Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là bệnh gì? Cách chữa trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Mất ngủ Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là một nhóm các rối loạn giấc ngủ do những nhân tố tâm sinh (cảm xúc, tâm lý gây ra). Bệnh lý này khiến bệnh nhân khó chìm vào giấc ngủ, không thể đảm bảo chất lượng và thời gian ngủ cần thiết. 

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn
Tìm hiểu nguyên nhân, phân loại và cách điều trị các rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là bệnh gì?

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là thuật ngữ chỉ một nhóm các rối loạn giấc ngủ do những nhân tố tâm sinh. Trong đó tâm lý và cảm xúc tồi tệ của một người khiến bệnh phát triển.

Những người mắc bệnh lý này rất khó chìm vào giấc ngủ, hầu như ngủ không đủ giấc, người bệnh không đảm bảo về số lượng và thời gian cho một giấc ngủ bình thường.

Hơn nữa, rối loạn giấc ngủ không thực tổn còn khiến người bệnh có cảm giác lo âu, buồn rầu, căng thẳng kéo dài… Diễn tiến lâu ngày có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, tăng nguy cơ trầm cảm, cơ thể mệt mỏi và mất tập trung.

Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Yếu tố tâm lý – xã hội là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chứng rối loạn giấc ngủ không thực tổn. Điều này thường gặp ở những người có chấn động tâm lý, stress, căng thẳng kéo dài, lo âu hoặc buồn rầu do những mối quan hệ trong xã hội.

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn thường do căng thẳng quá mức
Rối loạn giấc ngủ không thực tổn thường do căng thẳng, chấn động tâm lý, cảm xúc tiêu cực kéo dài

Trong một số trường hợp khác, các rối loạn xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:

  • Bệnh lý: Hội chứng ngưng thở khi ngủ, các bệnh lý tim mạch, hạ đường huyết, bệnh lý về đường hô hấp, các rối loạn tâm thần, cơ thể suy nhược, sốt…
  • Môi trường sống: Rối loạn có thể xảy ra khi sinh sống ở những nơi có nhiều tiếng ồn, ẩm thấp quá nhiều hoặc thiếu ánh sáng, ô nhiễm. Ngoài ra những người liên tục thay đổi nơi ở cũng có thể mắc bệnh do cơ thể không kịp thích nghi.
  • Cao tuổi: Các nghiên cứu cho thấy những người lớn tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Các dạng rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Trên thực tế, rối loạn giấc ngủ không thực tổn có nhiều loại, được đặc trưng bởi nhiều triệu chứng khác nhau. Dưới đây là những loại thường gặp nhất:

1. Mất ngủ không thực tổn

Đây là một trong những rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng khó chìm vào giấc ngủ, trằn trọc, ngủ không sâu và thường xuyên tỉnh giấc.

Hầu hết những người bị mất ngủ không thực tổn ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi ngày, thường kéo dài trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên những biện pháp can thiệp kịp thời có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và kéo dài thời gian ngủ của người bệnh.

Các biểu hiện của chứng mất ngủ không thực tổn:

  • Chất lượng giấc ngủ kém hoặc rất khó để đi vào giấc ngủ
  • Ngủ ít hơn 5 tiếng/ đêm
  • Rối loạn giấc ngủ ít nhất 3 lần/ lần, kéo dài ít nhất 1 tháng
  • Người bệnh lo lắng quá mức và bận tâm nhiều về mất ngủ, hậu quả ban đêm và ban ngày của nó
  • Chất lượng và số lượng giấc ngủ không đảm bảo khiến người bệnh không thỏa mãn. Điều này gây mệt mỏi, cản trở các hoạt động và nghề nghiệp
  • Căng thẳng, lo âu, buồn phiền và suy nghĩ nhiều khi đến giờ đi ngủ.
  • Ngủ dậy thấy cơ thể mệt mỏi, căng thẳng, trầm cảm, cáu gắt, lo âu.

2. Ngủ nhiều không thực tổn

Ngủ nhiều không thực tổn chỉ tình trạng một người ngủ nhiều quá mức (trên 10 tiếng/ ngày) nhưng không cảm thấy thỏa mãn về giấc ngủ. Những người có rối loạn này thường xuyên cảm thấy mệt mỏi hoặc khó tỉnh táo hoàn toàn sau khi thức dậy, mắt lờ đờ, kém minh mẫn và thiếu tập trung do buồn ngủ.

Ngoài ra những trường hợp ngủ nhiều không thực tổn còn có dấu hiệu uể oải kéo dài, thèm ngủ (tương tự như mất ngủ lâu ngày). Trung bình 1 người ngủ hơn 10 tiếng/ ngày.

Ngủ nhiều không thực tổn
Ngủ nhiều không thực tổn khiến người bệnh ngủ nhiều quá mức, thèm ngủ, mệt mỏi

Một số biểu hiện khác:

  • Ra mồ hôi đầm đìa vào ban đêm
  • Tăng cử động
  • Đau đầu vào buổi sáng
  • Mất điều hòa vận động

Chứng ngủ nhiều không thực tổn thường gặp ở những người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực – trầm cảm, trầm cảm nặng hoặc trong giai đoạn rối loạn trầm cảm tái diễn.

3. Rối loạn nhịp thức – ngủ

Đây là một dạng rối loạn giấc ngủ không thực tổn thường gặp, chủ yếu xảy ra ở người thức khuya kéo dài, làm việc ca đêm hoặc cần thay đổi múi giờ (chẳng hạn như tiếp viên hàng không). 

Rối loạn nhịp thức – ngủ thể hiện cho tình trạng một người bị thiếu tính đồng bộ giữa nhịp thức ngủ. Người bệnh mất ngủ nhiều vào ban đêm, khó ngủ, trằn trọc, ngủ không sâu giấc, luôn có cảm giác mơ màng và khó chịu.

Một số đặc trưng của bệnh:

  • Chu kỳ thức ngủ của người bệnh không đồng thời với nhịp thức ngủ của mọi người – xã hội.
  • Mất ngủ vào ban đêm, ngủ nhiều vào ban ngày (hầu như xảy ra hàng ngày, liên tục trong 1 tháng)
  • Không thỏa mãn về chất lượng, số lượng cũng như thời gian ngủ. Điều này khiến cơ thể mệt mỏi, mơ màng, làm ảnh hưởng đến những hoạt động xã hội và công việc.

4. Chứng ngủ rũ

Chứng ngủ rũ chủ yếu xảy ra ở độ tuổi trung niên. Rối loạn này khiến người bệnh thiếu ngủ cả ngày hoặc mất ngủ nhiều, cơ thể mệt mỏi và uể oải.

Khi cơn buồn ngủ ập đến, người bệnh có thể ngủ bất kỳ thời điểm nào trong ngày, không thể cưỡng lại được. Chẳng hạn như ngủ khi đang ăn, nói chuyện hoặc làm việc.

Một số biểu hiện khác của chứng ngủ rũ:

  • Đột ngột bị mất trương lực cơ hai bên
  • Liệt khi ngủ
  • Xuất hiện ảo giác hoặc có cơn ngừng thở vào ban đêm
  • Tái diễn biểu hiện của chứng ngủ REM (Rapid Eye Movement: Giấc ngủ chuyển động nhanh qua mắt), cụ thể như đột ngột chuyển từ trạng thái ngủ sang thức.

5. Các rối loạn cận miên

Các rối loạn cận miên là thuật ngữ chỉ những rối loạn được biểu hiện bởi một hoặc rất nhiều hành vi bất thường trong khi ngủ. Điều này có thể xảy ra vào bất kỳ giai đoạn nào của giấc ngủ hoặc xảy ra ở những giai đoạn chuyển tiếp ngủ – thức.

Có nhiều dạng rối loạn cận miên. Dưới đây là những rối loạn thường gặp nhất:

  • Chứng mộng du (miên hành)

Không ít trường hợp mắc chứng mộng du. Rối loạn này khiến người bệnh ra khỏi giường, đi lại và làm nhiều hành động khác nhau trong khi ngủ, không nhận thức và không ghi nhớ sau khi ngủ dậy.

