Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4 và phương pháp điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Thoát vị đĩa đệm Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4 là một dạng bệnh lý xương khớp phổ biến. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều ở mức độ trung bình và nặng, thậm chí có biến chứng gây khó khăn cho việc điều trị.

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4
Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4 là dạng bệnh lý xương khớp phổ biến trên lâm sàng

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4 là gì?

Theo giải phẫu học, đốt sống cổ được chia làm 7 đoạn, được đánh dấu từ C1 đến C7. Giữa các đốt sống là lớp nhân nhầy có nhiệm vụ hấp thu lực tác động, giảm ma sát và duy trì sự linh hoạt cho vùng cổ khi thực hiện các động tác như cúi đầu, ngửa cổ, xoay nghiêng trái phải hay xoay tròn… 

Trong đó, đốt sống C3 C4 nằm ở phần trên của đoạn cột sống và gần với phần đầu. Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3, C4 là hiện tượng khối nhân nhầy thoát ra khỏi lớp màng bao xơ, tràn ra và tích tụ xung quanh cột sống, chèn ép lên các rễ dây thần kinh ngay vị trí C3 C4.

Bệnh được biểu hiện thông qua nhiều triệu chứng từ đơn giản đến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động và đời sống sinh hoạt, lao động hàng ngày. 

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4 chủ yếu ở người lớn tuổi, tốc độ lão hóa nhanh và thiếu hụt dinh dưỡng. Tuy nhiên, tỷ lệ phát bệnh ngày càng nhiều theo xu hướng trẻ hóa, tức những người vẫn còn trẻ, độ tuổi thanh niên hoặc người trưởng thành, trung niên. Đây là hệ lụy của lối sống kém lành mạnh và xem nhẹ sức khỏe. 

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm C3 C4 

Đối với những người lớn tuổi, bị lão hóa thì thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4 thuộc nhóm bệnh lý tự phát, khó tránh khỏi do hệ xương khớp của người gia không còn khỏe mạnh.

Lúc này, ngoài thoát vị đĩa đệm họ còn dễ mắc nhiều bệnh xương khớp khác như thoái hóa cột sống/ thắt lưng, gai cột sống, hẹp ống sống, loãng xương… cùng nhiều bệnh lý thực thể khác. 

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4
Thói quen cử động cổ sai cách hoặc tai nạn, chấn thương có thể gây ra thoát vị đĩa đệm cổ C3, C4

Ngoại trừ trường hợp này, những đối tượng khác bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 và C4 thường xuất do những nguyên nhân sau: 

  • Đĩa đệm bị khô do mất nước: Cấu tạo đĩa đệm gồm các mô sợi xốp và nước. Nếu chịu ảnh hưởng tiêu cực từ bên trong lẫn bên ngoài, đĩa đệm sẽ dần bị thoái hóa và khô lại. Hậu quả của tình trạng này là suy giảm chức năng nghiêm trọng, không còn tính đàn hồi, khiến sự ma sát giữa các đốt sống ngày càng tăng lên, dễ bị phồng lồi đĩa đệm và gây thoát vị. 
  • Ảnh hưởng từ bệnh thoái hóa xương cột sống: Hầu hết những người chưa già đã bị thoát vị thường là do sự ảnh hưởng của tình trạng thoái hóa cột sống cổ C3-C4 trong thời gian dài. Sự thoái hóa khiến các đầu xương, sụn khớp biến dạng, hình thành gai, ít dịch khớp và rách bao xơ nhân nhầy gây thoát vị. 
  • Dây chằng bị cứng, thoái hóa: Xương được liên kết với nhau bằng dây chằng, duy trì sự vận động của các cơ khớp một cách linh hoạt. Tuy nhiên, theo thời gian hoặc do các tác động mạnh, dây chằng dần bị thoái hóa, căng cứng, lâu ngày dẫn đến thoát vị, thiếu linh hoạt gây khó khăn trong việc cử động xoay, nghiêng… 
  • Tính chất công việc hoặc tư thế xấu: Theo thống kê, những người có tính chất công việc đặc thù phải sử dụng khớp cổ nhiều hoặc người có thói quen cúi đầu thường xuyên sẽ có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3-C4.
  • Tai nạn, chấn thương vùng cổ: Bị tai nạn lao động, tai nạn xe cộ hoặc té ngã từ trên cao gây chấn thương vùng cổ, vai mất rất nhiều thời gian để phục hồi. Dù phục hồi cũng sẽ yếu hơn trước và dễ bị thoái hóa, thoát vị đĩa đệm hơn.  

Dấu hiệu nhận biết thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4

Tương tự như những bệnh xương khớp khác, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3-C4 có diễn tiến khá âm thầm trong giai đoạn đầu và bộc phát nghiêm trọng ở những giai đoạn nặng, gây khó khăn cho việc chữa trị. 

Sau đây là một số dấu hiệu nhận biết thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3-C4 mà rất có thể bạn đã bỏ qua: 

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4
Đau nhức, tê bì, ngứa ran, cứng cơ… là những triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4 thường gặp nhất

1. Dấu hiệu lâm sàng 

  • Đau nhức. Cơn đau tại vị trí C3 C4 thường âm ỉ và kéo dài, có khi dữ dội khi người bệnh cử động cổ mạnh. Sau đó, có thể lan xuống vùng vai gáy, ngực và gây rối loạn cảm giác.
  • Tê cứng, ngứa ran vùng cổ
  • Khó xoay cổ sang 2 bên
  • Giảm chức năng vận động
  • Đau đầu, thường là vị trí sau đầu hoặc vùng chẩm
  • Cánh tay hay mỏi, tê bì.

2. Triệu chứng theo từng giai đoạn 

Theo các chuyên gia, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4 được chia làm 4 giai đoạn tiến triển chính. Ở mỗi giai đoạn sẽ được biểu hiện thông qua các triệu chứng khác nhau như: 

  • Giai đoạn 1: Đĩa đệm chỉ bị phình lồi, có xu hướng biến dạng nhưng lớp bao xơ chứa nhân nhầy vẫn bình thường. Cơn đau nhức vẫn xảy ra nhưng không rõ ràng, không quá nặng.
  • Giai đoạn 2: Đĩa đệm dần bị sa ra khỏi vị trí ban đầu, lớp bao xơ yếu đi, tuy vẫn còn chứa được nhân nhưng đã lệch và chèn lên một số các dây thần kinh ở gần, gây đau nhức dữ dội. 
  • Giai đoạn 3: Đĩa đệm C3 C4 đã bắt đầu thoát vị thực sự do lớp bao xơ bị rách, nhân nhầy thoát ra chèn ép các dây thần kinh. Hậu quả là gây suy giảm chức năng vận động, rối loạn cảm giác, suy nhược cơ thể. 
  • Giai đoạn 4: Khối thoát vị ngày càng lớn, tích tụ xung quanh cột sống và bắt đầu có hiện tượng tách rời, di chuyển đến nhiều vị trí khác, khởi phát nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là bại liệt.

Bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4 có nguy hiểm không? 

Có thể thấy, đốt sống cổ C3 C4 giữ nhiệm vụ chính trong việc duy trì chức năng vận động của cổ trong các sinh hoạt hàng ngày. Việc suy giảm chức năng này gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất và khả năng vận động của người bệnh. Có thể kể đến một số bệnh lý dưới đây:

  • Hội chứng chèn ép dây thần kinh cổ
  • Hội chứng rối loạn cảm giác. Các dây thần kinh bị tổn thương tạo ra cảm giác tê bì, ngứa ngáy, nóng ran, cảm nhận nóng lạnh thất thường… và kéo theo nhiều phiền toái khác trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Hội chứng rễ thần kinh
  • Teo cơ, bại liệt tay
Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4
Bệnh gây chèn ép rễ dây thần kinh dẫn đến rối loạn cảm giác, giảm chức năng vận động vùng cổ, vai, gáy, tay

Biện pháp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4

Việc nắm rõ các dấu hiệu nhận biết trên và chủ động thăm khám sớm sẽ giúp quá trình điều trị đạt kết quả cao, tăng tỷ lệ phục hồi chức năng cột sống cổ và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.

Tương tự như nhiều bệnh lý xương khớp khác, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các bước kiểm tra sau đây để chẩn đoán chính xác dạng bệnh và mức độ bệnh nặng hay nhẹ của từng trường hợp. 

  • Khám lâm sàng: Là bước kiểm tra các triệu chứng do người bệnh cung cấp, quan sát đánh giá thông qua các bài kiểm tra vận động cơ bản ở cổ, cánh tay, bàn tay, ngón tay, các phản xạ như co duỗi, cúi đầu, nghiêng đầu… Từ đó đưa ra đánh giá chính xác về mức độ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3, C4. 
  • Khám cận lâm sàng: Thông qua các xét nghiệm hình ảnh chụp chiếu như X quang, CT scan, MRI… Những hình ảnh này được bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm đánh giá và phân tích, tìm kiểm tổn và đưa ra những chẩn đoán chính xác về bệnh. 

Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm C3 C4 hiệu quả 

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4 là bệnh lý xương khớp tương đối phức tạp và cần có phác đồ điều trị chuyên sâu, phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Dưới đây là một số cách chữa hiệu quả:

1. Điều trị bằng thuốc Tây 

Hầu hết các trường hợp bệnh nhẹ và không nhất thiết phải can thiệp ngoại khoa, thường sẽ được ưu tiên điều trị bằng thuốc Tây. Có rất nhiều loại thuốc chữa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ như: 

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4
Điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3, C4 bằng thuốc Tây đem lại hiệu quả cao nhưng tiềm ẩn tác dụng phụ
  • Thuốc giảm đau: Có tác dụng giảm nhanh cơn đau trong giai đoạn cấp. Một số loại phổ biến như Paracetamol, thuốc chống viêm giảm đau không steroid hoặc thuốc giảm đau gây nghiện Opioid… 
  • Thuốc giãn cơ: Thuốc có tác dụng làm giãn các cơ gây co thắt vùng cổ, giảm mức độ đau nhức và thoái hóa. Một số loại điển hình như: Mydocalm, Myonal… 
  • Thuốc chống trầm cảm: Một số trường hợp bị đau nhức dữ dội có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm liều thấp với mục đích hỗ trợ giảm đau tức thời. 
  • Thuốc bổ trợ thần kinh: Giúp xoa dịu căng thẳng thần kinh, hỗ trợ giải phóng áp lực tại các dây thần kinh, thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm đau, giảm thấp diễn tiến nặng của bệnh. 

Lưu ý: Tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa khi điều trị bằng thuốc.

2. Vật lý trị liệu 

Dùng thuốc kết hợp với vật lý trị liệu là cách hiệu quả giúp cải thiện triệu chứng và hỗ trợ đẩy lùi bệnh sớm, đồng thời giảm tác dụng phụ của thuốc. Một số liệu pháp vật lý trị liệu được áp dụng phổ biến cho người bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3, C4 như: 

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4
Các giải pháp vật lý trị liệu giúp giảm đau, phục hồi đĩa đệm nhanh hơn
  • Xoa bóp bấm huyệt
  • Châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm (như thủy châm, điện châm, nhu châm…)
  • Kéo giãn cột sống 
  • Chiếu đèn hồng ngoại
  • Sóng ngắn, sóng siêu âm
  • Thực hiện các bài tập phù hợp

Lưu ý: Đây là những liệu pháp điều trị không dùng thuốc vừa an toàn vừa đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, không nên tự tập tại nhà khi chưa nắm rõ về cơ chế, quy trình cách thực hiện. Tốt nhất nên trao đổi với chuyên gia để được hướng dẫn cụ thể.

3. Kết hợp tự chăm sóc tại nhà 

Để tăng hiệu quả điều trị, nhất là với những người bị thoát vị đĩa đệm cấp độ nhẹ, vừa khởi phát, bạn hoàn toàn có thể áp dụng ngay các cách chữa thoát vị đĩa đệm tại nhà sau:

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4
Chườm nóng hoặc chườm lạnh giúp cơn đau vùng cổ vai gáy nhanh chóng, tức thì
  • Chườm nóng + lạnh: Liệu pháp nhiệt giảm đau luôn là giải pháp được nhiều người áp dụng. Cách này đem lại hiệu quả rõ rệt, nhanh chóng tức thì ngay sau khi chườm. Trong đó, nhiệt nóng giúp làm giãn các mạch máu, giảm chèn ép thần kinh, tăng tuần hoàn máu và giảm đau. Còn nhiệt lạnh giúp làm tê liệt dây thần kinh, ức chế cơn đau nhức, tê bì. Tuy nhiên, cách này chỉ có tác dụng tạm thời trong thời gian ngắn, phải thực hiện thường xuyên. 
  • Dùng nẹp cổ: Bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân đeo nẹp cổ thường xuyên để giữ cho các đốt sống được thẳng, giảm thiểu tác động ngoại lực. Từ đó giảm tổn thương và phục hồi chức năng nhanh chóng hơn. 
  • Thực hiện các bài tập vùng cổ: Vận động phù hợp là giải pháp đơn giản giúp cải thiện cơn đau và thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng của đốt sống C3, C4 bị thoát vị. Một số bài tập được khuyến cáo như:
    • Nằm ngửa trên giường, ngả đầu xuống dưới hết mức trong 1 – 2 phút; 
    • Nằm ngửa trên giường, kê một chiếc khăn gấp dưới đầu; 
    • Ngồi thẳng lưng, co 2 khuỷu tay lại tạo thành góc 90 độ;
    • Ngồi thẳng lưng, thư giãn, đặt lòng bàn tay lên chính giữa trán, dùng lực nhẹ hơi ấn vào nhưng không được di chuyển đầu;
    • Ngồi trên ghế, nghiêng đầu sang một bên rồi từ từ di chuyển về phía trước, trở về tư thế ban đầu;
  • Chữa bằng mẹo dân gian: Sử dụng các bài thuốc cây nhà lá vườn theo kinh nghiệm dân gian cũng là cách chữa hiệu nghiệm được nhiều người áp dụng. Một số bài thuốc chữa thoát vị đĩa đệm phổ biến như lá lốt, ngải cứu, xương rồng, đu đủ xanh, rễ đinh lăng, lá mật gấu… Lưu ý những mẹo này chỉ phù hợp với người bệnh cấp độ nhẹ. 

4. Chữa bằng bài thuốc + châm cứu Đông y 

Song song với sự phát triển của Y học hiện đại, chữa bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3, C4 bằng Đông y cũng là biện pháp được nhiều người chọn lựa và áp dụng. Phương pháp này được đánh giá cao về mức độ an toàn, hầu như không có tác dụng phụ và áp dụng được trong thời gian dài.

Gợi ý một số bài thuốc Đông y chữa thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3, C4 hiệu quả sau: 

# Bài thuốc Độc hoạt ký sinh thang

Tác dụng: làm giảm các triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ do yếu tố phong thấp. Nhờ cơ chế thông kinh hoạt lạc, hóa thấp khu phong, làm ấm cơ thể. 

Cách thực hiện: Chuẩn bị các vị thuốc gồm thạch chi 15g, đỗ trọng, đương quy, đẳng sâm, tần giao và phục linh mỗi vị 12g, phòng phong, xuyên khung, độc hoạt, bạch thược và ngưu tất mỗi vị 9g, tang ký sinh 8g, nhục quế, tế tân và cam thảo mỗi vị 3g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, kiên trì dùng liên tục trong 1 tháng. 

# Bài thuốc Phụ tử ma hoàng quế chi thang 

Tác dụng: Giúp cải thiện các triệu chứng thoát vị đĩa đệm cổ do hàn thấp. Có tác dụng chỉ thống, trừ thấp, ôn kinh, tán hàn và nâng cao sức khỏe xương khớp. 

Cách thực hiện: Chuẩn bị các vị thuốc gồm can khương, độc hoạt, phụ tử, cát căn và độc hoạt mỗi vị 9g, quế chi, ma hoàng và cam thảo mỗi vị 6g cùng 3g tế tân. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, liên tục cho đến khi các triệu chứng bệnh thuyên giảm. 

5. Can thiệp phẫu thuật (nếu cần thiết) 

Rất ít các trường hợp bị thoát vị đĩa đệm phải can thiệp phẫu thuật (chỉ khoảng 5% trên tổng các trường hợp), hầu hết là những người bị tai nạn chấn thương nghiêm trọng ở vùng cổ hoặc cấp độ bệnh nghiêm trọng, giai đoạn có biến chứng gây giảm chức năng vận động, bại liệt tay… mới được chỉ định thực hiện. 

Phẫu thuật là thủ thuật y tế xâm lấn vào da thịt nhằm xử lý các tổn thương, mà trong trường hợp này là tổn thương vùng đốt sống cổ C3, C4, giải phóng áp lực chèn ép lên dây thần kinh, giảm đau nhức và phục hồi chức năng trở lại bình thường. 

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4
Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cổ C3-C4 thường rất ít khi được chỉ định

Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cổ nói chung như: mổ hở truyền thống, mổ nội soi hoặc mổ vi phẫu kết hợp chiếu tia laser. Tùy theo đặc điểm bệnh của từng trường hợp mà bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ hoặc thay mới đĩa đệm, ghép xương, hàn đốt sống cố định lại với nhau…

Tuy nhiên, vì phẫu thuật cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ổn cho sức khỏe như nhiễm trùng, hoại tử, tổn thương mạch máu, thần kinh, tăng nặng mức độ thoát vị… Ngoài ra, chi phí phẫu thuật cũng khá cao nên tốt nhất hãy tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia để có phương án điều trị tốt nhất. 

Hướng dẫn chăm sóc phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cổ C3, C4 

Bên cạnh áp dụng phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm cổ theo chỉ định của bác sĩ, bản thân bệnh nhân cũng phải chủ động tuân thủ thực hiện những biện pháp chăm sóc tích cực tại nhà. Điều này hỗ trợ điều trị khỏi bệnh nhanh chóng cũng như phòng ngừa bệnh tái phát trở lại. 

Về chế độ ăn uống

Để có sức khỏe xương khớp tốt cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học và cân đối. Đảm bảo thực đơn ăn uống hàng ngày phải có đầy đủ các nhóm chất sau: 

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4
Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu canxi phòng ngừa các bệnh về xương khớp, trong đó có thoát vị đĩa đệm
  • Nhóm thực phẩm giàu canxi như đậu nành, hạt chia, sữa chua, hải sản… giúp hệ xương khớp nói chung được chắc khỏe, tăng cường sự rắn chắc của cơ bắp;
  • Nhóm thực phẩm giàu vitamin, nhất là vitamin E, D, C… giúp xương khớp khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật. Thường có nhiều trong các loại rau xanh, trái cây, củ quả, thịt, cá, ngũ cốc, đậu hạt… 
  • Nhóm thực phẩm giàu protein vì đây là chất đóng vai trò quan trọng đối với sự tái tạo, phục hồi tổn thương đĩa đệm và hình thành phát triển xương khớp. Thường tìm thấy nhiều trong các loại thịt như lợn, gà, các loại đậu… 
  • Nhóm thực phẩm giàu omega-3 có tác dụng hỗ trợ giảm đau, chống viêm, cần thiết giúp tăng cường sức khỏe xương khớp, cột sống. Thường có nhiều trong các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu… 
  • Nhóm thực phẩm giàu chất xơ như rau củ quả, đậu, ngũ cốc, bánh mì… giúp duy trì cân nặng, giảm áp lực cho đĩa đệm, cột sống…. 

Đồng thời, hạn chế hoặc tránh sử dụng các loại thực phẩm không dinh dưỡng như chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp chứa chất bảo quản, nội tạng động vật, các loại chất kích thích như rượu bia, cà phê, đồ uống có gas… trong suốt quá trình điều trị cũng như phòng ngừa bệnh. 

Về lối sống sinh hoạt

  • Thay đổi tư thế đứng, ngồi, nằm… sao cho cổ và lưng luôn thẳng. Tư thế này sẽ giúp giảm bớt lực lên cột sống, đặc biệt là ở vùng đĩa đệm bị tổn thương. 
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày bằng những bài tập đơn giản, hiệu quả theo sự chỉ định của chuyên gia. 
  • Duy trì cân nặng ở mức vừa phải để giảm áp lực lên đĩa đệm cột sống cổ bị tổn thương. 
  • Đảm bảo tinh thần thoải mái, lối sống khoa học, ngủ sớm, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, tránh stress, căng thẳng thần kinh… 

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4 là dạng bệnh xương khớp phổ biến trên lâm sàng. Vì những ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe thể chất và khả năng vận động nên bạn cần chủ động thăm khám càng sớm càng tốt để được hướng dẫn chữa trị theo phác đồ phù hợp. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger