Tràn Dịch Khớp Háng
Tràn dịch khớp háng xảy ra khi có sự tích tụ chất lỏng bất thường trong không gian khớp háng. Điều này khiến khớp sưng đỏ, mềm kèm theo đau đớn. Các triệu chứng có thể làm giảm phạm vi chuyển động và cản trở hoạt động bình thường của khớp.
Tổng quan
Tràn dịch khớp háng là tình trạng tăng bất thường chất lỏng trong không gian khớp háng. Chất lỏng làm cho khớp háng sưng tấy rõ rệt, nóng đỏ và đau đớn. Hầu hết trường hợp liên quan đến chấn thương, nhiễm trùng và viêm khớp.
Trong không gian của mỗi khớp đều chứa một lượng dịch nhất định. Dịch khớp hoạt động như một chất bôi trơn, cho phép các xương trượt lên nhau khi di chuyển và chuyển động linh hoạt hơn. Ngoài ra dịch khớp cũng cung cấp thành phần nuôi dưỡng sụn khớp, duy trì sụn khớp khỏe mạnh và dẻo dai.
Tuy nhiên khi bị viêm nhiễm hoặc có chấn thương, chất lỏng tăng lên bất thường và tích tụ trong không gian khớp. Từ đó làm phát triển những triệu chứng khó chịu.
Khi chất lỏng tích tụ xuất hiện đồng thời với tình trạng viêm mô liên kết lót khớp, tình trạng này sẽ được gọi là tràn dịch khớp háng kèm theo viêm màng hoạt dịch.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tràn dịch khớp háng xảy ra khi chất lỏng dư thừa tràn vào các mô xung quanh khớp háng. Điều này xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:
- Nhiễm trùng
Viêm khớp nhiễm trùng (nhiễm trùng ở khớp) là nguyên nhân gây tràn dịch khớp háng thường gặp. Tình trạng này xảy ra khi vi khuẩn theo dòng máu đến khớp từ một bộ phận khác của cơ thể. Đôi khi chúng xâm nhập trực tiếp vào khớp thông qua vết thương xuyên thấu.
Nhiễm trùng ở khớp háng khiến khớp ảnh hưởng sưng tấy, ấm nóng, đau đớn và trào dịch khớp. Một số người bị co thắt các bó cơ, làm tăng mức độ đau, giảm phạm vi và khả năng vận động.
- Chấn thương
Chấn thương nghiêm trọng có thể khiến khớp háng sưng tấy và bị tràn dịch. Chẳng hạn như trật khớp háng, giãn dây chằng háng, rách sụn, gãy liên mấu chuyển xương đùi...
Ngoài ra căng thẳng lặp đi lặp lại trên khớp cũng có thể làm tăng chất lỏng bất thường trong không gian khớp. Loại chấn thương này xảy ra khi người bệnh lặp đi lặp lại một động tác trong thời gian dài.
Những người bị tràn dịch khớp do căng thẳng lặp đi lặp lại cũng có thể phát triển một số tình trạng khác như viêm bao gân và viêm bao hoạt dịch.
- Viêm khớp
Tràn dịch khớp háng thường là kết quả của bệnh viêm khớp, đặc biệt là viêm xương khớp và viêm khớp tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm khớp tự phát thiế uniên và bệnh gút.
Đối với viêm xương khớp, tràn dịch khớp có xu hướng xảy ra khi khớp bị tổn thương rộng. Đối với các bệnh viêm khớp tự miễn, tràn dịch khớp thường xảy ra trong giai đoạn cấp tính.
- Khối u
Mặc dù hiếm gặp nhưng sự phát triển của một khối u có thể gây tràn dịch khớp, bao gồm cả khớp háng. Khối u có thể là lành tính hoặc ác tính (ung thư).
Những yếu tố làm tăng nguy cơ gồm:
- Thừa cân béo phì: Trọng lượng dư thừa tăng thêm áp lực cho khớp háng. Điều này khiến khớp dễ bị chấn thương và tăng tốc độ thoái hóa khớp (viêm xương khớp). Sau cùng dẫn đến tràn dịch khớp háng.
- Người lớn tuổi: Tràn dịch khớp háng do viêm xương khớp phổ biến hơn ở những người cao tuổi. Quá trình lão hóa tự nhiên theo tuổi tác có thể khiến sụn khớp mất nước và hao mòn, các đầu xương ma sát khi di chuyển dẫn đến viêm.
- Vận động viên: Vận động viên hoặc những người chơi các môn thể thao sẽ có nguy cơ tràn dịch khớp háng do chấn thương cao hơn.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng phổ biến của tràn dịch khớp háng gồm:
- Sưng khớp, có thể sưng nhẹ hoặc nặng
- Đau khớp háng
- Cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau nhói như dao đâm, làm giảm khả năng vận động của người bệnh
- Đau tăng khi đặt trọng lượng lên khớp háng bị thương
- Cảm giác mềm khi ấn
- Khớp háng đỏ và ấm (liên quan đến nhiễm trùng hoặc/ và viêm)
- Khó uốn cong hoặc mở rộng hoàn toàn khớp háng
- Cứng khớp
- Khó đi lại hoặc không thể leo cầu thang.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, các triệu chứng dưới đây cũng có thể xảy ra, bao gồm:
- Bầm tím và chảy máu ở khớp (thường do chấn thương nghiêm trọng)
- Xuất hiện nang Baker (một nốt sần chứa dịch, xảy ra do dịch tích tụ không thể tái hấp thu)
- Ớn lạnh, sốt, khó chịu và suy nhược (do nhiễm trùng)
- Mất cơ tiến triển (do bệnh khớp ức chế cơ hoặc khớp bị thương).
Bệnh nhân được đặt các câu hỏi xoay quanh triệu chứng, chấn thương và bệnh sử. Bác sĩ có thể sờ nắn, yêu cầu người bệnh đi lại hoặc thao tác trên khớp háng. Điều này giúp đánh giá các triệu chứng, khả năng vận động và phạm vi.
Để xác nhận chẩn đoán và tìm kiếm nguyên nhân, một vài xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện gồm:
- Chụp X-quang: Chụp X-quang giúp kiểm tra xương ở khớp háng. Điều này cho phép xác định tràn dịch khớp háng do chấn thương, viêm xương khớp và các bệnh viêm khớp háng. Chụp X-quang cũng giúp chẩn đoán phân biệt và đánh giá mức độ nghiêm trọng của các tổn thương.
- Siêu âm: Hình ảnh được tạo ra từ sóng âm thanh có thể giúp phát hiện sự tăng tiết bất thường của chất lỏng trong khớp háng. Siêu âm cũng có thể được sử dụng để xác nhận viêm khớp, viêm gân hoặc một số tổn thương ở mô mềm khác.
- Chọc hút dịch khớp: Xét nghiệm dịch khớp có thể nhìn thấy những dấu hiệu nhiễm trùng (như vi khuẩn), tế bào máu do chấn thương, protein và tinh thể do một số bệnh viêm khớp. Dịch khớp sẽ được lấy ra bằng kim và ống kim. Dịch khớp bình thường có độ đặc như lòng trắng trứng và màu sắc trong. Bất kỳ thay đổi nào về màu sắc, hình thức, thành phần và kết cấu cũng đều cho thấy tổn thương khớp.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hiếm khi kỹ thuật này được thực hiện. Hình ảnh MRI cho thấy sự phát triển các khối bất thường hoặc những thương tổn nghiêm trọng của mô.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT tạo ra hình ảnh của xương chi tiết hơn so với X-quang đơn thuần. Từ đó giúp xác định những tổn thương tiềm ẩn.
Biến chứng và tiên lượng
Tràn dịch khớp háng thường không quá nghiêm trọng. Khi nguyên nhân được điều trị, tình trạng sưng tấy sẽ biến mất. Ngược lại việc trì hoãn điều trị có thể khiến sưng tấy thêm tồi tệ, bệnh nhân cần chọc hút dịch khớp nhiều lần. Điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Hơn nữa việc không điều trị có thể khiến tràn dịch khớp háng gây ra những biến chứng dưới đây:
- Xơ cứng
- Giảm khả năng vận động
- Đi khập khiễng
- Đau khớp háng mãn tính.
Điều trị
Điều trị đầu tiên cho tràn dịch khớp háng thường bao gồm những phương pháp đơn giản như chăm sóc tại nhà và dùng thuốc. Nếu tích tụ chất lỏng gây sưng tấy nghiêm trọng, chọc hút dịch khớp hoặc một thủ thuật khác sẽ được chỉ định.
1. Khắc phục tại nhà
Nếu khớp sưng lên do tràn dịch khớp háng, một số bước dưới đây sẽ giúp cải thiện tình trạng này.
- Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế đặt trọng lượng lên khớp ảnh hưởng bằng cách sử dụng thiết bị hỗ trợ khi di chuyển. Điều này cho phép tổn thương tự chữa lành, giảm đau và sưng khớp.
- Chườm ấm: Chườm ấm có tác dụng giảm đau khớp và tràn dịch khớp. Biện pháp này cũng giúp thư giãn các mô quanh khớp háng, cải thiện phạm vi chuyển động. Khi thực hiện, đặt miếng đệm sưởi (nhiệt độ thích hợp) lên khớp háng bị thương trong 20 phút.
- Chườm lạnh: Chườm đá có tác dụng giảm đau và sưng. Biện pháp này đặc biệt hữu hiệu đối với những trường hợp bị sưng và đau do chấn thương và viêm khớp. Khi thực hiện, đặt túi đá lạnh lên khớp háng ảnh hưởng từ 10 - 15 phút. Lưu ý không dùng trực tiếp đá lạnh để không gây tổn thương da.
- Nén: Biện pháp nén có thể giúp hạn chế và giảm sưng. Tuy nhiên cần tránh nén quá chặt để không làm cản trở quá trình lưu thông máu.
- Nâng cao: Thường xuyên nằm nghiêng để nâng cao hông bị thương. Điều này có thể giúp giảm sưng và giảm áp lực lên khớp.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Bệnh nhân được khuyên giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh để không gây căng thẳng cho khớp háng.
- Dùng thuốc không kê đơn: Thử dùng một loại thuốc không kê đơn để giảm các triệu chứng của tràn dịch khớp háng, chẳng hạn như các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) gồm Naproxen (Aleve) và Ibuprofen (Advil, Motrin). Nhóm thuốc này có khả năng điều trị đau, giảm sưng khớp do viêm khớp và chấn thương.
2. Điều trị y tế
Những phương pháp dưới đây có thể giúp điều trị nguyên nhân và kiểm soát các triệu chứng của tràn dịch khớp háng.
+ Thuốc
Hầu hết mọi người được điều trị bằng thuốc. Dựa vào nguyên nhân gây tràn dịch khớp háng, một số thuốc dưới đây sẽ được chỉ định:
- Thuốc kháng sinh: Thuốc này được dùng để điều trị tràn dịch khớp do viêm khớp nhiễm trùng. Thuốc kháng sinh có khả năng khắc phục nhanh tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn. Nhiễm trùng thường được chữa khỏi bằng liệu trình sử dụng kháng sinh đường uống phổ rộng trong 14 ngày, chẳng hạn như Ciprofloxacin. Đối với những trường hợp có nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, gồm kháng methicillin Staphylococcus aureus (MRSA) hoặc bệnh lậu toàn thân, người bệnh có thể cần dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch (IV) từ 2 - 4 tuần
- Colchicine: Thuốc Colchicine được chỉ định cho những bệnh nhân mắc bệnh gút. Thuốc này có khả năng giảm viêm, đau và tràn dịch khớp hiệu quả.
- Steroid: Bệnh nhân được chỉ định steroid nếu tình trạng viêm không được điều trị tốt hoặc kém đáp ứng với những loại thuốc khác. Thuốc này có tác dụng ngăn chặn các hóa chất gây viêm dẫn đến tràn dịch khớp. Từ đó giúp giảm đau và sưng hiệu quả. Steroid có thể được dùng bằng đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Một loại thuốc ức chế miễn dịch như Humira (adalimumab) hoặc Methotrexate được chỉ định cho những trường hợp có bệnh viêm khớp tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp. Thuốc này có tác dụng ngăn cản phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức. Từ đó giúp giảm các triệu chứng viêm, bao gồm cả tràn dịch khớp.
+ Chọc hút dịch khớp
Bác sĩ thường đề nghị chọc hút dịch khớp (hút khớp) cho những trường hợp có tình trạng sưng tấy nghiêm trọng. Phương pháp này giúp loại bỏ chất lỏng dư thừa tích tụ, giảm sưng và đau khớp.
Khi thực hiện, bác sĩ sử dụng một cây kim mỏng để hút (loại bỏ) chất lỏng dư thừa khỏi khớp bị ảnh hưởng. Sau khi hút khớp, bác sĩ có thể tiêm Cortisone để giảm viêm và đau tạm thời.
+ Vật lý trị liệu
Nếu tràn dịch khớp háng làm giảm khả năng vận động, bệnh nhân sẽ được vật lý trị liệu sau khi loại bỏ dịch khớp dư thừa. Phương pháp này gồm những bài tập nhẹ nhàng, giúp cải thiện phạm vi và phục hồi chức năng của khớp háng.
Vận động trị liệu cũng giúp xây dựng cơ bắp, tăng ổn định khớp, làm chậm thoái hóa và duy trì sự linh hoạt.
+ Phẫu thuật
Phẫu thuật khớp thường không được chỉ định cho tràn dịch khớp. Phương pháp này chỉ phù hợp cho những người có chấn thương hoặc viêm khớp nghiêm trọng, điều trị bảo tồn không giúp ích. Trong thủ thuật, bác sĩ có thể tiến hành sửa chữa hoặc thay toàn bộ khớp háng cho trường hợp nặng.
Phòng ngừa
Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa tràn dịch khớp háng. Tuy nhiên những lời khuyên dưới đây sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ, cụ thể:
- Duy trì mức cân nặng phù hợp để duy trì sức khỏe tổng thể. Đồng thời giảm căng thẳng cho hông và chi dưới.
- Thường xuyên tập thể dục để duy trì sự linh hoạt và sức khỏe. Điều này cũng giúp làm mạnh gân cơ và làm chậm quá trình lão hóa xương khớp. Nên bắt đầu một kế hoạch luyện tập có tác động thấp. Sau đó tăng dần cường độ, tần suất và thời gian luyện tập.
- Thực hiện những bài tập tăng cường cơ bắp ở hông, đùi và chi. Điều này giúp duy trì sự ổn định và chức năng của khớp háng, giảm nguy cơ chấn thương.
- Nếu bị đau hông, cần tránh thực hiện những bài tập có tác động mạnh, chẳng hạn như bài tập squat sâu, chạy đường dài và cử tạ nặng.
- Không lạm dụng khớp háng và chi dưới. Tránh lặp đi lặp lại những chuyển động có thể gây đau hoặc chấn thương cho khớp háng.
- Nếu cảm thấy đau khớp đột ngột hoặc khó chịu, hãy dành thời gian nghỉ ngơi. Điều này có thể giúp xương và các mô mềm tự chữa lành. Nhưng nếu đau dai dẳng, bạn cần chườm lạnh thường xuyên và gặp bác sĩ để được hướng dẫn cách điều trị hiệu quả.
- Không tập thể dục gắng sức, không cố gắng vượt quá khả năng thể chất của mình, đặc biệt là những người lớn tuổi. Để giảm nguy cơ chấn thương và bảo vệ khớp, bạn có thể cân nhắc thay đổi chương trình tập luyện hoặc các loại hình thể thao phù hợp.
- Giãn cơ khớp háng nhẹ nhàng trong 15 phút trước khi tập thể dục. Nếu phải ngồi lâu, nên thường xuyên đứng lên, đi lại và giãn cơ suốt cả ngày.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tràn dịch khớp háng bao lâu thì lành?
2. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng của tôi?
3. Phương pháp điều trị nào hiệu quả và được đề nghị?
4. Tôi có cần nghỉ ngơi hoàn toàn trong khi điều trị hay không?
5. Tôi có thể tiếp tục các hoạt động thể chất của mình sau điều trị hay không?
6. Lợi ích và rủi ro từ các phương pháp điều trị?
7. Nên làm gì để ngăn tràn dịch khớp tái phát?
Tràn dịch khớp háng thường không quá nghiêm trọng. Bệnh có thể do chấn thương, nhiễm trùng hoặc một tình trạng viêm khớp tự miễn. Để khắc phục nhanh, cần sớm can thiệp y tế theo hướng dẫn của bác sĩ.