Bệnh Da Rắn
Bệnh da rắn thường xảy ra khi thời tiết hanh khô. Những người mắc bệnh lý này sẽ có những tế bào da chết tích tụ tạo lớp vảy dễ bong tróc trên bề mặt da. Ngoài ra những vùng da ảnh hưởng bị nứt nẻ trông như da rắn.
Tổng quan
Bệnh da rắn là một dạng rối loạn da được đặc trưng bởi tình trạng tích tụ da chết trên bề mặt. Những tế bào da chết tạo thành lớp vảy dễ bong tróc, da nứt nẻ thành từng khoang vuông do đứt gãy liên kết keratin.
Bệnh chủ yếu xảy ra trong mùa hanh khô, khi da không được cấp ẩm đầy đủ. Da rắn thường không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, không có biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên các triệu chứng có thể dai dẳng, gây mất thẩm mỹ cho người bệnh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh da rắn xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:
- Yếu tố di truyền: Da rắn thường liên quan đến yếu tố di truyền (chiếm 95% trường hợp). Những người có tiền sử da đình mắc bệnh da rắn hoặc da khô ráp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Thời tiết: Bệnh da rắn chủ yếu xảy ra khi thời tiết hanh khô, vào mùa đông. Trong điều kiện này, những tế bào da dễ bị mất nước. Từ đó khiến da khô ráp, có vảy bong tróc và đứt gãy các liên kết keratin.
- Chế độ ăn uống kém lành mạnh: Uống ít nước, ăn ít trái cây và rau xanh khiến da không được cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cần thiết. Điều này gây khô da và làm tăng nguy cơ mắc bệnh da rắn.
- Tiếp xúc nhiều với ánh nắng: Da dễ bị khô và đứt gãy liên kết keratin khi không có biện pháp bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời hoặc tiếp xúc nhiều với ánh nắng trong thời gian dài.
Tham khảo thêm: Dị ứng - Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của bệnh da rắn gồm:
- Da bị bong vảy trắng, mỏng
- Da thô ráp, nứt nẻ thành đường hoặc nứt da hình vuông trên cánh tay và ống chân
- Bề mặt da nổi hình trám hoặc hình tròn, ở giữa có những khe nang dọc tương tự như da rắn, có màu nâu xám
Những triệu chứng thường xuất hiện ở tay chân. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra ở lưng, mông và nhiều vị trí khác.
Kiểm tra da và tiền sử bản thân có thể giúp phát hiện nhanh bệnh da rắn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết da để kiểm tra nhiễm trùng.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh da rắn là một bệnh da lành tính, không do nhiễm trùng và không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên bệnh khiến da nứt nẻ và khô ráp như da rắn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ. Ngoài ra những triệu chứng có xu hướng dai dẳng, bệnh nhân cần được điều trị tích cực.
Điều trị
Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh da rắn. Những triệu chứng của bệnh chủ yếu được điều trị bằng kem dưỡng, chế độ ăn uống phù hợp và những biện pháp cải thiện khác.
- Dùng thuốc mỡ hoặc kem bôi
Dùng thuốc mỡ hoặc kem dưỡng ẩm để bôi lên vùng da bị ảnh hưởng. Những sản phẩm này có khả năng cấp ẩm, làm mềm da, giảm tình trạng da khô, căng và bong vảy.
Thuốc mỡ / kem dưỡng ẩm nên được bôi 2 lần/ ngày, dùng sau khi vệ sinh da hoặc tắm rửa sạch sẽ.
- Uống nhiều nước
Bệnh nhân được yêu cầu uống nhiều nước mỗi ngày (2 đến 2,5 lít nước). Điều này giúp cấp nước và tăng độ ẩm cho làn da. Từ đó giảm nhẹ tình trạng khô da và nứt nẻ.
- Dùng máy tạo độ ẩm
Khi ở môi trường có độ ẩm thấp, hãy sử dụng máy tạo độ ẩm cho không khí hoặc đặt một cốc nước trong phòng để tăng độ ẩm. Điều này giúp ngăn những triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Giữ da sạch sẽ và khô ráo
Tắm rửa và vệ sinh da sạch sẽ mỗi ngày. Nên sử dụng những loại xà phòng dịu nhẹ và có khả năng cấp ẩm tốt. Tránh dùng những sản phẩm có hóa chất hoặc cồn.
Khi tắm hoặc vệ sinh da, nên dùng nước mát hoặc nước ấm, không tắm với nước nóng. Ngoài ra người bệnh cần tránh xà xát mạnh hoặc kỳ cọ lên vùng da rắn để tránh tổn thương da.
Sau khi tắm xong, lau khô da nhẹ nhàng và mặc quần áo thoáng mát. Bôi kem dưỡng ẩm sau tắm để sớm cải thiện làn da.
- Tẩy tế bào chết
Sự tích tụ của những tế bào chế khiến da bị bong tróc. Vì thế cần tẩy tế bào chết mỗi tuần 2 lần để loại bỏ phần da khô ráp. Từ đó giúp da mịn màng, tái tạo nhanh và giảm các triệu chứng của bệnh.
- Bảo vệ da
Cần thoa kem chống nắng mỗi ngày để bảo vệ da khỏi ánh sáng mặt trời. Ngoài ra nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gây gắt, nên che chắn kỹ lưỡng trước khi ra ngoài.
- Chế độ ăn uống phù hợp
Trong quá trình điều trị da rắn, người bệnh cần có chế độ ăn uống phù hợp và đầy đủ dinh dưỡng. Nên ăn nhiều trái cây tươi và rau củ quả để tăng cường bổ sung vitamin A, B, C, E và các khoáng chất. Điều này giúp cải thiện và duy trì sức khỏe làn da.
Ngoài ra nên ăn những loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và axit béo omega-3.Chẳng hạn như cá hồi, cá trích, óc chó, hạnh nhân, dầu ô liu... Nhóm thực phẩm này có khả năng làm ẩm và mịn da. Đồng thời giúp làn da khỏe hơn, giảm các triệu chứng của bệnh da rắn.
- Dùng nha đam
Nha đam chứa nhiều nước, các vitamin và khoáng chất. Vì vậy bôi gel nha đam lên vùng da tổn thương có thể giúp cấp ẩm, làm dịu da, giảm khô da và bong vảy do bệnh da rắn.
Ngoài ra nha đam còn có khả năng tăng cường sức đề kháng cho làn da, chống oxy hóa, nám da. Sau một thời gian sử dụng, vùng da bệnh sẽ trở nên mịn màng và ẩm mượt hơn.
Khi dùng, rửa sạch 1 - 2 nhánh nha đam và cạo lấy phần gel. Vệ sinh da sạch sẽ và lau khô, đắp gel nha đam lên vùng tổn thương 20 phút. Sau đó vệ sinh lại da với nước mát.
- Bôi dầu dừa
Bôi một lớp dầu dừa lên vùng da bệnh sau khi tắm hoặc vệ sinh da. Thư giãn trong 20 phút và vệ sinh da với nước ấm. Thực hiện vài lần mỗi tuần có thể giúp cải thiện làn da khô ráp do bệnh da rắn.
Dầu dừa chứa vitamin E, acid lauric, enzyme antimicrobial, chất chống oxy hóa và nhiều thành phần khác. Khi dùng có thể cải thiện độ ẩm cho làn da, tăng cường hàng rào bảo vệ da. Đồng thời thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào, giảm những triệu chứng của bệnh.
Phòng ngừa
Để giảm nguy cơ mắc bệnh da rắn, hãy áp dụng những biện pháp dưới đây:
- Dùng kem dưỡng ẩm sau khi tắm để cấp ẩm cho làn da, giúp da luôn ẩm và mềm mượt. Bôi kem dưỡng ẩm 2 lần/ ngày hoặc bất kỳ lúc nào cảm thấy da khô ráp.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh để tránh tình trạng khô da, nứt nẻ và đóng vảy.
- Thường xuyên tẩy tế bào chết cho làn da.
- Hạn chết tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là vào những thời điểm có ánh nắng gay gắt.
- Nên bôi kem chống nắng, che chắn trước khi ra ngoài để bảo vệ làn da.
- Tăng cường bổ sung vitamin (vitamin A, B, C, E...), omega-3, chất chống oxy hóa từ chế độ ăn uống mỗi ngày. Điều này giúp tăng cường sức khỏe cho làn da, cấp ẩm, giảm khô da và phòng ngừa bệnh da rắn.
- Uống đủ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày để giữ cho da luôn ẩm và khỏe.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân gây bệnh của tôi là gì?
2. Phương pháp điều trị tốt nhất là gì?
3. Điều trị trong bao lâu thì giảm bệnh?
4. Những cách chăm sóc da nào được đề nghị?
5. Dùng thuốc gì hiệu quả cho bệnh da rắn?
6. Làm thế nào để ngăn bệnh tái diễn?
7. Bệnh da rắn là tình trạng ngắn hạn hay lâu dài?
Bệnh da rắn thường xảy ra khi thời tiết hanh khô, da không được chăm sóc đúng cách. Bệnh không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Tốt nhất nên chăm sóc da dúng cách để phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Tham khảo thêm:
- Bệnh á sừng: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị
- Dị ứng ánh nắng mặt trời: Nguyên nhân và cách điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!