Các triệu chứng thường diễn ra sau khi trải qua 1/3 thời gian ngủ. Trong khi mộng du, người bệnh có thể mở mắt hoặc nhắm mắt, không nghe hoặc không quan tâm đến người xung quanh, ánh mắt trống rỗng và gương mặt không biến sắc.

Do không nhận thức, những hoạt động xảy ra khi mộng du có thể khiến người bệnh chấn thương. Để điều trị, cần có những biện pháp can thiệp theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chứng mộng du (miên hành)
Chứng mộng du khiến người bệnh làm nhiều hành động khác nhau trong khi ngủ

Chứng mộng du cần được phân biệt với 2 bệnh lý sau:

    • Cơn động kinh tâm thần vận động: Xảy ra vào ban đêm. Khi cơn động kinh xảy ra, bệnh nhân thực hiện những động tác định hình phổ biến như xoa tay và nuốt, không đáp ứng với những kích thích môi trường. Thực hiện điện não đồ phát hiện có sóng động kinh.
    • Cơn trốn nhà phân ly: Trong cơn trốn nhà phân ly, bệnh nhân tỉnh táo, có thể làm những hành vi phức tạp với những mục đích khác nhau. Bệnh lý này hầu như chỉ xảy ra khi vào những giờ thức giấc.
  • Hoảng sợ khi ngủ

Vào ban đêm (khoảng 1/3 của giấc ngủ), những cơn hoảng sợ có thể xuất hiện. Tình trạng này có thể đi kèm với một giấc mơ khiến người bệnh la hét, vận động mạnh hoặc xuất hiện những hoạt động thần kinh tự trị tăng cao.

Biểu hiện của chứng hoảng sợ khi ngủ:

    • Thức giấc một hoặc nhiều lần trong đêm
    • Hoảng sợ
    • La hét
    • Vã mồ hôi
    • Mạch nhanh, tim đập nhanh
    • Thở gấp
    • Hồi hộp
    • Lo âu
    • Vận động tay chân không tự chủ

Cơn hoảng sợ thường kéo dài từ 1 đến 10 phút với nhiều biểu hiện khác nhau, có thể lặp lại nhiều lần trong đêm. Sau khi kết thúc cơn hoảng sợ, người bệnh thiếp đi và không nhớ gì sau khi ngủ dậy.

  • Ác mộng khi ngủ

Những cơn ác mộng là những giấc mơ khiến người bệnh sợ hãi và đầy lo âu. Chúng có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong khi ngủ (vào ban đêm hoặc ngủ trưa). Ác mộng khi ngủ khiến người bệnh có những biểu cảm bất thường như khóc, la hét, nói nhảm… 

Không giống với cáC rối loạn cận miên khác, những người gặp ác mộng khi ngủ có thể nhớ hết các chi tiết trong giấc mơ. Do luôn ám ảnh và sợ hãi, xảy ra lâu ngày có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần. Những trường hợp nặng hơn và không được chữa trị có thể dẫn đến bệnh tâm thần.

Ác mộng khi ngủ
Ác mộng khi ngủ khiến người bệnh sợ hãi và lo âu, có những biểu cảm bất thường như la hét

 Những biểu hiện của cơn ác mộng khi ngủ:

    • Xuất hiện những giấc mơ đầy ghê rợn, đe dọa đến giá trị bản thân hoặc sự an toàn tính mạng
    • Có thể nhớ và kế lại chi tiết
    • Thức giấc vào bất kỳ thời điểm nào trong giấc ngủ (vào ban ngày hoặc ban đêm)
    • Bệnh nhân định hướng được và nhanh nhẹn sau khi thức giấc
    • Người bệnh nhận thấy giấc mơ và các hệ quả của giấc mơ khá nghiêm trọng, gây lo lắng và đau buồn rõ rệt.

Cần phân biệt ác mộng khi ngủ và chứng hoảng sợ vào ban đêm. Những cơn hoảng sợ khiến người bệnh lo âu dữ dội, kêu thét, rối loạn thần kinh tự trị và vận động quá mức. Tình trạng này thường xảy ra ở 1/3 đầu của giấc ngủ đêm, không nhớ được chi tiết.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Các rối loạn giấc ngủ không thực tổn gây ra những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên hầu hết người bệnh có các triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:

  • Khó đi vào giấc ngủ
  • Ngủ không sâu giấc
  • Thường xuyên trằn trọc
  • Dễ thức giấc và khó ngủ trở lại
  • Thức giấc sớm vào buổi sáng
  • Ngủ không đủ giấc và không đảm bảo về chất lượng giấc ngủ khiến cơ thể mệt mỏi, mất tập trung và ngại vận động
  • Cảm thấy mệt mỏi hoặc không thoải mái sau khi ngủ dậy
  • Buồn ngủ hoặc ngủ gà ngủ gật ngay cả khi đã ngủ đủ giấc
  • Hoảng sợ, lo âu, la hét hoặc nói nhảm trong khi ngủ

Những triệu chứng xuất hiện ít nhất 3 lần mỗi tuần và kéo dài trong 1 tháng. Ngoài những triệu chứng nêu trên, các rối loạn còn khiến người bệnh lo lắng và căng thẳng kéo dài. 

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn có nguy hiểm không?

Một giấc ngủ chất lượng rất cần thiết cho sức khỏe tổng thể. Trong khi ngủ, toàn bộ cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi, các hoạt động về tri giác và ý thức sẽ tạm ngừng. Ngoài ra hoạt động hô hấp tuần hoàn chậm lại và cơ bắp giãn mềm để cơ thể được thư giãn hoàn toàn.

Để có một giấc ngủ tốt, cần đảm bảo về chất lượng, số lượng và thời gian ngủ. Người lớn cần ngủ ít nhất 7 tiếng/ đêm, trong khi trẻ em và dưới 18 tuổi cần ngủ 9 – 10 tiếng. Khi ngủ dậy sẽ có cảm giác thoải mái, tinh thần sảng khoải, cơ thể dễ chịu và tràn đầy sức sống.

Chính vì vậy mà những người bị rối loạn giấc ngủ không thực tổn sẽ gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng. Bao gồm:

  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải do không được nghỉ ngơi và phục hồi
  • Thiếu tập trung, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống và công việc
  • Suy giảm sức khỏe tổng thể
  • Phát sinh nhiều bệnh lý
    • Rối loạn nhịp tim
    • Tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim
    • Tăng huyết áp
    • Béo phì
    • Đái tháo đường
    • Rối loạn tâm thần, bệnh tâm thần
    • Lo âu và trầm cảm
  • Giảm khả năng ghi nhớ
  • Ảnh hưởng đến tâm lý (dễ bực bội, cáu gắt)
  • Ảnh hưởng xấu đến làn da và mái tóc

Chẩn đoán rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Để chẩn đoán rối loạn giấc ngủ không thực tổn, người bệnh được kiểm tra triệu chứng, thói quen ngủ, thời gian và chất lượng giấc ngủ. Ngoài ra người bệnh được hỏi thêm về những rối loạn lo âu và bệnh lý có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. 

Thông thường, kiểm tra lâm sàng có thể giúp phát hiện và phân biệt các rối loạn giấc ngủ không thực tổn. Tuy nhiên người bệnh được yêu cầu thực hiện một vài xét nghiệm để xác định chẩn đoán, đánh giá mức độ nghiêm trọng và phân biệt với những bệnh lý khác.

Chẩn đoán rối loạn giấc ngủ không thực tổn
Những rối loạn giấc ngủ không thực tổn có thể được chẩn đoán qua những biểu hiện lâm sàng

Quá trình cận lâm sàng thường bao gồm những xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm công thức máu và sinh hóa máu thường quy
  • Điện tâm đồ và X-quang tim phổi
  • Điện não đồ, siêu âm Dopller mạch máu não và lưu huyết não
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não 
  • CT Scaner
  • Xét nghiệm nước tiểu tìm chất ma túy
  • Trắc nghiệm tâm lý
    • Thang đánh giá chỉ số chất lượng giấc ngủ PSQI, MMPI
    • Thang DASS, Hamilton
    • Test Beck, Zung

Điều trị rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Điều trị rối loạn giấc ngủ không thực tổn cần dựa vào thể bệnh và mức độ nghiêm trọng. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh được hướng dẫn vệ sinh giấc ngủ, kiểm soát tâm lý kết hợp với những phương pháp chuyên sâu khác.

Nguyên tắc điều trị:

  • Điều trị dựa trên nguyên nhân và dạng rối loạn đang gặp
  • Lựa chọn phương pháp phù hợp với tình trạng cụ thể, hoàn cảnh phát sinh, nhân cách, hoàn cảnh sống cũng như sang chấn tâm lý
  • Điều trị kết hợp giữa vệ sinh giấc ngủ, hóa dược và liệu pháp tâm lý
  • Không lạm dụng thuốc.

Những phương pháp điều trị cụ thể:

1. Vệ sinh giấc ngủ

Đây là một trong những cách tốt nhất để cải thiện chất lượng và thời gian ngủ của bạn. Biện pháp này giúp thiết lập đồng hồ sinh học, người bệnh dễ chìm vào giấc ngủ đêm và kiểm soát các căng thẳng.

Ngoài ra vệ sinh giấc ngủ còn giúp hạn chế việc lạm dụng thuốc. Đối với trường hợp nhẹ, biện pháp này có thể giúp khắc phục rối loạn mà không cần dùng thuốc.

Hướng dẫn vệ sinh giấc ngủ cho người mắc chứng rối loạn giấc ngủ không thực tổn:

Vệ sinh giấc ngủ
Vệ sinh giấc ngủ bằng cách thiết lập đồng hồ sinh học, giữ không gian ngủ thích hợp
  • Thiết lập đồng hồ sinh học: Người bệnh cần lên kế hoạch đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng/ đêm trong suốt cả tuần. Nên ngủ và thức dậy đúng kế hoạch (ngủ đúng giờ vào buổi tối, dậy đúng giờ vào buổi sáng). Tránh ngủ muộn hoặc ngủ nướng (ngay cả khi cảm thấy mệt mỏi) để không làm sai nhịp thức ngủ tự nhiên. Nếu khó chìm vào giấc ngủ, hãy lên giường và không tiếp xúc ánh sáng xanh trước khi ngủ 30 phút – 1 giờ đồng hồ.
  • Không dùng chất kích thích: Vào buổi chiều tối (đặc biệt là trước khi đi ngủ), không nên sử dụng caffeine hoặc những chất khác có khả năng tác động lên hệ thần kinh trung ương. Chẳng hạn như cà phê, thuốc lá, rượu, trà đặc, nước tăng lực, vitamin B6, vitamin C…
  • Không ăn quá no trước khi đi ngủ: Không nên ăn quá no ít nhất 3 – 4 tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ. Ngoài ra nên tránh ăn nhiều thực phẩm chiên, nhiều chất béo, nhiều đường, quá mặn, thức ăn khó tiêu hóa vào buổi ăn tối. Nhóm thực phẩm này có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
  • Tránh căng thẳng: Tuyệt đối không để cảm xúc lo lắng hoặc căng thẳng về tâm lý làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Trước khi đi ngủ nên để trạng thái thoải mái, vui vẻ, lạc quan. Nếu căng thẳng hoặc lo lắng, hãy thử ngồi thiền, nghỉ ngơi, giải trí hoặc rèn luyện cơ thể để kiểm soát tâm trạng, giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chìm vào giấc ngủ.
  • Tránh làm việc gắng sức: Không nên vận động hoặc làm việc gắng sức, căng thẳng về tâm lý. Tốt nhất nên có thời gian nghỉ ngơi và làm việc phù hợp. Ngoài ra người bệnh không nên tập thể dục hoặc vận động nặng trong vòng 4 tiếng trước khi ngủ.
  • Tránh các hoạt động ảnh hưởng đến giấc ngủ: Chẳng hạn như tiếp xúc với ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử, trò chuyện quá lâu trên giường, xem tivi nhiều giờ liền.
  • Không ngủ ngày nhiều: Chỉ nên ngủ 30 phút vào buổi trưa để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi. Tránh ngủ ngày quá nhiều để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm.
  • Không gian ngủ thích hợp: Phòng ngủ cần có ánh sáng vào ban ngày, có độ tối thích hợp vào ban đêm; phòng ngủ thoáng mát, sạch sẽ và yên tĩnh, có nhiệt độ mát mẻ dễ chịu. Ngoài ra nên dùng nệm có độ cứng thích hợp và tạo thoải mái; gối nằm êm ái, không quá cứng hoặc quá mềm. Lưu ý phòng ngủ chỉ để ngủ, không thực hiện những công việc khác tại đây, cần tránh lên giường quá sớm.

2. Tâm lý trị liệu

Đối với rối loạn giấc ngủ không thực tổn, tâm lý trị liệu thường bao gồm những biện pháp giúp điều trị tâm lý, giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống. Từ đó duy trì tâm trạng và cảm xúc vui vẻ, tránh tâm lý tiêu cực làm khởi phát những rối loạn giấc ngủ.

Ngoài ra người bệnh được giáo dục chú ý vệ sinh giấc ngủ. Trong quá trình điều trị người bệnh sẽ được hướng dẫn những cách cải thiện chất lượng và thời gian ngủ, cách thiết lập nhịp thức – ngủ cũng như vệ sinh giấc ngủ hợp lý.

3. Hóa dược (dùng thuốc)

Đối với rối loạn giấc ngủ không thực tổn, các thuốc điều trị thường chỉ được chỉ định khi người bệnh có rối loạn hoặc mất ngủ nghiêm trọng, yếu tố tâm lý và cảm xúc không được kiểm soát, làm ảnh hưởng nhiều đến thời gian và chất lượng giấc ngủ.

Tùy thuộc vào rối loạn cụ thể và mức độ nghiêm trọng, những loại thuốc dưới đây có thể được chỉ định:

  • Thuốc giải lo âu, gây ngủ

Chỉ định cho bệnh nhân bị mất ngủ tiên phát, chứng miên hành, hoảng sợ, ác mộng và rối loạn nhịp thức ngủ. Thuốc giải lo âu và gây ngủ có tác dụng an thần, kiểm soát tâm trạng, giảm lo lắng và giúp người bệnh dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

Những loại thường dùng:

    • Aprazolam: Uống 0,25 – 0,5 mg/ lần x 8 giờ / lần. Liều tối đa 4 mg/ngày.
    • Brotizolam: Uống lúc đi ngủ 10 – 30 mg.
    • Clobazam: Uống lúc đi ngủ 10 – 30 mg.

Liều dùng thuốc sẽ tùy thuộc vào tình trạng cụ thể và loại thuốc. Đối với rối loạn nhịp thức ngủ, bệnh nhân chủ yếu được dùng Rivotril 2 mg x 1- 2 mg/ngày hoặc Lexomil 6 mg x 2 – 6 mg/ngày (dùng từng đợt ngắn ngày).

Đối với chứng mất ngủ tiên phát, chứng miên hành, hoảng sợ và ác mộng, thuốc giải lo âu, gây ngủ được sử dụng kết hợp với thuốc an thần thế hệ mới hoặc/ và thuốc chống trầm cảm vào buổi tối để tăng hiệu quả chữa bệnh. Chẳng hạn như Amtriptylin 25 mg x 25 – 100 mg/ngày.

  • Thuốc chống trầm cảm hoạt hóa

Thường được chỉ định cho những bệnh nhân ngủ nhiều không thực tổn, các rối loạn cận miên. Nhóm thuốc này có tác dụng an thần, hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm bằng cách tác động lên chất dẫn truyền thần kinh và giúp người bệnh kích thích cảm xúc.

Những loại thường dùng: Fluoxetin, Stablon, Defanyl, Pertofran, Survector… Thuốc thường được dùng vào buổi sáng, kéo dài 3 – 4 tuần.

Thuốc chống trầm cảm hoạt hóa
Thuốc chống trầm cảm hoạt hóa có tác dụng an thần, thường được chỉ định trong điều trị các rối loạn cận miên
  • Thuốc Modafinil

Thuốc Modafinil thường được chỉ định cho bệnh nhân mắc chứng ngủ rũ, buồn ngủ do tắc nghẽn dẫn đến ngưng thở khi ngủ, hoặc do yếu tố công việc. Thuốc có tác dụng làm giảm tình trạng buồn ngủ.

Modafinil không được chỉ định cho những người bị rối loạn giấc ngủ không thực tổn liên quan đến rối loạn tâm thần, phiền muộn, có ý nghĩ tự tử, hành vi hưng cảm, các bệnh lý ở tim, suy thận hoặc bệnh gan nặng, mang thai.

4. Lối sống lành mạnh

Để tăng hiệu quả điều trị rối loạn giấc ngủ không thực tổn, người bệnh cần xây dựng lối sống lành mạnh.

  • Tập thể dục

Hãy chơi thể thao và tập thể dục mỗi ngày 60 phút. Điều này giúp rèn luyện cơ thể khỏe mạnh, khí huyết lưu thông, giải phóng năng lượng uể oải.

Ngoài ra tập thể dục đều đặn còn giúp kiểm soát căng thẳng, tâm trạng phấn chấn, cải thiện chất lượng và thời gian ngủ. Những bộ môn phù hợp gồm: Cầu lông, đi bộ, đạp xe, bơi lội…

  • Ngồi thiền hoặc yoga

Nếu rối loạn giấc ngủ không thực tổn liên quan đến cảm xúc căng thẳng hoặc lo lắng kéo dài, người bệnh hãy thử ngồi thiền hoặc yoga. Sự tập trung khi luyện tập có thể giúp điều hòa nhịp thở, giải tỏa lo âu và căng thẳng. Đồng thời giúp cải thiện chất lượng và thời gian ngủ.

ĐỌC NGAY: Cách Ngồi Thiền Chữa Bệnh Mất Ngủ Hiệu Quả Nhất

  • Thư giãn

Nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn, không nên làm việc gắng sức, tránh vận động nặng vào buổi tối. Điều này giúp cơ thể được thư giãn và dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.

  • Tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất

Nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh. Đặc biệt nên tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất (vitamin A, B, C, D, E, canxi, kali, kẽm…) từ các loại rau củ, trái cây, đậu, hạt, thịt cá, trứng… Điều này giúp cơ thể khỏe mạnh, cải thiện các rối loạn.

Ngoài ra chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm stress và cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Phòng ngừa rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Những biện pháp dưới đây có thể giảm nguy cơ phát triển các rối loạn giấc ngủ không thực tổn:

Kiểm soát tâm trạng
Kiểm soát tâm trạng, tránh căng thẳng quá mức để phòng ngừa rối loạn giấc ngủ không thực tổn
  • Kiểm soát tâm trạng bằng cách ngồi thiền, giải trí. Tránh căng thẳng quá mức về tâm lý và cảm xúc.
  • Có chế độ nghỉ ngơi và làm việc hợp lý. Tránh tự tạo áp lực hoặc làm việc quá mức.
  • Khắc phục những sang chấn tâm lý cá nhân và stress.
  • Điều trị sớm và dứt điểm những rối loạn tâm sinh.
  • Luyện tập thể dục thể thao một cách đều đặn và khoa học. Nên tập thể dục 60 phút/ ngày, ít nhất 4 buổi/ tuần với những bài tập/ môn thể thao thích hợp (đi bộ, đạp xe, chạy bộ, cầu lông…)
  • Tránh dùng chất kích thích thần kinh trung ương.
  • Thiết lập thời gian thức – ngủ hợp lý và duy trì kế hoạch.

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn có nhiều dạng, chủ yếu xảy ra do yếu tố tâm lý và cảm xúc. Bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và dễ gây biến chứng. Vì vậy, người bệnh cần sớm khám và có phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

THAM KHẢO THÊM

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger