Mổ Nội Soi Thoát Vị Đĩa Đệm: Chi Phí Và Ưu Nhược Điểm
Mổ nội soi thoát vị đĩa đệm là phương pháp can thiệp ngoại khoa được ứng dụng phổ biến trong y học hiện đại. Đây là phương pháp tân tiến được thực hiện nhằm mục tiêu giải phóng chèn ép dây thần kinh, loại bỏ tổn thương đĩa đệm, dứt điểm cơn đau với tỷ lệ thành công cao.
Có nên mổ thoát vị đĩa đệm hay không?
Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là phương pháp can thiệp ngoại khoa xâm lấn trực tiếp lên da thịt nhằm loại bỏ khối nhân nhầy chèn ép lên các rễ dây thần kinh, tủy sống gây đau nhức. Thường được chỉ định khi thoát vị đĩa đệm nghiêm trọng, gây các biến chứng nguy hiểm và điều trị nội khoa thất bại.
Việc có nên hay không nên phẫu thuật thoát vị đĩa đệm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoại trừ những trường hợp bị thoát vị đĩa đệm do va chạm mạnh, tai nạn cần phải phẫu thuật cấp cứu ngay, thì tất cả những trường hợp còn lại đều được ưu tiên điều trị bằng các phương pháp bảo tồn.
Sau một thời gian điều trị nhưng không có hiệu quả (thường là 5 – 8 tuần) và các biến chứng ngày càng nhiều, nghiêm trọng mới được cân nhắc chỉ định phẫu thuật.
Mổ thoát vị đĩa đệm tuy đem lại hiệu quả cao nhưng song song đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, biến chứng hậu phẫu và cũng có tỷ lệ tái phát tương đối cao (khoảng 5 – 15%), dù tại thời điểm vừa phẫu thuật xong có kết quả thành công. Một số biến chứng thường gặp như đau nhức, xuất huyết, nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh, bại liệt, tàn phế…
Phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm có hiệu quả không?
Bên cạnh mổ hở truyền thống, mổ nội soi là phương pháp được áp dụng phổ biến. Mổ nội soi thoát vị đĩa đệm là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu lên da thịt.
Trong đó 2 hoặc 3 vết cắt nhỏ được tạo trên da, kết hợp các dụng cụ phẫu thuật nội soi để điều chỉnh vùng tổn thương. Những thiết bị, dụng cụ máy móc hiện đại giúp loại bỏ tổn thương, giảm áp bên trong đĩa đệm. Đồng thời phục hồi cấu trúc và đưa đĩa đệm về vị trí ban đầu, phục hồi chức năng vận động với hiệu quả cao nhưng lại ít gây ảnh hưởng đến cấu trúc cột sống.
So với mổ hở truyền thống, phương pháp này có vết mổ nhỏ, nhanh lành, ít chảy máu, ít đau đớn, không cần phải sử dụng thuốc giảm đau quá nhiều, ít để lại sẹo hơn.
Tỷ lệ thành công hơn 90% và giảm tỷ lệ phát sinh biến chứng rủi ro nguy hiểm. Thời gian nằm việc ngắn, người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng ngay sau đó, trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường sau khoảng 6 tuần.
Chỉ định thực hiện mổ nội soi thoát vị đĩa đệm
Không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện phẫu thuật. Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm nội soi chỉ được áp dụng với những trường hợp bệnh nặng, tiến triển nghiêm trọng với các biến chứng nguy hiểm. Cụ thể như:
- Điều trị nội khoa kéo dài từ 5 – 8 tuần nhưng thất bại;
- Tổn thương đĩa đệm nghiêm trọng gây tê yếu tay chân, teo cơ, liệt chi do dây thần kinh, ống sống bị chèn ép trong thời gian dài;
- Biến chứng vẹo gù, biến dạng cột sống;
Quy trình thực hiện phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm
Mổ nội soi thoát vị đĩa đệm là kỹ thuật phức tạp, vô cùng khó đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có chuyên môn cao. Vì cột sống nói chung là một tổ chức tuy lỏng lẻo nhưng lại được liên kết chặt chẽ bởi hệ thống mạch máu, dây thần kinh, thực quản, khí quản… Tại Việt Nam, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp nội soi được áp dụng rất phổ biến và có tỷ lệ thành công cao trên 90%.
Quy trình thực hiện gồm 3 bước cơ bản sau:
Bước 1: Chuẩn bị
Người bệnh cần chuẩn bị một sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái trước khi bắt đầu ca mổ. Khi vào trong phòng mổ, người bệnh sẽ được tiêm thuốc gây tê cục bộ hoặc thuốc gây mê để tránh cảm giác đau nhức trong quá trình thực hiện.
Bước 2: Tiến hành phẫu thuật
- Rạch một đường nhỏ trên da khoảng 2.5cm, hoặc có thể nhỏ hơn tùy theo kích thước thiết bị;
- Đưa các thiết bị vào bên trong, tiếp cận gần vị trí đĩa đệm cần phẫu thuật, gồm camera nội soi (Trocar), thiết bị hình ống có kích thước như cây bút chì để định vị dụng cụ;
- Hình ảnh tổn thương bên trong sẽ được hiển thị ra màn hình bên ngoài, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ thực hiện mổ theo 2 cách sau:
- Mổ nội soi lấy khối thoát vị ra ngoài
- Cắt đĩa sống vi phẫu thông qua ống banh nội soi
Bước 3: Kết thúc
Khi hoàn tất ca mổ, bác sĩ sẽ kiểm tra lại một lần nữa, đảm bảo các tổn thương đĩa đệm đã được loại bỏ hoàn toàn. Sau đó là bước lấy hết các thiết bị nội soi ra ngoài, đóng vết mổ lại bằng cách khâu chỉ và dán băng dính bên ngoài.
Chi phí mổ nội soi thoát vị đĩa đệm
So với phương pháp mổ hở truyền thống, mổ nội soi có mức chi phí cao hơn, rơi vào khoảng hơn 40 triệu đồng/ ca, chưa bao gồm những chi phí sau:
- Thuốc men
- Giường bệnh
- Dịch vụ chăm sóc hậu phẫu
- …
Nếu sử dụng BHYT chi phí phẫu thuật cũng sẽ được hỗ trợ phần nào. Nên chọn những bệnh viện lớn, uy tín để thực hiện phẫu thuật, đảm bảo đạt kết quả cao và hạn chế thấp nhất các rủi ro. Một số bệnh viện phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm như:
- Tại TPHCM: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TpHCM, Bệnh viện Đại học Y dược TpHCM, Bệnh viện Nhân Dân 115…
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội…
Lưu ý chăm sóc hậu phẫu mổ nội soi thoát vị đĩa đệm
Chăm sóc hậu phẫu nội soi thoát vị đĩa đệm là một trong những yếu tố trọng quyết định sự thành công của một ca phẫu thuật. Theo các chuyên gia, bản thân bệnh nhân và người thân cần xây dựng một kế hoạch chăm sóc sau mổ thoát vị đĩa đệm phù hợp. Dựa vào các điều lưu ý sau:
Về chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng hỗ trợ phục hồi chức năng cột sống đĩa đệm sau phẫu thuật hiệu quả.
- Bổ sung các nhóm thực phẩm tốt cho xương khớp, giàu canxi, vitamin D, vitamin A, D, E, C, K, chất xơ, omega-3, glucosamine, chondroitin… từ rau xanh, củ quả, trái cây, thịt, cá, trứng sữa, ngũ cốc, đậu hạt…
- Ưu tiên những món ăn chữa thoát vị đĩa đệm được chế biến thanh đạm, dễ tiêu hóa và tốt cho sức khỏe chung.
- Tránh sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… để tránh ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.
Về chế độ sinh hoạt, vận động
Ưu điểm của mổ nội soi là vết mổ nhỏ, ít đau nhức và nhanh phục hồi, nên sau mổ người bệnh có thể sớm vận động và sinh hoạt trở lại bình thường. Nhưng với các lưu ý sau:
- Sau 1 – 2 tuần, người bệnh cần chú ý tuân thủ lịch tái khám theo lịch của bác sĩ để được theo dõi sát sao tiến triển phục hồi, xử lý biến chứng kịp thời.
- Tuy vết mổ tương đối nhỏ nhưng sau khi hết thuốc tê, người bệnh vẫn sẽ đau nhức nên hãy dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
- Nhưng cũng không nên nằm quá nhiều, thay vào đó hãy vận động nhẹ nhàng, phù hợp với những bộ môn đơn giản như yoga, thiền định, đi bộ… để tăng tuần hoàn máu, giảm nguy cơ bị teo cơ chân, phòng ngừa bại liệt.
- Sau khoảng 1 – 2 tháng chăm sóc tích cực, vết mổ sẽ hoàn toàn lành lại nhưng cột sống sau phẫu thuật vẫn còn khá yếu, nên hãy chú ý về tư thế hoạt động, sinh hoạt phù hợp để tránh gây ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.
- Tránh các tư thế như khom lưng vác đồ, ngồi quá lâu một chỗ, nhón chân cao, các va chạm mạnh khi chơi thể thao… và đặc biệt kiêng quan hệ tình dục ít nhất 2 – 3 tháng.
- Nằm ngủ trong tư thế thẳng lưng, sử dụng gối có độ cao vừa phải, gối mềm mại.
Phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm là phương pháp điều trị cuối cùng dành cho những trường hợp bệnh nghiêm trọng. Tuy hiệu quả, có tỷ lệ thành công cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Do đó hãy tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tối ưu, phòng ngừa biến chứng khó lường về sau.
THAM KHẢO THÊM
- Giải Pháp Kéo Giãn Cột Sống Chữa Thoát Vị Đĩa Đệm
- Phẫu Thuật Thoát Vị Đĩa Đệm Cột Sống Thắt Lưng: Điều Cần Biết Và Lưu Ý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!