Bệnh Suy Thận Độ 4: Các Biến Chứng Nguy Hiểm Và Điều Trị
Bệnh suy thận độ 4 xảy ra khi suy thận mạn tiến triển đến giai đoạn trung bình – nặng. Trong đó, thận tổn thương và có chức năng suy giảm rõ rệt nhưng chưa hoàn toàn.
Thế nào là bệnh suy thận độ 4?
Bệnh suy thận là tình trạng chức năng thận suy giảm, một hoặc cả hai quả thận đều hoạt động không tốt. Bệnh được phân thành 5 giai đoạn với mức độ từ nhẹ đến nặng.
Bệnh suy thận giai đoạn 4 là tình trạng suy thận ở mức trung bình đến nặng. Trong đó thận của bạn đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể hoạt động hết công suất, độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) nằm trong khoảng 15 – 29.
Bệnh lý này có tổn thương thận không thể phục hồi, dễ chuyển sang suy thận giai đoạn cuối, tiên lượng xấu. Bệnh nhân chủ yếu được yêu cầu lọc máu và áp dụng các biện pháp chăm sóc để làm chậm sự phát triển của bệnh.
ĐỌC NGAY: Suy Thận Độ Mấy Thì Phải Chạy Thận (Lọc Máu)?
Nguyên nhân gây bệnh suy thận độ 4
Bệnh suy thận giai đoạn 4 xảy ra khi bệnh thận mức độ nhẹ (giai đoạn 1, 2, 3) không được phát hiện và điều trị. Suy thận độ 1 và 2 thường khó nhận biết do không có triệu chứng. Bệnh chủ yếu được phát hiện khi tình cờ kiểm tra chức năng thận hoặc có một vài triệu chứng ở giai đoạn 3.
Nguyên nhân gây suy thận mạn gồm:
- Bệnh lý: Suy thận thường liên quan đến những bệnh lý sau:
- Tiểu đường
- Cholesterol cao
- Huyết áp cao
- Những tổn thương và bệnh lý ở thận (bệnh thận đa nang, nhiễm trùng thận, viêm cầu thận…)
- Bệnh mạch máu như hẹp động mạch thận, viêm mạch, hội chứng tán huyết – urê huyết… khiến thận không nhận đủ máu và chất dinh dưỡng, lâu ngày dẫn đến những tổn thương
- Tắc nghẽn dòng nước tiểu: Tắc dòng nước tiểu thường do viêm thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt. Điều này làm tích tụ những chắc cặn bã và độc tố khiến thận bị tổn thương.
- Tác dụng phụ từ thuốc: Việc lạm dụng, dùng liều cao hoặc kéo dài một số loại thuốc có thể gây suy thận. Chẳng hạn như lithium, nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Bệnh thường gặp hơn ở những người có một hoặc nhiều yếu tố dưới đây:
- Trên 65 tuổi
- Thừa cân béo phì
- Hút thuốc lá
- Có cấu trúc thận bất thường
- Tiền sử gia đình có bệnh thận
Triệu chứng và chẩn đoán suy thận độ 4
Ở giai đoạn 4, bệnh suy thận gây ra những triệu chứng dưới đây:
- Thường xuyên mệt mỏi và cảm thấy yếu
- Giữ nước và phù nề
- Đau lưng dưới
- Tăng đi tiểu hoặc đi tiểu ít hơn bình thường
- Nước tiểu sẫm màu hoặc có màu đỏ (tiểu máu)
- Nước tiểu có bọt hoặc sủi bọt
- Ít đói hơn
- Đau bụng hoặc nôn mửa
- Chuột rút cơ bắp
- Khó tập trung
- Da khô và ngứa
- Khó ngủ
- Chuột rút cơ
Bệnh suy thận độ 4 thường được chẩn đoán thông qua tiền sử bệnh và các biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra người bệnh được thực hiện thêm một số xét nghiệm để chắc chắn hơn về tình trạng.
Những xét nghiệm thường được chỉ định trong chẩn đoán gồm:
- Xét nghiệm máu: Được thực hiện để đo nồng độ của những chất thải trong máu và kiểm tra độ lọc cầu thận ước tính (eGFR). Những người bị bệnh thận giai đoạn 4 có eGFR nằm trong khoảng từ 15 đến 29.
- Xét nghiệm nước tiểu: Đo tỷ lệ albumin và creatinine (ACR) thông qua xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra nồng độ protein trong mẫu bệnh phẩm. Ngoài ra bệnh nhân được đo thể tích nước tiểu để đánh giá sự suy giảm chức năng thận.
- Xét nghiệm hình ảnh: Siêu âm thận, chụp CT hoặc MRI được thực hiện để kiểm tra cấu trúc và hình dạng của thận, xác định những bất thường.
- Sinh thiết thận: Đôi khi sinh thiết thận được thực hiện để phân biệt suy thận với những tình trạng nguy hiểm khác.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh suy thận độ 4 thường gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Điều này xảy ra do thận bị suy giảm chức năng, không thể thực hiện những hoạt động bình thường.
Một số biến chứng của bệnh gồm:
- Thiếu máu
- Huyết áp cao
- Biến chứng tim mạch và chuyển hóa, chẳng hạn như viêm màng ngoài tim
- Bệnh lý về xương, chẳng hạn như loạn dưỡng xương, xương yếu và dễ gãy
- Suy dinh dưỡng
- Phản ứng miễn dịch suy yếu và dễ bị nhiễm trùng
- Nhiễm toan chuyển hóa
- Kali và phốt pho cao
- Phù phổi do giữ nước
- Rối loạn cương dương, suy giảm ham muốn tình dục và giảm khả năng sinh sản
- Tổn thương hệ thần kinh trung ương dẫn đến khó tập trung, thay đổi tính cách, co giật
- Suy thận giai đoạn cuối và tử vong
Nhìn chung suy thận giai đoạn 4 có tiên lượng xấu. Bệnh tiến triển nhanh và tử vong khi không được điều trị. Những trường hợp điều trị tích cực và lọc máu có thể sống đến 10 năm.
Tiên lượng và thời gian sống có xu hướng kém hơn theo tuổi tác và giới tính. Cụ thể:
- Tuổi thọ trung bình ở tuổi 40: 9,1 năm ở phụ nữ và 10,4 năm đối với nam giới.
- Tuổi thọ trung bình ở tuổi 60: 6,2 năm ở phụ nữ và 5,6 năm đối với nam giới.
- Tuổi thọ trung bình ở tuổi 40: 3,1 năm ở phụ nữ và 2,5 năm đối với nam giới.
Điều trị bệnh suy thận độ 4
Dưới đây là một số phương pháp được áp dụng trong điều trị bệnh suy thận độ 4:
1. Thuốc
Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị nguyên nhân, ngăn suy thận tiến triển. Những loại thuốc thường được chỉ định gồm:
- Thuốc huyết áp: Thuốc ức chế men chuyển và ARB thường được sử dụng để điều chỉnh huyết áp. Thuốc này cũng có tác dụng làm chậm quá trình tổn thương thận, duy trì hoạt động của thận trong thời gian dài.
- Thuốc điều trị tiểu đường: Thuốc tiểu đường được sử dụng để giữ cho lượng đường trong máu luôn ở mức an toàn. Từ đó ngăn tổn thương thận tiến triển.
- Thuốc lợi tiểu: Thuốc giúp thận loại bỏ nước và muối, từ đó khiến người bệnh đi tiểu nhiều hơn, giảm tình trạng phù nề.
- Thuốc bổ sung canxi và vitamin D: Nhóm thuốc này được dùng để phòng ngừa biến chứng về xương ở bệnh nhân bị suy thận. Bổ sung canxi và vitamin D giúp xương chắc khỏe hơn.
- Thuốc điều trị thiếu máu: Những chất bổ sung sắt hoặc chất kích thích tạo hồng cầu (ESAs) được dùng khi cơ thể không đủ hồng cầu. Thuốc giúp thúc đẩy quá trình tạo hồng cầu, điều trị bệnh thiếu máu và giảm các triệu chứng do bệnh suy thận độ 4.
Trong thời gian điều trị, người bệnh được yêu cầu ngừng sử dụng các thuốc gây hại và làm giảm chức năng thận. Chẳng hạn như NSAID.
2. Lọc máu
Bệnh suy thận độ 4 thường được yêu cầu lọc máu (chạy thận) để kéo dài thời gian sống. Đây là một phương pháp làm sạch máu. Trong đó chất lỏng dư thừa và chất thải trong máu sẽ bị loại bỏ. Điều này giúp giảm áp lực lên thận và ngăn các biến chứng.
Có hai loại lọc máu, bao gồm:
- Chạy thận nhân tạo: Đây là phương pháp lọc máu ngoài cơ thể. Trong đó máu của người bệnh di chuyển ra bộ lọc của máy chạy thận (thận nhân tạo). Thiết bị này làm sạch chất lỏng dư thừa và chất cặn bã. Sau đó máu sạch sẽ được trả về cơ thể. Chạy thận nhân tạo thường được thực hiện vài lần mỗi tuần tại trung tâm.
- Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc): Phương pháp này sử dụng màng bụng làm màng lọc thay cho thận suy yếu. Lọc màng bụng giúp loại bỏ chất chuyển hóa, cặn bã và nước điện giải khỏi cơ thể. Khi thực hiện, ống thông được đặt vào khoang bụng, dung dịch từ túi chảy vào trong và hấp thu chất thải. Sau đó lượng nước dư thừa và chất cặn bã sẽ được ra ngoài. Lọc màng bụng thường được thực hiện tại nhà.
3. Ghép thận
Ghép thận sử dụng một quả thận khỏe mạnh cấy ghép vào bụng dưới, bên trái hoặc phải. Thận mới có thể được lấy từ người chết hoặc người hiến tặng còn sống. Sau khi cấy ghép, nó sẽ tiếp tục thực hiện những chức năng của thận hỏng.
4. Lối sống và chăm sóc
Bệnh nhân bị suy thận độ 4 được khuyên thay đổi lối sống và áp dụng các biện pháp chăm sóc để ngăn tổn thương thêm cho thận.
- Không hút thuốc: Ngừng hút thuốc lá để tránh làm hỏng các động mạch và mạch máu, phòng ngừa đông máu, đau tim và đột quỵ.
- Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Thuốc điều trị suy thận cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để ngăn tổn thương thận tiến triển.
- Tránh dùng thuốc gây hại cho thận: Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng những loại thuốc có thể gây hại cho thận.
- Tập thể dục đều đặn: Duy trì thói quen tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng và các môn thể thao phù hợp với thể trạng để nâng cao sức khỏe, chống mệt mỏi. Chẳng hạn như yoga, đạp xe và đi bộ.
- Chế độ ăn uống phù hợp: Những người bị bệnh thận nên tránh muối, cắt giảm kali và phốt pho; hạn chế chất béo bão hòa và đường tinh chế; không sử dụng rượu. Nên ưu tiên những loại thực phẩm tươi sống, thức ăn lành mạnh và giàu dinh dưỡng như trái cây, rau xanh. Tốt nhất nên tham khảo chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp nhất.
HỮU ÍCH: Thực Đơn Cho Người Suy Thận Độ 4 Tốt Nhất
Phòng ngừa bệnh suy thận độ 4
Bệnh suy thận độ 4 được ngăn ngừa bằng cách sớm phát hiện và điều trị suy giảm chức năng giai đoạn nhẹ. Nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa thận để được chỉ định những phương pháp tốt nhất.
Ngoài ra nên áp dụng những biện pháp phòng ngừa và làm chậm tổn thương thận, cụ thể:
- Giữ lượng đường trong máu và huyết áp luôn ở mức khỏe mạnh.
- Không hút thuốc lá.
- Duy trì cân nặng ở mức an toàn.
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tránh tự ý dùng những loại thuốc có khả năng gây hại cho thận.
- Chơi thể thao hoặc tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Điều này giúp thận và các cơ quan khác hoạt động tốt hơn, duy trì sức khỏe tổng thể, tăng lưu thông máu và ngăn ngừa các nguyên nhân gây suy thận.
- Điều trị những vấn đề sức khỏe có thể gây suy thận.
- Tránh ăn nhiều muối, đường và chất béo kém lành mạnh.
- Ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng và cân bằng. Đặc biệt tăng cường bổ sung các vitamin và khoáng chất có lợi cho thận như vitamin A, B, C, E…
- Uống đủ nước mỗi ngày, khoảng 2 – 2,5 lít nước.
- Tránh căng thẳng quá mức, không lo âu và buồn rầu kéo dài.
- Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
- Kiểm tra thận định kỳ nhằm phát hiện sớm những vấn đề ở thận.
Bệnh suy thận độ 4 là giai đoạn trung bình – nặng của bệnh thận, thận tổn thương và suy giảm chức năng rõ rệt, eGFR nằm trong khoảng 15 – 29. Suy thận giai đoạn này thường gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, tổn thương thận tiến triển nhanh và tăng nguy cơ tử vong. Do đó người bệnh cần sớm khám, điều trị tích cực dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
ĐỪNG BỎ LỠ
- TOP 10 Cách Điều Trị Suy Thận Tại Nhà Đơn Giản, Hiệu Quả
- Suy Thận Có Ăn Được Trứng Không? Bác Sĩ Giải Đáp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!