Rối Loạn Giấc Ngủ Ở Trẻ Em: Biểu Hiện Và Cách Điều Trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Mất ngủ Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em là những bất thường về thời gian và chất lượng giấc ngủ. Thường xảy ra ở một số thời điểm như khi biết đi, biết chạy. Ngoài ra, ảnh hưởng từ các bệnh lý như hội chứng ngưng thở, ngủ rũ cũng khiến trẻ gặp phải tình trạng này. 

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em được biểu hiện thông qua mất ngủ, khó ngủ, ngủ ít và các hiện tượng bất thường trong lúc ngủ

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ nhỏ là như thế nào?

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Trong lúc ngủ, cơ thể trẻ vẫn sẽ hoạt động nhằm phát triển trí não, hoàn thiện chức năng hệ thống thần kinh trung ương, tăng trưởng chiều cao, cân nặng, hoàn thiện hệ miễn dịch, thoải mái và thư giãn tinh thần… 

Tùy theo từng độ tuổi mà số giờ ngủ ở mỗi trẻ sẽ khác nhau.

  • Đối với nhóm trẻ sơ sinh đến khi 1 tuổi cần ngủ khoảng 14 – 18 tiếng/ ngày
  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi ngủ từ 12 – 14 tiếng/ ngày
  • Trẻ từ 3 – 6 tuổi ngủ từ 10 – 12 tiếng/ ngày
  • Trẻ từ 6 – 12 tuổi ngủ từ 10 – 11 tiếng
  • Trẻ từ 12 – 18 tuổi ngủ từ 8 – 9 tiếng. 

Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có đáp ứng đủ các điều kiện cho một giấc ngủ bình thường và điển hình là rối loạn giấc ngủ. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng trẻ gặp khó khăn trong việc đi ngủ, duy trì thời gian ngủ hoặc những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ. Chẳng hạn như mất ngủ, khó ngủ, đang ngủ đột nhiên tỉnh dậy không rõ lý do…

Theo một thống kê, có đến 50% trẻ nhỏ bị rối loạn giấc ngủ. Nếu không được cải thiện và điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Chẳng hạn như luôn trong trạng thái mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật, khó tập trung, giảm trí nhớ, tâm trạng bất thường, rối loạn hoạt động, hành vi… 

Tương tự như người lớn, trẻ bị rối loạn giấc ngủ cũng được chia làm 2 dạng gồm:

  • Rối loạn giấc ngủ cấp tính: xảy ra trong vòng vài ngày hoặc vài tuần, tối đa là 4 tuần; 
  • Rối loạn giấc ngủ mãn tính: xảy ra khi trẻ khó ngủ từ 3 – 4 ngày/ tuần, kéo dài thường xuyên > 4 tuần. 

Nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn giấc ngủ

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như:

1. Trẻ bị rối loạn tâm lý 

Áp lực, căng thẳng quá mức do học tập, bạn bè hoặc do xung đột gia đình, trẻ bị bạo hành… khiến trẻ gặp bất ổn về mặt tâm lý và kéo theo rối loạn giấc ngủ.

Một số trường hợp nặng hơn, trẻ mắc các bệnh tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn đa nhân cách, trầm cảm… cũng khiến giấc ngủ của trẻ bị gián đoạn và kém chất lượng. 

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em
Tâm lý bất ổn, lo âu, trầm cảm khiến trẻ khó có được giấc ngủ ngon

2. Thiếu chất gây rối loạn giấc ngủ 

Cơ thể trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và cần nhiều dưỡng chất để hoàn thiện, duy trì các hoạt động sống. Tuy nhiên, nếu trẻ ăn uống không đủ chất, nhất là thiếu hụt các vi chất như canxi, sắt, kẽm, magie, omega-3, protein… sẽ gây rối loạn giấc ngủ do não bộ hoạt động chậm lại.

Hậu quả là trẻ bị mệt mỏi, luôn trong trạng thái lờ đờ, buồn ngủ, đêm khó ngủ, ngủ không sâu giấc, giảm trí nhớ, khả năng tập trung kém vào ban ngày… 

3. Tác dụng phụ của thuốc 

Các loại thuốc như thuốc chồng trầm cảm, chống co giật hoặc corticosteroid được khuyến cáo có khả năng gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ nhỏ.

Càng lạm dụng thuốc càng làm tăng mức độ rối loạn giấc ngủ, lâu ngày tiến triển thành mãn tính khó chữa. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của con. 

4. Không gian phòng ngủ không phù hợp

Giấc ngủ có chất lượng hay không phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố từ môi trường xung quanh. Việc trẻ trằn trọc khó ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ giật mình giữa đêm… thường là do:

  • Nhiệt độ quá nóng, quá lạnh hoặc có gió lùa; 
  • Ánh sáng quá mạnh dù là ban đêm; 
  • Giường ngủ cứng, bộ chăn drap nệm gối không êm ái, ngứa ngáy; 
  • Không yên tĩnh, nhiều tiếng ồn; 

5. Rối loạn giấc ngủ thứ cấp 

Đây là tình trạng rối loạn mất ngủ thường xảy ra ở trẻ mới bắt đầu biết đi và đi học mẫu giáo. Trẻ thường có biểu hiện thức đêm không ngủ, thậm chí kháng cự, chống đối việc chuẩn bị trước khi đi ngủ.

Điển hình là quấy khóc suốt đêm và cần có bố mẹ ở bên cạnh, hoặc trẻ cũng sẽ ngủ nhưng dễ giật mình thức giấc vào ban đêm. Lúc này, nếu bố mẹ xuất hiện và bế trẻ, đung đưa sẽ khiến trẻ rất khó ngủ lại. 

Cách tốt nhất để khắc phục tình trạng này là hãy để trẻ tự mình vượt qua nỗi sợ về giấc ngủ, học cách tự ngủ lại vào ban đêm. Có như vậy giấc ngủ của con mới ổn định, chất lượng và phát triển sức khỏe một cách tốt nhất. 

6. Một số nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân vừa kể trên, trẻ bị rối loạn mất ngủ còn xảy ra do nhiều yếu tố khác như: 

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em
Trẻ sử dụng thiết bị điện tử quá mức gây ức chế não bộ và gây rối loạn giấc ngủ
  • Thói quen: Trẻ sẽ rất khó ngủ nếu thiếu đi những vật dụng quen thuộc như gấu bông yêu thích, bình sữa hoặc không có bố mẹ bên cạnh, sử dụng thiết bị điện tử quá mức…; 
  • Các bệnh lý: Ngoài các bệnh vừa kể trên, trẻ bị rối loạn mất ngủ thường bị ảnh hưởng từ nhiều căn bệnh khác như hen phế quản, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng chân không yên…; 
  • Sử dụng chất kích thích chứa caffein: Như cà phê, nước tăng lực, socola, soda, nước ngọt có gas…  

Những biểu hiện thường gặp ở trẻ bị rối loạn giấc ngủ

Ở một đứa trẻ bị rối loạn giấc ngủ, ban đêm là nỗi ám ảnh rất lớn vì trẻ sẽ phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như: 

1. Hội chứng mất ngủ giả

Mất ngủ giả (Parasomnias) là một trong những dạng rối loạn mất ngủ xảy ra phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Đối với trẻ nhỏ, bệnh xảy ra với đa hình thái bất thường, xuất hiện từng đợt do hệ thần kinh trung ương của trẻ vẫn còn khá non nớt, tốc độ phát triển nhanh.

Dưới đây là một số dạng rối loạn thường xuất hiện trong giấc ngủ của trẻ: 

# Trẻ tè dầm vào ban đêm

Tè dầm ban đêm là tình trạng xảy ra phổ biến ở sơ sinh và trẻ nhỏ chưa quen với việc kiểm soát hành vi tiểu tiện. Đây cũng là một trong những chứng mất ngủ giả thường gặp ở trẻ nhỏ, khởi phát rối loạn giấc ngủ dai dẳng trong thời gian dài. Hiện tượng trẻ tè dầm vào ban có 2 dạng chính gồm: 

  • Tè dầm nguyên phát: là tình trạng trẻ chưa từng khô ráo vào giấc ngủ ban đêm; 
  • Tè dầm thứ phát: là tình trạng trẻ đột ngột tè dầm trở lại sau khoảng 1 năm không bị; 
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em
Tè dầm ban đêm là một trong những dạng mất ngủ giả phổ biến và gây rối loạn giấc ngủ ở trẻ

Vì tè dầm chỉ xuất hiện trong giấc ngủ NREM nên được xem là chứng mất ngủ giả. Thường xảy ra ở những trẻ trong độ tuổi từ 1 – 3 bị chậm phát triển, phụ thuộc vào tiền sử gia đình và trẻ có chức năng bàng quang kém, dung tích nhỏ.

Để cải thiện, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ uống nhiều nước vào buổi tối, đi tiểu trước khi đi vệ sinh hoặc đeo bỉm. 

# Trẻ bị mộng du, nói mê

Mộng du là tình trạng trẻ đột nhiên thức dậy, nhắm mắt hoặc mở mắt, ngồi trên giường hoặc đi lại nhưng trẻ lại không hề nhận thức được hành vi này. Còn chứng nói mê là khi trẻ vẫn nhắm mắt ngủ nhưng miệng lại nói lầm bầm, thường là những câu từ khó hiểu.

Đây cũng là một trong những dạng rối loạn giấc ngủ thuộc chứng mất ngủ giả phổ biến. Hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Chẳng hạn như té ngã cầu thang, va vào cửa hết sức nguy hiểm.

Khi phát hiện trẻ bị mộng du hoặc nói mê, bố mẹ không nên thực hiện các hành vi tiêu cực như lắc mạnh hoặc tát để gọi trẻ dậy. Thay vào đó nên gọi nhẹ nhàng để con từ từ mở mắt ra, sau đó ghi chép lại và đánh thức trẻ khoảng 15 phút trước khi cơn mộng du bắt đầu. 

# Chứng hoảng sợ vào ban đêm

Trẻ mắc chứng hoảng sợ vào ban đêm thường rất sợ việc đi ngủ, vì chắc chắn sau khi ngủ say sẽ bị giật mình thức giấc và hoảng sợ, la hét và khó đi ngủ trở lại. Chứng bệnh này thường xảy ra sau khi ngủ khoảng 90 phút, ở giai đoạn 3 hoặc 4 của giấc ngủ NREM. Kèm theo đó là một số biểu hiện như nhịp tim tăng nhanh, thở gấp, vã mồ hôi… 

Trẻ từ 3 – 8 tuổi là giai đoạn dễ mắc chứng hoảng sợ vào ban đêm. Thường là do sự ảnh hưởng về mặt thể chất, mệt mỏi hoặc căng thẳng quá mức. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán phân biệt giữa hội chứng này với gặp ác mộng trong giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em
Trẻ mắc chứng hoảng sợ ban đêm khiến giấc ngủ bị gián đoạn, khó ngủ lại sau đó

Nếu bị mức độ nhẹ, bố mẹ có thể trấn an trẻ bằng lời nói, hành động hoặc giảm thiểu những yếu tố gây tác động căng thẳng xảy ra trong môi trường sống của trẻ. Trường hợp trẻ sợ hãi đến mức quấy phá, gây rối không thể kiểm soát, có thể dùng thuốc Diazepam theo chỉ định của bác sĩ để điều trị. 

2. Hội chứng ngủ rũ

Trẻ vị thành niên là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng ngủ rũ phổ biến nhất. Các triệu chứng đặc trưng của bệnh như: 

  • Buồn ngủ nhiều vào ban ngày; 
  • Khó thức dậy vào mỗi buổi sáng; 
  • Có xu hướng kích động, cáu gắt hoặc bối rối khi bị đánh thức; 
  • Khác với người lớn, trẻ nhỏ mắc chứng ngủ rũ thường ít có biểu hiện gặp ảo giác hoặc mất trương lực cơ đột ngột; 

Bệnh rất ít gặp, tuy nhiên nếu đã mắc phải rất có thể trẻ sẽ sống chung với bệnh cả đời và có kế hoạch chi tiết để theo dõi giấc ngủ. 

3. Hội chứng ngưng thở khi ngủ

Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSAS) là chứng bệnh xảy ra ở khoảng 1 – 3% trẻ nhỏ. Trẻ mắc phải hội chứng này thường có các triệu chứng như khó ngủ, ngủ ngáy, khó thở trong lúc ngủ và gặp khó khăn khi ăn uống.

Nguyên nhân gây bệnh ở trẻ nhỏ thường là do chứng phì đại amidan. Ngoài ra trẻ thừa cân béo phì, bẩm sinh dị tật sọ mặt, mắc các bệnh thần kinh hoặc dị ứng cũng là các nguyên nhân phổ biến. 

Trong trường hợp này, chứng rối loạn giấc ngủ sẽ được cải thiện sau khi trẻ được phẫu thuật cắt amidan hoặc cắt khối VA phì đại. Hoặc một số trường hợp phải dùng biện pháp thở áp lực dương qua mũi (CPAP) để cải thiện. 

4. Nghiến răng

Có khoảng 20% trẻ nghiến răng trong lúc ngủ nhưng bố mẹ thường không để ý và bỏ qua. Đây là nguyên nhân khiến giấc ngủ của trẻ bị rối loạn, do ảnh hưởng từ tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp hoặc lo lắng, căng thẳng quá mức. Không chỉ gây ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ, trẻ nghiến răng thường xuyên còn gây ra nhiều hệ lụy như:

  • Gây đau đầu, đau vùng quanh tai do nghiến tạo ra áp lực lên hàm răng; 
  • Đau khớp thái dương hàm, ảnh hưởng đến cử động nhai; 
  • Dễ làm mòn men răng, khiến răng nhạy cảm hơn với nhiệt độ, dễ gãy; 

Bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở nha khoa để được thăm khám và sử dụng dụng cụ đeo bảo vệ hàm răng. Đồng thời, chẩn đoán loại trừ một số nguyên nhân khác để có hướng điều trị phù hợp. 

Trẻ bị rối loạn giấc ngủ khi nào cần thăm khám bác sĩ? 

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ nhỏ thực chất rất khó tránh khỏi và có thể xuất hiện trong một số mốc nhất định trong quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên, không nên xem thường tình trạng này, bố mẹ nên chủ động tìm mọi cách để cải thiện giấc ngủ cho con càng sớm càng tốt.

mất ngủ kéo dài, chất lượng giấc ngủ kém sẽ gây ra hàng loạt các vấn đề sức khỏe như: 

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em kéo dài rất nguy hiểm và cần thăm khám điều trị bằng các biện pháp y tế tích cực
  • Trẻ chán ăn, biếng ăn hoặc bị thừa cân béo phì, do rối loạn giấc ngủ;
  • Mất ngủ làm tăng cảm giác thèm ăn vào ban đêm và tăng nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa; 
  • Dễ bị tiểu đường do rối loạn giấc ngủ kéo theo rối loạn chỉ số tim mạch và huyết áp; 
  • Giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ ốm; 
  • Trẻ chậm phát triển về chiều cao, cân nặng và nhất là não bộ, ảnh hưởng đến cả thể chất lẫn trí tuệ; 
  • Trẻ bị hiếu động quá mức hoặc tự kỷ, tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu và suy nghĩ tiêu cực;

Do đó, ngay khi phát hiện trẻ có những biểu hiện về suy giảm sức khỏe do rối loạn giấc ngủ, hãy chủ động đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. 

Các phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ ở trẻ nhỏ hiệu quả

Để đẩy lùi tình trạng rối loạn giấc ngủ và giúp trẻ lấy lại giấc nồng mỗi đêm, bố mẹ nên thực hiện các biện pháp sau: 

1. Vệ sinh giấc ngủ cho trẻ 

Vệ sinh giấc ngủ (Sleep hygiene) là những hành vi cải thiện các yếu tố bên ngoài để đạt được giấc ngủ chất lượng. Hầu hết trẻ bị rối loạn giấc ngủ đều không quá nghiêm trọng và có thể được cải thiện rõ rệt thông qua các bước vệ sinh giấc ngủ đơn giản sau: 

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em
Thực hiện các nguyên tắc vệ sinh giấc ngủ để giúp con dễ ngủ, ngủ ngon và sâu giấc
  • Tạo không gian ngủ thoải mái, dễ chịu, mền gối êm ái, yên tĩnh không tiếng ồn, không có ánh sáng mạnh, nhiệt độ mát mẻ, không quá nóng cũng khôn quá lạnh…; 
  • Tạo cho trẻ thói quen ngủ và thức đúng vào một giờ cố định, kể cả vào các ngày cuối tuần để tạo giấc ngủ cố định, tự nhiên; 
  • Không nên cho trẻ ngủ trưa quá 1 tiếng đồng hồ, thường là ở các trẻ lớn. 
  • Không nên cho trẻ ăn quá no hoặc để bụng đói đi ngủ. Nếu nhu cầu ăn của trẻ nhiều, tốt nhất chỉ nên uống 1 ly sữa ấm hoặc một quả chuối là hợp lý nhất. 
  • Tắt hết tất cả các thiết bị điện tử như điện thoại, laptop, tablet, tivi… trước giờ ngủ 2 tiếng. 
  • Thay vào đó là bố mẹ dành thời gian để giao tiếp, trò chuyện với con nhiều hơn. Sự kết nối thân mật vào ban đêm sẽ giúp trẻ thả lỏng tinh thần, giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn.
  • Khuyến khích trẻ thực hiện những gì mình thích, năng động và hoạt bát. Tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động thể chất, công tác xã hội. Không chỉ giúp con cải thiện các kỹ năng mềm mà còn để trẻ tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, tăng hệ miễn dịch, cải thiện rối loạn giấc ngủ hiệu quả. 

Gợi ý: 2 Cách Quấn Khăn Cho Bé Ngủ Ngon Mẹ Nên Biết

2. Xây dựng thực đơn dinh dưỡng khoa học

Dinh dưỡng có mối liên hệ mật thiết với giấc ngủ, thiếu hụt dinh dưỡng khiến giấc ngủ bị rối loạn. Để cải thiện chất lượng giấc ngủ của trẻ, cần tập trung xây dựng thực đơn khoa học, ưu tiên những nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất sau: 

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em
Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học giúp trẻ có giấc ngủ chất lượng
  • Protein: Thực phẩm giàu đạm chứa nhiều các acid amin hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh, tạo ra serotonin, GABA và endorphins. Đây đều là những chất tạo ra cảm giác thoải mái, thư giãn, dễ ngủ và ngủ ngon hơn. Một số thực phẩm giàu đạm như: thịt bò, thịt gà, trứng, tôm, cá, sữa, các loại đậu, hạt… 
  • Omega-3: Có nhiều trong các loại cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi… Chất này có tác dụng ổn định chỉ số hormone và thúc đẩy chức năng thần kinh. Nhờ đó giúp não bộ khỏe mạnh và đẩy lùi các triệu chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ. 
  • Magie: Khoáng chất này đóng vai trò quan trọng đối với não bộ và tim mạch. Cung cấp đủ lượng magie cần thiết cho trẻ giúp não bộ hoạt động tốt, thư giãn và tăng sản xuất melatonin, acid gamma xoa dịu hệ thần kinh, giúp trẻ ngủ ngon và sâu giấc. Magie có nhiều trong các loại ngũ cốc, cá béo, các loại rau lá xanh, chuối, sữa chua… 
  • Kẽm: Hỗ trợ tăng cường miễn dịch, giúp tế bào thần kinh phát triển mạnh mẽ và cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ, phòng ngừa suy dinh dưỡng. Các loại thực phẩm giàu kẽm tốt cho trẻ như hàu, cua, thịt bò, nấm, mầm lúa mì, yến mạch… 

3. Trị liệu hành vi nhận thức 

Đối với những trẻ bị rối loạn giấc ngủ do tâm lý bất ổn, tiêu cực rất cần nhận được sự hỗ trợ từ bố mẹ hoặc các chuyên gia trị liệu tâm lý. Một trong những cách chữa hiệu quả nhất hiện nay là trị liệu hành vi nhận thức.

Hiểu đơn giản là đồng hành cùng trẻ để gỡ bỏ những khúc mắc trong tâm lý của con, giúp con nhận thức được rằng vấn đề con đang gặp phải không đáng lo ngại, dẫn hướng suy nghĩ tích cực. Nhờ đó cải thiện hiệu quả tình trạng rối loạn giấc ngủ. 

Đồng thời, hãy tạo cho trẻ thói quen ngủ khi có hành vi ôm ấp gấu bông hoặc 1 chiếc chăn mỏng. Theo các chuyên gia, trẻ thường có xu hướng gắn kết với một vật nào đó để tạo cảm giác an toàn và thoải mái. Điều này giúp con giảm thiểu những tâm lý tiêu cực và có giấc ngủ an ổn. 

4. Các mẹo tự nhiên giúp trẻ ngủ gon

Để hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ cho trẻ, phụ huynh cũng có thể thử thực hiện một số mẹo đơn giản sau: 

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em
Thiền là giải pháp giúp trẻ thư giãn tinh thần, ổn định tâm lý và cải thiện giấc ngủ
  • Uống sữa ấm: 1 ly sữa ấm trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng sẽ giúp não bộ tiết ra hormone melatonin, gây cảm giác buồn ngủ và giúp con ngủ ngon, sâu giấc hơn. 
  • Trà thảo mộc: Uống trà thảo mộc chữa rối loạn giấc ngủ không chỉ phù hợp với người lớn mà nó còn đem lại hiệu quả tích cực đối với trẻ nhỏ. Dược chất trong thảo mộc lành tính, an toàn với cơ thể trẻ, kích thích sản sinh hormone giúp thư giãn não bộ và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Một số loại trà trị mất ngủ phù hợp với trẻ như như trà hoa cúc, trà gừng mật ong, trà bạc hà, trà cam thảo…
  • Thiền: Thiền không chỉ là bộ môn dành cho người lớn, trẻ nhỏ cũng có thể thực hiện được. Thiền chữa mất ngủ đúng cách và điều độ giúp trẻ thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, áp lực. Tạo cảm giác thư giãn thoải mái và cải thiện chất lượng giấc ngủ vào ban đêm.  
  • Liệu pháp mùi hương: Mùi hương từ nến thơm hoặc tinh dầu gừng, hoa oải hương, đàn hương,… tác động tích cực đến não bộ, giúp trẻ thư giãn, dễ chịu và chìm vào giấc ngủ nhanh hơn. 
  • Tắm hoặc ngâm nước ấm: Nhiệt ấm từ nước giúp kích thích nhẹ đến não bộ, tăng tuần hoàn máu, thư giãn thoải mái và sẵn sàng cho việc đi ngủ. Đặc biệt, bố mẹ nên pha nước ấm với muối Epsom để gây cảm giác buồn ngủ tốt hơn. 

5. Điều trị bằng thuốc (nếu cần thiết) 

Dùng thuốc là phương pháp điều trị cuối cùng được chỉ định, áp dụng trong trường hợp trẻ bị rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, khởi phát kèm theo nhiều vấn đề bệnh lý tâm thần hoặc bệnh thực thể. Cách này chỉ được thực hiện khi có sự chỉ định của bác sĩ, sau khi đã thăm khám, chẩn đoán bệnh cụ thể. 

Một số loại thuốc trị rối loạn giấc ngủ cho trẻ em phổ biến như: 

  • Thuốc kháng histamine: Đây là nhóm thuốc chuyên trị dị ứng nhưng có tác dụng phụ là gây buồn ngủ. Sử dụng liều phù hợp để hỗ trợ giấc ngủ, khuyến cáo chỉ dụng thuốc trong thời gian ngắn để tránh gây tác dụng phụ. 
  • Thuốc Clonidine: Nhóm thuốc này thường dùng cho trẻ nhỏ bị rối loạn giấc ngủ kèm theo các rối loạn hành vi hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). 
  • Thuốc Melatonin: Giúp kích thích cơ thể sản sinh melatonin gây cảm giác buồn ngủ vào ban đêm. 
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Như Amitriptyline hoặc Mirtazapine có tác dụng an thần hoặc thuốc Diazepam trị rối loạn giấc ngủ cho trẻ hiệu quả. 
  • Thuốc điều chỉnh khí sắc: Giúp giảm tần suất rối loạn giấc ngủ ở trẻ nhỏ, điển hình như Carbamazepin, Valproate… 
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em
Chỉ dùng thuốc trị rối loạn giấc ngủ ở trẻ em khi có chỉ định của bác sĩ

Đối với trẻ nhỏ, dùng thuốc là biện pháp không ưu tiên, chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ để tránh gây tác dụng phụ có hại cho sức khỏe. Bố mẹ không nên tùy tiện cho trẻ sử dụng, kể cả thuốc và các loại thuốc bổ, vitamin cải thiện giấc ngủ để tránh khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trẻ bị rối loạn giấc ngủ rất dễ xảy ra và dù do nguyên nhân gì bố mẹ cũng cần phải thận trọng. Chủ động tìm những cách an toàn để cải thiện giấc ngủ cho con, thậm chí thăm khám bác sĩ khi cần thiết. Có như vậy mới phòng ngừa được các biến chứng rủi ro khó lường và đảm bảo con có một thể chất khỏe mạnh, phát triển tốt trí tuệ và cảm xúc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger