Cách nhận biết thận khỏe hay yếu chính xác (tự kiểm tra)
Thận yếu (thận mạn) là bệnh lý phổ biến, chiếm 12.8% dân số, đứng thứ 8 trong tô 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại nước ta. Bệnh ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Dựa vào cách nhận biết thận khỏe hay yếu tại nhà, bạn có thể xác định tình trạng thận của mình và kịp thời thăm khám nếu có các dấu hiệu bất thường.
Thận yếu là gì?
Thận yếu là tình trạng suy giảm chức năng thận hoặc các vấn đề về rối loạn chức năng ở thận. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến các khía cạnh của sức khỏe như bài tiết nước tiểu, cân bằng điện giải, lọc chất độc và sức khỏe sinh lý.
Thận yếu không phải là một thuật ngữ y khoa trong y học hiện đại. Từ này thường được dùng để chỉ tình trạng thận không hoạt động tốt, không đảm bảo chức năng lọc máu, loại bỏ độc tố hoặc đào thải các chất ra ngoài cơ thể.
Chức năng chính của thận là cân bằng điện giải, bài tiết chất thải, loại bỏ chất lỏng dư thừa, loại bỏ thuốc. Thận cũng duy trì sự cân bằng của các chất, giải phóng hormone điều hòa huyết áp, kích hoạt vitamin D và kiểm soát sản xuất tế bào hồng cầu.
Theo chuyên trang của Đại học Harvard, mỗi ngày thận lọc khoảng 200 lít máu. Một quả thận khỏe mạnh sẽ lọc chất thải từ máu với tốc độ 90ml mỗi phút. Tình trạng suy giảm chức năng thận còn được gọi là suy thận. Theo thời gian, thận sẽ dần suy yếu, hầu hết mọi người thường không cảm nhận được sự suy yếu của thận. Chỉ khi chức năng thận xuống dưới 10% mới phát hiện.
Cách nhận biết thận khỏe mạnh hay yếu chính xác
Hầu hết những người mắc bệnh thận đều không biết mình mắc bệnh, đến khi tình trạng bệnh cực kỳ nghiêm trọng. Theo Tiến sĩ Joseph Vassalotii, Giám đốc Y khoa tại NKF, triệu chứng của bệnh thận chỉ biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn muộn. Đây là lý do chỉ có 10% người mắc bệnh phát hiện sớm thông qua các dấu hiệu của bệnh.
Ai cũng có thể có nguy cơ suy giảm chức năng thận. Đặc biệt, thời gian gần đây, tỉ lệ người trẻ mắc bệnh suy thận ngày càng gia tăng. Vì vậy, chúng ta nên quan tâm hơn đến sức khỏe và nắm được cách nhận biết thận khỏe mạnh hay yếu bằng cách tự kiểm tra tại nhà.
1. Cách kiểm tra trạng thái thận tại nhà
Tại các nước phát triển, cách nhận biết thận khỏe hay yếu chính xác là sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm albumin tại nhà với thiết bị phân tích nước tiểu có kết nối với điện thoại thông minh. Bộ xét nghiệm này rất tiện lợi, có thể chẩn đoán chính xác albumin niệu trong nước tiểu.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, bộ test này còn chưa phổ biến. Cách duy nhất để giúp cá nhân tự kiểm tra và nhận biết sức khỏe thận của mình là quan sát màu sắc nước tiểu, kết hợp với việc cảm nhận trạng thái sức khỏe tổng thể và các dấu hiệu bất thường.
Cách nhận biết thận khỏe hay yếu thông qua màu sắc nước tiểu như sau:
- Dùng một ly sạch, lấy nước tiểu giữa dòng, nên dùng ly nhựa trong suốt để dễ dàng quan sát
- Nếu nếu tiểu trong, có màu vàng nhạt, không có mùi bất thường, số lần đi tiểu từ 6 – 8 lần, lượng nước tiểu một ngày từ 1.5 – 2 lít nước, nghĩa là thận của bạn khỏe mạnh.
- Nếu nước tiểu có màu đậm, có bọt nhiều hoặc có màu, số lần đi tiểu nhiều hơn 8 lần mỗi ngày, nghĩa là thận của bạn có dấu hiệu không khỏe.
2. Dấu hiệu nhận biết thận yếu
Theo Tổ chức Thận quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation), có 10 dấu hiệu giúp nhận biết sớm bệnh thận. Các dấu hiệu này bao gồm:
- Nước tiểu có bọt: Quá nhiều bọt trong nước tiểu cho thấy có protein trong nước tiểu, đây là dấu hiệu hàng đầu của bệnh thận.
- Đi tiểu thường xuyên: Gia tăng nhu cầu đi tiểu, tiểu nhiều lần trong ngày, đặc biệt là tình trạng đi tiểu thường xuyên vào ban đêm.
- Ít năng lượng, khó tập trung: Do tích tụ độc tố và tạp chất trong máu gây mệt mỏi, khó tập trung.
- Khó ngủ: Chất độc ở lại trong máu do thận lọc không đúng cách gây khó ngủ.
- Da khô và ngứa: Tích tụ chất thải trong máu, không cân bằng được khoáng chất, không giữ được chất dinh dưỡng trong máu khiến da khô ngứa.
- Máu trong nước tiểu: Thận tổn thương, dẫn đến không thể giữ các tế bào máu trong cơ thể, khiến chúng rò rỉ. Hoặc có thể là dấu hiệu sỏi thận, nhiễm trùng thận.
- Bọng mắt dai dẳng: Bọng mắt, sưng quanh mắt là do rò rỉ một lượng lớn protein vào nước tiểu. Protein trong máu giảm, cơ thể giữ lại nước và muối dẫn đến sưng mắt.
- Sưng mắt cá chân và bàn chân: Suy thận khiến cơ thể giữ muối, gây sưng mắt cá, sưng bàn chân.
- Chuột rút cơ: Mất cân bằng điện giải khiến nồng độ canxi và phốt pho không được kiểm soát tốt gây chuột rút cơ.
- Ăn uống không ngon miệng: Tích tụ độc tố do suy giảm chức năng thận có thể gây ra tình trạng ăn uống không ngon miệng.
Ngoài ra, theo Medicine Net, một số dấu hiệu thận yếu khác có thể kể đến như hơi thở có mùi amoniac, có vị kim loại trong miệng, khó thở, hay buồn nôn, cảm thấy chóng mặt, choáng váng, sợ lạnh…
3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ thận yếu
Một số yếu tố có thể gây suy giảm chức năng hoặc tổn thương thận, thậm chí có thể gây ra bệnh thận mãn tính. Các yếu tố này bao gồm:
- Trên 60 tuổi
- Hút thuốc lá
- Tiền sử gia đình mắc bệnh thận
- Uống rượu bia quá mức
- Uống nhiều nước ngọt
- Cholesterol cao
- Tăng huyết áp không kiểm soát được
- Bệnh tiểu đường
- Một số loại thuốc điều trị như aspirin, ibuprofen, naproxen, kháng sinh, thuốc nhuộm tương phản, thuốc nhuận tràng…
4. Cách nhận biết thận khỏe hay yếu tại nhà có chính xác không?
Có thể nhận biết thận yếu hay khỏe thông qua màu sắc nước tiểu và các biểu hiện của cơ thể. Tuy nhiên, những dấu hiệu này không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác tình trạng chức năng thận, vì một số triệu chứng có thể xuất hiện do các nguyên nhân khác như dị ứng hay chế độ ăn uống không phù hợp.
Để xác định chính xác tình trạng sức khỏe thận, cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như xét nghiệm máu và nước tiểu, siêu âm thận hoặc chụp CT. Những phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá rõ ràng chức năng thận và phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn mà không thể chỉ dựa vào các dấu hiệu bên ngoài.
5. Dấu hiệu thận khỏe mạnh
Người sở hữu 7 dấu hiệu dưới đây là những người có sức khỏe tốt, thận khỏe mạnh:
- Nước tiểu trong, màu vàng nhạt, không có mùi lạ.
- Không bị phù nề (sưng mắt, mặt, tay, chân).
- Huyết áp ổn định trong mức bình thường.
- Da hồng hào, không khô hoặc ngứa.
- Không cảm thấy mệt mỏi quá mức, duy trì năng lượng bình thường.
- Tần suất đi tiểu từ 6 – 8 lần/ngày, hiếm khi phải đi tiểu vào ban đêm.
- Ngủ ngon giấc, không gặp vấn đề về giấc ngủ.
6. Màu sắc nước tiểu nói lên điều gì?
Màu sắc nước tiểu có thể phản ánh tình trạng sức khỏe và cơ thể. Nước tiểu có thể có một số màu sắc sau đây:
- Nước tiểu vàng nhạt (nước tiểu bình thường): Cho thấy thận hoạt động bình thường, khả năng lọc chất thải hiệu quả.
- Hoàn toàn trong suốt: Bạn uống quá nhiều nước, điều này có thể gây áp lực lên thận.
- Màu vàng đậm đến cam: Dấu hiệu mất nước, cho thấy thận của bạn đang làm việc quá sức. Hoặc do chế độ ăn hoặc sử dụng vitamin A, vitamin B12.
- Màu nâu sẫm: Dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, dấu hiệu bệnh gan hoặc do đang dùng thuốc kháng sinh.
- Màu hồng hoặc đỏ: Do ăn củ cải đường, mâm xôi đen, đại hoàng. Cũng có thể là dấu hiệu có máu, nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận hoặc vấn đề về thận.
- Màu xanh hoặc xanh lá cây: Do bổ sung vitamin B hoặc các thuốc như Cimetidin, Indomethacin, Amitriptyline…
Các phương pháp chẩn đoán thận yếu chính xác
Phương pháp duy nhất giúp nhận biết thận khỏe hay yếu chính xác là thực hiện các xét nghiệm chuyên khoa. Các chẩn đoán này cần được thực hiện bởi bác sĩ. Việc tự thực hiện cách nhận biết thận khỏe hay yếu tại nhà không thể giúp bạn phát hiện sớm các vấn đề về thận.
Các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh thận bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Đo nồng độ creatinine, BUN và eGFR để đánh giá chức năng thận.
- Xét nghiệm nước tiểu: Phát hiện protein, hồng cầu, bạch cầu và các chất bất thường trong nước tiểu.
- Siêu âm thận: Kiểm tra kích thước và cấu trúc thận, phát hiện sỏi hoặc u bướu.
- Chụp CT/MRI: Đánh giá tình trạng thận và các tổn thương sâu hơn.
- Sinh thiết thận: Xác định tổn thương mô thận trong trường hợp cần thiết.
Cách duy trì và cải thiện sức khỏe thận
Để cải thiện sức khỏe, chức năng thận và ngăn ngừa các bệnh lý về thận, có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
- Ăn uống lành mạnh: Áp dụng chế độ ăn ít muối, ít chất béo bão hòa, Tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo, hạn chế protein động vật, thay thế bằng protein thực vật.
- Uống đủ nước: Uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày theo nhu cầu của cơ thể, tốt nhất là từ 1.5 – 2 lít nước.
- Tập thể dục thường xuyên: Tăng cường vận động thể chất, cố gắng hoạt động ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Xây dựng lối sống lành mạnh: Ngủ đủ giấc, duy trì cân nặng khỏe mạnh, hạn chế thức khuya, hạn chế uống nước ngọt, rượu bia, bỏ hút thuốc lá.
- Kiểm soát bệnh lý: Sớm điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý như huyết áp, tim mạch, tiểu đường.
- Khám sức khỏe định kỳ: Thực hiện các xét nghiệm chức năng cẩn thận, đặc biệt nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, tiểu đường…
Cách nhận biết thận khỏe mạnh hay yếu chính xác tại nhà duy nhất là quan sát nước tiểu và nắm được thể trạng sức khỏe tổng thể của bản thân. Một số dấu hiệu bất thường về màu sắc nước tiểu, tình trạng da khô ngứa, sưng bọng mắt dai dẳng, sưng mắt cá, sưng chân, tiểu nhiều lần đặc biệt là tiểu đêm có thể giúp phát hiện sớm tình trạng suy giảm chức năng thận. Tuy nhiên, tốt nhất nếu cảm thấy lo lắng về sức khỏe thận, bạn nên sớm đến bệnh viện để được kiểm tra.
Có thể bạn chưa biết:
- Các Cách Kiểm Tra Thận Yếu Hiệu Quả Và Chính Xác Nhất
- Chia Sẻ 6 Cách Trị Thận Yếu Tại Nhà Hiệu Quả Bạn Nên Thử
- Đi Tiểu Nhiều Có Phải Thận Yếu Không? Chuyên Gia Giải Đáp
Nguồn tham khảo:
- https://www.kidney.org/kidney-topics/which-drugs-are-harmful-to-your-kidneys
- https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/weak-kidneys-pay-attention-but-dont-worry-excessively
- https://www.medicinenet.com/how_can_i_check_my_kidneys_at_home/article.htm
- https://www.kidney.org/news-stories/10-signs-you-may-have-kidney-disease
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!