Trẻ bị trào ngược dạ dày: Dấu hiệu và cách trị an toàn cho bé

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Trào ngược dạ dày thực quản Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Trẻ bị trào ngược dạ dày thường có các dấu hiệu bất thường như hay nôn trớ, biếng ăn, chậm tăng cân, ho, quấy khóc, ngủ không yên giấc… Bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ sơ sinh và các bé lớn hơn. Phụ huynh nên đưa bé đi khám và điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển thể chất của trẻ.

Trẻ bị trào ngược dạ dày là bệnh gì?

Trào ngược dạ dày ở trẻ em là bệnh lý xảy ra khi axit hay thức ăn có trong dạ dày của bé bị trào ngược lên trên thực quản. Hiện tượng này có thể khiến con bạn khó chịu, hay bị nôn trớ ra sữa/ thức ăn hoặc thậm chí bị ho khan, đau rát cổ họng và nhiều triệu chứng bất thường khác.

Trẻ bị trào ngược dạ dày
Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện nên dễ bị trào ngược dạ dày

Bình thường, phần cơ vòng thực quản dưới của trẻ có nhiệm vụ giãn ra để thức ăn di chuyển từ thực quản xuống dạ dày và đóng chặt lại. Tuy nhiên, bộ phận này có thể hoạt động không hiệu quả và đóng mở không đúng lúc khiến cho các chất có trong dạ dày của bé dễ dàng di chuyển ngược lên trên, từ đó dẫn đến bị trào ngược dạ dày.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cơ vòng thực quản dưới chưa phát triển hoàn thiện nên bé dễ bị trào ngược dạ dày thực quản hơn so với trẻ lớn. Các triệu chứng bệnh có thể xuất hiện ngay từ những tuần đầu sau sinh và phần lớn sẽ dần thuyên giảm và hết khi hệ tiêu hóa phát triển hoàn thiện hơn, thường là từ 12 đến 18 tháng tuổi.

Bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ em được chia thành hai loại chính là trào ngược sinh lý và trào ngược bệnh lý. Mỗi loại có đặc điểm và mức độ ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe của trẻ:

  • Trào ngược dạ dày sinh lý: Đây là hiện tượng tự nhiên, thường xảy ra ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Đa phần trẻ bị trào ngược sinh lý thường vẫn phát triển bình thường về cân nặng và chiều cao, và tình trạng này sẽ tự hết khi trẻ lớn hơn.
  • Trào ngược dạ dày bệnh lý: Bệnh thường ảnh hưởng đến trẻ trên 1 tuổi. Nguyên nhân khiến trẻ bị trào ngược dạ dày bệnh lý có liên quan đến các dị tật bẩm sinh ở cơ hoành, dạ dày, cơ thắt thực quản dưới hoặc do những vấn đề khác về sức khỏe. Trong trường hợp này, bé không chỉ bị nôn ói thường xuyên mà còn xuất hiện nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác, thậm chí gây biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân khiến bé bị trào ngược dạ dày 

Chứng trào ngược dạ dày ở trẻ em có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả yếu tố sinh lý và bệnh lý. Dưới đây là một số nguyên nhân chính khiến trẻ bị trào ngược dạ dày:

Nguyên nhân sinh lý

  • Hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện: Ở trẻ sơ sinh, hệ tiêu hóa vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, đặc biệt là cơ vòng thực quản dưới chưa đủ mạnh để ngăn axit trào ngược. Điều này dẫn đến việc thức ăn và axit dễ dàng di chuyển từ dạ dày lên thực quản.
  • Dạ dày của trẻ có kích thước nhỏ: Dạ dày của trẻ sơ sinh có kích thước rất nhỏ và dễ bị đầy khi trẻ ăn quá nhiều hoặc nuốt không khí khi bú. Tình trạng này làm tăng áp lực lên dạ dày và khiến thức ăn dễ bị trào ngược.
  • Bú sai tư thế hoặc nằm ngay sau khi bú: Một số bé được mẹ cho bú sai tư thế hoặc được đặt nằm ngay sau khi bú. Tất cả đều tạo điều kiện thuận lợi cho axit và thức ăn trào ngược lên thực quản.
  • Dạ dày nằm ngang: Ở trẻ sơ sinh, dạ dày của trẻ còn nằm ngang nên rất dễ bị ọc sữa hoặc trào ngược axit.
bị trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh có thể bị trào ngược dạ dày sinh lý do nhiều yếu tố kết hợp

Nguyên nhân bệnh lý

  • Dị tật bẩm sinh ở đường tiêu hóa: Các dị tật bẩm sinh như thoát vị hoành (hiện tượng một phần của dạ dày chui lên lồng ngực qua cơ hoành), sa dạ dày, hở van tâm vị, hoặc hẹp môn vị (hẹp đoạn nối giữa dạ dày và ruột non) có thể gây trào ngược dạ dày nghiêm trọng.
  • Trẻ bị bệnh lý thần kinh cơ: Những trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh hoặc cơ bắp có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động của cơ vòng thực quản dưới, từ đó dẫn đến tình trạng trào ngược.
  • Các vấn đề sức khỏe khác: Nhiễm trùng toàn thân, chấn thương cơ co thắt thực quản dưới, bại não,…

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày ở trẻ:

  • Bé bú sữa ngoài
  • Cha mẹ ép con ăn quá no
  • Thừa cân, béo phì
  • Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá
  • Căng thẳng, áp lực trong học tập
  • Trẻ thường xuyên dùng thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay hoặc thức ăn chứa nhiều axit.
  • Trẻ lớn có thói quen ăn khuya, gần sát giờ đi ngủ.
  • Sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh gây giảm trương lực cơ vòng, chẳng hạn như Theophylline hay Methylxanthines…

Triệu chứng nhận biết bé bị trào ngược dạ dày thực quản

Trẻ bị trào ngược dạ dày thường có triệu chứng khá rõ ràng và dễ nhận biết. Bên cạnh các dấu hiệu chung thì một số bé có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Cha mẹ cần chú ý theo dõi nhằm kịp thời phát hiện và điều trị cho con. 

Dấu hiệu chung:

  • Trẻ nôn trớ sau khi ăn hoặc bú, đặc biệt là sau khi nằm hoặc hoạt động mạnh.
  • Đau bụng
  • Khó chịu
  • Ợ chua, ợ nóng
  • Ợ hơi, nấc cụt
  • Hay quấy khóc, cáu gắt
  • Ho hoặc thở khò khè.

Triệu chứng trào ngược sinh lý:

  • Trẻ nôn trớ nhẹ sau khi ăn nhưng không có dấu hiệu đau đớn hay khó chịu nghiêm trọng.
  • Bé vẫn phát triển bình thường, tăng cân và không có triệu chứng bất thường về hô hấp.

Biểu hiện trào ngược bệnh lý:

  • Nôn trớ quá nhiều, thường xuyên
  • Có biểu hiện đau đớn ở vùng xương ức và khó chịu.
  • Chậm tăng cân hoặc không tăng cân
  • Mệt mỏi, kém ăn, suy dinh dưỡng
  • Ho kéo dài, thở khò khè trong lúc ngủ hoặc có dấu hiệu khó thở.
  • Khàn giọng.
  • Có thể bị hen phế quản hoặc viêm phổi tái phát thường xuyên.

ĐÁNG CHÚ Ý: Ho do trào ngược dạ dày và giải pháp điều trị hiệu quả nhất

Trẻ bị trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?

Như đã đề cập ở trên, bệnh trào ngược dạ dày sinh lý ở trẻ sơ sinh thường có khuynh hướng thuyên giảm dần và tự hết khi hệ tiêu hóa của bé phát triển hoàn thiện. Nếu con bạn vẫn ăn ngủ bình thường và phát triển khỏe mạnh, tăng cân đều thì không có gì đáng lo ngại.

Trẻ bị trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?
Trong một số trường hợp, bệnh trào ngược dạ dày không chỉ gây đau đớn mà còn khiến trẻ phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng

Trong khi đó, các bé bị trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý sẽ có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Các rủi ro có thể phát sinh bao gồm:

  • Suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
  • Viêm thực quản
  • Viêm họng
  • Viêm phổi hít sặc
  • Suy hô hấp
  • Barrett thực quản
  • Viêm xoang mũi

Bé bị trào ngược dạ dày khi nào nên đi khám bác sĩ?

Để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm và bảo vệ sức khỏe của bé, cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ ngay nếu trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bị trào ngược dạ dày thực quản, đặc biệt là khi xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng dưới đây:

  • Nôn trớ, ói mửa quá nhiều
  • Nôn ra máu.
  • Không tăng cân, giảm cân hoặc phát triển chậm hơn so với các trẻ cùng độ tuổi.
  • Khó thở, thở khò khè
  • Quấy khóc liên tục từ 2 tiếng trở lên
  • Ho kéo dài không rõ nguyên nhân
  • Viêm phổi tái phát thường xuyên
  • Tiêu chảy kéo dài hoặc đi ngoài ra máu
  • Bỏ ăn uống
  • Cơ thể lừ đừ, mệt mỏi, thiếu sức sống
  • Nôn ói dữ dội sau mỗi lần bú ở trẻ < 3 tháng tuổi
  • Đau vùng giữa ngực, đau họng kéo dài
  • Nghẹn ở họng, khó nuốt.

Đây đều là những triệu chứng cho thấy bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ đã bước vào giai đoạn nặng, cần được chăm sóc y tế ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm.

XEM THÊM: Trào ngược dạ dày nghẹn cổ họng và các giải pháp điều trị

Chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ em

Để chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ, bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm như:

  • Nội soi dạ dày-thực quản
  • Siêu âm
  • Chụp X-quang
  • Xét nghiệm máu, nước tiểu
  • Đo pH thực quản

Những phương pháp trên có thể giúp đánh giá mức độ trào ngược dạ dày ở trẻ, tình trạng tổn thương trong thực quản và các biến chứng nếu có, từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho bé.

Cách điều trị an toàn cho trẻ bị trào ngược dạ dày

Trẻ bị trào ngược dạ dày có thể được điều trị tích cực bằng các phương pháp y tế kết hợp chăm sóc tại nhà đúng cách để ngăn ngừa và đẩy lùi triệu chứng bệnh, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.

1. Phương pháp điều trị y tế

Nếu cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc trị trào ngược dạ dày cho trẻ. Phẫu thuật thường chỉ được đề nghị cho các trường hợp bị trào ngược bệnh lý nghiêm trọng.

Trẻ bị trào ngược dạ dày uống thuốc gì?

Các loại thuốc được chỉ định cho bé chủ yếu nhằm mục đích giảm lượng axit trong dạ dày hoặc cải thiện hoạt động của cơ vòng thực quản dưới. Được sử dụng phổ biến là những loại thuốc sau:

  • Thuốc kháng thụ thể H2
  • Thuốc ức chế bơm proton
  • Thuốc tăng trương lực cơ thắt thực quản dưới Prokinetic.
thuốc điều trị cho bé bị trào ngược dạ dày
Trẻ bị trào ngược dạ dày có thể được bác sĩ kê đơn thuốc để giảm axit và tăng cường chức năng hoạt động của cơ vòng thực quản dưới

Phẫu thuật:

Một số bé bị trào ngược dạ dày bệnh lý nghiêm trọng có thể cần làm phẫu thuật Nissen ( phẫu thuật Toupet). Phương pháp này được thực hiện nhằm mục đích thắt chặt cơ vòng để ngăn ngừa trào ngược. Trẻ có thể được mổ nội soi hoặc mổ hở tùy theo tình trạng bệnh.

2. Mẹo chăm sóc, hỗ trợ điều trị tại nhà cho trẻ bị trào ngược dạ dày

Ngoài việc điều trị theo hướng dẫn, phụ huynh có thể trao đổi với bác sĩ để chăm sóc con đúng cách và được tư vấn các phương pháp hỗ trợ điều tự nhiên nhằm giảm bớt tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ. Dưới đây là các vấn đề quan trọng phụ huynh cần nhớ:

  • Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ. Thay vì cho trẻ ăn no một lần, nên chia nhỏ các bữa ăn hoặc bú nhiều cữ để giảm áp lực lên dạ dày.
  • Sau khi cho bé ăn, cha mẹ nên ẵm bé hoặc giữ trẻ ngồi một lúc kết hợp vỗ ợ hơi trước khi đặt nằm xuống.
  • Khi cho trẻ ngủ, phụ huynh nên nâng cao đầu giường của bé hoặc kê một chiếc gối cao từ phần vai đến đầu để giảm nguy cơ trào ngược cho bé khi nằm. Tốt nhất là đặt bé nằm nghiêng sang bên trái.
  • Ưu tiên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và chỉ cho trẻ bú sữa công thức khi mẹ bị thiếu sữa. Lựa chọn các loại sữa có công thức phù hợp và dễ tiêu hóa.
  • Không đưa trẻ đến những nơi có khói thuốc lá. Việc hít phải khói thuốc có thể gây kích thích, khiến bé bị trào ngược nghiêm trọng hơn và dễ mắc bệnh đường hô hấp.
  • Trẻ bị trào ngược dạ dày không nên ăn các thực phẩm hay dùng đồ uống chứa cafein, chẳng hạn như kẹo sô cô la, kẹo bạc hà, trà sữa, ca cao. Ngoài ra, cha mẹ cần tránh cho bé ăn đồ chua, cay hoặc uống nước ngọt có ga.
  • Xây dựng kế hoạch giảm cân cho bé nếu con bạn đang bị thừa cân, béo phì. Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho dạ dày và hạn chế được tình trạng trào ngược axit.
  • Đối với trẻ lớn, phụ huynh nên khuyến khích bé tập thể dục và vận động nhiều để cải thiện chức năng tiêu hóa, đồng thời góp phần kiểm soát cân nặng.
  • Tìm hiểu và áp dụng các mẹo dân gian như dùng gừng, nghệ, lá vú sữa… để khắc phục bệnh cho trẻ tại nhà.
bé bị trào ngược dạ dày thực quản
Để cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ, mẹ nên giữ con ở tư thế thẳng đứng một lúc sau khi bé ăn

ĐỪNG BỎ QUA: Lưu ngay 7 cách trị trào ngược dạ dày tại nhà hay từ dân gian

Cách phòng ngừa trào ngược dạ dày ở trẻ

Để ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ bị trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ trên 1 tuổi, phụ huynh có thể áp dụng các giải pháp sau:

  • Cho trẻ bú mẹ đúng cách với phần đầu được nâng cao hơn thân dưới khoảng 30 độ để tránh nuốt nhiều không khí và trào ngược dạ dày khi bú.
  • Nếu trẻ bú bình, hãy chọn loại sữa công thức phù hợp với trẻ và đảm bảo bình sữa được tiệt trùng kỹ lưỡng.
  • Sau khi trẻ bú xong, nên vỗ ợ hơi và giữ bé ở tư thế thẳng trong 30 phút. Tránh đặt con nằm xuống ngay.
  • Đối với trẻ lớn hơn, hãy đảm bảo trẻ ăn trong tư thế thoải mái, tránh cho bé ăn trong tư thế nằm.
  • Tập cho bé thói quen nằm nghiêng sang bên trái và nâng cao đầu khi ngủ.
  • Cho trẻ mặc trang phục rộng rãi, tránh bó sát ở phần bụng.
  • Không để bé chạy nhảy hoặc vận động mạnh ngay sau khi ăn.
  • Tránh để trẻ ăn quá no. Nếu cần thiết có thể chia nhỏ các bữa ăn trong ngày nhằm đảm bảo bổ sung đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho con.
  • Thời điểm dùng bữa nên cách giờ đi ngủ khoảng 3 tiếng.

Trẻ bị trào ngược dạ dày là một hiện tượng phổ biến nhưng có thể tiềm ẩn nhiều biến chứng nếu không được điều trị sớm. Cha mẹ cần chú ý theo dõi các triệu chứng của trẻ, thực hiện các biện pháp chăm sóc đúng cách và đưa bé đi khám bác sĩ khi có dấu hiệu nghiêm trọng.

BẠN NÊN TÌM HIỂU THÊM

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger