Hẹp ống sống: Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách giải quyết nhanh

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Thoái hóa cột sống Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Hẹp ống sống là một biến chứng tổn thương rất khó phát hiện. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời sẽ gây ra tình trạng chèn ép dây thần kinh, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các chi, thậm chí gây liệt và teo cơ.

Hẹp ống sống là gì?

Hẹp ống sống là tình trạng ống sống bị thu hẹp do nguyên nhân tuổi tác, bẩm sinh hoặc do các khối thoát vị bị lệch chèn ép vào ống sống,… từ đó gây áp lực lên tủy sống hoặc các rễ dây thần kinh đi qua vị trí này.

Hẹp ống sống
Hẹp ống sống xảy ra khi ống sống bị thu hẹp, chèn ép các dây thần kinh và tủy sống

Tuỳ theo vị trí ống sống bị hẹp mà bệnh được chia thành hai loại chính: Hẹp ống sống cổ và hẹp ống sống lưng (chiếm 70% trường hợp mắc bệnh). 

Căn bệnh này tiến triển khá chậm, có thể là vài năm hoặc tới cả thập kỷ. Đĩa đệm, xương sống và dây chằng cột sống là những bộ phận bị ảnh hưởng lớn nhất. 

Triệu chứng hẹp ống sống

Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp gồm:

Hẹp ống sống vùng thắt lưng

  • Đau nhức: Người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn đau ở vùng thắt lưng và có thể lan sang vùng mông, đùi, chân do dây thần kinh toạ bị chèn ép. Ngồi hoặc nghiêng người về phía trước ít đau hơn so với khi đi bộ
  • Tê ngứa ran ở vùng mông đùi: Nguyên nhân là do áp lực chèn ép các rễ thần kinh tăng lên sẽ tạo ra cảm giác đau nhức và tê nóng, kèm theo đó là những cơn đau nhức.
  • Yếu chi: Một hoặc cả hai chân của người bệnh sẽ trở nên yếu hơn và khó kiểm soát được vận động, đi lại. Đây còn được gọi là biến chứng đau thần kinh tọa, có thể gây bại liệt nếu không điều trị bệnh đúng cách.

Hẹp ống sống cổ

So với chứng hẹp ống sống thắt lưng, hẹp ống sống cổ có ít biểu hiện hơn, cụ thể:

  • Đau mỏi vùng vai gáy: Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức nhẹ, âm ỉ, khó chịu tại vùng vai gáy. Cơn đau tăng nặng, kéo dài nếu người bệnh ngồi lâu ở một tư thế hoặc nằm ngủ sai tư thế.
  • Tê, yếu tay: Người bệnh có thể cảm thấy tê 1 hoặc cả hai tay, đi kèm với đó là tình trạng cảm thấy lực tay yếu, gặp khó khăn khi gắp đồ, viết chữ hoặc cầm nắm những vật nhỏ. Khi bệnh nặng có thể gây liệt, tàn phế, liệt chi.

Mức độ ảnh hưởng và các triệu chứng bệnh tuỳ vào nhiều yếu tố như: Độ rộng hẹp của ống sống, sự nhạy cảm của các dây thần kinh có liên quan, khả năng chịu đựng cơn đau của mỗi người,…

Nguyên nhân gây hẹp ống sống

Bệnh hẹp ống sống có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:

  • Do yếu tố bẩm sinh: Một số người bị hẹp ống sống ngay khi tuổi còn rất trẻ. Ngay từ khi sinh ra họ đã có một phần ống sống hẹp, nhỏ hơn với người bình thường.
  • Thoát vị đĩa đệm: Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng bệnh này. Khối thoát vị khiến cho nhân nhầy đĩa đệm phình to hoặc thoát khỏi vị trí ban đầu, làm giảm đường kính của ống sống.
  • Thoái hoá cột sống: Sự thoái hoá cột sống cổ hoặc thắt lưng khiến cho gai xương hình thành từ thân đốt sống. Gai xương phát triển vào bên trong và làm giảm kích thước của ống sống, chèn ép vào tủy sống. Bên cạnh đó, sự thoái hoá của dây chằng làm cho hệ thống dây chằng dày lên, gây hẹp ống sống.
  • Viêm khớp cột sống: Khi bị viêm khớp thì các khớp xương sẽ phình to hơn bình thường và chèn ép vào ống sống làm cho ống sống bị thu hẹp lại.
  • Một số nguyên nhân khác: Như béo phì, chấn thương cột sống hoặc đã từng phẫu thuật cột sống,… sẽ làm gia tăng khả năng mắc bệnh cao hơn bình thường.

Hẹp ống sống có nguy hiểm không?

Hẹp ống sống khiến người bệnh phải chịu những đau đớn, tổn thương trong thời gian dài nhưng không quá nguy hiểm đến tính mạng.

Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất do bệnh gây ra là tình trạng chèn ép vào tuỷ sống và rễ dây thần kinh kéo dài không được điều trị kịp thời dẫn đến:

  • Teo cơ
  • Mất khả năng vận động hoặc liệt chi
  • Rối loạn cơ tròn, gây hiện tượng bí tiểu, khó tiểu
Biến chứng hẹp ống sống
Teo cơ là biến chứng thường gặp của tình trạng hẹp ống sống

Phương pháp chẩn đoán bệnh hẹp ống sống

Bên cạnh những dấu hiệu lâm sàng, cần phối hợp với việc chẩn đoán hình ảnh. Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán hẹp ống sống mang lại kết quả nhanh chóng và chính xác nhất hiện nay:

  • Khám lâm sàng: Trước khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán khác, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để xác định tình trạng bệnh. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số động tác chống, ngồi nghiêng 1 bên, cúi người về phía trước,… 
  • Chụp X-quang: Chẩn đoán hình ảnh thông qua cấu trúc cột sống. Thông qua 2 tư thế là phim nghiêng và phim thẳng bác sĩ sẽ đánh giá được mức độ hẹp cột sống của người bệnh.
  • Kỹ thuật chụp bao rễ cản quang: Đây là phương pháp chụp X quang đưa chất cản quang vào vị trí khoang dưới nhện của tuỷ sống. Thông qua đó có thể thấy được toàn bộ tuỷ sống và rễ của cột sống thắt lưng. Tuy nhiên, phương pháp này có thể khiến người bệnh gặp phải những nguy cơ phản ứng với chất cản quang và không xác định được nguyên nhân gây hẹp ống sống
  • Chụp CT: Kỹ thuật này giúp đo chính xác hình dạng và kích thước trước, sau của phần ống sống, ngách bên. Đồng thời hỗ trợ xác định những thành phần bên trong cũng như cấu trúc xung quanh và chi tiết giải phẫu học.
  • Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ: Phương pháp này cho phép hiển thị hình ảnh của rễ dây thần kinh, tuỷ sống cùng vùng xung quanh. Từ đó xác định nhanh được những dấu hiệu bất thường như: tình trạng phù đại, có khối u, thoái hoá.

Sau khi đã chẩn đoán phát hiện bệnh, tuỳ vào mức độ bệnh và thể trạng từng bệnh nhân lúc đó mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất với mỗi người.

Cách điều trị bệnh hẹp ống sống

Cách điều trị bệnh hẹp ống sống rất đa dạng, được linh hoạt theo từng đối tượng người bệnh. Dưới đây là một số cách phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay:

Dùng thuốc

Các loại thuốc Tây được kê trong toa có tác dụng chung là giảm bớt triệu chứng giúp người bệnh thoải mái hơn khi vận động:

  • Thuốc kháng viêm và giảm đau: Paracetamol, thuốc chống viêm không steroid là những loại thường dùng. Khi không có cải thiện rõ rệt, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phối hợp giữa Paracetamol và thuốc giảm đau gây nghiện opioids.
  • Thuốc giãn cơ: Tác dụng giảm đau nhức, giảm cơn co thắt quá mức. Thuốc được sử dụng nhiều cho bệnh nhân bị hẹp ống sống do thoát vị đĩa đệm và viêm quanh khớp vai.
  • Tiêm màng cứng: Biện pháp tiêm màng cứng thường dùng cortisone tiêm vào khoang ngoài màng cứng tại khu vực xung quanh nơi bị hẹp ống sống. Mục đích làm giảm triệu chứng tạm thời. Các bác sĩ cho biết tiêm cortisone không có tác dụng chữa khỏi bệnh hoàn toàn, nhưng có thể giúp 50% trường hợp giảm được triệu chứng.
Tiêm màng cứng
Tiêm màng cứng giúp giảm đau và viêm nhanh chóng

Phẫu thuật

Phẫu thuật được xem là giải pháp cuối cùng khi những phương pháp điều trị trên không giúp người bệnh cải thiện triệu chứng bệnh. Người bệnh sẽ được gợi ý điều trị phẫu thuật trong các trường hợp sau:

  • Xuất hiện các triệu chứng của bệnh khiến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng, khó hoạt động bình thường
  • Bệnh đang có xu hướng tiến triển thành những khiếm khuyết thần kinh như yếu chân, tê bì, bàn chân rũ,…
  • Có nguy cơ mất chức năng đại và tiểu tiện hoặc khó khăn hơn khi đại tiểu tiện.
  • Người bệnh gặp khó khăn khi đứng.
  • Người bệnh có thể trạng tốt, đáp ứng được điều kiện phẫu thuật.
  • Thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác không mang lại tác dụng

Dựa theo từng thể bệnh và thể trạng của mỗi người mà bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện một trong những phương pháp phẫu thuật sau:

  • Phẫu thuật giải ép thần kinh
  • Phẫu thuật nội soi mở cửa sổ xương giải ép
  • Phẫu thuật làm rộng ống sống đơn giản
  • Phẫu thuật đặt dụng cụ hỗ trợ cột sống liên gai sau silicon
  • Phẫu thuật lấy đĩa đệm kèm hàn xương cố định,…

Điều trị hẹp ống sống bằng vật lý trị liệu 

Các hình thức vật lý trị liệu cơ bản được phân làm hai loại là chủ động và bị động:

  • Phương thức chủ động: Phương thức chủ yếu là tập trung vào các động tác kéo dãn các cơ, tăng cường sức mạnh của cơ bắp,… Từ đó giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu, giảm tình trạng chèn ép vào tuỷ sống, rễ thần kinh, đẩy nhanh phục hồi cơ thể.
  • Phương thức thụ động: Phương thức này sử dụng các thiết bị, máy móc hay lực cơ học nhằm tác động trực tiếp vào vùng bị tổn thương, hỗ trợ giảm đau cho người bệnh. Một số phương pháp vật lý trị liệu chữa hẹp ống sống thường dùng là massage, châm cứu, bấm huyệt, thuỷ châm, nắn khớp,..

Chữa bệnh bằng Đông y

Đông y quan niệm chứng hẹp ống sống thuộc thể thống tý. Khác với Tây y, Đông y cho rằng bệnh sinh ra bởi 2 nguyên nhân chính là nội nhân (thận khí hư suy, lao dịch thương thận) và ngoại nhân (phong, hàn, thấp thừa cơ xâm nhập vào cơ thể) làm cho huyết ứ trệ, kinh lạc không thông mà gây đau.

Các bài thuốc Đông y sử dụng để điều trị viêm cổ tử cung sau sinh có công dụng bổ huyết, điều hòa các tạng
Các bài thuốc Đông y sử dụng để điều trị viêm cổ tử cung sau sinh có công dụng bổ huyết, điều hòa các tạng

Không sử dụng thuốc giảm đau và chống viêm chung cho tất cả các trường hợp như Tây y, Đông y sử dụng các bài thuốc riêng cho từng thể bệnh tùy theo tính chất, đặc điểm và vị trí cơn đau khởi phát. Một số bài thuốc Đông y chữa hẹp ống sống phổ biến là:

  • Do gan thận lưỡng hư: Sử dụng các loại thảo dược như hoàng kỳ, cam thảo, phục linh, bạch thược dược, sinh địa, đỗ trọng, ngưu tần, đương quy, tần giao, xuyên khung, chích cam thảo, tế tân,… 
  • Do đàm thấp trở trệ cản: Bài thuốc gồm các thảo dược như xuyên bối mẫu, bạch phụ tử, bạch cương tàm, uất kim, trần bì, mộc hương, sinh mẫu, bạch giới tử,… 
  • Do thận đốc hư tổn: Tổng hợp các loại thảo dược như thục địa hoàng, miết giáp, sừng hưu giáo, xuyên khung, đỗ trọng, tế tân, bạch giới tử, chích cam thảo,… 

Trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh hẹp ống sống. Hy vọng rằng bài viết này đã mang tới những thông tin bổ ích, giúp bạn và người thân sớm xác định được bệnh và tìm ra phương pháp khắc phục bệnh kịp thời, an toàn.

XEM THÊM:

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger