Viêm da cơ địa ở trẻ em: Dấu hiệu, hình ảnh và cách chữa trị
Viêm da cơ địa ở trẻ em là một bệnh lý mãn tính đặc trưng bởi sự xuất hiện của các triệu chứng như da khô, bong vảy, nổi sẩn trên nền da đỏ,… Bệnh không chỉ khiến bé thường xuyên có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu mà còn làm tăng nguy cơ để lại sẹo trên da cùng một số biến chứng khác khi không được điều trị tốt.
Tổng quan về bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ là một dạng viêm da có tín chất mãn tính, kéo dài, được biểu hiện qua các cơn ngứa hoặc phát ban. Các triệu chứng bệnh thường khởi phát từ rất sớm, ngay từ những tháng đầu đời của trẻ.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ bị viêm da cơ địa đang ngày càng có xu hướng tăng nhanh trên toàn cầu. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là các bé có cơ địa dị ứng hoặc tiền sử bị viêm da cơ địa trong gia đình. Bệnh ảnh hưởng đến cả bé trai và bé gái ở những nước phát triển mạnh hoặc đang phát triển.
Tương tự như ở người lớn, bệnh viêm da cơ địa ở trẻ cũng được chia thành 3 giai đoạn phát triển chính gồm: Cấp tính, bán cấp và mãn tính. Các triệu chứng bệnh có thể ổn định dần theo thời gian hoặc cũng có khi kéo dài ngay cả khi bước qua giai đoạn trưởng thành.
Một số hình ảnh về bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em:
Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm da cơ địa
Nghiên cứu cho thấy, sự khởi phát của bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em có mối liên hệ mật thiết với các yếu tố cơ địa, di truyền và môi trường. Dưới đây là các nguyên nhân chính:
- Di truyền: Nếu trong gia đình bé có tiền sử mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng hay viêm da cơ địa thì trẻ cũng có khả năng phát triển căn bệnh này ngay từ bé.
- Môi trường: Hệ miễn dịch của bé khá nhạy cảm nên dễ bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài môi trường như khói thuốc, ô nhiễm không khí hoặc thay đổi thời tiết. Điều này khiến cho các triệu chứng bệnh viêm da cơ địa bùng phát.
- Chất gây kích ứng: Một số trẻ bị viêm da cơ địa sau khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng như xà phòng, chất tẩy rửa, nước hoa, sợi vải không thoáng khí….
- Sử dụng thực phẩm gây dị ứng: Các loại thực phẩm như sữa bò, trứng, lạc có thể kích hoạt triệu chứng viêm da cơ địa ở một số trẻ.
Triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ em
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ thường xuất hiện các triệu chứng như khô da, bong tróc da, nổi mẩn đỏ, viêm đỏ và ngứa da. Cảm giác ngứa thường nghiêm trọng hơn vào ban đêm. Vùng da bị ảnh hưởng có thể rỉ dịch và tạo vảy.
Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ bị viêm da cơ địa đều xuất hiện các triệu chứng trên. Tổn thương do bệnh gây ra còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và độ tuổi của trẻ.
Dấu hiệu theo giai đoạn bệnh:
- Cấp tính: Khu vực da bị bệnh xuất hiện mụn nước trên nền da đỏ. Khi trẻ cào gãi mạnh hoặc ma sát với quần áo, mụn nước vỡ ra, rỉ dịch và đóng vảy khi khô lại. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến khu vực da mặt của bé, nhất là ở trán, má hay cằm.
- Bán cấp: So với giai đoạn cấp tính, các triệu chứng bệnh viêm da cơ địa giai đoạn bán cấp ở trẻ có khuynh hướng nhẹ hơn. Vùng da bị bệnh xuất hiện nhiều sát sần. Chúng tập trung thành từng mảng lớn hoặc phân bố rải rác trên nền da đỏ. Bên trong mụn ứ nhiều dịch và có thể rỉ nước. Vùng da bị tổn thương viêm đỏ và gây ngứa ngáy nhiều.
- Mãn tính: Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ tái phát nhiều lần khiến vùng da tổn thương trở nên khô và dày sừng. Kèm theo đó là sự xuất hiện của các vết nứt trên da gây đau đớn. Màu sắc da ở vùng tổn thương cũng thay đổi do ảnh hưởng của hiện tượng tăng hoặc giảm sắc tố sau viêm.
Biểu hiện viêm da cơ địa theo độ tuổi của trẻ:
- Trẻ dưới 2 tuổi: Trong giai đoạn này, trẻ thường bị viêm da cơ địa ở mặt. Tổn thương xuất hiện ở dạng mụn nước mọc thành đám ở 2 bên má, trán hoặc cằm. Đôi khi, bệnh có thể lan rộng xuống phần thân dưới khiến bé bị ngứa nhiều.
- Trẻ từ 2 đến 12 tuổi: Vùng da bị bệnh xuất hiện các nốt sẩn nằm nổi rõ trên bề mặt da hoặc những đám mụn nước. Một số khu vực da dày sừng và bị lichen hóa. Tổn thương ngứa nhiều và thường ảnh hưởng đến vị trí có nếp gấp trên cơ thể hoặc các vùng khác như mi mắt hay cổ tay.
Xem ngay: Triệu chứng viêm da cơ địa nổi mụn nước và cách trị hiệu quả
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ có nguy hiểm không?
Viêm da cơ địa không phải là bệnh nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể gây ra các biến chứng sau:
- Nhiễm trùng da: Biến chứng này thường xảy ra do trẻ dùng tay gãi, làm tổn thương da và tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào dẫn đến nhiễm trùng, lở loét da.
- Viêm da thứ phát: Các vùng da bị tổn thương có thể phát triển thành các dạng viêm nặng hơn gây khó khăn cho quá trình điều trị.
- Sẹo mất thẩm mỹ: Vùng da bị bệnh không chỉ mất thẩm mỹ mà còn dễ để lại sẹo hoặc vết thâm đen do không được chăm sóc, điều trị đúng cách.
- Phát triển các bệnh dị ứng khác: Trẻ bị viêm da cơ địa cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý khác dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, hen suyễn.
- Ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống: Cảm giác ngứa ngáy liên tục có thể khiến bé mất ngủ, kém tập trung trong học tập và ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Việc nhận biết sớm và điều trị đúng phương pháp chính là chìa khóa để giảm thiểu tác hại của bệnh viêm da cơ địa đối với trẻ em, giúp con bạn có một cuộc sống khỏe mạnh và thoải mái hơn.
Cách điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em
Trẻ bị viêm da cơ địa thường được điều trị bằng thuốc kết hợp với mẹo tự nhiên và các giải pháp chăm sóc tại nhà. Sự kết hợp toàn diện giữa các phương pháp này sẽ giúp kiểm soát triệu chứng, ổn định tình trạng bệnh và giảm thiểu các đợt tái phát trong tương lai.
Dưới đây là những sự lựa chọn trong điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em:
1. Dùng thuốc bác sĩ kê đơn
Trẻ nhỏ có làn da và cơ địa nhạy cảm nên cần đặc biệt thận trọng khi lựa chọn thuốc điều trị. Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng để giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu cho bé. Bao gồm:
Thuốc corticoid dạng bôi:
Thuốc được sử dụng để bôi lên vùng tổn thương mỗi ngày 1 – 2 lần. Loại thuốc này có tác dụng kháng viêm và giảm ngứa nhanh bằng cách ức chế phản ứng dị ứng ở vùng tổn thương.
Phụ huynh lưu ý chỉ nên bôi một lớp mỏng lên da bé và không nên dùng kéo dài quá thời gian được bác sĩ chỉ định. Lạm dụng thuốc quá mức có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ như teo da, da khô hoặc bị giảm sắc tố, giãn mao mạch xuất huyết,…
Thuốc kháng sinh:
Nhóm thuốc này được chỉ định khi trẻ bị viêm da cơ địa có dấu hiệu nhiễm trùng. Thuốc được bào chế ở dạng kem bôi hoặc dùng theo đường uống trong những trường hợp bội nhiễm nặng.
Thuốc kháng histamin:
Thuốc kháng histamin có tác dụng tích cực trong việc giảm ngứa và cải thiện tình trạng viêm đỏ da bằng cách ức chế hoạt động của histamin. Đây là một chất trung gian có trong phản ứng dị ứng và đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ em.
>> XEM THÊM: Top 7 loại thuốc bôi viêm da cơ địa hiệu quả và được tin dùng
2. Chăm sóc và điều trị viêm da cơ địa cho trẻ tại nhà
Trong quá trình dùng thuốc điều trị, cha mẹ cũng cần có kế hoạch chăm sóc cho bé đúng cách và tham khảo ý kiến bác sĩ về việc áp dụng các mẹo tự nhiên, giúp hỗ trợ đẩy nhanh quá trình phục hồi của trẻ.
- Thoa kem dưỡng ẩm: Việc sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp với da bé sẽ giúp da hết khô, giảm kích ứng và ngăn ngừa bệnh tái phát.
- Cho trẻ uống nhiều nước: Trẻ bị viêm da cơ địa cần uống nhiều nước hơn để tránh bị khô da, qua đó hạn chế được tình trạng bong tróc và ngứa ngáy khó chịu.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất: Trong quá trình chữa bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em, các bác sĩ chuyên khoa thường khuyến khích cha mẹ nên tập cho bé ăn nhiều rau củ và hoa quả tươi để bổ sung các dưỡng chất cần thiết. Chúng giúp nâng cao khả năng miễn dịch, hỗ trợ quá trình phục hồi tổn thương và giúp làn da bé khỏe mạnh hơn.
- Tránh xa các yếu tố kích thích: Việc xác định và loại bỏ các tác nhân gây kích thích là một phần quan trọng của quá trình điều trị viêm da cơ địa. Phụ huynh không nên đưa bé đến nơi có nhiều bụi bẩn, phấn hoa, khói thuốc lá hay hóa chất độc hại, đồng thời loại bỏ ngay các thực phẩm gây dị ứng ra khỏi thực đơn của trẻ.
- Giữ làn da bé luôn sạch sẽ: Để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng và giúp trẻ bớt ngứa, các mẹ nên tắm rửa cho bé hàng ngày và vệ sinh da thường xuyên. Cho bé mặc quần áo có chất liệu thoáng khí và tuyệt đối không để bé dùng tay cào gãi lên vùng tổn thương.
- Áp dụng các bài thuốc dân gian: Một số mẹo dân gian như tắm nước lá khế, lá sài đất hoặc đắp lá trầu không… có thể giúp hỗ trợ đẩy lùi triệu chứng bệnh. Cha mẹ có thể áp dụng để trị bệnh cho con nếu được bác sĩ cho phép.
Việc tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em nhanh chóng được kiểm soát. Ngay cả khi bệnh đã ổn định, trẻ cũng cần được chăm sóc đúng cách và tránh các tác nhân gây kích thích để phòng ngừa bệnh tái phát trở lại.
THÔNG TIN HỮU ÍCH LIÊN QUAN
- 10 Bài thuốc nam trị viêm da cơ địa hiệu quả từ dược liệu tự nhiên
- Bị viêm da cơ địa nên ăn gì và kiêng ăn gì? Chuyên gia tư vấn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!