Tràn Dịch Khớp Khuỷu Tay

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Tràn dịch khớp khuỷu tay khiến khuỷu tay trông to hơn bình thường do khớp sưng lên. Tình trạng này chủ yếu liên quan đến chấn thương và viêm nhiễm. Tràn dịch khớp có thể gây đau và khiến bạn khó cử động khuỷu tay hơn.

Tổng quan

Tràn dịch khớp khuỷu tay là tình trạng chất lỏng dư thừa tràn vào các mô quanh khớp khuỷu tay. Điều này khiến các mô trong và xung quanh khớp sưng húp, khuỷu tay trông to hơn bên còn lại.

Tràn dịch khớp khuỷu tay
Tràn dịch khớp khuỷu tay xảy ra khi có chất lỏng dư thừa tràn vào các mô quanh khớp khuỷu tay

Sưng khớp thường kèm theo đau nhức, tăng cảm giác nặng nề trong khớp, cứng khớp và khó cử động. Những triệu chứng này thường không thể tự khỏi, gây khó chịu và ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt.

Tràn dịch khớp khuỷu tay thường liên quan đến chấn thương (chẳng hạn như một cú đánh trực tiếp vào khớp), nhiễm trùng và viêm khớp. Thông thường người bệnh sẽ được chọc hút chất lỏng và dùng thuốc điều trị.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tràn dịch khớp khuỷu tay xảy ra do nhiều nguyên nhân. Bao gồm:

  • Chấn thương: Chấn thương do một cú đánh trực tiếp hoặc va chạm khi chơi thể thao có thể dẫn đến tràn dịch khớp. Tình trạng này cũng xảy ra khi có tổn thương xương (gãy xương) hoặc dây chằng.
  • Nhiễm trùng: Viêm khớp nhiễm trùng (nhiễm trùng trong khớp) là nguyên nhân gây tràn dịch khớp thường gặp. Nhiễm trùng khiến khớp bị hỏng hoặc phá hủy, các mô khớp chứa đầy mủ. Điều này dẫn đến đau nhức, khớp khuỷu tay sưng to. Nhiễm trùng có thể phát triển từ vết thương hở hoặc nhiễm trùng trong máu.
  • Lạm dụng: Sử dụng khớp quá nhiều hoặc căng thẳng lặp đi lặp lại trên khớp làm tăng áp lực, chất lỏng dư thừa tràn vào các mô quanh khớp khuỷu tay. Điều này khiến khớp của bạn sưng lên.
  • Viêm khớp: Tràn dịch khớp khuỷu tay là kết quả của một số bệnh viêm khớp, bao gồm:
    • Viêm xương khớp
    • Bệnh gout
    • Viêm khớp dạng thấp
    • Viêm khớp vảy nến
    • Viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên.
  • Khối u: Tràn dịch khớp xảy ra ở những khớp có khối u, bao gồm cả u lành tính và ác tính.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của tràn dịch khớp khuỷu tay có thể từ nhẹ đến suy nhược. Dưới đây là các triệu chứng và dấu hiệu đặc trưng:

  • Sưng tấy. Bệnh nhân có thể bị sưng phù từ nhẹ đến nghiêm trọng
  • Đau âm ỉ hoặc đau nhói, ảnh hưởng đến khả năng vận động
  • Đỏ và nóng khớp (liên quan đến viêm và nhiễm trùng)

Tràn dịch khớp khuỷu tay gây sưng phù từ nhẹ đến nặng
Tràn dịch khớp khuỷu tay gây sưng phù từ nhẹ đến nặng, đau đớn, đỏ và nóng khớp

Tùy thuộc vào nguyên nhân, người bệnh có thể gặp thêm một số triệu chứng dưới đây:

  • Bầm tím trên da và chảy máu trong khớp
  • Nặng nề trong khớp
  • Cứng khớp
  • Sốt và ớn lạnh
  • Khó chịu
  • Suy nhược
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Xuất hiện cục u chứa đầy chất lỏng (u nang Baker). Điều này xảy ra khi chất lỏng tích tụ không được tái hấp thu
  • Giảm phạm vi chuyển động
  • Mất cơ dần dần.

Quá trình chẩn đoán bao gồm khám sức khỏe, kiểm tra thể chất và thực hiện các xét nghiệm. Đầu tiên người bệnh được kiểm tra tiền sử bệnh và chấn thương, mức độ đau khi bất động và khi cử động khớp. Ngoài ra bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng sưng nóng và đỏ ở khuỷu tay, phạm vi chuyển động của khớp.

Sau khám lâm sàng, các xét nghiệm sẽ được chỉ định bao gồm:

  • Siêu âm: Trong xét nghiệm này, sóng siêu âm được dùng để kiểm tra các mô liên kết và xương. Hình ảnh thu được có thể giúp xác định tràn dịch, viêm khớp hoặc các mô.
  • Chụp X-quang: Bệnh nhân thường được yêu cầu chụp X-quang để tìm kiếm nguyên nhân gây sưng khớp khuỷu tay. Xét nghiệm này giúp kiểm tra thương tổn của xương và khớp. Từ đó xác định gãy xương và các dạng viêm khớp.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Bệnh nhân được chỉ định chụp CT nếu muốn cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về những tổn thương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Bác sĩ có thể chỉ định chụp cộng hưởng từ để kiểm tra chi tiết hơn về các mô mềm quanh khớp. Hình ảnh thu được giúp bác sĩ nhìn thấy rõ tổn thương ở sụn, dây chằng, gân và những cấu trúc khớp khác.
  • Kiểm tra chất lỏng: Bác sĩ tiến hành chọc hút chất lỏng ở khớp khuỷu tay. Điều này giúp giảm sưng khớp và kiểm tra xem có nhiễm trùng hay không.

Biến chứng và tiên lượng

Tràn dịch khớp khuỷu tay không thể tự khỏi và dễ tái phát. Bệnh gây sưng khớp và đau kéo dài, ảnh hưởng đến phạm vi chuyển động. Mặc dù vậy bệnh có đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn khi được điều trị sớm.

Ở những trường hợp trì hoãn hoặc không điều trị, những biến chứng dưới đây có thể xảy ra, bao gồm:

  • Đau khuỷu tay mãn tính
  • Hỏng khớp
  • Hạn chế vận động khớp
  • Dính khớp
  • Xơ cứng
  • Nhiễm trùng khớp do chọc hút nhiều lần
  • Tăng nguy cơ liệt khớp.

Tràn dịch khớp không được điều trị có thể gây dính khớp
Tràn dịch khớp không được điều trị có thể gây dính khớp, xơ cứng, hạn chế vận động khớp

Điều trị

Tràn dịch khớp khuỷu tay cần được điều trị y tế. Ngoài ra người bệnh có thể áp dụng thêm những cách chăm sóc và giảm đau tại nhà để làm dịu triệu chứng.

1. Điều trị tại nhà

Nếu có triệu chứng nhẹ, người bệnh có thể thử nhiều cách để giảm triệu chứng và kiểm soát tràn dịch khớp khuỷu tay.

  • Nghỉ ngơi và nâng cao: Nghỉ ngơi và nâng cao khớp khuỷu tay có thể tạo điều kiện cho khớp được chữa lành. Trong thời gian này, hãy giảm những chuyển động có thể tăng áp lực và gây đau khớp. Đồng thời nâng khuỷu tay cao hơn thân mình khi nghỉ ngơi. Điều này giúp giảm tình trạng tích tụ chất lỏng và giảm sưng khớp.
  • Chườm đá: Biện pháp này có thể giúp giảm sưng và đau khớp hiệu quả, đặc biệt là khi bị viêm khớp và chấn thương. Lấy túi nước đá hoặc gel lạnh đặt lên khớp khuỷu tay 10 - 15 phút. Lặp lại mỗi ngày 3 lần.
  • Chườm nóng: Chườm nóng bao gồm việc đặt chai nước ấm, túi chườm hoặc đệm sưởi lên khớp khuỷu tay và nghỉ ngơi trong 20 phút. Biện pháp này giúp thư giãn xương khớp và mô quanh khớp, giảm đau, sưng và cứng khớp hiệu quả. Chườm ấm nên được thực hiện 3 - 4 lần mỗi ngày.
  • Bất động tạm thời: Bất động khuỷu tay tạm thời để giảm đau và ngăn những chuyển động có thể tăng áp lực cho khớp. Điều này giúp hỗ trợ quá trình lành lại.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý có thể giảm áp lực cho các khớp, bao gồm cả khớp khuỷu tay.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Nếu đau nhiều và chưa thể đến bệnh viện, hãy thử dùng một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Aleve (naproxen) hoặc Advil (ibuprofen). Thuốc này có thể giúp ngăn viêm, giảm đau và sưng khớp.

2. Điều trị y tế

Điều trị y tế cho chứng tràn dịch khớp khuỷu tay gồm những phương pháp sau:

+ Thuốc

Tràn dịch khớp khuỷu tay thường được chỉ định những loại thuốc dưới đây để điều trị:

  • Kháng sinh

Để điều trị viêm sưng do vi khuẩn, cần dùng một đợt kháng sinh phổ rộng bằng đường uống trong 14 ngày. Trong đó Ciprofloxacin là loại kháng sinh thường được sử dụng. Thuốc này, có tác dụng điều trị nhanh các vi khuẩn gây bệnh.

Dùng thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng
Dùng thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng cho người bị viêm và sưng khớp do vi khuẩn

Nếu bị nhiễm trùng nặng, liên quan đến Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) hoặc bệnh lậu, bệnh nhân được dùng kháng sinh từ 2 - 4 tuần bằng đường tiêm tĩnh mạch.

  • Thuốc ức chế miễn dịch

Một loại thuốc ức chế miễn dịch như Humira (adalimumab) hoặc Methotrexate sẽ được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm khớp tự miễn gây tràn dịch khớp khuỷu tay, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp.

Thuốc này giúp ngăn chặn phản ứng miễn dịch không phù hợp trong cơ thể. Từ đó ngăn ngừa hỏng khớp và làm giảm các triệu chứng.

  • Colchicine

Thuốc Colchicine được chỉ định cho những bệnh nhân bi tràn dịch khớp khuỷu tay liên quan đến bệnh gút. Thuốc có tác dụng giảm đau, giảm viêm và tràn dịch khớp.

  • Steroid

Corticosteroid được dùng để ngăn chặn những hóa chất gây viêm. Từ đó giúp giảm đau, sưng và tràn dịch khớp hiệu quả. Corticosteroid có thể được dùng bằng đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp.

+ Chọc hút dịch khớp

Bệnh nhân thường được yêu cầu chọc hút dịch khớp để giảm sưng và đau ở khuỷu tay. Trong quy trình này, bác sĩ sử dụng kim và ống bơm để rút chất lỏng dư thừa từ khớp bị sưng.

Chọc hút dịch khớp
Chọc hút dịch khớp giúp rút chất lỏng dư thừa, giảm sưng và đau ở khuỷu tay

Dịch khớp sau khi được hút ra có thể được đưa đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Điều này giúp tiết lộ tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn, một số tế bào máu, protein, glucose và những yếu tố liên quan đến viêm.

+ Phẫu thuật

Hiếm khi tràn dịch khớp khuỷu tay được chỉ định phẫu thuật khớp. Phương pháp này chỉ được cân nhắc cho những người có chấn thương khớp nghiêm trọng dẫn đến tràn dịch hoặc có nguy cơ bất động cho viêm khớp.

Phẫu thuật khớp thường bao gồm việc sửa chữa hoặc thay thế toàn bộ khớp.

Phòng ngừa

Tràn dịch khớp khuỷu tay có thể được hạn chế khi áp dụng những bước điều trị sau:

  • Tránh sử dụng khớp quá nhiều hoặc gây căng thẳng lặp đi lặp lại trên khớp. Nên dành thời gian thư giãn và nghỉ ngơi.
  • Khám và điều trị nhanh nếu có chấn thương, nhiễm trùng hoặc viêm khớp khuỷu tay.
  • Chăm sóc vết thương đúng cách để ngăn nhiễm trùng khớp dẫn đến tràn dịch.
  • Giảm cân và giữ cân nặng ở mức an toàn. Điều này giúp giảm căng thẳng cho chi dưới, hông và khuỷu tay.
  • Tránh những hoạt động có tác động mạnh nếu bị đau khuỷu tay.
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao để tăng cường cơ hỗ trợ khớp, tăng sức đề kháng và tính linh hoạt cho các khớp xương. Điều này có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm khớp và chấn thương.
  • Khởi động kỹ lưỡng, xoay khớp để làm nóng khuỷu tay và các khớp khác trước khi chơi thể thao. Điều này giúp tăng tính linh hoạt và giảm nguy cơ chấn thương.
  • Thường xuyên thực hiện những động tác duỗi vai và đầu gối trong suốt cả ngày. Đặc biệt là khi có những công việc cần ngồi lâu ở bàn. Điều này giúp thư giãn các khớp xương hiệu quả.
  • Tuyệt đối không gắng sức hoặc vượt quá khả năng thể chất, đặc biệt là những người lớn tuổi.
  • Sử dụng thiết bị bảo vệ khớp (như nẹp khuỷu tay) khi chơi những môn thể thao tiếp xúc hoặc dễ té ngã. Điển hình như trượt tuyết, khúc côn cầu...
  • Thăm khám và điều trị ngay khi có những cơn đau đột ngột hoặc dai dẳng ở khớp.

Thăm khám và điều trị khi bị chấn thương, đau đột ngột hoặc dai dẳng
Thăm khám và điều trị khi bị chấn thương, đau đột ngột hoặc dai dẳng để tránh tràn dịch

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tình trạng sưng và đau khớp của tôi xảy ra do đâu?

2. Phương pháp điều trị phù hợp nhất và được chỉ định là gì?

3. Mất bao lâu để tôi cảm thấy tốt hơn?

4. Có vấn đề gì nếu tôi trở lại các hoạt động và công việc hay không?

5. Tôi cần tránh những gì khi điều trị?

6. Tôi cần vận động khớp như thế nào?

7. Mất bao lâu để tôi trở lại công việc?

Tràn dịch khớp khuỷu tay gây sưng húp, đau đớn và hạn chế khả năng vận động. Bệnh nhân cần được điều trị sớm để khắc phục và loại bỏ các biến chứng. Tốt nhất nên thăm khám kỹ lưỡng và tuân thủ quy định của bác sĩ về các phương pháp điều trị.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *