Thoát vị đĩa đệm cổ gây đau đầu là do đâu? Cách khắc phục
Thoát vị đĩa đệm cổ gây đau đầu là một triệu chứng của chèn ép dây thần kinh. Tình trạng này phổ biến và khá nguy hiểm nếu không can thiệp điều trị kịp thời.
Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cổ gây đau đầu
Thoát vị đốt sống cổ là bệnh lý xương khớp mãn tính, chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi do có mối liên hệ mật thiết với lão hóa. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi, kể cả trẻ em do ảnh hưởng từ những thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày. Các dạng thoát vị đốt sống cổ thường gặp như C3 – C4, C5 – C6 hoặc C5 – C6…
Có nhiều nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm ở cổ như:
- Do cột sống cổ chịu áp lực quá lớn dẫn đến vỡ, tổn thương và lệch khỏi vị trí ban đầu. Thường liên quan đến chấn thương, va chạm mạnh, tai nạn giao thông, tai nạn lao động…;
- Ngồi lâu một chỗ hoặc giữ nguyên 1 tư thế trong nhiều giờ gây áp lực cho cột sống cổ;
- Lười vận động, không tập thể dục thường xuyên…;
- Ngoài ra, yếu tố di truyền, dị tật bẩm sinh, thừa cân béo phì, nghiện thuốc lá, rượu bia… cũng làm tăng nguy cơ phát sinh thoát vị đĩa đệm cổ;
Đau đầu là một triệu chứng thường gặp của thoát vị đĩa đệm cổ, xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Áp lực lên dây thần kinh: Khi đĩa đệm bị thoát vị, nó có thể chèn ép lên các dây thần kinh gần đó. Điều này không chỉ gây đau và tê cứng ở cổ, vai và tay, mà còn có thể gây ra đau đầu, đặc biệt là ở phía sau đầu và cổ.
- Tăng căng cơ: Thoát vị đĩa đệm cổ thường khiến các cơ xung quanh trở nên cứng và căng thẳng hơn. Điều này có thể dẫn đến sự căng thẳng, đau đớn ở cổ và vai, gây ra các loại đau đầu như đau đầu căng thẳng.
- Rối loạn chức năng cổ: Khi có thoát vị đĩa đệm, khả năng vận động và linh hoạt của cổ có thể bị ảnh hưởng. Sự cứng ngắc và giảm phạm vi vận động có thể dẫn đến sự không cân đối trong cơ, gây ra đau đầu.
- Giảm lưu lượng máu: Thoát vị đĩa đệm cổ có thể làm giảm lưu lượng máu đến não bằng cách gây áp lực lên các động mạch cung cấp máu cho não, dẫn đến đau đầu do thiếu máu cục bộ.
- Tác động đến hệ thống thần kinh trung ương: Các dây thần kinh bị chèn ép có thể gửi tín hiệu đau về não, gây ra đau đầu. Đôi khi, tín hiệu đau từ cổ có thể bị nhầm lẫn hoặc “đánh lạc hướng” đến đầu, khiến cảm giác đau xuất phát từ khu vực này.
Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây đau đầu
Việc chẩn đoán chính xác mức độ, nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cổ giúp quá trình điều trị bệnh diễn ra đúng hướng, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm. Có nhiều phương pháp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm từ đơn giản đến hiện đại như:
- Chụp X quang: Giúp chẩn đoán tổn thương của xương và đĩa đệm cột sống cổ.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Sử dụng nguồn sóng radio và sóng từ trường để quan sát hình ảnh cấu trúc cột sống cổ, xem mức độ tổn thương và thoát vị đĩa đệm.
- Chụp cắt lớp vi tính CT scan: Giúp quan sát các đĩa đệm bị tổn thương và có kèm theo vôi hóa dây chằng vàng, dây chằng dọc sau cũng như sự xuất hiện của các mỏm xương. Thường phương pháp này chỉ được thực hiện khi người bệnh không phù hợp thực hiện chụp cộng hưởng từ MRI.
Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cổ gây đau đầu
Thoát vị đĩa đệm cổ gây đau đầu tuy không đe dọa tính mạng của người bệnh, nhưng nếu không can thiệp điều trị sẽ gây ra hàng loạt các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và đời sống sinh hoạt hàng ngày.
1. Các cách giảm đau tại nhà
Tình trạng thoát vị đĩa đệm gây đau đầu mức độ nhẹ, xảy ra đột ngột gây khó chịu, ảnh hưởng sức khỏe, người bệnh có thể linh hoạt áp dụng một số mẹo đơn giản sau:
- Xoa bóp, massage: Động tác massage nhẹ nhàng kết hợp bấm huyệt đúng kỹ thuật giúp tăng cường tuần hoàn máu, thư giãn cơ thể, thư giãn não bộ, giảm đau đầu và thư giãn cơn đau nhức khó chịu một cách tự nhiên.
- Chườm nóng/ chườm lạnh: Đây là giải pháp giảm đau nhanh chóng được nhiều người áp dụng. Khi cơn đau bùng phát, hãy dùng một chiếc khăn hoặc túi chườm chuyên dụng nóng lạnh áp lên vùng cổ đau nhức. Mỗi lần chườm khoảng 15 phút để giảm nhanh cơn đau nhức khó chịu.
- Tắm nước ấm: Cơn đau thoát vị đĩa đệm cổ và đau đầu khó chịu cũng có thể thuyên giảm dần khi bạn tắm nước ấm. Nhiệt nóng có tác dụng rất tốt trong việc giãn cơ, giãn mạch máu và tăng tuần hoàn máu lên não.
- Nghỉ ngơi nhiều: Khi đau nhức, hãy tạm ngưng việc đang làm và nằm xuống nghỉ ngơi. Vì cơn đau xảy ra là do sự áp lực quá mức đốt sống cổ, nghỉ ngơi sẽ giúp giảm áp lực, thư giãn và giảm đau nhanh chóng.
2. Dùng thuốc Tây
Dùng thuốc chữa thoát vị đĩa đệm cổ đem lại hiệu quả nhanh chóng trong việc kiểm soát cơn đau nhức. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến như:
- Nhóm thuốc giảm đau không kê đơn, giúp giảm đau đầu, đau đốt sống cổ bị thoát vị, thường dùng nhất là Paracetamol;
- Nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như Meloxicam, Diclofenac, Celecoxib…, có tác dụng chống viêm, giảm đau và kiểm soát các triệu chứng liên quan khác;
- Nhóm thuốc giãn cơ giúp làm giãn tình trạng co cứng cơ cổ, tăng tuần hoàn lưu thông lên máu và giảm đau cột sống cổ, đau đầu do thoát vị đĩa đệm gây ra. Các loại thường dùng như Mephenesin, Eperisone…
- Nhóm thuốc bổ thần kinh bổ sung vitamin nhóm B, phổ biến nhất là Neurobion. Thuốc này chứa vitamin B1, B6, B12 cần thiết cho sự hoạt động của hệ thống dây thần kinh, tăng cường lưu thông máu. Khi hệ thần kinh khỏe mạnh, cung cấp đủ máu đến não bộ, cơn đau đầu, đau cột sống sẽ dần thuyên giảm và biến mất.
3. Vật lý trị liệu phục hồi chức năng
Vật lý trị liệu là tập hợp những phương pháp không xâm lấn tạo tác động tích cực đến cột sống cổ, thư giãn các đốt sống, tăng tuần hoàn máu, hỗ trợ phục hồi chức năng cột sống và giảm đau. Phương pháp này thường được bác sĩ chỉ định thực hiện song song với dùng thuốc để đạt hiệu quả cao, nhanh chóng, giảm tác dụng phụ của thuốc.
Có rất nhiều dạng vật lý trị liệu khác nhau, tùy theo từng trường hợp bệnh cụ thể, mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phương pháp phù hợp. Có thể kể đến như:
- Điện trị liệu: Sử dụng dòng điện có cường độ phù hợp tác động lên cột sống cổ bị thoát vị đĩa đệm. Giúp ức chế quá trình dẫn truyền thần kinh lên não, giảm truyền tín hiệu và giảm mức độ cảm thụ cơn đau cổ, đau đầu.
- Sóng siêu âm: Khoa học đã chứng minh sóng siêu âm có tác dụng giảm sưng viêm, giảm đau hiệu quả khi cho tiếp xúc với cột sống đĩa đệm bị tổn thương. Nguồn sóng này hoạt động dựa trên cơ chế tăng chức năng hoạt động của màng tế bào, thúc đẩy tuần hoàn máu, mang dưỡng chất đến khắp cơ quan nội tạng và có cả vùng đĩa đệm cột sống bị tổn thương.
- Sóng ngắn: Sóng ngắn có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu diễn ra trơn tru, mang dưỡng chất để cung cấp cho vùng cột sống đĩa đệm bị tổn thương. Đồng thời, tăng quá trình đào thải độc tố và các chất gây viêm. Nhờ đó giúp giảm đau, giảm sưng viêm và đem lại hiệu quả cao trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
- Vận động trị liệu: Đây là thuật ngữ dùng để chỉ các bài tập chữa thoát vị đĩa đệm nói chung và thoát vị đĩa đệm cổ nói riêng. Các nhà khoa học đã khẳng định rằng việc vận động tích cực giúp giải phóng áp lực đang chèn lên các dây thần kinh, giảm đau nhức hiệu quả. Tùy theo mức độ thoát vị đĩa đệm cổ, đau đầu mà bác sĩ sẽ thiết kế liệu trình tập luyện riêng phù hợp. Người bệnh cần tuân thủ thực hiện và kiên trì tập luyện để đạt hiệu quả tối ưu.
4. Can thiệp phẫu thuật
Sau quá trình dài áp dụng các phương pháp điều trị bảo tồn nhưng không hiệu quả hoặc có biến chứng, cần cân nhắc phẫu thuật thoát vị đĩa đệm.
Theo các chuyên gia, mục đích của việc mổ thoát vị đĩa đệm nhằm giải phóng áp lực chèn ép lên các dây thần kinh, giảm đau nhức. Đồng thời, điều chỉnh lại cấu trúc cột sống thông qua phương pháp hợp nhất hoặc thay đĩa đệm nhân tạo.
Hiện nay có 2 phương pháp phẫu thuật gồm mổ hở truyền thống và mổ nội soi thoát vị đĩa đệm. Tuy phẫu thuật đem lại hiệu quả cao nhưng vẫn có tỷ lệ xuất hiện rủi ro biến chứng hậu phẫu. Chẳng hạn như nhiễm trùng vết mổ, máu khó đông… Do đó, giai đoạn hậu phẫu cần có chế độ chăm sóc kỹ lưỡng gồm nghỉ ngơi, ăn uống, vận động phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
Thoát vị đĩa đệm cổ gây đau đầu là một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng rủi ro nguy hiểm đe dọa khả năng vận động. Do đó, tốt nhất người bệnh nên thăm khám, chẩn đoán càng sớm càng tốt để được tư vấn, xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, phòng ngừa biến chứng rủi ro khó lường.
THÔNG TIN HỮU ÍCH
- 2 Cách Chữa Thoát Vị Đĩa Đệm Cổ Mang Đến Hiệu Quả Cao Nhất
- TOP 10 Bác Sĩ Chữa Thoát Vị Đĩa Đệm Giỏi Ở Hà Nội
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!