12 Bài Tập Phục Hồi Chức Năng Sau Mổ Cột Sống Hiệu Quả

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Thoát vị đĩa đệm Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Phục hồi chức năng sau mổ cột sống là bước quan trọng góp phần quyết định kết quả của ca phẫu thuật. Việc tuân thủ các hướng dẫn về chăm sóc, nghỉ ngơi, ăn uống và đặc biệt là các bài tập phục hồi chức năng giúp đĩa đệm lành nhanh hơn, lấy lại khả năng vận động linh hoạt. 

Bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống
Bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống giúp sớm lấy lại khả năng vận động bình thường

Tìm hiểu phục hồi chức năng sau mổ cột sống

Mổ thoát vị đĩa đệm là phương pháp điều trị dành cho những trường hợp đau nhức dữ dội, kéo dài dai dẳng và điều trị thất bại bằng các biện pháp bảo tồn. Kèm theo các biến chứng nguy hiểm đe dọa sức khỏe và khả năng vận động như thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh, chèn ép tủy sống, ống sống… 

Việc phục hồi chức năng sau phẫu thuật cột sống không chỉ áp dụng cho những người bị thoát vị đĩa đệm mà còn cho người có cột sống biến dạng do chấn thương, va chạm mạnh, cong vẹo cột sống, thoái hóa cột sống… để giúp giảm triệu chứng và phục hồi chức năng vận động.

Bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống
Sau mổ thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần dành thời gian để phục hồi chức năng cột sống theo chỉ định của bác sĩ

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật được chia làm 2 giai đoạn gồm: 

Giai đoạn cấp 

Đây là giai đoạn vừa phẫu thuật xong, cột sống còn khá yếu, cần chú ý nghỉ ngơi nhiều và ít vận động. 

  • Bệnh nhân dành phần lớn thời gian để nghỉ ngơi tại chỗ, nằm trên nệm cứng giúp nâng đỡ cột sống; 
  • Ưu tiên thực hiện các phương pháp vật lý trị liệu như chiếu đèn hồng ngoại, sóng ngắn, sóng siêu âm, điện xung, điện phân, sóng giao thoa, đắp paraffin…; 
  • Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng cột sống nhẹ nhàng, vừa sức, kết hợp vừa thụ động vừa chủ động, tác động kháng lực và co cơ đẳng trường; 

Sau giai đoạn cấp

Đây là giai đoạn phục hồi chức năng sau mổ vài ngày, lúc này cột sống bắt đầu ổn định hơn. Quy trình phục hồi diễn ra như sau: 

  • Kéo giãn cột sống thắt lưng để làm giãn cơ, giải phóng áp lực lên các rễ dây thần kinh và gia tăng lỗ liên đốt; 
  • Sau phẫu thuật từ 1 – 7 ngày, bệnh nhân tập thực hành các bài tập ho, thở và gồng các cơ ở chi dưới, gồng cơ tứ đầu; 
  • 2 tuần sau phẫu thuật, tiến hành nẹp lưng và sau 3 tuần có thể cử động như bình thường, ngồi thẳng lưng nhưng phải đeo đai nẹp. 
  • Kết hợp thực hiện các bài tập phục hồi chức năng cột sống tại nhà và duy trì tư thế lao động đúng chuẩn để đạt hiệu quả tốt nhất.

XEM THÊM: Top 12 Đai Đeo Thoát Vị Đĩa Đệm Hiệu Quả Nhất Và Giá Bán

Lợi ích khi tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật cột sống

Có rất nhiều yếu tố quan trọng đối với chăm sóc hậu phẫu thoát vị đĩa đệm như thực đơn ăn uống, chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi… và đặc biệt là vận động phù hợp. Đối với người vừa mổ thoát vị đĩa đệm xong, cột sống còn khá yếu nên việc tập luyện cần đảm bảo phù hợp với mức độ phục hồi theo từng giai đoạn để đạt hiệu quả tối ưu. 

Các bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống đem lại những lợi ích như: 

  • Khôi phục cấu trúc, vị trí và chức năng bình thường của đĩa đệm, giải phóng áp lực tại các rễ dây thần kinh, tủy sống…; 
  • Nâng cao sức mạnh, sự linh hoạt của cột sống sau một thời gian dài bị tổn thương, thoát vị;
  • Giảm đau nhức, giãn cơ, ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng và teo cơ, liệt chi do nằm quá nhiều sau phẫu thuật; 
  • Phòng ngừa tái phát bệnh và giúp người bệnh nhanh chóng lấy lại khả năng sinh hoạt bình thường;

Hướng dẫn 12 bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống hiệu quả

Sau phẫu thuật cột sống chữa thoát vị đĩa đệm, người bệnh sẽ được bác sĩ hoặc chuyên gia phục hồi chức năng thiết kế riêng, hướng dẫn thực hiện các bài tập phù hợp. Các bài tập phục hồi chức năng thường tập trung vào 3 nhóm chính là cải thiện chức năng vận động, cải thiện chức năng tuần hoàn và cải thiện chức năng hô hấp. 

1. Bài tập cử động cổ bàn chân 

Hướng dẫn cách tập

  • Người bệnh nằm ngửa trên giường bệnh, thả lỏng cơ thể, nhất là vùng mông, thắt lưng. 
  • Gấp bàn chân từ từ về phía đầu gối, sau đó đá ngược trở về phía sau. 
  • Mỗi bên chân như vậy thực hiện khoảng 10 lần. 
Bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống
Bài tập cử động cổ bàn chân đơn giản, dễ thực hiện, giúp phục hồi chức năng cột sống sau mổ nhanh hơn

2. Bài tập trượt gót chân lên xuống 

Hướng dẫn cách tập 

  • Bệnh nhân nằm ngửa trên giường bệnh, thả lỏng toàn bộ cơ thể. 
  • Gấp đầu gối lại và kéo từ từ về phía đùi trong khả năng. 
  • Sau đó duỗi từ từ đầu gối thẳng ra trở về tư thế ban đầu. 
  • Thực hiện khoảng 10 lần cho mỗi bên. 

3. Bài tập co giãn cơ bụng

Hướng dẫn cách thực hiện

  • Bệnh nhân nằm ngửa thả lỏng toàn thân. 
  • Gấp 2 đầu gối lại, kéo sát về phía bụng, 2 tay thả lỏng và đặt ở 2 bên hông sườn. 
  • Dùng 2 tay ôm chặt 2 bên xương sườn, dùng lực vừa phải ép về lưng và giữ yên trong vòng 5 giây. 
  • Sau đó thả lỏng và hít thở đều đặn, ổn định trong quá trình thực hiện. 

4. Bài tập nâng cao chân

Hướng dẫn cách thực hiện 

  • Nằm ngửa, thả lỏng trên giường hoặc thảm tập. 
  • Một chân duỗi thẳng, một chân gấp lại. 
  • Hóp bụng để co chặt khối cơ bụng và cố định vùng thắt lưng. 
  • Dùng lực để nâng cao 1 chân lên từ từ, nâng khỏi mặt sàn từ 15 – 30cm và giữ trong vòng 1 – 5 giây tùy theo khả năng. 
  • Hít thở đều và từ từ hạ chân xuống.
  • Thực hiện mỗi bên 10 lần. 

5. Bài tập gập gối sát vào ngực 

Hướng dẫn cách thực hiện 

  • Người bệnh nằm ngửa trên giường, thả lỏng thoải mái. 
  • Gấp 2 đầu gối lại và dùng 2 tay giữ ở phần dưới đùi, kéo từ từ và áp sát đối về phía ngực. 
  • Giữ nguyên tư thế này trong vòng 20 giây, kết hợp hít thở đều trong quá trình thực hiện. 
  • Thả lỏng và trở về tư thế ban đầu. 
  • Thực hiện mỗi bên 5 lần để đạt hiệu quả tốt nhất. 
Bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống
Bài tập gập gối sát vào ngực giúp thư giãn cột sống, xoa dịu cơn đau nhức

6. Bài tập co giãn cơ gân khoeo chân 

Hướng dẫn cách thực hiện

  • Bệnh nhân nằm ngửa trên giường bệnh, thả lỏng cơ thể hoàn toàn. 
  • Gấp 2 đầu gối lại và dùng 2 tay đỡ dưới đùi để cố định chân. 
  • Từ từ duỗi thẳng chân lên cao, sao cho cảm nhận được sự căng cơ, hơi ê tức tại vị trí gân khoeo. 
  • Giữ nguyên tư thế này trong vòng 20 giây rồi thả lỏng, trở về tư thế ban đầu. 
  • Lặp lại động tác này khoảng 5 lần cho mỗi bên chân. 

7. Bài tập gồng cơ bụng

Hướng dẫn cách tập 

  • Nằm ngửa và thả lỏng trên giường hoặc thảm tập.
  • Hai đầu gối gấp lại, 2 bàn chân nằm trên sàn và duỗi thẳng 2 tay thoải mái. 
  • Kết hợp gồng cơ bụng và nâng đầu lên cao, giữ khoảng 2 giây rồi thả lỏng, trở về tư thế ban đầu. 
  • Lặp lại động tác này 5 lần. 

8. Bài tập cầu thăng bằng

Hướng dẫn cách thực hiện

  • Người bệnh nằm ngửa trên giường, thả lỏng cơ thể và duỗi thẳng 2 tay.
  • Gấp 2 đầu gối lại sao cho 2 lòng bàn chân chạm sàn. 
  • Dùng lực gồng cứng cơ bụng và cơ mông lại, nâng từ từ khung chậu lên cao cho từ vai đến đầu gối tạo thành một đường thẳng. 
  • Giữ nguyên tư thế này trong vòng 15 giây, hít thở đều rồi trở về tư thế ban đầu.
  • Lặp lại động tác này khoảng 5 lần. 

9. Bài tập bắt chéo 2 chân

Hướng dẫn cách tập 

  • Bệnh nhân nằm trong tư thế ngửa, thả lỏng thoải mái. 
  • Gấp 2 đầu gối lại, vắt chéo 1 chân sang chân còn lại và từ từ áp sát về phía ngực sao cho có cảm giác căng tức ở mông, hông. 
  • Giữ nguyên tư thế này trong vòng 20 giây rồi thả lỏng, trở về tư thế ban đầu. 
  • Thực hiện lần lượt mỗi bên 5 lần. 
Bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống
Bài tập bắt chéo 2 chân tác động tích cực đến cột sống thắt lưng sau mổ, giảm đau nhức

 10. Bài tập tựa lưng vào tường 

Hướng dẫn cách tập 

  • Người bệnh đứng tựa lưng vào tường, khoảng cách từ chân đến tường khoảng 30cm. 
  • Gồng cơ bụng lại, từ từ hạ 2 đầu gối xuống thấp khoảng 45 độ trong khi lưng vẫn giữ thẳng. 
  • Giữ nguyên tư thế này trong vòng 5 giây, hít thở đều rồi trở về tư thế ban đầu. 
  • Thực hiện lặp lại động tác này khoảng 10 lần. 

11. Bài tập đứng kiễng gót chân 

Hướng dẫn cách thực hiện

  • Người bệnh đứng thẳng người, quay mặt về phía tường, cách một khoảng ngắn, thẳng lưng và dồn đều trọng lượng cơ thể lên 2 chân. 
  • Từ từ đứng kiễng 2 gót chân lên cao khỏi sàn nhà, tay bám vào tường để làm trụ đỡ. 
  • Giữ nguyên tư thế này trong vòng 5 giây rồi hạ gót chân xuống. 
  • Thực hiện lặp lại động tác này khoảng 10 lần. 

12. Bài tập phục hồi chức năng cổ

Hướng dẫn cách thực hiện

  • Động tác gập cổ: Di chuyển cằm gần về phía ngực, giữ nguyên 5 – 10 giây rồi nâng trở lại vị trí thẳng ban đầu. Lặp lại động tác này trong vòng 10 – 15 lần. 
  • Động tác duỗi cổ: Ngửa đầu từ từ ra phía sau và giữ 5 – 10 giây. Lặp lại động tác 10 – 15 lần. 
  • Động tác nghiêng đầu: Thẳng lưng, giữ cho đầu thẳng rồi từ từ nghiêng nhẹ sang trái sao cho có cảm giác căng cổ. Giữ yên trong 5 – 10 giây rồi từ từ trở về tư thế ban đầu. Đổi sang bên phải và thực hiện động tác tương tự. Mỗi bên thực hiện 10 – 15 lần. 
  • Động tác xoay đầu: Xoay cằm và đánh mặt sang phải sao cho có cảm giác căng cơ cổ. Giữ yên trong vòng 5 – 10 giây rồi thả lỏng trở về tư thế ban đầu. Mỗi bên thực hiện 10 – 15 lần. 

Lưu ý về cách chăm sóc phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm

Để đạt hiệu quả cao khi thực hiện các bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau: 

Bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống
Ăn uống khoa học, vận động tích cực, nhẹ nhàng phù hợp với thể trạng sức khỏe sau mổ để sớm phục hồi chức năng cột sống

Về chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, vận động

  • Tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định về các động tác nên thực hiện, cách tập, cường độ và tần suất phù hợp. 
  • Bệnh nhân cần đeo nẹp vào đúng vị trí mổ, kết hợp sử dụng các dụng cụ hỗ trợ phục hồi theo chỉ định của bác sĩ. 
  • Tránh tự ý tập các bài tập đòi hỏi sức mạnh lớn như nâng tạ, đá bóng, chạy bộ… 
  • Tránh ngồi quá nhiều sau khi mổ, tốt nhất nên đi lại nhẹ nhàng, có thể nhờ đến sự hỗ trợ của người thân để thư giãn cơ gân khớp. 
  • Không được gây ra bất kỳ áp lực nào cho lưng sau khi vừa mổ xong như khuân vác vật nặng, uốn cong người, lái xe đường dài… trong ít nhất 2 tuần đầu sau mổ. 
  • Tái khám theo đúng lịch của bác sĩ để kiểm tra cột sống đĩa đệm đã mổ. Nhất là khi xuất hiện các rủi ro hậu phẫu như chảy máu, sưng viêm vết mổ, sốt cao, đau nhức dữ dội… 

 XEM THÊM: Sau Mổ Thoát Vị Đĩa Đệm Bao Lâu Quan Hệ Được? Điều Nên Biết

Về chế độ dinh dưỡng

Sau khi mổ thoát vị đĩa đệm, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và buồn nôn. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể, nhưng người bệnh vẫn nên chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống lại, bổ sung nguồn dinh dưỡng cần thiết để phục hồi sức khỏe, đủ sức lực để thực hiện các bài tập phục hồi chức năng cột sống. 

Một số nguyên tắc ăn uống hậu phẫu người bệnh cần tuân thủ như sau: 

  • Cung cấp nguồn calo đủ theo nhu cầu của cơ thể, thậm chí gấp đôi so với bình thường để vết mổ lành lại nhanh chóng, khôi phục sức lực. Một số loại thực phẩm giàu calo lành mạnh như các loại ngũ cốc, đậu hạt, rau xanh, củ quả, trái cây… 
  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu đạm như thịt gia cầm, thịt nạc, đậu phụ, trứng, cá, sữa ít béo giàu canxi, vitamin D…
  • Ăn đủ bữa hoặc chia nhỏ các bữa ăn chính thành nhiều bữa phụ để cân bằng nguồn dinh dưỡng và tốt cho hệ tiêu hóa. 
  • Ăn nhiều chất xơ từ rau xanh, trái cây và uống nhiều nước. 

Trên đây là những thông tin và hướng dẫn cơ bản về các bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống. Nhưng khuyến khích người bệnh cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kỹ lưỡng hơn trước khi thực hiện, đảm bảo đạt kết quả tốt và phòng ngừa rủi ro. 

HỮU ÍCH

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger