Thoát Vị Đốt Sống Cổ Là Gì? Nguyên Nhân Và Cách Chữa

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Thoát vị đĩa đệm Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Bệnh thoát vị đốt sống cổ có thể dẫn đến chèn ép rễ thần kinh ở mức độ nhẹ hoặc nặng, đôi khi chèn ép tủy và gây liệt chi. Bệnh thường liên quan đến sự lão hóa và tiến triển chậm. Một số trường hợp đột ngột thoát vị nghiêm trọng do chấn thương.

Bệnh thoát vị đốt sống cổ là gì?

Cột sống gồm 33 đốt sống, trong đó có 7 đốt sống cổ được kí hiệu từ C1 – C7. Đĩa đệm nằm giữa hai đốt sống liền kề, được coi là bộ phận giảm xóc, giúp cột sống uốn cong dễ dàng và linh hoạt, ngăn những tổn thương do vận động hàng ngày.

Hình ảnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
Hình ảnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ (hay thoát vị đốt sống cổ) xảy ra khi đĩa đệm giữa các đốt sống cổ bị tổn thương và lệch khỏi vị trí ban đầu, chèn ép lên các dây thần kinh hoặc tủy sống. Tình trạng này gây ra những cơn đau đớn dữ dội và lan tỏa, kèm theo cứng cổ, tê bì…

Không phải tất cả trường hợp đều có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên nhiều phương pháp hiện nay có thể giúp giảm bớt triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong một số trường hợp còn khắc phục được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.

Nguyên nhân gây bệnh thoát vị đốt sống cổ

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, bao gồm:

  • Thoái hóa đĩa đệm: Là nguyên nhân phổ biến nhất của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Quá trình thoái hóa tự nhiên theo tuổi tác khiến đĩa đệm mất đi độ ẩm và đàn hồi, trở nên cứng và dễ bị rách hơn.
  • Chấn thương: Tai nạn xe cộ, té ngã, hoặc chấn thương thể thao có thể gây ra áp lực đột ngột và mạnh mẽ lên cột sống cổ, dẫn đến việc đĩa đệm bị tổn thương và thoát vị.
  • Nâng vật nặng: Nâng đồ vật nặng không đúng cách, đặc biệt là khi có sự xoay hoặc cúi người, có thể tạo áp lực lớn lên cột sống cổ và gây ra thoát vị đĩa đệm.
  • Hoạt động lặp đi lặp lại: Các hoạt động lặp đi lặp lại hoặc các tư thế cố định trong thời gian dài, như việc sử dụng máy tính, có thể gây căng thẳng và áp lực không đều lên cột sống cổ. Cuối cùng dẫn đến thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm.
  • Hút thuốc: Hút thuốc lá có thể làm giảm lượng oxy đến các đĩa đệm, dẫn đến việc đĩa đệm nhanh chóng thoái hóa và tăng nguy cơ thoát vị.
  • Yếu tố di truyền: Một số người có xu hướng di truyền trong gia đình dễ bị thoát vị đĩa đệm hơn người khác.
  • Tư thế không đúng: Tư thế ngồi, đứng hoặc ngủ không đúng cách có thể tạo áp lực không đều lên cột sống, dẫn đến việc tổn thương đĩa đệm và thoát vị đĩa đệm.
  • Béo phì: Trọng lượng cơ thể quá mức tạo thêm áp lực lên cột sống cổ, có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm.

Nhận biết và hiểu rõ các nguyên nhân có thể giúp người bệnh phòng ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro phát triển tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Triệu chứng thoát vị đốt sống cổ

Thoát vị đốt sống có những triệu chứng và dấu hiệu phổ biến sau:

  • Đau cổ: Cảm giác đau có thể từ nhẹ đến dữ dội, thường tăng lên khi cử động cổ, hoặc giữ một tư thế nào đó trong thời gian dài.
  • Đau lan tỏa: Đau có thể lan xuống cánh tay, vai và thậm chí đến các ngón tay. Đau thường theo một hoặc vài đường dẫn của dây thần kinh từ cổ tới tay.
  • Tê bì: Cảm giác tê hoặc yếu có thể xuất hiện ở cổ, vai, cánh tay, hoặc ngón tay. Đôi khi, người bệnh có thể cảm thấy “kim châm” hoặc mất cảm giác ở những khu vực này.
  • Yếu cơ: Yếu lực trong cánh tay hoặc tay, khó khăn trong việc cầm nắm hoặc thực hiện các động tác chính xác.
  • Đau đầu: Một số người có thể cảm thấy đau đầu, đặc biệt là ở phía sau đầu.
  • Khó khăn trong việc di chuyển cổ: Cảm giác cứng cổ, khó cử động hoặc quay đầu.
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ dễ nhầm lẫn cần cảnh giác
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ dễ nhầm lẫn cần cảnh giác

Thoát vị đốt sống cổ có nguy hiểm không?

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người mắc bệnh thoát vị đốt sống cổ có thể phải đối mặt với hàng loạt những biến chứng nguy hiểm dưới đây.

  • Chứng thiểu năng não
  • Hội chứng chèn ép tủy
  • Hội chứng rối loạn thần kinh thực vật với các biểu hiện như mờ mắt, mất thăng bằng, đau hốc mắt, hay vã mồ hôi.
  • Teo cơ
  • Tàn phế

Các biện pháp điều trị thoát vị đốt sống cổ

Điều trị sẽ dựa vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Các phương pháp trị thoát vị đĩa đệm cổ phổ biến nhất:

Vật lý trị liệu

Đây là phương pháp điều trị không dùng thuốc, giúp giảm đau, sửa chữa đĩa đệm thoát vị và bệnh nhân sớm phục hồi chức năng vận động.

  • Kéo cột sống cổ

Kéo cột sống cổ nhằm giúp giãn cơ, kéo đĩa đệm trở về vị trí ban đầu. Từ đó giúp phục hồi mà không cần phẫu thuật.

  • Xoa nắn (chiropractic)

Biện pháp này sẽ kết hợp với những bài tập khác cũng mang lại hiệu quả cao. Xoa nắn giúp làm giảm các cơn đau, sự sưng tấy giúp người bệnh trở về cuộc sống bình thường.

Xoa nắn khu vực bị thoát vị đốt sống cổ
Xoa nắn khu vực bị thoát vị đốt sống cổ
  • Kỹ thuật khác:
    • Giảm áp đĩa đệm bằng laser qua da (PLDD) hoặc sóng radio cao tần
    • Tiêm thấm vùng cổ
    • Massage trị liệu

Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng thuốc

Các cách điều trị thoát vị đĩa đệm cổ bằng thuốc như sau:

Điều trị bằng thuốc

Hầu hết các trường hợp sẽ được điều trị bằng thuốc để giảm đau và những triệu chứng đi kèm do thoát vị đĩa đệm cổ. Dưới đây là những loại thường dùng:

Điều trị thoát vị đốt sống cổ bằng thuốc Tây y
Điều trị thoát vị đốt sống cổ bằng thuốc Tây y
  • Nhóm thuốc giảm đau: Một số loại thuốc tiêu biểu trong nhóm này là Aspirin, Naproxen (Aleve…), ibuprofen (Advil…), Acetaminophen (Tylenol…). Đối với những trường hợp đau nặng, thuốc giảm đau opioid có thể được cân nhắc
  • Nhóm thuốc giãn cơ: Đúng như tên gọi, nhóm thuốc này giúp giãn cơ, tạo điều kiện cho các cơ xương khớp phục hồi và giảm đau hiệu quả. Những loại thường dùng gồm Diazepam (Valium), Cyclobenzaprine (Flexeril),…
  • Thuốc bổ thần kinh: Có tác dụng kích thích tủy sống, tăng cảm giác tại các cơ quan, tăng hoạt động và dinh dưỡng của cơ, kích thích dây thần kinh trung ương giúp phục hồi những vị trí bị tổn thương. Nhóm thuốc bổ này bao gồm: Gabapentin (như Neurontin…), nhóm Vitamin nhóm B liều cao (như B1, B12, B6).
  • Nhóm thuốc bôi ngoài da: Thường bao gồm các loại thuốc giảm đau hoặc kháng viêm chứa menthol, Diclofenac… giúp giảm thiểu tình trạng viêm, sưng và đau đớn.

Người bệnh cần lưu ý tuân thủ các chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc chữa thoát vị đĩa đệm, không tự ý mua thuốc hoặc ngừng sử dụng thuốc khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ.

Phẫu thuật

Phương pháp này thường được chỉ định khi bệnh nhân đã có thương tổn thần kinh kèm biểu hiện như teo cơ, mất cảm giác, có dấu hiệu bệnh lý tủy.

  • Mổ đĩa đệm thông qua cây kim xuyên da

Với màn hình máy chiếu X-quang (PCD – Percutaneous Cervical Discectomy), bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành mổ đĩa đệm thông qua cây kim xuyên da.

  • Nội soi

Nội soi mang lại kết quả khả quan hơn vì giúp lấy hết khối thoát vị đĩa đệm và giải ép cho tủy, rễ thần kinh.

  • Vi phẫu thuật

Vi phẫu thuật là biện pháp nhằm loại bỏ nhân đĩa đệm thông qua kính hiển vi, từ đó giải phóng rễ thần kinh, tủy bị chèn ép. Đây là biện pháp triệt để và mang lại hiệu quả cao nhất trong việc mổ thoát vị đĩa đệm.

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
Phẫu thuật là phương pháp hiện đại nhất, cho tỉ lệ thành công cao
  • Mổ ACDF

ACDF (Anterior Cervical Discectomy & Fusion) là biện pháp nhằm mổ lấy đĩa đệm và ghép xương cột sống cổ lối trước. Đây là một kỹ thuật đột phá trong điều trị thoát vị đốt sống cổ nhưng vẫn còn một số hạn chế như vận động cổ sau mổ, xuất hiện các thoát vị đĩa đệm cạnh chỗ mổ,…

  • Thay đĩa đệm có khớp TDR (Total Disc Replacement)

Biện pháp này sẽ thay thế đĩa đệm bị tổn thương. Tuy nhiên chi phí thực hiện phương pháp này khá tốn kém, do đó người bệnh cần cân nhắc lựa chọn cách điều trị phù hợp nhất.

ĐỌC NGAY: Hướng Dẫn Chăm Sóc Bệnh Nhân Sau Mổ Thoát Vị Đĩa Đệm Chi Tiết Nhất

Cách phòng ngừa thoát vị đốt sống cổ

“Phòng còn hơn chữa” là câu nói quen thuộc của ông bà ta. Đây đúng là một lời khuyên hữu ích đối với bất cứ căn bệnh nào. Riêng với thoát vị đốt sống cổ, người bệnh muốn phòng tránh hiệu quả cần tìm hiểu và tuân thủ một số lưu ý dưới đây:

  • Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường ăn rau xanh, đậu nành, cá… đồng thời hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất kích thích, đồ ăn chiên rán chứa nhiều dầu mỡ.
  • Tăng cường tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe với cường độ vừa phải, đặc biệt là thực hiện những bài tập tốt cho cột sống.
  • Không nên ngồi tại chỗ quá lâu, nhất là những người làm việc văn phòng. Sau một khoảng thời gian làm việc liên tục cần đứng lên thư giãn, đi lại, vận động cổ một cách nhẹ nhàng.
  • Tránh các công việc quá sức như mang vác vật nặng, ngủ gục dưới bàn. Nếu cần mang vác vật nặng, cần thực hiện đúng tư thế.
  • Bệnh nhân nên gối cao vừa phải dù nằm nệm hay nằm giường cứng.
  • Tránh xách vật nặng, đeo túi lớn.

Những thông tin về bệnh thoát vị đốt sống cổ trên đây hy vọng đã giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn về bệnh này. Khi nắm chắc thông tin về bệnh như nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và cách điều trị, bạn có thể chủ động hơn trong việc khám chữa trị.

THAM KHẢO THÊM: 

Tin liên quan

Bình luận (67)

  1. Thái Hòa says: Trả lời

    Minh Trang ơi mẹ tôi cũng có triệu chứng đau vùng cổ và vai gáy không biết có giống với triệu chứng thoát vị đốt sống cổ của bác bạn không nhỉ? Tôi muốn đưa mẹ đi khám nhưng chưa biết nên chọn bên nào.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger