay đổi lối sống để hỗ trợ điều trị phì đại tuyến tiền liệt, cắt giảm triệu chứng. Chẳng hạn như:
- Tập luyện thể dục đều đặn: Thường xuyên tập thể dục thể thao để duy trì sức khỏe, giữ nước tiểu. Đồng thời làm giảm những vấn đề về tiết niệu và các triệu chứng do phì đại tuyến tiền liệt
- Không nhịn tiểu: Đi tiểu ngay khi có cảm giác buồn tiểu. Ở những trường hợp khó tiểu, người bệnh nên đi tiểu ngay cả khi không cảm thấy buồn tiểu.
- Lên lịch đi tiểu: Cố gắng đi tiểu vào những thời điểm nhất định. Điều này giúp điều chỉnh hoạt động và thói quen của bàng quang, giảm tần suất hoặc cảm giác đi tiểu khẩn cấp.
- Tránh rượu và caffein: Rượu và caffein có thể làm tăng sản xuất nước tiểu, kích thích và khó làm rỗng bàng quang. Từ đó tăng mức độ ảnh hưởng của các triệu chứng, .
- Không tự ý dùng thuốc điều trị: Một số loại thuốc như thuốc kháng histamine và thuốc thông mũi không kê đơn có thể khiến người bệnh khó làm trống bàng quang hơn.
- Tránh căng thẳng: Duy trì tâm trạng tốt, tránh căng thẳng. Căng thẳng và lo lắng có thể làm tăng tần suất đi tiểu.
- Giữ ấm: Giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi. Nhiệt độ lanh có thể làm tăng nhu cầu đi tiểu và gây bí tiểu.
3. Can thiệp ngoại khoa
Liệu pháp xâm lấn tối thiểu hoặc phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Phì đại tuyến tiền liệt gây ra những triệu chứng từ trung bình đến nặng
- Bệnh nhân không đáp ứng tốt với thuốc
- Có biến chứng (tiểu ra máu, sỏi bàng quang, tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc tổn thương thận)
Ngoài ra can thiệp ngoại khoa cũng được chỉ định cho những bệnh nhân có mong muốn điều trị dứt điểm.
Dựa vào tình trạng, một số lựa chọn dưới đây có thể được áp dụng:
- Liệu pháp nhiệt vi sóng xuyên niệu đạo (TUMT)
Trong TUMT, một điện cực đặc biệt được chèn vào khu vực tuyến tiền liệt thông qua niệu đạo Sau đó năng lượng vi sóng được phát ra giúp phá hủy những tế bào nhân lên của tuyến tiền liệt phì đại. Từ đó giúp tuyến tiền liệt co lại, bệnh nhân tiểu tiện dễ dàng hơn.
Liệu pháp nhiệt vi sóng xuyên niệu đạo (TUMT) được áp dung cho những trường hợp có tuyến tiền liệt nhỏ.
- Nâng niệu đạo tiền liệt tuyến (PUL)
Nâng niệu đạo tiền liệt tuyến (PUL) được chỉ định cho những bệnh nhân có triệu chứng tiết niệu dưới. Phương pháp này sử dụng các thẻ để nén các cạnh của tuyến tiền liệt. Điều này giúp tăng lưu lượng nước tiểu, giảm bớt các triệu chứng.
- Cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP)
Nếu phì đại ít nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP). Trong quá trình này, ống soi có đèn và camera được đưa vào niệu đạo đến tuyến tiền liệt. Sau đó các phần bên trong bị cắt bỏ, chỉ giữ lại phần bên ngoài của tuyến tiền liệt.
Cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP) giúp thu nhỏ kích thước của tuyến tiền liệt, giảm chèn ép lên bàng quang và niệu đạo. Từ đó cắt giảm các triệu chứng. Sau thủ thuật, người bệnh được đặt ống thông tiểu tạm thời để dẫn lưu bàng quang.
- Trị liệu bằng laser
Khi trị liệu bằng laser, tia laser năng lượng cao được sử dụng để loại bỏ hoặc phá hủy các mô ở tuyến tiền liệt phát triển quá mức. Điều này giúp các triệu chứng nhanh chóng thuyên giảm.
So với những phương pháp khác, trị liệu bằng laser hiếm khi gây tác dụng phụ.
- Rạch tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo (TUIP)
Trong TUIP, ống nội soi được đưa vào niệu đạo. Bác sĩ tiến hành rạch 1 - 2 vết nhỏ ở tuyến tiền liệt phì đại. Điều này giúp nước tiểu dễ dàng đi qua niệu đạo hơn.
Rạch tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo (TUIP) mang đến hiệu quả cao cho những bệnh nhân có tuyến tiền liệt phì đại vừa phải hoặc nhỏ.
- Tắc mạch
Trong một vài trường, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp tắc mạch, ngừng việc lưu thông máu đến hoặc từ tuyến tiền liệt. Điều này giúp giảm sự phì đại và giảm nhẹ triệu chứng.
- Phẫu thuật mở tuyến tiền liệt
Phẫu thuật mở tuyến tiền liệt được chỉ định cho những bệnh nhân bị phì đại tuyến tiền liệt nghiêm trọng, tuyến có kích thước lớn gây ra nhiều triệu chứng hoặc liên quan đến những yếu tố phức tạp.
Trong khi phẫu thuật, một vết rạch được tạo ở bụng dưới. Sau đó tiếp cận với tuyến tiền liệt và loại bỏ các mô không cần thiết. Phẫu thuật mở tuyến tiền liệt có độ chính xác và hiệu quả cao.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được kiểm tra thường xuyên, chăm sóc vết thương và dùng thuốc giảm đau. Phẫu thuật mở thường có thời gian nằm viện và lành lại lâu hơn. Bất kỳ phương pháp nào cũng có rủi ro. Vì vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Phòng ngừa
Để giảm nguy cơ phì đại tuyến tiền liệt, nam giới cần duy trì sức khỏe của tuyến tiền liệt bằng một số biện pháp dưới đây:
- Kiểm soát căng thẳng. Nên duy trì tâm trạng tốt và thoải mái.
- Tránh xa thuốc lá.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Không tiêu thụ nhiều thực phẩm kém lành mạnh để tránh thừa cân béo phì.
- Đảm bảo bàng quang được làm rỗng ở mỗi lần đi tiểu.
- Không uống nhiều nước vào buổi tối để tránh tiểu nhiều vào ban đêm.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng những loại thuốc có thể gây phì đại tuyến tiền liệt. Ngoài ra nên quản lý tốt những bệnh lý liên quan.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, ưu tiên những bài tập tăng cường sức khỏe của bàng quang và sàn chậu. Điều này cân bằng nội tiết tố, giảm sự phát triển bất thường của tuyến tiền liệt.
- Cải thiện sức khỏe và chức năng của tuyến tiền liệt bằng cách ăn uống đủ chất, sử dụng nguồn thực phẩm lành mạnh. Đặc biệt nên ăn dầu hạt bí ngô, trái cây và rau củ chứa omega-3, các vitamin và khoáng chất (như vitamin A, C, E). Điều này có thể làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, ngăn phì đại tuyến tiền liệt.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh của tôi là gì? Nghiêm trọng như thế nào?
2. Tiên lượng cho tình trạng của tôi là gì?
3. Việc điều trị phì đại tuyến tiền liệt sẽ kéo dài bao lâu?
4. Phương pháp điều trị nào được dùng phổ biến và có hiệu quả cao?
5. Lợi ích và rủi ro của những phương pháp là gì?
6. Khi nào nên phẫu thuật? Có bao nhiêu lựa chọn?
7. Chi phí phẫu thuật là bao nhiêu?
8. Điều gì xảy ra nếu tôi trì hoãn chữa bệnh?
Bệnh phì đại tuyến tiền liệt thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi, liên quan đến quá trình lão hóa và sự mất cân bằng nội tiết tố nam. Bệnh có triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng nhưng thường được điều trị hiệu quả bằng nhiều phương pháp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!