Bệnh Viêm Đại Tràng Góc Gan
Viêm đại tràng góc gan là một tình trạng viêm làm ảnh hưởng đến đại tràng góc gan, hay còn gọi là góc đại tràng phải. Bệnh thường ít gặp hơn so với viêm ở những vị trí khác của đại tràng, có thể dẫn đến ung thư đại tràng nếu không được chữa sớm.
Tổng quan
Viêm đại tràng góc gan là một tình trạng viêm xảy ra ở đoạn gấp khúc giữa đại tràng lên và ngang, được gọi là đại tràng góc gan hay góc đại tràng phải.
So với những vị trí khác của đại tràng, đại tràng góc gan ít bị viêm hơn. Tuy nhiên bệnh có thể dẫn đến sự hình thành của các u lành hoặc ác tính, tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh viêm đại tràng góc gan xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:
- Nhiễm trùng: Viêm có thể xảy ra từ nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Chẳng hạn như C. diff (clostridioides difficile), Salmonella và E. coli. Trong đó vi khuẩn C. diff (clostridioides difficile) gây viêm đại tràng giả mạc, có thể xảy ra ở đại tràng góc gan. Hầu hết các trường hợp bị nhiễm trùng do sử dụng nguồn nước hoặc ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Cần dùng kháng sinh để điều trị.
- Dị ứng: Bệnh nhân có thể bị viêm đại tràng do không dung nạp thức ăn, thường gặp ở những người dị ứng đậu nành và không dung nạp đường sữa.
- Hội chứng thiếu máu cục bộ ở ruột: Khi ruột không được cung cấp đủ máu, đoạn trực tràng góc gan và nhiều vị trí khác có thể bị viêm. Tình trạng này xảy ra khi có sự tắc nghẽn mạch máu, thường do chứng phình động mạch, xơ vữa động mạch hoặc cục máu đông.
- Bệnh viêm ruột (IBD): Những bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, viêm đại tràng vi thể... thường gây viêm đại tràng góc gan mãn tính.
- Phóng xạ: Xạ trị ung thư thường gây viêm tạm thời nhưng cũng có thể gây ra những triệu chứng lâu dài.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những người bị viêm đại tràng góc gan thường có những triệu chứng dưới đây:
- Đau bụng
- Đầy bụng
- Chán ăn
- Có máu hoặc chất nhầy trong phân
- Tiêu chảy khẩn cấp
- Giảm cân
- Tiêu chảy và táo bón xen kẽ
- Xuất huyết trực tràng
- Sốt, buồn nôn và nôn ở những trường hợp cấp tính
Nếu bị viêm mãn tính, người bệnh sẽ có thêm những triệu chứng dưới đây:
- Thiếu máu
- Mệt mỏi
- Mất nước
- Kém hấp thu
- Suy dinh dưỡng
- Giảm cân.
Người bệnh sẽ được kiểm tra tình trạng bằng những câu hỏi về các triệu chứng, thời điểm bắt đầu, thực phẩm được tiêu thụ trước đó và tiền sử bệnh. Ngoài ra bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm y tế để xác định chẩn đoán, bao gồm:
- Xét nghiệm phân: Kiểm tra phân có thể giúp xác định tình trạng nhiễm trùng hoặc loại trừ các rối loạn khác.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp kiểm tra những dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc viêm. Đồng thời xác định tình trạng mất máu ở những người bị viêm mãn tính.
- Nội soi đại tràng: Xét nghiệm này bao gồm việc kiểm tra bên trong đại tràng bằng ống nội soi có camera và đèn. Điều này giúp bác sĩ xác định vị trí ảnh hưởng, phân biệt viêm với những tình trạng khác.
- Sinh thiết: Một mẫu mô được lấy bên trong đại tràng thông qua quá trình nội soi. Kiểm tra trong phòng thí nghiệm có thể giúp xác định tình trạng.
- Chụp X-quang vùng bụng tiêu chuẩn: Hình ảnh X-quang có thể giúp loại trừ thủng dạ dày, phình đại tràng và những biến chứng nghiêm trọng khác.
- Chụp CT: Hình ảnh CT giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc kiểm tra và đánh giá những bất thường ở ruột già.
Biến chứng và tiên lượng
Khi bệnh viêm đại tràng góc gan không được điều trị, người bệnh sẽ có nguy cơ phát triển những biến chứng dưới đây:
- Thủng đại tràng do tình trạng viêm mãn tính khiến thành ruột kết suy yếu. Điều này có thể dẫn đến viêm phúc mạc và nhiễm trùng máu.
- Phình đại tràng
- Ung thư đại tràng
- Nhiễm trùng lây lan dẫn đến nhiều tình trạng viêm nhiễm khác, chẳng hạn như viêm đường mật xơ cứng nguyên phát và viêm xương khớp
- Loét trực tràng
- Tăng nguy cơ hình thành những cục máu đông trong động mạch và tĩnh mạch.
Điều trị
Bệnh nhân thường được dùng thuốc để điều trị viêm đại tràng góc gan và nguyên nhân, làm dịu triệu chứng. Nhiều trường hợp nặng có thể được phẫu thuật điều trị.
1. Thuốc
Các thuốc dưới đây có thể được chỉ định dựa trên tình trạng:
- Thuốc kháng sinh: Nếu viêm đại tràng góc gan do nhiễm khuẩn, người bệnh được dùng loại kháng sinh phù hợp để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.
- Corticosteroid đường uống: Người bệnh thường được sử dụng Corticosteroid để điều trị viêm. Khi dùng, thuốc này giúp làm dịu nhanh tình trạng viêm trong trực tràng và giảm nhẹ các triệu chứng.
- Thuốc điều chỉnh hệ miễn dịch: Người bệnh có thể được yêu cầu sử dụng thuốc điều chỉnh hệ miễn dịch để giảm hoặc ức chế phản ứng tự miễn của cơ thể. Điều này giúp giảm nhẹ các triệu chứng của viêm và ngăn tổn thương thêm do các tình trạng tự miễn.
- Aminosalicylate: Thuốc Aminosalicylate thường được dùng cho những bệnh nhân bị viêm đại tràng góc gan do các bệnh viêm ruột. Thuốc ảnh hưởng đến những chất gây viêm trong cơ thể, giảm tiêu chảy và tổn thương mô.
- Thuốc giảm đau: Nếu đau bụng nhiều hoặc dai dẳng, bác sĩ có thể hướng dẫn sử dụng một loại thuốc giảm đau. Chẳng hạn như Acetaminophen giúp hạ sốt và làm dịu cơn đau hiệu quả.
2. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Để hỗ trợ quá trình điều trị và tránh tăng phản ứng viêm, người bệnh cần chú ý những điều dưới đây:
- Tránh thuốc lá vfa rượu.
- Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung các khoáng chất và vitamin.
- Ăn những loại thực phẩm mềm và dễ tiêu hóa.
- Ăn chín uống sôi, thức ăn nên được nấu chín kỹ.
- Thực hiện chế độ ăn ít chất xơ cho những trường hợp có các triệu chứng cấp tính hoặc nghiêm trọng, viêm đại tràng góc gan do phóng xạ hoặc nhiễm trùng tạm thời.
- Thực hiện một chế độ ăn chống viêm. Tránh những loại thực phẩm có khả năng làm bùng phát hoặc làm nặng hơn các triệu chứng, chẳng hạn như: Thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ ăn nhiều chất béo, thức ăn nhanh, nhiều đường có tính axit, nước ngọt có ga. Nên ăn chất béo không bão hòa và lành mạnh hơn như dầu ô liu, các loại hạt, dầu cá, bơ... để làm dịu chứng viêm.
- Nếu có những triệu chứng của bệnh viêm ruột, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc thực hiện một chế độ ăn kiêng phù hợp, cô lập những loại thực phẩm có khả năng khiến những triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, đảm bảo ngủ đủ giấc để cơ thể được phục hồi.
- Tránh căng thẳng và lo lắng, nên thường xuyên thực hiện những biện pháp thư giãn. Bởi căng thẳng có thể làm nặng hơn những triệu chứng, gây đau bụng dai dẳng và ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
- Thường xuyên tập thể dục có thể nâng cao sức khỏe và giảm bớt các triệu chứng. Tuy nhiên cần luyện tập vừa sức.
3. Phẫu thuật
Một số trường hợp viêm đại tràng góc gan có thể được phẫu thuật. Phương pháp này thường được chỉ định khi:
- Có biến chứng, chẳng hạn như thủng đại tràng
- Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ
- Bệnh viêm ruột
- Viêm ruột hoại tử
Tùy thuộc vào tình trạng, phẫu thuật được thực hiện để sửa chữa lỗ thủng, cầm máu hoặc loại bỏ sự tắc nghẽn. Nếu những phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ trực tràng.
Phòng ngừa
Có thể giảm nguy cơ viêm đại tràng góc gan bằng những biện pháp dưới đây:
- Không sử dung nguồn nước và thực phẩm bẩn trong chế biến thức ăn.
- Tăng mức độ hoạt động và luyện tập thể dục thể thao đều đặn. Điều này giúp nâng cao hệ miễn dịch và đề kháng, giảm nguy cơ viêm nhiễm và các tình trạng sức khỏe khác.
- Quản lý căng thẳng bằng những kỹ thuật thư giãn như thiền, các bài tập chánh niệm, yoga, bài tập thở sâu và những hoạt động ưa thích.
- Kiểm soát tốt những tình trạng có thể gây viêm đại tràng góc gan.
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ. Nếu không có nước và xà phòng, có thể dùng chất diệt khuẩn có ít nhất 60% cồn.
- Thực hiện một chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe tổng thể, đường ruột và sức đề kháng. Nên ăn nhiều rau củ quả, trái cây, các loại hạt, dầu ô liu, dầu cá, thịt nạc, ngũ cố nguyên hạt... Điều này giúp bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ viêm nhiễm trong đường ruột.
- Thường xuyên ăn sữa chua để bổ sung lợi khuẩn. Điều này giúp giữ cho đường ruột khỏe mạnh, giảm nguy cơ viêm đại tràng góc gan.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tình trạng của tôi được điều trị như thế nào?
2. Phương pháp điều trị nào được đề nghị và phù hợp với bệnh lý của tôi?
3. Tôi có thể gặp những tác dụng phụ nào? Nên làm gì khi gặp tác dụng phụ?
4. Lợi ích và rủi ro liên quan đến phác đồ điều trị là gì?
5. Tôi nên tránh những điều gì khi điều trị?
6. Tôi có cần thực hiện chế độ ăn kiêng không?
7. Bệnh viêm đại tràng góc gan có ảnh hưởng đến công việc và lối sống của tôi không?
Viêm đại tràng góc gan thường khỏi nhanh khi điều trị bằng thuốc. Những trường hợp nặng có thể không đáp ứng tốt và cần phẫu thuật. Điều quan trọng là thăm khám sớm, điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ để sớm chữa khỏi tình trạng.
Xem thêm: Viêm đại tràng mãn tính: Dấu hiệu và cách điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!