Bà Bầu Mất Ngủ 3 Tháng Đầu: Nguyên Nhân và Cách Chữa Trị
Bà bầu mất ngủ 3 tháng đầu chỉ là dấu hiệu của thai kỳ hoặc cũng có thể là một trong những triệu chứng cảnh báo suy giảm sức khỏe khi mang thai. Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ trong giai đoạn này, nhưng phổ biến nhất là do thay đổi hormone.
Nguyên nhân khiến bà bầu 3 tháng đầu bị mất ngủ
Mất ngủ khi mang thai là hiện tượng phổ biến, hầu như mẹ bầu nào cũng gặp phải. Đây là tình trạng phôi thai vừa làm tổ trong tử cung và đang trong giai đoạn ổn định để phát triển.
Các chuyên gia cho biết, 3 tháng đầu là giai đoạn cực kỳ quan trọng, là nền tảng để thai nhi phát triển hình hài ban đầu và một số cơ quan cơ bản trong cơ thể.
Tuy nhiên, trong chính giai đoạn này mẹ bầu sẽ có những thay đổi đáng kể về sức khỏe. Có thể kể đến như khó chịu với mùi, ăn vào nôn ra, cả người mệt mỏi, một số trường hợp buồn ngủ liên tục vào ban ngày nhưng lại mất ngủ vào ban đêm.
Có nhiều nguyên nhân khiến bà bầu 3 tháng đầu bị mất ngủ như:
1. Ốm nghén nặng
Theo khảo sát, có đến 85% phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng ốm nghén và nôn ói trong 3 tháng đầu. Nguyên nhân chủ yếu là do hormone thai kỳ chorionic gonadotropin được sản sinh quá mức và gây ra cảm giác buồn nôn. Cảm giác này có thể đến bất chợt vào bất kỳ thời điểm nào hoặc xảy ra khi mẹ ngửi thấy mùi khó chịu.
Buồn nôn và nôn ói liên tục khiến mẹ mệt mỏi, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, nôn nhiều khiến mẹ có cảm giác đói thường xuyên, kể cả ban đêm và gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, trằn trọc, mất ngủ.
2. Tiểu đêm nhiều
Mặc dù mang thai 3 tháng đầu chưa khiến bụng của chị em to lên, nhưng về cơ bản khi phôi thai làm tổ và phát tri ển thành thai nhi, tử cung của bạn vẫn sẽ căng ra đáng kể. Điều này vô tình gây chèn ép lên bàng quang.
Cộng với quá trình hoạt động năng suất của thận để thanh lọc và đào thải độc tố trong cơ thể khiến số lần đi tiểu của bạn tăng lên nhiều hơn. Đây cũng chính là lý do khiến chị em phải thường xuyên thức dậy vào ban đêm để đi tiểu.
Việc tiểu đêm vô tình làm gián đoạn và rối loạn giấc ngủ, sau khi vệ sinh xong không còn cảm giác buồn ngủ, không thể ngủ lại hoặc ngủ không sâu giấc, chập chờn, dễ giật mình tỉnh giấc…
3. Sự mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu
Bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ cũng đều khiến mẹ đôi lúc cảm thấy mệt mỏi, nhưng mệt mỏi nhất vẫn là 3 tháng đầu. Trong thời điểm này, cơ thể vốn đang hoạt động bình thường lại phải thay đổi hoàn toàn, bắt đầu hoạt động nhiều hơn, tăng tần suất vận hành nhằm nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển của thai nhi.
Tử cung bắt đầu sản sinh nhiều hormone progesterone hơn nhằm tăng cường tuần hoàn máu cung cấp và an thần cho thai nhi. Tuy nhiên, đối với người mẹ sẽ dễ gặp phải tình trạng thiếu máu, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài. Đây cũng chính là lý do vì sao các bác sĩ khuyến khích bạn phải bổ sung sắt đầy đủ trong 3 tháng đầu.
4. Đau đầu, khó thở
Chỉ số nội tiết tố tăng nhưng tuần hoàn máu lên não và đường huyết lại giảm khi mang thai 3 tháng đầu chính là nguyên nhân khiến mẹ bầu thường xuyên bị đau đầu, tức ngực và khó thở.
Ngoài ra, việc hít thở khi mang thai cũng được “chia sẻ” cho em bé trong bụng, dẫn đến khó thở, dễ bị hụt hơi. Đây đều là những yếu tố gây ra mất ngủ trong 3 tháng đầu thai kỳ.
5. Thay đổi tâm lý thất thường
Rối loạn nội tiết tố khi mang thai 3 tháng đầu là nguyên nhân hàng đầu gây ra những tiêu cực về cảm xúc, tâm trạng của thai phụ. Sẽ có lúc cảm thấy thật hạnh phúc, nhưng cũng có thời điểm cảm thấy bức bối, khó chịu, dễ cáu gắt, tức giận và khó ngủ, mất ngủ. Đây là những biểu hiện hoàn toàn bình thường do bị chi phối bởi hormone.
Tuy nhiên hãy cố gắng điều chỉnh cảm xúc ngay sau đó, chia sẻ với chồng, người thân và bạn bè. Hoặc đừng ngần ngại tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý nếu có khúc mắc về những vấn đề trong cuộc sống.
6. Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân thường gặp vừa kể trên, chứng mất ngủ trong 3 tháng đầu cũng có thể xảy ra do:
- Các rối loạn trên đường tiêu hóa như ợ chua, ợ hơi liên tục, ăn uống khó tiêu, chướng bụng, trào ngược dạ dày thực quản…;
- Rối loạn nhịp tim, nhất là vào ban đêm do tim phải tăng cường tần suất hoạt động bơm máu để nuôi dưỡng thai nhi;
- Ảnh hưởng từ các bệnh về cơ xương khớp gây đau chân, phù chân, đau lưng, khiến mẹ bị mất ngủ;
Những biểu hiện về mất ngủ trong giai đoạn mang thai 3 tháng đầu
Trong tam cá nguyệt thứ nhất, những biểu hiện về sức khỏe hoặc thay đổi bên ngoài thường khá mờ nhạt. Đây là lý do vì sao nhiều chị em mang thai nhưng lại không biết. Nhưng riêng đối với tình trạng mất ngủ trong 3 tháng đầu lại được thể hiện một cách rõ ràng, thông qua các dấu hiệu sau:
- Mất ngủ đột ngột trong nhiều ngày liền, nhưng lại không xác định được nguyên nhân gây ra;
- Mẹ thường xuyên trằn trọc, nằm trên giường nhưng không thể chợp mắt, khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ chập chờn, không sâu giấc và dễ giật mình;
- Khó ngủ dẫn đến thức khuya nhưng lại dậy rất sớm, kéo theo những biểu hiện như mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống, tinh thần sa sút rõ rệt;
- Thiếu tỉnh táo, đau đầu, chóng mặt, giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung và dễ mắc lỗi;
- Khó chịu, dễ cáu gắt, lo lắng bất an hoặc stress, trầm cảm;
- …
Bà bầu mang thai 3 tháng đầu có nguy hiểm không?
Mang thai 3 tháng đầu bị mất ngủ là khó tránh khỏi do sự tác động của nhiều nguyên nhân. Về bản chất thì tình trạng này không nguy hiểm do không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi.
Tuy nhiên, nếu mẹ bị mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc và ít hơn 6 tiếng mỗi đêm trong một thời gian dài thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng. Thường gặp nhất là:
- Tăng nguy cơ sinh mổ do người mẹ không có đủ sức khỏe để sinh thường;
- Hoặc thời gian chuyển dạ khi sinh sẽ kéo dài hơn bình thường;
- Thai nhi chào đời thường thấp bé, nhẹ cân, thường xuyên quấy khóc, dễ mắc bệnh vặt, khó nuôi…;
Không những vậy, bản thân người phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu bị mất ngủ kéo dài cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Cả người uể oải, mệt mỏi, thiếu ngủ dẫn đến suy nhược cơ thể, ăn uống kém dẫn đến sụt cân, gầy sút, cơ thể nhanh lão hóa, sức đề kháng kém làm tăng nguy cơ phát sinh các bệnh lý khác trong thai kỳ.
Ngoài ra, tâm trạng kém, tinh thần xuống dốc càng khiến mẹ bị rối loạn giấc ngủ trầm trọng. Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần như stress, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hưng phấn, rối loạn đa nhân cách…
Mất ngủ ảnh hưởng rất đáng sợ đối với bất kỳ đối tượng nào, kể cả phụ nữ mang thai. Do đó, hãy chủ động thăm khám sớm nếu cảm thấy không thể cải thiện giấc ngủ tại nhà. Đồng thời, tuân thủ lịch khám thai định kỳ để kiểm tra và đánh giá sức khỏe cho mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.
Biện pháp cải thiện giấc ngủ cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu
Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ thực hiện các bước thăm khám sức khỏe tổng quát cho mẹ bầu, sau đó tìm kiếm các biểu hiện có liên quan đến chứng mất ngủ. Bước này thông qua quan sát và điều tra tiền sử bệnh, hỏi những câu hỏi liên quan đến giấc ngủ…
Ngoài ra, thực hiện các xét nghiệm máu cần thiết như máu, nước tiểu, kiểm tra tuyến giáp… nếu cần thiết. Khi đã có kết quả chẩn đoán, tùy vào mức độ và nguyên nhân bệnh lý mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Đối với mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu, thường được ưu tiên chữa bệnh bằng các phương pháp không dùng thuốc để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.
1. Liệu pháp hành vi nhận thức cho giấc ngủ (CBT-I)
Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu bị mất ngủ với tương đối phức tạp sẽ được chỉ định phác đồ điều trị bằng liệu pháp hành vi nhận thức. Cách chữa này phù hợp với những người bị mất ngủ do sự ảnh hưởng tiêu cực trong tâm lý.
Với khả năng điều chỉnh ổn định tâm lý, cải thiện thư giãn tinh thần và từ đó thay đổi thói quen ngủ của chị em. Cách này được các chuyên gia đánh giá cao, đem lại hiệu quả tốt và an toàn hơn so với dùng thuốc. Phác đồ điều trị mất ngủ bằng liệu pháp hành vi nhận thức gồm các giải pháp sau:
- Liệu pháp kiểm soát kích thích: Có tác dụng hỗ trợ não bộ loại bỏ hoàn toàn những yếu tố tiêu cực chống lại giấc ngủ. Liệu pháp này được thực hiện thông qua các bước vệ sinh giấc ngủ cơ bản như: ngủ – thức vào cùng một thời điểm cố định, ngủ đủ giấc vào ban đêm, không nên ngủ trưa quá lâu, chỉ sử dụng giường để ngủ, nếu nằm 20 phút chưa ngủ được hãy đứng dậy đi lại và chỉ quay trở về giường khi đã có cảm giác buồn ngủ…
- Áp dụng các kỹ thuật thư giãn: Để giấc ngủ ban đêm chất lượng hơn, mẹ bầu nên thực hiện một số kỹ thuật thư giãn trước giờ ngủ như thực hành thở sâu hoặc thiền định để thư giãn cơ bắp, tăng tuần hoàn sinh học, kiểm soát nhịp tim, nhịp thở, giảm lo lắng, an thần và tạo hormone gây buồn ngủ.
- Hạn chế giấc ngủ: Đây là liệu pháp khá “khó nhằn” dành cho chị em phụ nữ mang thai. Vì mang thai thường khá mệt mỏi, nhưng liệu pháp này lại đòi hỏi hạn chế thời gian nằm trên giường để tạo cảm giác buồn ngủ vào buổi đêm.
2. Vệ sinh giấc ngủ
Ngoài những liệu pháp điều chỉnh hành vi nhận thức, mẹ bầu cũng cần thực hiện một số bước vệ sinh giấc ngủ phù hợp để vượt qua tình trạng mất ngủ dai dẳng trong 3 tháng đầu này:
- Đảm bảo không gian ngủ yên tĩnh, không có tiếng ồn, tạp âm;
- Giữ cho phòng ngủ đủ tối, mát mẻ, thoáng mát;
- Thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời ban ngày giúp cơ thể tự điều chỉnh nhịp sinh học;
- Tạo tâm lý thoải mái trước khi đi ngủ, không sử dụng thiết bị điện tử;
2. Chế độ dinh dưỡng cải thiện mất ngủ trong 3 tháng đầu
Dinh dưỡng là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng đầu. Đây là giai đoạn trẻ cần rất nhiều dưỡng chất để phát triển não bộ, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh cùng các cơ quan nội tạng…
Việc thiếu hụt dinh dưỡng trong giai đoạn này là nguyên nhân hàng đầu gây dị tật thai nhi bẩm sinh, tăng nguy cơ sảy thai, trẻ chào đời còi cọc, thấp bé, suy dinh dưỡng… Đối với giấc ngủ kém chất lượng do mang thai, mẹ bầu cần điều chỉnh lại thực đơn ăn uống sao cho phù hợp nhất.
Về nguyên tắc ăn uống
- Đảm bảo bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết gồm đạm – béo – bột đường – vitamin & khoáng chất, đặc biệt là các vi chất như sắt, canxi, acid folic, vitamin D, C, nhóm B, selen, magie, kẽm, i-ốt, DHA/ EPA…;
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm lành tính như: các loại thịt (gà, heo, bò…), đậu, trứng, các loại cá, ngũ cốc, rau lá màu xanh thẫm, các loại đậu, hạt, rau củ quả, sữa…;
- Lên thực đơn ăn uống hàng ngày cụ thể, ăn đủ 3 bữa chính hoặc có thể thêm một số bữa phụ khi bị ốm nghén, bổ sung các dưỡng chất cần thiết;
- Mỗi bữa ăn chỉ nên ăn vừa đủ, tránh ăn quá no hoặc nhịn đói;
Thực phẩm nên và không nên ăn
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, do sự ảnh hưởng từ việc ốm nghén nên mẹ hãy ghi nhớ các loại thực phẩm nên ăn hoặc không nên ăn để có những điều chỉnh cho phù hợp.
Thực phẩm nên ăn
- Nhóm thực phẩm giàu đạm như các loại thịt đỏ, thịt trắng;
- Cá hồi;
- Các loại rau xanh, trái cây giàu chất xơ, vitamin C;
- Trái cây như cam, quýt, chuối, nho;
- Sữa chua;
- …
Thực phẩm không nên ăn
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu cần tránh ăn những loại thực phẩm sau đây:
- Cua và các loại hải sản chứa thủy ngân như cá kiếm, cá ngừ
- Dứa
- Lô hội (nha đam)
- Hạt mè
- Rau chùm ngây
- Đu đủ xanh
- Các loại thực phẩm sống hoặc chế phẩm từ sữa chua chưa qua tiệt trùng
- Gan động vật
- Thực phẩm nhiều muối, chế biến quá mặn
- Thức ăn chế biến sẵn
- Chất kích thích
- …
3. Sử dụng thảo dược tự nhiên
Việc sử dụng thảo dược tự nhiên trong thai kỳ cũng gần tương tự như dùng thuốc nên cần hết sức thận trọng vì thành phần dược chất trong thảo dược rất khó kiểm soát. Đối với phụ nữ mang thai muốn cải thiện chứng mất ngủ, nên ưu tiên sử dụng một số loại thảo dược lành tính như:
- Gừng
- Tỏi
- Bạc hà
- Hoa cúc
- Kỷ tử
- Atiso đỏ
- Húng chanh
- Mâm xôi
- …
Mẹ có thể sử dụng các loại thảo dược này để hãm trà uống hàng ngày. Cách này vừa giúp giảm triệu chứng ốm nghén trong 3 tháng đầu thai kỳ vừa hỗ trợ thư giãn thần kinh, giảm mệt mỏi và cải thiện chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Lưu ý, tránh sử dụng các loại thảo dược nguy hiểm cho thai kỳ như lô hội, bạc hà băng, cây hành biển, phong thảo, lưỡi mèo, cây tầm gửi… Vì các dược chất trong thảo dược này có thể khiến thai nhi chậm phát triển hoặc kích thích gây co bóp tử cung, làm tăng nguy cơ sinh non, sảy thai…
ĐỌC NGAY: Bà Bầu Mất Ngủ Nên Ăn Gì? TOP 10 Thực Phẩm Tốt Nhất
4. Mẹo sinh hoạt giúp ngủ ngon
Lịch sinh hoạt hàng ngày cũng là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến giấc ngủ khi mang thai 3 tháng đầu. Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp mẹ dễ đi vào giấc ngủ, ngủ ngon và sâu giấc, mẹ cần thực hiện các biện pháp sau:
- Thay đổi tư thế ngủ: Trong 3 tháng đầu, thai nhi chưa phát triển lớn nên mẹ vẫn có thể nằm ngủ trong mọi tư thế. Tuy nhiên, để cải thiện giấc ngủ, mẹ nên nằm nghiêng sang bên trái, kê một chiếc gối nhỏ dưới chân. Điều này giúp tăng tuần hoàn máu đến khắp cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là đến thai nhi, vừa giúp mẹ ngủ ngon vừa giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh.
- Massage, xoa bóp: Trước khi đi ngủ, mẹ nên massage xoa bóp cổ, gai, gáy nhẹ nhàng để thư giãn toàn thân, xoa dịu mệt mỏi, căng thẳng thần kinh, gây cảm giác buồn ngủ, giúp mẹ dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
- Ngâm chân nước ấm: Đây là liệu pháp đem lại hiệu quả cao và an toàn lành tính với sức khỏe của mẹ bầu. Nhiệt ấm của nước kết hợp với thảo dược tự nhiên tác động tích cực đến hệ thần kinh, thúc đẩy tuần hoàn máu lên não, xoa dịu não bộ và giúp ngủ ngon hơn vào ban đêm.
- Uống sữa ấm: Uống 1 ly sữa ấm trước khi đi ngủ là mẹo đơn giản giúp mẹ ngủ ngon hơn vào ban đêm. Không những vậy còn bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.
HỮU ÍCH: TOP 15 Cách Ngủ Nhanh Hiệu Quả, Giúp Bạn Ngủ Ngon
5. Vận động thể chất nhẹ nhàng
Một trong những cách hiệu quả giúp cải thiện chứng mất ngủ cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đó là tập thể dục, vận động nhẹ nhàng.
Theo các chuyên gia, chỉ cần vận động phù hợp, cơ thể của mẹ bầu sẽ được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực, tạo sự thoải mái và tỉnh táo vào ban ngày, buồn ngủ và ngủ ngon hơn vào ban đêm. Đồng thời giúp cơ thể làm quen nhanh chóng với sự thay đổi hormone bất ngờ khi mang thai.
Một số bài tập thể dục nhẹ nhàng, dễ tập dành cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu như:
- Các bài tập yoga
- Các bài tập pilates
- Đi dạo, đi bộ thư giãn sau bữa ăn
- Bơi lội
- …
Lưu ý tránh tập những bộ môn đòi hỏi nhiều sức mạnh về thể chất. Chống chỉ định tập luyện với những chị em phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu có dấu hiệu dọa sảy, thể chất kém hoặc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
6. Thăm khám định kỳ
Thường xuyên thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe, đánh giá sự phát triển của thai nhi. Nếu mất ngủ kéo dài liên tục nhiều ngày, nhiều tuần liền, bạn cần được chẩn đoán nguyên nhân và tư vấn các biện pháp điều trị hiệu quả.
Bà bầu bị mất ngủ trong 3 tháng đầu là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, không nên vì vậy mà chị em lơ là, bỏ qua việc tìm cách cải thiện lấy lại giấc ngủ. Hãy tìm gặp bác sĩ nếu mất ngủ kéo dài hoặc kèm theo những bất thường khác.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Bà Bầu Mất Ngủ 3 Tháng Cuối Và Cách Chữa An Toàn Nhất
- Bà Bầu Mất Ngủ 3 Tháng Giữa Do Đâu? Cách Điều Trị An Toàn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!