Mổ Thoát Vị Đĩa Đệm: Chi Phí, Phương Pháp Và Biến Chứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Thoát vị đĩa đệm Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Mổ thoát vị đĩa đệm thường là phương pháp cuối cùng cho những trường hợp điều trị bảo tồn thất bại. Đôi khi phương pháp này được chỉ định đầu tiên khi đĩa đệm bị vỡ và có chèn ép dây thần kinh nghiêm trọng. Phẫu thuật giúp sửa chữa vị trí tổn thương và phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân.

Mổ thoát vị đĩa đệm
Tìm hiểu quy trình, chi phí, chống chỉ định, cách chăm sóc và phục hồi sau mổ thoát vị đĩa đệm

Thế nào là mổ thoát vị đĩa đệm?

Mổ thoát vị đĩa đệm là phương pháp dùng trong ngoại khoa để điều chỉnh những bất thường của đĩa đệm và giải nén các dây thần kinh bị chèn ép. Phương pháp này thường được chỉ định sau một thời gian không đáp ứng với phương pháp bảo tồn.

Đôi khi phẫu thuật được chỉ định ngay khi có chấn thương khiến đĩa đệm hỏng nặng hoặc dây thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng, bệnh nhân có nguy cơ liệt.

Tùy thuộc vào tình trạng và mục đích điều trị, mổ thoát vị đĩa đệm có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật mở rộng lỗ liên hợp
  • Cắt bỏ đĩa đệm + hợp nhất cột sống
  • Phẫu thuật mở ống sống
  • Cấy ghép đĩa đệm nhân tạo

Hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm được chỉ định phẫu thuật với mục đích giải nén thần kinh, sửa chữa hoặc loại bỏ đĩa đệm hỏng. Từ đó phục hồi chức năng vận động và kiểm soát cơn đau cho bệnh nhân.

Các phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm

Với sự phát triển của nền y học, mổ thoát vị đĩa đệm được áp dụng với nhiều kỹ thuật khác nhau. Tuy nhiên tất cả đều nhằm vào mục đích kiểm soát triệu chứng, phục hồi cột sống và chức năng vận động.

Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, người bệnh có thể được chỉ định một trong những phương pháp phẫu thuật dưới đây:

1. Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm

Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm là phương pháp loại bỏ đĩa đệm hỏng và đang chèn ép dây thần kinh. Sau đó hợp nhất đốt sống bằng tấm kim loại, hoặc cấy ghép đĩa đệm nhân tạo với cấu trúc và chức năng tương tự như đĩa đệm tự nhiên.

Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm
Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm được thực hiện để loại bỏ đĩa đệm hỏng và giảm chèn ép dây thần kinh

Phương pháp này được thực hiện với mục đích giảm áp lực đè lên dây thần kinh cột sống cho những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có đĩa đệm hỏng nặng và không đáp ứng với các phương pháp bảo tồn (sau 6 – 12 tuần)
  • Suy nhược thần kinh dẫn đến khó khăn trong việc đứng hoặc đi lại
  • Cơn đau lan xuống mông, hai chân, cánh tay hoặc/ và ngực, đau có xu hướng nghiêm trọng và khó kiểm soát.

So với các kỹ thuật khác, phương pháp phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm được áp dụng phổ biến hơn.

2. Phẫu thuật mở cột sống

Phương pháp này chủ yếu được áp dụng cho những trường hợp bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Thông qua một vết rạch nhỏ ở lưng, cơ cột sống được rút ra khỏi xương và đĩa đệm hỏng bị cắt bỏ. Điều này giúp giải nén thần kinh cột sống, kiểm soát các triệu chứng khó chịu.

3. Phẫu thuật nội soi

Phẫu thuật nội soi còn được gọi là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu với một vết rạch nhỏ được tạo ở trên lưng hoặc cổ (ngay tại đĩa đệm bị thương). Sau đó sử dụng các thiết bị nội soi có kích thước nhỏ (ống nội soi, camera, thiết bị phẫu thuật…) để quan sát và loại bỏ đĩa đệm hỏng. 

So với mổ mở, phẫu thuật nội soi có vết thương nhỏ, mau lành, ít chảy máu và ít gây biến chứng hơn. Tuy nhiên một số hạn chế về tầm nhìn và khả năng tiếp cận có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị cuối cùng.

4. Phẫu thuật bằng Laser

Đây cũng là một trong những dạng phẫu thuật xâm lân tối thiểu. Trong quá trình thực hiện, một vết mổ nhỏ được tạo ra ở nơi có đĩa đệm hỏng. Sau đó bác sĩ sử dụng tia laser để loại bỏ đĩa đệm thoát vị và đang chèn ép vào dây thần kinh.

5. Phẫu thuật cắt lớp

Trong nhiều trường hợp, bác sĩ cần loại bỏ một mảnh xương nhỏ khỏi đốt sống, còn được gọi là lamina. Trong xương cột sống, lamina tạo thành một lớp vỏ giúp hạn chế chấn thương và bảo vệ tủy sống.

Khi đĩa đệm thoát vị, lamina có thể bị loại bỏ một phần hoặc toàn bộ để tiếp cận đĩa đệm thoát vị, giảm áp lực lên dây thần kinh. Từ đó chấm dứt những triệu chứng khó chịu của bệnh, ngăn đau dây thần kinh tọa và chứng đau chân.

Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh có thể được phẫu thuật thắt lưng với:

  • Laminotomy: Loại bỏ một số lamina.
  • Laminectomy: Loại bỏ hầu hết hoặc tất cả các lamina.

Thông thường, lamina sẽ được loại bỏ đồng thời với phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm.

6. Phẫu thuật hợp nhất cột sống

Hợp nhất cột sống thường được thực hiện sau khi phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm. Đây là một kỹ thuật mổ thoát vị đĩa đệm được áp dụng phổ biến nhất.

Sau khi đĩa đệm bị loại bỏ, bác sĩ tiến hành hợp nhất hai đốt sống liền kề (ở phía trên và dưới của đĩa đệm hỏng). Điều này giúp cột sống của bạn được ổn định hơn, ngăn xương di chuyển và đau tái phát.

Phẫu thuật hợp nhất cột sống
Hợp nhất cột sống được thực hiện để phục hồi và ổn định cột sống sau loại bỏ đĩa đệm

7. Phẫu thuật cấy ghép đĩa đệm nhân tạo

Thay vì hợp nhất đốt sống, người bệnh có thể được cấy ghép đĩa đệm nhân tạo sau khi phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm hỏng. Phương pháp này sử dụng đĩa đệm nhân tạo (bằng nhựa hoặc kim loại) có cấu trúc và chức năng tương tự đĩa đệm tự nhiên để cấy ghép vào lỗ trống giữa hai đốt sống liền kề.

Khi thực hiện, đĩa đệm mới sẽ được cấy ghép thông qua một vết mổ ở lưng. Nó thay thế cho đĩa đệm hỏng, phục hồi cấu trúc cột sống và chức năng vận động. Đồng thời giúp cột sống được ổn định, người bệnh kiểm soát triệu chứng và di chuyển dễ dàng hơn.

Trên thực tế, chỉ một số người có thể phẫu thuật cấy ghép đĩa đệm nhân tạo. Bởi đĩa đệm cấy ghép chỉ hoạt động ở một số vị trí ở vùng lưng dưới của bạn.

Mổ thoát vị đĩa đệm có hiệu quả không?

Mổ thoát vị đĩa đệm được đánh giá là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất, tác dụng nhanh hơn so với những phương pháp khác. Cụ thể phẫu thuật có thể mang đến những lợi ích sau:

  • Loại bỏ đĩa đệm chèn ép, giảm áp lực lên dây thần kinh cột sống
  • Kiểm soát triệu chứng, bao gồm cả cắt giảm cơn đau và yếu các chi
  • Phục hồi chức năng vận động, sức mạnh và tính kinh hoạt
  • Cải thiện sức mạnh ở chân và cánh tay
  • Ngăn ngừa các biến chứng do bệnh thoát vị đĩa đệm. Cụ thể như: Teo cơ, liệt, hội chứng chùm đuôi ngựa, đau thân kinh tọa, rối loạn chức năng ruột và bàng quang…

Trong vòng vài tuần sau mổ, người bệnh sẽ bắt đầu cảm thấy sự cải thiện rõ rệt của những triệu chứng. Để tăng tốc độ và khả năng hồi phục, bác sĩ sẽ hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu. Nhiều bài tập và cách phục hồi có thể giúp lấy lại khả năng chuyển động cột sống.

Khi nào cần mổ thoát vị đĩa đệm?

Hầu hết trường hợp thoát vị đĩa đệm được điều trị bảo tồn. 2/3 trường hợp cho biết họ có đáp ứng tốt, không cần phẫu điều trị. Nếu điều trị bảo tồn thất bại (sau 6 – 12 tháng) bệnh nhân sẽ được đề nghị mổ thoát vị đĩa đệm.

Phẫu thuật được thực hiện khi điều trị bảo tồn thất bại
Phẫu thuật được thực hiện khi điều trị bảo tồn thất bại, đau đớn dữ dội và kéo dài

Ngoài ra phương pháp phẫu thuật còn được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Phồng đĩa đệm, vỡ hoặc trượt đĩa đệm nghiêm trọng kèm theo những biểu hiện sau:
    • Đau đớn dữ dội
    • Khó khăn khi đi lại hoặc thực hiện những hoạt động thường ngày
    • Mất kiểm soát chức năng ruột và bàng quang
  • Suy nhược thần kinh dẫn đến khó khăn trong việc đứng hoặc đi lại
  • Cơn đau lan xuống mông, hai chân, cánh tay hoặc/ và ngực, đau có xu hướng nghiêm trọng và khó kiểm soát.

Chống chỉ định mổ thoát vị đĩa đệm

Mổ thoát vị đĩa đệm không phù hợp với tất cả mọi người. Phương pháp này chống chỉ định với những trường hợp sau:

  • Đau nhẹ
  • Có chẩn đoán không chắc chắn về tình trạng
  • Suy giảm tinh thần
  • Những người có tiền sử hoặc đang mắc những bệnh lý cần thận trọng trong phẫu thuật

Để đảm bảo không bị sai sót trong quá trình điều trị, người bệnh cần khám và xét nghiệm hình ảnh kỹ lưỡng, đánh giá rủi ro và lợi ích dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Chuẩn bị gì trước khi mổ thoát vị đĩa đệm?

Trước khi mổ thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần đảm bảo trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ chuyên khoa Cơ Xương Khớp, bác sĩ Chỉnh hình hoặc Phẫu thuật thần kinh. Cân nhắc kỹ lưỡng giữa rủi ro và lợi ích sau phẫu thuật. Đồng thời đảm bảo đủ tiêu chuẩn và an toàn khi can thiệp.

Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được yêu cầu chẩn đoán cận lâm sàng đầy đủ. Điều này giúp đề xuất kỹ thuật thích hợp, xác định vị trí và đĩa đệm cần tiếp cận.

Chẩn đoán cận lâm sàng đầy đủ
Chẩn đoán cận lâm sàng đầy đủ để đánh giá tình trạng và đề xuất kỹ thuật can thiệp thích hợp

Dưới đây là một số xét nghiệm thường được chỉ định:

  • Chụp X-quang: Cung cấp hình ảnh rõ ràng về khớp và những đốt sống.
  • Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT hoặc CAT): Cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc xung quanh ống sống và ống sống.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI tạo ra hình ảnh 3 chiều của rễ thần kinh, tủy sống và những đĩa đệm. Điều này giúp nắm bắt chính xác tình trạng và vị trí của đĩa đệm tổn thương.
  • Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh hoặc điện cơ (NCS/ EMG): Những xét nghiệm này cho phép kiểm tra hoạt động của các cơ và đo những xung điện dọc theo dân thần kinh.

Một số lưu ý khác trước khi phẫu thuật:

  • Ngừng sử dụng các thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Không uống hoặc ăn bất kỳ loại thực phẩm nào vào ngày phẫu thuật.
  • Trước khi phẫu thuật, mặc quần áo phù hợp nhằm mang đến cảm giác thoải mái.

Quy trình mổ thoát vị đĩa đệm

Trong phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm, người bệnh trải qua quy trình với những bước cơ bản dưới đây:

  • Bước 1: Gây mê toàn thân
  • Bước 2: Tạo một vết rạch ở lưng hoặc cổ, gần đĩa đệm bị thương
  • Bước 3: Xác định vị trí và loại bỏ đĩa đệm hỏng. Trong nhiều trường hợp, lamina, dây chẳng hoặc các cơ xung quanh bị loại bỏ để tiếp cận đĩa đệm thoát vị
  • Bước 4: Hợp nhất đốt sống hoặc cấy ghép đĩa đệm nhân tạo. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ dùng một mảnh xương (chẳng hạn như xương chậu) để thay thế vào khoảng trống.
    • Hợp nhất cột sống: Sau khi đĩa đệm thoát vị bị loại bỏ, một tấm kim loại được cấy vào bên trong để hợp nhất 2 đốt sống liền kề. Điều này giúp ổn định và phục hồi chức năng cho cột sống.
    • Cấy ghép đĩa đệm nhân tạo: Dùng đĩa đệm nhựa hoặc kim loại có kích thước, chức năng và cấu trúc giống với đĩa đệm thật để thay thế cho đĩa đệm hỏng. Điều này giúp lắp đầy khoảng trống, tăng tính ổn định và phục hồi chức năng cho cột sống. Cấy ghép đĩa đệm nhân tạo thường chỉ được chỉ định cho những người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
  • Bước 5: Kiểm tra độ ổn định của cột sống, đảm bảo không có bất thường. 
  • Bước 6: Khâu vết thương và băng bó.

XEM THÊM: Phẫu Thuật Thoát Vị Đĩa Đệm Cột Sống Thắt Lưng: Tổng Hợp Điều Cần Biết

Rủi ro khi mổ thoát vị đĩa đệm

Mổ thoát vị đĩa đệm là một thủ thuật đơn giản và có độ an toàn cao. Tuy nhiên bất kỳ ca phẫu thuật nào (bao gồm phẫu thuật chỉnh hình) cũng đều có rủi ro. Mặc dù ít gặp nhưng người bệnh có thể đối mặt với một hoặc nhiều biến chứng dưới đây:

Mổ thoát vị đĩa đệm có thể gây rối loạn cảm giác
Mổ thoát vị đĩa đệm có thể gây rối loạn cảm giác, mất sức mạnh hoặc đau không cải thiện
  • Rối loạn cảm giác
  • Rối loạn bài tiết và tiết niệu
  • Mất sức mạnh
  • Nhiễm trùng
  • Tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh
  • Rò rỉ dịch tủy sống
  • Chảy máu
  • Những vấn đề về đĩa đệm nhân tạo
  • Đau không cải thiện hoặc quay lại sau một thời gian (hiếm gặp)

Hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm ổn định cột sống, phục hồi, giảm đau và các triệu chứng khác sau phẫu thuật. Tuy nhiên khoảng 5% trường hợp có đĩa đệm bị thoát vị trở lại.

Để phòng ngừa rủi ro, người bệnh cần trao đổi kỹ với bác sĩ chuyên khoa về những biến chứng và lợi ích của phẫu. Sau đó quyết định phương pháp điều trị dựa trên lợi ích. Ngoài ra, phẫu thuật cần được thực hiện bởi bác sĩ và những người có chuyên môn cao.

ĐỌC NGAY: Mổ Thoát Vị Đĩa Đệm Xong Vẫn Đau Và Cách Khắc Phục

Lưu ý và cách chăm sóc sau mổ thoát vị đĩa đệm

Chăm sóc sau mổ thoát vị đĩa đệm là một quá trình vô cùng quan trọng. Quá trình này có thể quyết định hiệu quả cuối cùng của phương pháp phẫu thuật. Đồng thời giảm nguy cơ khởi phát các biến chứng.

1. Chăm sóc vết thương

Sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, người bệnh được yêu cầu nằm nghiêng và kê gối để không làm ảnh hưởng đến vết thương và giúp ổn định cột sống. Trong những ngày đầu, băng gạc được thay sau 48 giờ và không tiếp xúc với nước. Những ngày tiếp theo có thể thay băng hàng ngày.

Trong quá trình thay băng, bệnh nhân được kiểm tra các dấu hiệu như sưng, tiết dịch, chảy máu, mưng mủ… để sớm phát hiện bất thường (như nhiễm trùng, xuất huyết…) và có những phương pháp xử lý thích hợp.

2. Tập phục hồi chức năng

Để phục hồi nhanh hơn, bệnh nhân được yêu cầu vật lý trị liệu hoặc phục hồi chức năng. Các bài tập cụ thể có khả năng thúc đẩy quá trình lưu thông khí huyết, tăng cường sức cơ, phục hồi sức mạnh và khả năng vận động cho các chi. 

Ngoài ra tập phục hồi chức năng còn là một trong những cách giúp tăng cường sức mạnh và ổn định cột sống. Sau 3 – 6 tháng luyện tập tích cực, hầu hết các trường hợp đều phục hồi chức năng hoàn toàn, bệnh nhân di chuyển và vận động bình thường.

Tập phục hồi chức năng
Tập phục hồi chức năng để phục hồi hoàn toàn, làm mạnh cột sống, di chuyển và vận động bình thường

Trong vài tuần đầu, bệnh nhân chủ yếu thực hiện những bài tập kéo giãn nhẹ nhàng, tập đi có hoặc không sử dụng gậy. Sau 1 – 2 tháng, những bài tập kéo giãn nặng hơn hoặc bài tập tăng cường sức cơ có thể được thực hiện. Ngoài ra người bệnh được tập những động tác cơ bản để sinh hoạt và trở lại đời sống bình thường.

Tập phục hồi chức năng được thực hiện trong trung tâm phục hồi. Sau 2 – 4 tháng, bệnh nhân được hướng dẫn luyện tập tại nhà để phục hồi tối đa.

3. Lưu ý sau mổ thoát vị đĩa đệm

Sau mổ thoát vị đĩa đệm, vết thương chưa lành, cột sống yếu và chưa ổn định hoàn toàn. Vì thế người bệnh cần thận trọng trong những hoạt động để tránh phát sinh rủi ro. Dưới đây là một số lưu ý cho người bệnh:

  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
  • Trong vài tuần đầu tiên, tuyệt đối không nên nâng vật nặng, ngồi lâu, kéo dài quá nhiều hoặc uốn cong lưng. Bởi những hoạt động này đều làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của cột sống.
  • Không ăn nếp để tránh tụ mủ vết thương.
  • Thay băng thường xuyên để phòng ngừa nhiễm trùng.
  • Tăng cường bổ sung vitamin C, D, omega-3, canxi, magie và những khoáng chất khác từ sữa, các loại hạt, phô mai, sữa chua, đậu, các loại rau xanh, thịt, cá, trứng… để thúc đẩy quá trình phục hồi và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Trong thời gian đầu, thuốc giảm đau được chỉ định để giảm bớt cảm giác khó chịu.
  • Ít nhất 6 tháng đầu sau mổ, không nên dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID).
  • Không hút thuốc lá và không uống rượu bia.
  • Thông báo với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
  • Tránh ngẩng đầu hoặc cúi đầu quá mức.
  • Thường xuyên đi lại, vận động. Tránh ngồi yên một chỗ.
  • Mang nẹp khi cần thiết.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bơi lội, tập thể dục gắng sức, lái xe và quan hệ tình dục.

Mổ thoát vị đĩa đệm bao lâu phục hồi?

Sau 1 – 2 tháng, vết mổ có thể lành hẳn, các triệu chứng giảm đáng kể, người bệnh dần ổn định và phục hồi nhanh. Tuy nhiên phải mất từ 6 – 8 tuần phục hồi chức năng để trở lại với những hoạt động bình thường và chơi các môn thể thao không va chạm.

Mất ít nhất 12 tuần để chơi những môn có cường độ cao. Cần luyện tập tích cực và từ từ, tránh đột ngột vận động gắng sức để không gây chấn thương.

Bệnh nhân có thể trở lại với những hoạt động bình thường sau 6 - 8 tuần phục hồi chức năng
Bệnh nhân có thể trở lại với những hoạt động bình thường sau 6 – 8 tuần phục hồi chức năng

Chi phí mổ thoát vị đĩa đệm

Thông thường, mổ hở điều trị thoát vị đĩa đêm có chi phí dao động trong khoảng 5 – 20 triệu đồng/ ca. Mổ nội soi có chi phí dao động từ 30 – 40 triệu đồng/ ca. Chi phí này không bao gồm giường bệnh, thuốc, chụp phim và những chi phí khác.

Chi phí phẫu thuật có thể thay đổi do những yếu tố sau:

  • Sử dụng bảo hiểm y tế
  • Cơ sở phẫu thuật
  • Phương pháp phẫu thuật
  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh…

Mổ thoát vị đĩa đệm ở đâu tốt?

Để tăng tỉ lệ thành công khi mổ thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần lựa chọn những cơ sở y tế uy tín và chất lượng, có bác sĩ giỏi để được chẩn đoán và can thiệp chính xác.

Dưới đây là một số địa chỉ phẫu thuật thoát vị đĩa đệm tốt và uy tín tại TPHCM và Hà Nội:

Bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những địa chỉ mổ thoát vị đĩa đệm tốt ở TPHCM

Bệnh viện Chợ Rẫy

  • Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
  • Số điện thoại: (84-028) 3855 4137 – (84-028) 3855 4138

Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM

  • Địa chỉ: 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh (cơ sở 1)
  • Số điện thoại: (84.28) 3855 4269

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM

  • Địa chỉ: 929 Đường Trần Hưng Đạo, Phường 1, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
  • Số điện thoại: 028.39235791 – 39235821 – 39237007

Bệnh viện Việt Đức

  • Địa chỉ: 40 Phố Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Số điện thoại: (024)38.253.531

Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108

  • Địa chỉ: 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Số điện thoại: 069. 572400

Bệnh viện Quân y 103

  • Địa chỉ: 261 đường Phùng Hưng, Phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội
  • Số điện thoại: 0967 811 616 – 0983.889.103 – 0931.727.434

Mổ thoát vị đĩa đệm mang đến hiệu quả cao và nhanh hơn so với các phương pháp khác, quá trình đơn giản và có độ an toàn cao. Tuy nhiên để tránh rủi ro, phương pháp này chỉ được thực hiện khi cần và đủ điều kiện y tế. Trao đổi với bác sĩ để có những chỉ định thích hợp.

ĐỪNG BỎ LỠ

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger